Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2012) - Chuyện người đi tìm mộ liệt sĩ (kỳ 2)
Kỳ 2: Ngược về quá khứ Bionet Việt Nam - Ai đó đã nói với tôi: Sống trên đời, dù có buồn, vui, sướng, khổ trong quá khứ cũng nên gác lại để hướng tới tương lai, đó là quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống. Nhưng có một người tôi gặp, lại đi ngược lại dòng chảy quy luật đó, tìm về những kỷ niệm, những chiến trường xưa, với ký ức về những trận đánh, nơi đồng đội hy sinh…. để thực hiện ước nguyện: Đưa đồng đội về với người thân. Ông là cựu chiến binh (CCB) Trần Ngọc Doanh (nguyên chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn đặc công nước 471, Quân khu 5), hiện ở số nhà 39, đường Nguyễn Phước Chu, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

CCB Trần Ngọc Doanh rà soát lại danh sách đồng đội hy sinh

Lời hứa với đồng đội

Giữa những ngày hè oi ả, tôi tìm về nhà CCB Trần Ngọc Doanh để được nghe ông kể về những chuyến vượt rừng tìm đồng đội, những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt và cả những nỗi niềm người sống với các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

Căn nhà cấp bốn 3 gian của gia đình ông Doanh nằm ép mình trên con phố nhỏ ở đường Nguyễn Phước Chu. Từ lâu, đây là địa chỉ tin cậy của biết bao thân nhân liệt sĩ, đặc biệt là thân nhân liệt sĩ của Tiểu đoàn đặc công nước 471, Quân khu 5 lui tới nhờ ông tìm lại phần mộ người thân của mình.

Sinh năm 1950, ở Đông Sơn, Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1968, năm 1971 Trần Ngọc Doanh được điều về Đại đội 3, Tiểu đoàn 471, Quân khu 5, làm chiến sĩ đặc công. Năm 1981, ông Doanh xuất ngũ về làm nhân viên đường sắt. 13 năm trong quân ngũ, ông Doanh đã chứng kiến biết bao đồng của mình ngã xuống trên chiến trường, có trường hợp ông trực tiếp an táng cho đồng đội, có trường hợp ông nghe tin, rồi ghi chép lại vị trí an táng để đến ngày hòa bình sẽ đưa đồng đội về quê hương với người thân, trong số đó có 71 liệt sĩ của Tiểu đoàn đặc công 471. Và theo ông, với những chiến sĩ đặc công, chiến đấu thầm lặng và ngã xuống cũng thầm lặng nên ngay từ ngày ở đơn vị, tất cả đồng đội của ông đều hứa với nhau rằng: Ai còn sống đến ngày hòa bình thì phải đưa đồng đội về với người thân cho dù chỉ là một mẩu xương, một nắm đất…

Ông trở về với cuộc sống đời thường với công việc là nhân viên ngành đường sắt, công tác ở Đà Nẵng. Khi cuộc sống gia đình tạm ổn định, năm 1990, ông cùng với những đồng đội của mình ở tiểu đoàn đặc công, bắt đầu cuộc hành trình đưa đồng đội về với người thân, thực hiện lời hứa năm xưa.

Vậy là kể từ đó, với những cuốn sổ ghi chép quê quán đồng đội, ông lần lượt gửi thư về cho thân nhân các liệt sĩ. Những cánh thư đi thư lại, rồi ông cũng kết nối được với thân nhân đồng đội mình và với chiếc xe đạp cà tàng (nay đã có xe máy), một cuốn sổ ghi sơ đồ, vị trí an táng đồng đội, ông đã cùng với người thân của đồng đội đi về chiến trường xưa đưa hài cốt đồng đội về quê nhà.

Nước mắt ngày hội ngộ

Cho đến bây giờ, CCB Trần Ngọc Doanh cũng không thể nhớ hết mình đã đi bao nhiều chặng đường, gửi bao nhiêu lá thư về cho thân nhân các liệt sĩ, tra cứu bao hồ sơ. Và mỗi khi tìm được đồng đội, ông lại không kìm được những giọt nước mắt khi chứng kiến niềm vui của thân nhân các anh.

Và trong những cuộc hội ngộ vui mà trào nước mắt ấy, ông nhớ nhất, rơi nước mắt nhiều nhất là trường hợp tìm hài cốt liệt sĩ Trịnh Quang Vinh. Ông kể cho tôi nghe về người đồng đội của mình: “Anh Trịnh Quang Vinh khi ấy ở Đại đội 2. Ngày 23-4-1971 anh cùng với các đồng đội của mình nhận nhiệm vụ đánh phá cầu Thủy Tú, Đà Nẵng. Khi ôm thuốc nổ qua sông, chuẩn bị đánh phá thì bị địch phát  hiện. Ngay lập tức, chúng nhả đạn xối xả xuống lòng sông, pháo kích bắn dồn dập, anh Vinh trúng pháo, hy sinh. Khi mặt sông yên tiếng súng, bà con nhân dân an táng anh Vinh ở Cồn Râu”.

Nhưng mấy ai biết được rằng, người liệt sĩ ấy trước khi đi B đã lập gia đình với chị Nguyễn Thị Sinh, cùng quê ở xã Hải Bắc, Hải Hậu, Nam Định. Cuộc tình của hai người chỉ vẻn vẹn có ba ngày quen biết, rồi quyết định đi đến kết hôn khi chị Sinh biết anh Vinh sắp lên đường vào Nam chiến đấu. Làm người yêu ba ngày, làm vợ chỉ một ngày nhưng cả đời nên nghĩa. Ngày đi B, anh đã hứa với chị Sinh rằng: “Anh đi giữ trọn lời thề/ đánh xong giặc Mỹ sẽ về quê hương”. Nào ai ngờ, ngày hòa bình chưa đến chị Sinh đã nuốt nước mắt vào lòng khi nhận được tờ giấy báo tử của anh Vinh. Nhớ lời hứa của chồng trước lúc lên đường, chị Sinh không tin là anh Vinh đã hy sinh, chị gắng gượng ở vậy chờ đợi ngày anh trở về.

Niềm tin ấy vẫn không hề xoay chuyển khi chị Sinh nhận được thư của CCB Trần Ngọc Doanh. Trong suốt hành trình vào Đà Nẵng nhận lại hài cốt chồng, chị Sinh vẫn không một lần rơi nước mắt! Bởi chị vẫn đinh ninh anh Vinh vẫn còn sống và sẽ trở về với chị.

Thế nhưng, khi bác Doanh cùng những đồng đội của mình tiến hành khai quật mộ liệt sĩ Trịnh Quang Vinh, tận mắt thấy hài cốt của anh Vinh, chị Sinh mới òa khóc nức nở mà than rằng:

….Bây giờ em mới chính thức nói lời vĩnh biệt anh. Bởi em vẫn giữ trong tim lời anh hứa trước lúc lên đường. Trong tâm trí, em không nghĩ người lính ra đi sẽ không bao giờ trở lại! Giờ đây, dù chỉ còn một nắm xương tàn nhưng anh sẽ được mãi mãi ở bên em!

Những tiếng khóc than của người vợ bao năm ở vậy chờ chồng đã khiến CCB Trần Ngọc Doanh, cùng các đồng đội và tất cả những ai có mặt trong buổi quy  tập ngày hôm ấy đã không cầm được nước mắt. Họ đã khóc thương đồng đội mình, khóc thương người vợ một lòng thủy chung son sắt! Chính các chị đã nhận hết phần hy sinh về mình, sống chịu đựng, thủy chung để người lính vững tin cầm súng ra chiến trường.

Tấm lòng người lữ khách

Tâm sự với tôi về những chuyến vượt rừng tìm hài cốt đồng đội, ông Doanh nói: “Hầu hết các đồng đội của chúng tôi khi hy sinh đều được an táng trong rừng sâu, bởi vậy cuộc hành trình trở về chiến trường năm xưa cũng khó khăn hơn rất nhiều. Nhiều lần tôi phải cuốc bộ gần một ngày trời, men theo suối, đánh đu dây qua khe núi để tìm đồng đội. Nhiều hôm đi, lương thực mang theo chỉ ít gói lương khô và mì tôm. Ở rừng mấy hôm, ăn hết lương khô, lại chuyển sang mì tôm, nhiều hôm đi mãi không tìm được nguồn nước, chúng tôi khát đến cháy họng. Tìm mãi được một khe suối cạn, đất còn ướt vậy là anh em đào hốc và đợi gần một giờ sau để nước rỉ ra, mới có nước uống và nấu mì ăn”.

Khó khăn mấy cũng vượt qua được, nhất là cuộc hành trình ấy, theo như CCB Trần Ngọc Doanh thì ông và đồng đội luôn nhận được sự hỗ trợ của nhân dân các địa phương khi đến, kể cả người lữ khách qua đường.

Đó là trường hợp đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Lực, quê ở Hạ Bằng, Thạch Thất, Hà Nội, hy sinh trong khi đi trinh sát, trở về quê hương. Ông Doanh kể lại, năm 2001, chị  Nguyễn Thị Nấm (vợ liệt sĩ Lực) cùng con gái quyết định vào đưa anh Lực về quê dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, mấy năm dành dụm, mẹ con chị Nấm cũng không đủ tiền để thuê một chiếc xe riêng đưa hài cốt anh về, đành lòng phải đi xe khách. Tưởng rằng, khi cất bốc xong hài cốt của anh, bỏ kín đáo vào chiếc túi du lịch sẽ không bị nhà xe phát hiện nhưng mọi chuyện đâu được như mẹ con chị tính.

CCB Trần Ngọc Doanh kể lại: “Sau khi cất bốc xong hài cốt anh Lực, tôi đưa chị Nấm ra quốc lộ bắt xe ra Bắc. Một chiếc xe dừng lại, tôi âm thầm tiễn mẹ con chị Nấm lên xe. Xe chuyển bánh thì tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng, chứ thường ngày không có xe khách nào cho hài cốt liệt sĩ lên xe cả. Nhưng vừa nghĩ đến đó thì chiếc xe mới chuyển bánh được khoảng 30m đột ngột dừng lại, ngay lập tức chiếc túi du lịch đựng hài cốt đồng đội tôi bị ném xuống vệ đường. Phản xạ thời chiến khi đồng đội ngã xuống, tôi chạy nhanh lại ôm lấy đồng đội vào lòng nhìn người phụ xe khách mà căm hận. Trên xe, chị Nấm vừa chạy xuống, vừa khóc, tôi nhìn mà ứa nước mắt! Đành an ủi mẹ con chị ngồi nán lại bên quán nước, đợi chuyến xe khác xem thế nào”.

Nhưng ở đời cũng còn nhiều người tốt, ông Doanh kể tiếp: “Chiếc xe ném hài cốt liệt sĩ Lực xuống đi được một đoạn thì vòng trở lại. Từ trên xe, một người phụ nữ chừng ngoài 40 tuổi, chắc là chủ xe bước xuống hỏi rõ sự tình và xin lỗi chúng tôi vì hành động vô phép vừa rồi của người phụ xe. Và cô đề nghị với tấm cả tấm lòng thành xin được đưa anh Lực cùng chị nhà và cháu về tận Hà Nội”.

Chính qua những cuộc hội ngộ đẫm nước mắt ấy, tấm lòng người lữ khách qua đường là động lực thôi thúc CCB Trần Ngọc Doanh tiếp tục lên đường, tiếp tục cuộc hành trình đưa đồng đội về lại quê hương. Chia tay người CCB của Tiểu đoàn đặc công 471 năm xưa, ông Doanh cầm tay tôi nói rằng: “Tôi chỉ cầu mong có thêm sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình, bởi đồng đội tôi còn nằm lại nơi rừng sâu nhiều lắm!”. Và tôi không chỉ cầu chúc cho ông có thêm sức khỏe mà còn chúc ông trong hành trình của mình sẽ gặp được nhiều, nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để đồng đội của ông sớm được trở về quê nhà.

Bài, ảnh: Duy Thành

Theo qdnd.vn

Các tin khác