Chantal Doecke thuở bé. Ảnh: ABC
Chantal nằm trong số gần 300 trẻ em Việt Nam có mặt trên chuyến bay rời Sài Gòn sang Australia ngày 5/4/1975.
"Tôi được đặt trong một chiếc hộp đựng giày, giống như hầu hết những đứa trẻ khác", Doecke nói. "Rõ ràng đó là một lựa chọn dễ dàng và an toàn".
Được một đôi vợ chồng ở Australia nhận nuôi, Chantal cho hay cô chưa bao giờ suy nghĩ gì nhiều về gốc gác của mình, cho đến khi cô làm mẹ.
"Tôi đứng trước gương và ôm con bé, tôi nhìn con bé và nhìn mình. Tôi nghĩ 'ồ, nó trông giống mình làm sao' ", Chantal kể. "Nhưng sau đó tôi tự hỏi thế mình giống ai. Điều đó bắt đầu khiến tôi bối rối".
Chantal đã đi tìm bố mẹ đẻ của mình nhiều năm nay nhưng không thành.
"Thậm chí đến nay, tôi đã 40 tuổi rồi và vẫn không ngừng cố gắng để thay đổi ngoại hình của mình", cô nói. "Không phải tôi xấu hổ là người Việt Nam hay trông tôi khác biệt với mọi người, tôi chỉ nghĩ đó là cá tính của mình".
Chantal Doecke sẽ quay lại Việt Nam tháng này. Ảnh: ABC
Trong những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam năm 1975, Chiến dịch Không vận trẻ em của Mỹ đã đưa khoảng 3.000 trẻ em rời khỏi Sài Gòn. Các em được đưa đi từ các trại trẻ và bệnh viện, đến các nước trên khắp thế giới. Khoảng 300 em được các gia đình ở Australia nhận nuôi.
Tháng này, Chantal dự định quay lại TP. Hồ Chí Minh để tham dự một cuộc họp mặt với những đứa trẻ đồng cảnh ngộ 40 năm trước. Nhiều người trong số đó từ lâu đã đi tìm gốc gác của mình. Một số người đã cung cấp mẫu ADN để nhờ giúp đỡ.
Sue Yen Byland, ở thành phố Perth, Australia, cũng đã tìm kiếm bố mẹ ruột suốt 9 năm. Cô nói mẹ mình là người Việt, còn cha cô có thể là một cựu binh Mỹ.
"Tôi cảm thấy mình đã nỗ lực hết sức để người sinh ra tôi biết rằng tôi đang tìm bà ấy", Byland nói. Cô cũng sẽ tham dự buổi họp mặt sắp tới ở TP.Hồ Chí Minh.
Không phải ai cũng may mắn như Tricia Houston, một phụ nữ Mỹ. Qua mẫu DNA, cô biết rằng cha mẹ đẻ mình đều là người Việt Nam.
Cô tìm thấy cha khi đọc được một câu chuyện trên Facebook. Một người đàn ông cho hay ông đã tìm kiếm con gái suốt 38 năm.
"Người đàn ông đó trông thực sự rất buồn và có vẻ như ông ấy đã đi tìm con suốt cả cuộc đời mình", Houston nói.
Tricia Houston. Ảnh: ABC
Kết quả xét nghiệm ADN đã kết nối hai cha con. Houston dự định về Việt Nam tháng này để gặp cha lần đầu tiên.
"Tôi hy vọng câu chuyện này sẽ tiếp thêm nguồn hy vọng cho mọi người rằng họ vẫn có thể tìm lại được gia đình ruột thịt của mình", cô nói.
Tại Mỹ, một cơ sở dữ liệu ADN có thể giúp nhiều người con nuôi tìm thấy cha mẹ ruột. Hàng nghìn người cũng đã tìm thấy bà con thân thích. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu ADN này không có ở Australia.
Anh Ngọc
Nguồn: vnexpress