Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Người sưu tầm danh sách 6.000 liệt sỹ
timnguoithatlac.vn - 06/02/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Ong Thế Huệ bên danh sách liệt sĩ Trung đoàn 88

Sau khi đất nước được giải phóng, ông Ong Thế Huệ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 88, Sư đoàn 308 cũng bắt đầu hành trình đi tìm lại danh sách các liệt sỹ của Trung đoàn đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông cũng là người đầu tiên khởi xướng ý tưởng xây dựng khu lưu niệm truyền thống, tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 88 tại Thái Nguyên.

Sưu tầm danh sách đồng đội...

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà nằm sâu trong ngõ 254, phố Minh Khai (Hà Nội), vị chỉ huy già ở tuổi ngoài 80 mái đầu đã bạc trắng nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn. Lật từng trang tài liệu với khoảng hơn 4.000 danh sách liệt sỹ (trong số hơn 6.000 liệt sỹ) của Trung đoàn 88 mà ông sưu tầm được từ năm 1975 đến nay, ông Ong Thế Huệ cho biết: Là một cựu chiến binh, nhìn thấy nhiều ngôi mộ của đồng đội không có tên, tôi  muốn tìm lại danh sách liệt sỹ đã hy sinh của Trung đoàn 88 để khắc vào bia tưởng niệm chung của Trung đoàn.

Từ đó, năm nào tôi cũng vào Nam để đến các quân khu xin lại danh sách đồng đội. “Hồi chiến tranh, Trung đoàn 88 di chuyển cơ động từ Tây Nguyên đến Đông Nam Bộ. Mỗi chuyến đi, chúng tôi đều gửi lại các quân khu một bản danh sách đồng đội đã hy sinh, một bản khác chúng tôi mang theo. Nhưng trong bom đạn, danh sách ấy thất lạc gần hết, nên giờ tôi phải quay trở lại các quân khu trước đây để xin lại”, ông Huệ nói.

Đến năm 1994, tập thể Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 88 vào cuộc tìm đồng đội cùng ông Ong Thế Huệ. “Chúng tôi trở lại nơi mà ngày còn chiến đấu đã chôn cất đồng đội để hỏi xem mộ của đồng đội có còn ở đó hay đã được mang  đi. Ngày xưa khi chôn đồng đội, chúng tôi đánh dấu đầy đủ xem đã chôn ở ruộng nhà ai, vườn nhà ai. Giờ đi tìm thì nơi còn nơi mất.



Có địa phương ở tận Đồng bằng sông Cửu Long, tôi đến khu vườn tìm thì hàng chục mộ của đồng đội đã không còn, người ta chỉ còn giữ lại danh sách đồng đội đã ngã xuống mà ngày xưa chúng tôi bàn giao cho thôi” - ông Huệ kể.

Tính đến nay, cả Trung đoàn có khoảng trên 6.000 liệt sỹ, thì đến tháng 9-2012, ông Huệ đã sưu tầm được khoảng 90% liệt sỹ trong số đó. Nhờ danh sách này, ông nhớ được kết quả của từng trận đánh, con số thương vong của đơn vị cũng như địa điểm chôn cất đồng đội. Sau khi sưu tầm được, ông cùng đồng đội trong Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 88 lọc ra từng tỉnh, rồi gửi cho các cộng tác viên ở khắp các tỉnh của Ban liên lạc.

Đến nay, ông cùng đồng đội đã xây dựng được lực lượng “liên lạc viên” với thân nhân các liệt sỹ của Trung đoàn 88 ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây (cũ), Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An. Những “liên lạc viên” này đều từng là cán bộ chiến sỹ của Trung đoàn 88.

Xây dựng khu tưởng niệm

Sau khi tìm được danh sách của nhiều đồng đội, ông bắt đầu ý tưởng xây dựng một Khu tưởng niệm liệt sỹ của Trung đoàn 88 ở xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên để khắc bia đồng đội đã hy sinh. Đó là khu lưu niệm truyền thống, tưởng niệm liệt sỹ cấp Trung đoàn đầu tiên và duy nhất hiện nay trên địa bàn cả nước. Từ quy trình xét duyệt dự án, đến thiết kế thi công xây dựng và kinh phí đều do Ban Liên lạc của Trung đoàn 88 tiến hành.


Buổi khánh thành Khu tưởng niệm Trung đoàn 88 tại xã Tân Cương. Ảnh: Tư liệu Trung đoàn 88

Ông tâm sự: “Lúc đầu, chúng tôi rất phân vân vì không biết lấy tiền ở đâu. Chúng tôi quyết định kêu gọi lòng hảo tâm của các cựu chiến binh Trung đoàn 88 ở ngoài Bắc và trong Nam cùng thân nhân các gia đình liệt sỹ của đơn vị, và của toàn xã hội”

“Được UBND xã Tân Cương cấp cho 1.800 m² đất để xây khu tưởng niệm.  Lúc ấy mảnh đất còn hoang vu, người dân đã ra làm giúp mà không đòi hỏi công lao gì. Rồi chúng tôi tiến hành đào hồ. Lúc đầu người ta không muốn đưa máy móc vào đào vì đường sá khó đi, nhưng rồi họ cũng vào vì biết đây là công trình tưởng niệm liệt sỹ. Lúc đó, ông Liên, Giám đốc Công ty san nền tỉnh Thái Nguyên bảo, cứ làm đã, tiền nong tính sau. Mục đích đào hồ để hạ quyết tâm là làm thật chứ không phải làm dở dang...

Đến 1-7-2003, Ban liên lạc Trung đoàn 88 bắt đầu thi công công trình. Sau 6 năm miệt mài vừa thi công, vừa góp tiền, đến ngày 23-7-2009, công trình được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trung đoàn 88. Công trình xây dựng gồm đền Liệt sĩ; nhà bia ghi danh liệt sỹ của Trung đoàn qua các thời kỳ kháng chiến; trụ bia ghi lại thành tích trong các giai đoạn lịch sử chiến đấu của Trung đoàn; giá đặt thanh gươm Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tặng năm 1949; hồ sen, cầu đá... Tổng chi phí cho công trình là 1,2 tỷ đồng. Tất cả đều từ tiền công đức của đồng đội, của xã hội.

“Giờ chúng tôi đã khắc bia được 4.200 liệt sỹ ở Khu lưu niệm của Trung đoàn. Phấn đấu sang năm sẽ khắc đủ 6.000 liệt sỹ của đơn vị, không thể để người được khắc bia, người không được khắc” - ông Huệ kể về dự định trong năm tới.

Lương Bằng

Theo baohaiquan.vn

Các tin khác