Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nhân ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn: Bảo tàng giữa đại ngàn Trường Sơn
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

Thăm di tích suối Trạ Ang tại khu Bảo tàng Trường Sơn ngoài trời. Ảnh: Xuân Ba.

Trên đường 20 Quyết Thắng, cách Di tích Hang Tám Cô 3 km của đất Quảng Bình một Bảo tàng về đường Trường Sơn huyền thoại đang được xây dựng. Tôi mạo muội cứ gọi là Bảo tàng Trường Sơn ngoài trời hay Bảo tàng sống của bộ đội Trường Sơn 559 thay vì cái tên được coi là chuẩn Khu Quản lý điều hành và phát huy giá trị hệ thống Di tích đường Hồ Chí Minh nghe cứ trúc trắc khó nhớ thế nào...

Tiêu bản thời máu lửa

Cho đến thời điểm này, cứ phân vân cớ làm sao Đường Trường Sơn- Hồ Chí Minh vẫn chưa được công nhận Di tích Lịch sử đặc biệt? Đã có gần chục di tích quốc gia mang danh hiệu đó?

Cống hiến hy sinh mất mát và đóng góp đến nhường ấy qua 16 năm (1959-1975) bám trụ mở và giữ con đường chiến lược máu lửa. Thử biên ra đây vài con số ít nhiều gây sốc như sau. Hơn hai vạn cán bộ chiến sỹ hy sinh.

Hơn 3 vạn bị thương (chưa kể con số thương vong của TNXP). Khoảng 14.500 lượt các xe máy các loại, 400 khẩu pháo và 90.000 tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy.

Người ta tạm tính, cứ 1.000 tấn hàng đưa vô chiến trường trót lọt qua đường Trường Sơn thì có 57 người bị thương, 21 hy sinh, 25 xe ô tô và 143 tấn hàng bị phá hủy!

...Tôi đang bám gót 3 ông thiếu tướng. Cả 3 vị tướng, đã giành quãng thời gian sung sức và đẹp nhất của đời mình cho con đường Trường Sơn 559. Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nguyên là lái xe Trường Sơn sau đó đảm trách nhiều công tác quan trọng về vận tải của 559.

Và thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng - Anh hùng LLVT, một chiến sĩ Trường Sơn sau này là Tư lệnh Binh đoàn 12, hậu duệ của 559. Cả 3 vị tướng hiện đều là yếu nhân của Hội Truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh.

Có lẽ hơi bị sốt ruột và chăm chắm việc truyền lửa cho thế hệ trẻ về chiến công đường Trường Sơn trong cuộc chiến tranh Vệ quốc mà Bộ Quốc phòng đã giao cho Binh đoàn 12 trọng trách xây dựng một Bảo tàng sống giữa đại ngàn Trường Sơn này?

Bảo tàng đường Hồ Chí Minh đã có tại Ba La - Bông Đỏ (Hà Nội) nơi đại bản doanh của Binh đoàn 12 đứng chân sau năm 1975. Bảo tàng sống hay Bảo tàng ngoài trời này không được có chi tiết nào trùng giẫm với Bảo tàng ở Ba La - Bông Đỏ! Đó là tiêu chí đầu tiên của 14 hạng mục Bảo tàng Trường Sơn ngoài trời.

Du khách và mai hậu có thể tìm thấy ở Bảo tàng như những lát cắt như tiêu bản để soi để đọc một thời bi tráng của dân tộc. Cái mà người coi phải được đã mắt ở đây, ngoài hình ảnh hiện vật và những thông tin qua hệ thống, phương tiện của công nghệ thông tin hiện đại là những thứ thật hoặc tái dựng như thật.

5 trục ngang và 21 trục dọc đường Trường Sơn với hàng vạn cây số ư? Gần 1.000 km đường kín cho xe vận tải Trường Sơn qua mặt được nhiều phương tiện giết người ghê khiếp nhất của Hoa Kỳ? Hoạt động vận tải từ gùi thồ đến cơ giới lật cánh từ Đông sang Tây Trường Sơn?

Huyền thoại về giao liên và công binh Trường Sơn huyền thoại? Về những lán trại của TNXP cùng hầm chữ A? Về hệ thống bếp Hoàng Cầm? Về những bãi giấu xe, giấu quân độc đáo?

Về những vạt rau môn thục tàu bay, rau dớn, củ chụp, củ mài nuôi sống người lính Trường Sơn những năm khốn khó? Rồi cảnh sinh hoạt tắm suối, gây nuôi những giàn phong lan của lính 559 vv... và vv... sẽ có những khúc, những trích đoạn y như thật.

Rồi ATP - Tập đoàn trọng điểm máu lửa, nơi hơn 200 chiến sĩ lái xe bộ đội 559 và TNXP ngã xuống trong trận phong tỏa ATP. ATP là gì vậy? ATP dài 7 cây số gồm 3 trọng điểm liên hoàn là Cua chữ A, ngầm Ta Lê và Đèo Phulanhich nằm ở Tây Nam Quảng Bình và đông nam tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Không có điều kiện đến thì tìm hiểu ATP bằng sa hình cùng hiện vật!

Một thứ như thật nữa là các ma - nơ - canh. Nghe đâu Bộ Quốc phòng đã cử những lính kỹ thuật sang tận Thái Lan học phương pháp chế ma - nơ - canh sống động như chùa Quán Sứ tạo hình Hòa thượng Thích Thanh Tứ vừa rồi?

Tôi dám chắc độ ẩm giữa đại ngàn Trường Sơn miền tây Quảng Bình mùa nực này phải cao lắm để làm nên thứ oi ả đặc biệt khó chịu này? Trên tôi phải dùng từ bám gót bởi cả ba ông tướng, cao tuổi là cụ Võ Sở năm nay 86 còn hai vị kia cũng thất tuần nhưng những sải bước vị nào cũng cứ phăm phăm...

Cũng lạ. Nhiều lần được dự chân với các cựu binh cao tuổi về thăm chiến trường xưa. Tất thảy các bậc cao niên ấy trong chuyến đi đều phấn chấn khỏe mạnh? Cũng nói ngay là ba vị tướng cao niên kia chuyến đi này không phải thăm thú gì mà là họ đi kiểm tra. Các cụ tra xét rất cẩn thận từng hạng mục của Bảo tàng sống với tư cách của những người phụ trách Hội, của tâm huyết và kinh nghiệm của các cựu binh từng can dự, từng tổ chức những sự kiện đã từng làm nên lịch sử của đường Trường Sơn cốt sao cho sống động bắt mắt!

Suối máu


Con suối khá lớn tên Trạ Ang dọc Đường 20 Quyết Thắng đương cuộn chảy kia chừng như là điểm nhấn của Bảo tàng sống Trường Sơn. Ngã ba Trạ Ang này một thời là trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Quân sử còn ghi ngày 29 đến ngày 1/10/1968 thời điểm Mỹ dội bom ngày đêm liên tục xuống trọng điểm.

Đường tắc nghẽn. Một hành động bi tráng, có lẽ chỉ có những năm tháng khốn khó bi thương ấy là hàng trăm bộ đội và TNXP đã gùi và vần thùng phi loại nhẹ ngược Trạ Ang chuyển tới chân hàng Binh trạm 14 thứ xăng quý giá- máu của đường vận tải Trường Sơn. Mong manh thay những chuyến vận tải vận chuyển thứ nhiên liệu quý giá nhưng khủng khiếp đó giữa khói lửa đạn bom.

Đợt vận chuyển 60 phi xăng ngược Trạ Ang hai ngày ấy, con suối trong xanh hiền hòa ngày nào đã trở thành suối lửa suối máu. Một phi xăng trúng bom, lửa tóe lên.

Bầy phản lực phát hiện bu đến. Bom và đạn 12 ly, 20 ly bắn thẳng đã ghim vào những cô gái chàng trai không một thứ vũ khí gì trong tay ấy. 29 chàng trai cô gái hy sinh không toàn thây vì mảnh bom, vì đạn xé nát và cả vì bị xăng thiêu đốt. Người cao tuổi nhất cũng mới 22.

Trạ Ang như một nhân chứng sống động sẽ còn kể với hậu thế bao thông điệp qua những công trình hạng mục của Bảo tàng như vận tải đường sông, ngầm của bộ đội 559.

Cứ lẩn thẩn nghĩ thêm, chủ đạo tính cách lính Trường Sơn là bao dung? Chứ không à? Đường 20 ngoài kia tấp nập khách tham quan Hang Tám Cô. Khó tính đếm những nén hương dâng tặng chiêm bái cái nơi cách đây chỉ non 3km của Hang Tám Cô.

Nhưng nơi hy sinh của 29 chàng trai cô gái ở khúc suối Trạ Ang này 45 năm qua có lẽ chưa ai biết đến? Và tất nhiên cũng chưa được một lần hương khói?

Cái cảm giác rân rân khi tôi chụm tay lên bái vọng... Các anh các chị ơi, mai này rồi đây sẽ hương khói. Muộn còn hơn không. Không có sự tử tế nào là muộn cả.

Thay lời kết

Trọn một trưa một chiều oi ả bươn bả bám gót 3 vị tướng cùng Đoàn công tác của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh qua các hạng mục đang được xây dựng... dở dang! Rằng hay thì thật là hay! Những ý nghĩa, bài học lịch sử như tướng Võ Sở trầm ngâm hồi nãy lịch sử càng lùi xa thì giá trị Trường Sơn dường như càng tỏa sáng.

Phải gọi là dở dang vì toàn bộ công trình đương phải thi công cầm chừng nhỏ giọt bởi thiếu vốn. Cấp trên phê duyệt Dự án tháng Giêng năm 2009 và ấn định hết năm 2012 phải hoàn thành nhưng hiện giờ tất cả các hạng mục mới được gần một... phần ba! Tất cả vẫn là thứ “đầu tiên tiền đâu”?

Cứ phân vân phương án tài chính đảm bảo cho công trình thông đồng bén giọt được ghi rõ trong tờ trình vốn NSTW ( không nằm trong số kinh phí thường xuyên hằng năm cho các công trình văn hóa của Bộ Quốc phòng và vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Chặt chẽ vậy vẫn không tránh được những trục trặc, chậm trễ này khác? Tổng kinh phí gần 300 tỷ cho Bảo tàng sống này. Có đắt quá việc chi tiêu với một công trình lịch sử và tâm linh như thế này không nhỉ?

Gốc cam cổ thụ tày ôm

Bên tôi nhà văn Phạm Hoa, Trưởng Ban Tuyên truyền Thi đua của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đang nói về một hạng mục của Bảo tàng. Đó là hang 7 tầng cách đây 2 km. Hang 7 tầng là hệ thống hậu cứ của Binh trạm 14.

Nhà văn Phạm Hoa những năm máu lửa ấy trong đội hình vận tải sư 571 Bộ đội Trường Sơn với chiếc xe gát 63 sứt sẹo lúc khật khừ như rùa bò lúc ằng ặc rú ga qua các trọng điểm của con đường 20 chết chóc này.

Hổn hển. Người đầm những mồ hôi. Lưng áo dính bết. Sau đợt mổ tim, sức khỏe ông nhà văn này có vẻ xuống tợn thế mà vẫn bươn bả xuôi ngược những chuyến Trường Sơn như thế này. Tôi biết Phạm Hoa đương đau đáu một dự định, một dự án có tên là Công viên Đồi hoa trắng!

Ban sáng, cùng với lãnh đạo Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, Phạm Hoa vừa làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Tôi cũng được dự ké.

Điều ngạc nhiên là tập thể lãnh đạo Tỉnh Quảng Bình đã đồng thuận rất nhanh dự án khá là độc đáo này. Công viên Đồi hoa trắng cũng là nội dung công việc của Hội truyền thống Trường Sơn- Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tập trung công sức trong thời gian tới.

Biên ra thì dài nhưng đại để, tại một địa điểm nào đó của Quảng Bình, có thể là tại khu vực bắt vào Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể là chớm vào Đường 20 Quyết Thắng, hoặc có thể là tại khu vực Bảo tàng ngoài trời này, một khu đồi, một công viên một Đền thờ được xây dựng tuyền màu trắng. Đá trắng.

Các loại cây hoa màu trắng. Sắc trắng chủ đạo lúc tinh khiết lúc rợn người nhằm tôn vinh hàng vạn liệt sĩ Trường Sơn khi nằm xuống vẫn mãi mãi tuổi 18, 20 ấy sẽ gây các hiệu ứng tích cực cho du khách khi tới quan chiêm di sản của tiền nhân trong cuộc chiến tranh Vệ quốc! Sự đồng thuận nhanh chóng của địa phương Quảng Bình cũng toát ngay lên nỗi niềm đau đáu, trân quý của lớp lãnh đạo trẻ với cái nôi Đất lửa Quảng Bình gắn liền với chiến công huyền thoại Bộ đội Trường Sơn.

Là Phạm Hoa đương nói nốt cái hang 7 tầng... Thiên nhiên xảo điệu cùng ưu ái tạo dựng 7 nấc hang để những người lính binh trạm 4 của bộ đội Trường Sơn là chỗ đứng chân cho các kho hàng ngay sát Đường 20 Quyết Thắng...

Phạm Hoa kể lại thời điểm ông đương là Cục Phó Cục tuyên huấn Tổng Cục Chính trị, một lần vào đây khảo sát kiểm tra thực địa, khi ấy sức khỏe cho phép ông còn nối chân đồng đội phăm phăm phát cây vạch lá leo lên các nấc hang.

Lạ lùng có một nấc hang thênh thang đủ cho hơn một ngàn người ngồi khai hội họp hành. Đã nhiều năm ít hoặc không người lai vãng, hang khai hội đã um tùm chờm hờm cây dại vây lấn.

Trên đầu là những đàn dơi thấy có hơi người hoảng hốt chập choạng túa ra. Nhìn kỹ dưới chân vài đôi dép cao su đã mất quai mốc xỉn. Vách hang mờ mờ những vệt chữ hoặc dòng khắc Quyết tâm đánh thắng... Mẹ ơi con nhớ mẹ...

Ấn tượng với Phạm Hoa chuyến đi ấy là một thứ thụ mộc sừng sững ngay lối bắt vào hang. Đó là một cây cam. Cây cam án ngữ trước một ngách hang từng dùng làm bệnh xá cho Binh trạm 14. Gốc cam, nói ít người tin, to tày vòng ôm một người lớn.

Tán cây thì không cao lắm khoảng dăm mét. Đương lúc lỉu những trái to bằng quả chén tống. Không phải cam rừng. Cam nhà và đã thuần chủng đấy! Đứng lặng bên gốc cam cổ thụ, tâm trí Phạm Hoa nhoáng nhoàng ngược về một ngày rất xa nào đó, quả cam nào đó hiếm hoi từ hậu phương may mắn gập gềnh tới được bàn tay người thương binh ở Binh trạm 4 này.

Những hạt cam vô tình ném ra cửa hang ngày ấy may mắn đã trồi lên một nhánh xanh. Năm tháng chiến trường nhoáng nhoàng đạn bom rồi yên hàn, nhánh xanh ấy đã là một vòm xanh. Rồi một vầng xanh. Bao năm rồi, vòm xanh ấy cứ xanh suông không người như thế? Đưa tay lên cái vòm xanh nhưng nhức đó, Phạm Hoa dứt ra một lá.

Cảm giác như cứng, như giòn hơn lá cam nhan nhản vẫn thấy. Ngắm ngó những thùng đạn bỏ quên. Ngó ra phía đường 20 ngày ấy đỏ quạch trơ thếch trần thùi lụi dưới kích cỡ pháo sáng và bom đạn, người lái xe Trường Sơn năm ấy ngó trân trân làn nhựa ứa ra từ chỗ cọng lá vừa rứt tự dưng rân rân cảm giác như thể là máu người?!

Đâm tiếc sức khỏe Phạm Hoa không cho phép và nữa nếu chúng tôi có thời gian thì thể nào cũng phải leo lên bằng được cái hang 7 tầng kia! Khéo khen cho một vòng hơn 31 ha quy hoạch của Bảo tàng Trường Sơn ngoài trời đã không quên ôm trọn hang ấy. Mà còn cây cam nữa chứ? Mà liệu nó có còn? Phạm Hoa cười trước vẻ thảng thốt của một em truyền hình rằng chắc vẫn đó. Ai lên trên ấy mà chặt mà bứng?

Xuân Ba

Theo tienphong.vn

Các tin khác