Thượng tướng A. Khiu-pê-nen kể chuyện Chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.
Tri ân những người từng giúp đỡ mình đã trở thành lẽ sống, cũng là nét văn hóa đặc trưng của người Việt cả ngàn đời nay. Vẫn biết rằng, tri ân bao nhiêu cũng không đủ dù người giúp không đòi hỏi, nhưng người Việt vẫn, đã và đang tiếp tục làm. Trong số những bạn bè quốc tế mà chúng ta luôn biết ơn, có hàng nghìn cựu chuyên gia và cố vấn quân sự - những người con ưu tú của các dân tộc và quân đội Xô-viết đã từng được cử sang "chia lửa" với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, nhất là trong Chiến dịch 12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội cách đây đúng 40 năm.
Được tới Mát-xcơ-va tham dự các hoạt động kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, 68 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam và 23 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, do Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại LB Nga tổ chức, lại một lần nữa tôi được "mắt thấy tai nghe" và cảm nhận những tình cảm ấm áp mà người Việt dành cho các cựu chuyên gia Xô-viết nói riêng và dân tộc Nga nói chung. Cũng lại thêm một lần tôi được chứng kiến sự chân tình và trong sáng mà các cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Xô-viết dành cho Quân đội ta, dân tộc ta.
Trong giá rét bất thường của mùa đông nước Nga, hơn 100 cựu chuyên gia, cố vấn quân sự Nga đã từng công tác tại Việt Nam, nay tuổi đã cao, sức đã yếu, có người đi một mình, có người được người thân tháp tùng, cũng lại có người phải chống nạng… nhưng tất cả họ đều háo hức đến dự cuộc gặp mặt - vốn đã trở thành truyền thống, để chào mừng 40 năm chiến thắng của nhân dân Việt Nam, chào mừng QĐND Việt Nam. Sự đón tiếp chu đáo và nồng hậu của Đại sứ Phạm Xuân Sơn, đội ngũ cán bộ, nhân viên sứ quán và Tùy viên Quốc phòng Vũ Văn Xim cùng các sĩ quan, học viên quân sự Việt Nam đang công tác, học tập tại Nga cũng như cộng đồng người Việt tại Nga dường như đã khiến cho cái lạnh của mùa đông xứ Bạch Dương “vơi” đi rất nhiều . Và, qua những lời phát biểu, những câu chuyện dành cho nhau và dành cho thế hệ hôm nay, ký ức về cuộc chiến đấu và chiến thắng của nhân dân ta, quân đội ta với sự trợ giúp chân tình của đội ngũ chuyên gia-cố vấn quân sự Xô-viết trước đây, cứ dần hiện về, như những nét vẽ tuyệt đẹp, tô thắm hơn bức tranh tình cảm Việt-Nga, Nga-Việt.
Các cựu chuyên gia - cố vấn quân sự họp mặt tại Mát-xcơ-va kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Tôi bỗng có cảm giác nghẹn ngào và chợt nhận ra khái niệm khoảng cách bỗng trở thành vô nghĩa khi chứng kiến họ, những chuyên gia - cố vấn quân sự Nga, dân tộc Nga và rộng hơn là những người Xô-viết vui mừng gặp lại nhau, gặp lại những người anh em Việt. Tình cảm ấy đã làm tôi nhớ tới bầu không khí ấm áp của những cuộc gặp hằng năm vào các ngày lễ của Việt Nam, trên đất Việt Nam, với những thầy cô, những người bạn, những chuyên gia - cố vấn quân sự đã từng giúp đỡ đất nước ta, do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng hoặc những cơ quan, đoàn thể, thậm chí cả những cá nhân ở Việt Nam tổ chức. Những cuộc gặp mà tôi đã từng được tham dự trong suốt những năm tháng đã qua, cũng như cuộc gặp này, có lẽ sẽ đi theo tôi mãi suốt cuộc đời.
Dù là có hàng chục, hàng trăm thậm chí là hàng nghìn cuộc gặp như thế, thì chúng vẫn đều có một đặc điểm chung. Ấy là trong khi người Việt luôn bày tỏ lời cảm ơn, ca ngợi các chuyên gia - cố vấn quân sự Xô-viết, thì hầu như không ai trong số các chuyên gia - cố vấn kể công hoặc nhận các chiến công ở Việt Nam thuộc về mình. Với đức tính khiêm tốn, họ chỉ kể những kỷ niệm sâu sắc về các cuộc gặp, làm việc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, cùng sống và chiến đấu bên cạnh bộ đội và những người dân Việt Nam trong thời gian họ có mặt tại Việt Nam. Họ coi những chiến công ấy thuộc về QĐND Việt Nam.
Trong cuộc gặp tại Mát-xcơ-va vừa rồi, khi kể chuyện chiến thắng của Việt Nam cách đây 40 năm, Thượng tướng A-na-tô-li Khiu-pê-nen, nguyên trưởng đoàn chuyên gia - cố vấn quân sự Xô-viết tại Việt Nam từ năm 1972 đến 1975, dường như chỉ nói về sự tàn bạo của quân đội Mỹ, đồng thời hết lời ca ngợi sự thông minh, sáng tạo của lãnh đạo, chỉ huy cũng như đội ngũ sĩ quan, chiến sĩ QĐND Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ông tự hào rằng, vũ khí tối tân khi ấy của Liên Xô đã được trao đúng cho những người biết sử dụng và sử dụng một cách sáng tạo trong một cuộc chiến tranh nhân dân độc đáo vì độc lập dân tộc ở Việt Nam. Ông coi vũ khí tối tân là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người sử dụng loại vũ khí ấy. Ông so Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam với Chiến thắng Xta-lin-grát (Stalingrad) của Liên Xô trước đây, bởi hai chiến thắng này đều mở ra bước ngoặt của hai cuộc chiến tranh, dẫn tới thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và dẫn tới chiến thắng của nhân dân Xô-viết trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại trước đây. Ông cũng thể hiện sự hãnh diện của mình vì đã được sống, chiến đấu với những người anh em Việt Nam trong giai đoạn ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, tại diễn đàn này ông bày tỏ niềm tin sâu sắc rằng, với những gì ông được chứng kiến và hiểu biết về nhân dân và QĐND Việt Nam thì không một thế lực nào có thể giành được chiến thắng khi tiến hành chiến tranh với Việt Nam trên đất nước Việt Nam.
Không chỉ Thượng tướng A.Khiu-pê-nen mà cả ông Cô-le-xníc Nhi-cô-lai Nhi-cô-lai-e-vích, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác tại Việt Nam; ông Vla-đi-mia Bui-a-nốp, Chủ tịch Hội hữu nghị Nga - Việt, hoặc các cựu chuyên gia Ép-ghê-ni Nô-ven-cô, Vla-đi-mia Pê-tơ-rô-vích, Nhi-cô-lai Giơ-va-nốp, Vla-đi-mia Ti-sen-cô và rất nhiều cựu chuyên gia - cố vấn quân sự Xô-viết khác đã lần lượt được thể hiện sự khâm phục của mình đối với nhân dân và QĐND Việt Nam. Họ luôn ghi nhận “sự không quên” mà các thế hệ lãnh đạo đất nước, Bộ Quốc phòng hay các tổ chức, đoàn thể của Việt Nam trân trọng dành cho sự giúp đỡ của nhân dân và quân đội Xô-viết trước đây đối với Việt Nam. Họ vui mừng vì được chứng kiến sự phát triển đến kinh ngạc của Việt Nam ngày nay sau mỗi lần thăm lại chiến trường "chia lửa" xưa. Họ coi việc họ được đóng góp tuổi thanh xuân của mình cho nhân dân Việt Nam chỉ là những viên gạch nhỏ xây đắp tình hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai dân tộc ngày nay.
Nhân dân Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác mãi mãi biết ơn Liên Xô và LB Nga, trong đó có các cựu cố vấn và chuyên gia - những người với tinh thần của chủ nghĩa quốc tế trong sáng đã không tiếc tuổi xuân, không sợ hy sinh gian khổ, đã chiến đấu và không ít trong số họ đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc Việt Nam như của chính dân tộc mình. Việt Nam mãi luôn trân trọng những sự hy sinh và giúp đỡ đó, mỗi một lần nhớ tới, sẽ thêm một lần cảm tạ.
Bài và ảnh: KIM TÔN
Theo qdnd.vn