Chàng ca sĩ Randy đã miệt mài tìm mẹ suốt hơn 20 năm
Dù là rapper nổi tiếng hay kiện tướng thế giới, họ vẫn luôn đau đáu tìm về nguồn cội của mình, nơi đã cho họ dòng máu Việt chảy trong người.
Rapper người Mỹ gốc Việt tìm mẹ suốt 20 năm
Randy là một ca sĩ nổi tiếng người Mỹ gốc Việt. Ngay từ nhỏ, anh đã biết tên mình là Trần Quốc Tuấn. Anh được các sơ của cô nhi viện nuôi dưỡng, sau đó được nhận làm con nuôi.
Đến năm 1983, khi nghe tin Chính phủ Mỹ có chính sách cho những gia đình nuôi con lai Mỹ ở Việt Nam nhập cư. Một gia đình người Hoa ở Hội An muốn nhập cư Mỹ nên đề nghị mẹ nuôi giao anh cho họ nhận làm con nuôi. Đổi lại, họ trao cho mẹ nuôi anh 3 cây vàng. Người mẹ mất liên lạc với đứa con của mình từ khi ấy; còn cậu bé Randy sau này lại được chuyển làm con nuôi trong một gia đình gốc Hoa với mục đích giúp nhà cha mẹ nuôi cùng xuất cảnh sang Mỹ theo diện con lai. Khi đã sang được Mỹ, trái với hy vọng, cuộc sống của chàng trai gặp rất nhiều khó khăn gian khổ. Dòng đời đưa đẩy, Randy bén duyên với âm nhạc, nổi tiếng dần trong cộng đồng người Việt tại Mỹ.
Anh đi diễn khắp các cộng đồng người Việt trên thế giới. Mỗi lần hát xong, anh luôn nhắn nhủ lời tìm mẹ với khán giả. 'Điều tôi cần duy nhất trong đời này là chính thức một lần gặp mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà', anh tự nhủ.
Randy gặp mặt một người phụ nữ cũng bị thất lạc con
Randy đã trở về Việt Nam nhiều lần và gặp một số bà mẹ bị thất lạc con nhưng vẫn chưa tìm thấy người mẹ ruột của mình. Dù vậy, Randy đã cảm nhận được tình yêu từ những người đồng bào mà anh mang trong mình nửa dòng máu.
Chàng trai Đức thổn thức tìm cha
Stephan Neubauer, một người Đức gốc Việt đã đăng lên mạng câu chuyện của mình để tìm kiếm người cha Việt Nam. “Tôi là người Đức đang tha thiết tìm lại được bố đẻ của tôi là một người Việt Nam. Tôi tên gọi Stephan; tên họ là Neubauer – tôi mang họ mẹ người Đức. Tôi được sinh ra năm 1982 tại thành phố Jena vùng Thueringen nước Đức, thời đó thuộc Đông Đức. Vì nhiều trắc trở, mẹ tôi không nuôi được tôi, trao tôi cho bà ngoại tôi nuôi từ khi tôi mới một tuổi. Bố tôi là một người Việt Nam.
Theo bà ngoại tôi kể lại, bố tôi thương tôi, muốn được nuôi tôi và mang về Việt Nam nuôi, nhưng ông đã không thể ra chính quyền nhận là bố đẻ ra tôi. Thời đó người Việt Nam không được phép yêu và có con với người Đức. Ai làm những việc đó bị đuổi học, đuổi làm và phải trở về Việt Nam ngay lập tức. Bố tôi kết thúc thời gian học tập và làm việc của ông tại Cộng hòa Dân chủ Đức năm 1984, rồi rời Đức về Việt Nam. Từ đó cho tới hôm nay không ai có thể liên lạc được với ông nữa.
Nay tôi gửi tin này tới các cơ quan truyền thông Việt Nam, xin các vị đăng tải rộng, may ra cha tôi đọc được và hồi âm cho tôi. Trong trường hợp xấu nhất, ông không còn sống nữa, tôi mong ai biết ông lúc sinh thời, tạo điều kiện cho tôi trao đổi để tôi tìm hiểu về cha tôi.
Mong muốn duy nhất của anh là tìm được thông tin về cha. Anh viết thổn thức: 'Nếu vì gia đình, con cái ở Việt Nam mà bố không muốn lập lại quan hệ với con, con hoàn toàn tôn trọng và chấp nhận điều này như một điều dễ hiểu, không có gì xấu xa. Chỉ cần bố lên tiếng cho biết để con chấm dứt cuộc đi tìm bố từ nhiều năm nay'.
Bức hình người cha duy nhất mà anh Stephan còn giữ
Stephan không rõ bố tên là Trần Sang Sửu hay Trần Say Sửu hay Trần Duy Sửu. Anh cũng không rõ ngày tháng năm sinh của bố là ngày 28/4 hoặc 28/8, năm 1953 hoặc 1954. Bố anh học nghề và làm việc từ 1978 tới 1984 tại nhà máy VEB Carl Zeiss Jena, Xưởng Goeschwitz, ngành quang học chính xác (Optik).
"Hồi ở ký túc xá, bố tôi ở cùng một người Việt Nam tên là Dong (Đồng, Đông, Đổng, Dóng, Dòng…?). Hình như bố tôi có một người anh ruột đã học đại học hay cao đẳng tại thành phố Erfurt, CHDC Đức" anh viết.
Stephan để lại những dòng địa chỉ của mình:
- Stephan Neubauer, Telefon: 0049-17641101544
- Email: franzi_stephan@gmx.de
- Facebook: facebook.com/stephan.neubauer.581
Kiện tướng bóng ném người Đức hội ngộ người cha Việt
Năm 2011, Franziska Garcia – một kiện tướng trong đội tuyển bóng ném quốc gia ở Bayern, Đức đã gửi thư đến Thời báo Việt Đức với mong muốn tìm được cha ruột.
Franziska Garcia
“Tôi tên là Franziska Garcia Almendaris, 27 tuổi, xưa kia sống ở Guben, tiểu bang Brandenburg, sau này chuyển tới Leverkusen. Cha đẻ tôi là người Việt. Trước đây tôi không hề biết gì về cha, kể cả ảnh cũng như tin tức. Cứ mỗi lần hỏi, mẹ tôi lại trả lời đơn giản, cha phải trở về Việt Nam. Năm nay, tôi 27 tuổi và đang cố gắng làm cho mình một giấy khai sinh với tên tuổi đúng người cha Việt của tôi, bởi tôi rất mong mỏi gặp mặt cha của mình. Liệu toà soạn có thể giúp tôi được không?”, lá thư viết.
Cuộc đoàn tụ của cô gái Đức với cha và ông
Sau hơn 1 năm tìm kiếm, cô đã được đoàn tụ cùng người cha và gia đình ở Việt Nam của mình.
Hải Anh (tổng hợp)
Theo nguoiduatin.vn