Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
“Như anh đã trở về!”
timnguoithatlac.vn - 28/11/2012 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin về liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu??? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.


 

 

 

 

Gia đình xúc động khi nhận kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương

Sau hàng chục năm lưu lạc trên đất Mỹ, sáng hôm qua (22-9), kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương đã được Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao trả về với gia đình trong một buổi lễ trang trọng và xúc động tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. “Như anh đã trở về với chúng tôi”, ông Nguyễn Văn Tài, em trai liệt sĩ, đã bật khóc khi nhận kỷ vật của người anh...

Niềm vinh dự không gì so sánh

Dù còn non tiếng nữa mới diễn ra buổi lễ, nhưng khu vực sân và hội trường Ủy ban nhân dân xã Liên Hòa đã chật kín người. Ngoài thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương còn có bà con lối xóm, bạn bè và những đồng đội một thời cùng chiến đấu với ông Đương. Bỏ mặc cái nắng chói chang và những con đường đất bụi mù, họ đến từ sớm và kiên nhẫn đợi từng phút để được nhìn tận mắt kỷ vật của người chồng, người cha và người bạn mình.

Kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là Bằng khen của Bộ chỉ huy Phân khu 4 tặng đồng chí Nguyễn Văn Đương ngày 30-12-1969. Ngày 29-5-2012, một người ký tên là Người bạn của nhân dân Việt Nam đã gửi nó cho Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường. Trong bức thư vẻn vẹn có 3 dòng viết bằng tiếng Anh, người gửi đã “Trân trọng nhờ Đại sứ Nguyễn Quốc Cường chuyển nó về cho ông Nguyễn Văn Đương hoặc gia đình của ông Đương ở Việt Nam”. Ngày 12-6, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường đã chuyển cho Phòng Tùy viên quốc phòng bức thư đó và Bằng khen của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương.

Sau nhiều lần chắp nối các đầu mối, Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã tìm được thân nhân của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương để trao trả kỷ vật.

Khi Đại tá Hà Minh Phương, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trao kỷ vật của liệt sĩ Đương cho vợ và con của ông, những tiếng khóc nối tiếp nhau bật ra, như thể chỉ chờ đến giây phút ấy. Trong đôi mắt mờ đục vì năm tháng của bà Nguyễn Thị An-vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Đương-không có nước mắt, nhưng tiếng nấc nghẹn ngào “ông ơi” của bà đủ làm thắt lòng những ai có mặt ở đó.

Nén xúc động, bà An thì thào như tự kể chuyện với mình. Ngày chồng nhập ngũ, đứa con lớn mới có 9 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 7 tháng tuổi, còn ẵm trên tay. Hơn 40 năm đằng đẵng, kể từ ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Đương lên đường chiến đấu vì Tổ quốc rồi hy sinh, một mình bà sớm tối bươn trải với nắng mưa, nuôi 4 người con khôn lớn. Liệt sĩ Đương hy sinh cách đây ngót ngét 40 năm, nên ngay cả những người thân thuộc nhất của ông cũng chưa bao giờ mường tượng về sự tồn tại của kỷ vật đó. Khi được tận tay cầm chiếc bằng khen, bà An mới biết rằng, vẫn còn một phần của ông lưu lại sau bao năm chiến tranh. Giữa trưa hè nắng gắt, hình ảnh bà An ôm chặt kỷ vật của chồng như khắc vào lòng những người chứng kiến một nỗi niềm không thể tả thành lời.

Anh Nguyễn Văn Tiến-con trai của liệt sĩ đã bật khóc khi nhận lại những kỷ vật của cha mình. Khi cha nhập ngũ, anh Tiến mới được 7 tháng tuổi. “Khi bố mất, tôi mới mấy tuổi, không hình dung được cha mình là người như thế nào. Qua tấm bằng khen, phần nào tôi hiểu thêm về sự hy sinh phấn đấu của cha vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, làm rạng danh cho gia đình và quê hương”, anh Tiến nói trong nghẹn ngào.

Còn chị Nguyễn Thị Phượng, con thứ 2 của liệt sĩ Đương vẫn nhớ như in hình ảnh bố dứt áo ra đi. Lúc đó chị Phượng đã 7 tuổi. Thấy bố đi, chị òa lên khóc. “Bố tôi cũng rưng rưng nước mắt. Nhưng ông bảo ông ngoại bế tôi đi để ông lên đường hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, với quê hương”, giọng chị Phượng khàn đi vì xúc động. Chị nói, chị vô cùng tự hào vì có một người cha như thế. Chiến tranh vốn là mất mát, không ai tránh được, nhưng bố chị đã để lại được cho mẹ con chị một niềm vinh dự không gì so sánh được.

Mong đưa anh về với quê hương

Liệt sĩ Nguyễn Văn Đương sinh năm 1935, quê tại xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông nhập ngũ năm 1965. Trong trí nhớ của ông Đặng Văn Long (xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) - một đồng đội cùng chiến đấu, thì liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là người hòa nhã, thân thiện và dũng cảm. Có củ sắn, củ khoai hay mớ rau rừng cũng chia cho anh em, dù phần mình chẳng còn là bao.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Đương là tiểu đội trưởng thuộc đơn vị D6, phụ trách nhu yếu phẩm. Ngày 25-7-1971, trên đường đi rút gạo ở ấp Phước Nguyên thuộc chiến trường Phân khu 4 trước đây, ông bị địch phục kích và hy sinh. Khi nhận được tin người bạn hy sinh, ông Long đã chết lặng. Và khi về thăm nhà liệt sĩ Đương vào năm 1974, ông đã không dám đối mặt với bà An–vợ liệt sĩ, vì chưa có giấy báo tử. Đi đi về về mấy bận, sau khi có giấy báo tử, ông Long mới dám đến báo tin.

Bằng khen của liệt sĩ Nguyên Văn Đương là một trong rất nhiều kỷ vật do người nước ngoài, đặc biệt là các cựu binh Mỹ (CCB) từng tham chiến ở Việt Nam tặng Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Tháng 8-2001, Thô-mát Xmít (Thomas Smith)-CCB đầu tiên trao tặng kỷ vật-một lá cờ Đảng - đã nói: “Người lính Việt Nam không sợ chết và dường như không nghĩ đến cái chết... Tôi nghĩ anh ấy đã về nhà... Tôi trở thành người tốt hơn nhờ anh ấy, anh thực sự là người bạn vô hình của tôi”.

Rồi tập nhật ký bằng tranh của họa sĩ Lê Đức Tuấn gồm những ký họa thời chiến từng lưu lạc suốt 41 năm ở nửa bên kia trái đất, hay lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do CCB Pa-trích Mắc Ma-kin (Patrick McMakin) gửi tặng, với mong muốn “để công chúng chiêm ngưỡng và qua đó thấy được những gian khổ của cuộc chiến tranh”. Mới đây nhất là cuốn nhật ký của liệt sĩ Vũ Đình Đoàn được cựu binh Mỹ Phrây-giơ (Frazure) trao tặng với lời nhắn gửi tới người Việt Nam tất cả sự tôn trọng…

Những kỷ vật mà họ giữ từ khi tham chiến, qua nhiều chục năm, đã góp phần xóa đi lòng hận thù và sự ám ảnh của bom đạn. Người gửi kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương cho gia đình ông đã giấu đi tên thật cũng như những gì liên quan đến cá nhân. Đó có thể là một người bình thường, hoặc là một cựu binh Mỹ. Nhưng, cho dù là ai đi nữa, họ đã ký tên là “Một người bạn của nhân dân Việt Nam”. Điều đó đủ để thấy rằng, sau những mất mát của chiến tranh và rất nhiều cay đắng của lịch sử, cuối cùng sẽ là hòa giải, sự yên bình và trân trọng. Và những kỷ vật ấy, là những cây cầu bắc qua thù hận.

Điều nuối tiếc duy nhất là hiện nay, phần mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Đương vẫn chưa được tìm thấy. Người viết bài này, cũng như thân nhân và đồng đội của liệt sĩ, mong muốn rằng, sự kiện này sẽ được biết đến một cách rộng rãi và qua đó sẽ có thêm thông tin về nơi liệt sĩ nằm xuống, ngõ hầu gia đình có thể đưa ông về với quê hương.

Bài và ảnh: Thu Trang

Theo qdnd.vn

Các tin khác