Thăm gia đình và tưởng nhớ nhà thơ-Liệt sĩ Vũ Đình Văn (Ảnh: Kim Anh/ Vietnam+)
Có một nhà thơ-liệt sĩ mà không chỉ những ai “xuất thân” là dân văn khoa ở Hà Nội, hầu hết người yêu thơ đều biết đến, đều yêu thương anh qua những vần thơ của chính anh và của người "bạn văn" Hoàng Nhuận Cầm, đó là Vũ Đình Văn.
Chàng trai sinh viên văn khoa năm thứ ba-người thơ của cả một thế hệ và nhiều thế hệ sau đó với những câu thơ không thể quên về một thời cả Hà Nội lên đường theo tiếng gọi của chiến trường, ra đi vì miền Nam ruột thịt, ra đi để thống nhất non sông...
Anh đã không bao giờ trở về "căn nhà có mười ba bậc thang" ở phố Lãn Ông, Hà Nội nhưng những vần thơ của Hà Nội thời chống Mỹ cứu nước với những tâm tình lứa đôi có lời ước hẹn thiêng, chung vui buổi thêu cờ ngày khải hoàn…thì còn sống mãi
Nơi thơ vươn mầm và xanh mãi
Đến thăm gia đình liệt sĩ- nhà thơ Vũ Đình Văn, chúng tôi được nghe chị Vũ Kim Dung đọc thơ của anh trai mình, khi trở về cứ nhớ mãi không quên. Chị Dung kể: "Năm nào cũng thế, vào ngày giỗ và 27/7 cả gia đình em lại có mâm cơm ngồi bên nhau nhớ về anh."
Và mỗi lần như vậy, trong các gia đình liệt sĩ lại như càng nao nao hơn. Người ra đi còn mãi mãi tuổi xuân cho dù những người cùng thế hệ đã có thể được gọi là ông, là bà. Thời gian đủ làm phai đi xuân sắc nhưng những kỷ niệm và niềm yêu dành cho những người thân yêu đã hy sinh vì đất nước trong mỗi gia đình đâu có lãng phai.
Mặc dù đã được nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nhắn nhủ trước, nhưng chúng tôi vẫn không ngờ người em gái của liệt sĩ Vũ Đình Văn lại thuộc thơ với nguyên vẹn thương yêu đến se sắt cả lòng về người anh tài hoa của mình như thế.
Khi chúng tôi vừa bước đến bậc cầu thang đầu tiên lên căn gác của số nhà 47 Lãn Ông, chị Dung nói: “Đây chính là chỗ có 13 bậc cầu thang trong thơ anh Văn, nhưng bây giờ đã sửa lại số bậc mất rồi”.
Vậy là những dòng thơ của bài thơ “ Mười ba bậc cầu thang” như âm vang trong tâm trí chúng tôi. Đẹp biết bao tâm hồn một thế hệ tuyệt vời, chỉ những bậc cầu thang đơn sơ mà vào thơ đầy kỳ diệu: “Cái cầu thang hai đứa sang nhau/ Không hiểu sao ngày càng ngắn lại… /Mười ba bậc cầu thang, sang năm/ Mẹ tính đón em về rồi sửa…”
Chúng tôi bên nhau thắp nén nhang tưởng nhớ anh giữa mùi thuốc bắc thơm ngọt. Theo lời kể của chị Dung: Cụ tổ họ Vũ của Vũ Đình Văn có nghề làm thuốc Bắc ở Vụ Bản, đến đời bố chị thì cụ chuyển cả nhà về Hà Nội, tiếp tục làm nghề thuốc, ở phố Lãn Ông. Những bậc thang và không gian thơm mùi thuốc bắc từng là của anh, là nơi nhiều câu thơ đã vươn mầm và xanh mãi.
Tình bạn kỳ lạ với Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm
Hai anh cùng là sinh viên văn khoa, cùng vào chiến trường, cùng làm thơ, cùng quý thơ nhau. Hỏi thăm, viết thư hẹn gặp nhau nhiều lần. Nhưng những nẻo đường chiến tranh không bao giờ theo dự định.
Người về Hà Nội thì người đã vào tuyến lửa.Thế rồi, Vũ Đình Văn hy sinh. Hoàng Nhuận Cầm bàng hoàng làm thơ khóc bạn. Chưa gặp mặt mà đau tận sâu thẳm cõi lòng: "Ngàn sao mình đã kiếm tìm/ Nhưng ngàn sao chỉ im lìm như nhau/ Văn ơi, nằm ở nơi đâu/ Người ta lại hát qua cầu gió bay/ Thôi cho mình thắp nhang này/ Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm."
Họ cùng xuất thân trong một thế hệ đau thương và anh dũng tuyệt vời. Mến tài trọng nghĩa mà nên những câu thơ về tình bạn lạ kỳ. “Duyên kỳ ngộ” hơn nữa là những năm tháng đánh Mỹ, sau khi Vũ Đình Văn hy sinh, bất ngờ Nhà xuất bản Quân đội nhân dân lại xuất bản một tập thơ in chung thơ Vũ Đình Văn và Hoàng Nhuận Cầm.
Chuyện kể rằng: Năm ấy khi anh đang học năm thứ ba khoa Văn, Đại học sư phạm Hà Nội, trước khi đi B, anh trở về cánh đồng Vụ Bản thăm mộ và đắp mộ cho mẹ. Trên tàu từ Nam Định về nhà, anh đã viết một mạch bài thơ: “Lạy mẹ con đi”: "Gió mưa ba nén nhang gầy/ Sáng sương se lạnh nước đầy chân đê …/Ở đây lạnh lắm mẹ ơi / Về đi kẻo ốm mất thôi mẹ à / Ở đây không cửa, không nhà/ Hàng dương cuối bãi tha ma dụi tàn./ …Đồng không con đứng một mình / Mà đời cứ lạnh, mà tình cứ đau."
Chị Dung kể lại: Sau khi anh Văn hy sinh, anh Cầm từ chiến trường về đến thắp hương người ban chưa gặp và anh đã thành một người thân với chúng tôi. Có lần tôi đọc cho anh Cầm nghe bài thơ “ Lạy mẹ con đi” thì ngay hôm sau Cầm đến và tặng tôi bài “Thôi cho mình thắp nhang này/ Khóc Văn nước mắt đã đầy quả tim” ( Bài thơ: Nhớ Vũ Đình Văn) . Đến bây giờ tôi vẫn giữ bản thảo. Bài thơ có những câu: “Mà cây nhang cứ lặng thinh/ Mà Văn khóc mẹ, mà mình khóc Văn/ Thôi con lạy mẹ ngàn lần/ Như anh lạy mẹ trên đồng ngày xưa...”
“Quý lắm em ơi bông hoa ngày đánh Mỹ”…
Thơ Vũ Đình Văn sâu sắc và ấm áp, gần gũi với cuộc sống, thơ anh lắng đọng trong hai chủ đề lớn mà thời ấy người lính rất quan tâm: Chiến tranh và Tình yêu: “Nếu phải chia cho người yêu một nửa/ Thì em ơi, nhận lấy khoảng đời đầu”
Và những câu thơ yêu mang hồn thế hệ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”: “Mùa mưa này có thể anh đi xa/ Em hãy ướp vào thư bông hẹn hò chung thuỷ/ Quý lắm em ơi bông hoa ngày đánh Mỹ/ Hẹn buổi thêu cờ cho hai đứa gặp nhau”
Anh Vũ Đình Văn vào bộ đội tháng 12 năm 1971. Đúng một năm sau khi nhập ngũ, Vũ Đình Văn đã hy sinh khi anh mới 22 tuổi. Đơn vị tên lửa của Vũ Đình Văn quần nhau với lũ B52 Mỹ cho đến gần cuối chiến dịch thì Văn hy sinh. Chị Vũ Kim Dung tâm sự: Mà thật lạ, ngay từ lúc chưa đi bộ đội, “anh Văn nhà này” đã luôn có những câu thơ như cứ như là “điềm” vậy, như có linh tính về cái chết, như điềm gở báo cho số phận của anh.
Như có câu: “Mồ nâu đỏ mấy nén nhang/ Một quầng lửa tím chém ngang vầng trời.” Trong bài thơ “Bốt vàng”, anh Văn làm từ hồi còn học lớp 10 trường Cao Bá Quát có câu:"Kẻ thì chôn những ngày thơ bỏ dở/ Xé nửa đời này đắp nửa đời kia...”
Chia tay chị Dung, tôi không nói được gì. Nắm chặt tay chị, tôi nghĩ thầm: Với thân nhân của các liệt sĩ thì không có lời an ủi nào cho đủ, dường như dễ thành hời hợt và hình thức. Chỉ trong lòng, cứ văng vẳng mãi câu thơ của Hoàng Nhuận Cầm "Thôi cho mình thắp nhang này/Khóc Văn nước mắt đã đầy quả tim..."/.
Nguyễn Anh
Theo Vietnam+