Ba liệt sĩ DK1 đầu tiên
Tàu hải quân tiếp cận Nhà giàn DK1 trong bạt ngàn sóng gió. ảnh: Mai Thắng
Ba liệt sĩ đầu tiên của Nhà giàn DK1 là Trung úy Nguyễn Hữu Quảng, Y sĩ Trần Văn Là, và chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền, hi sinh trong cơn bão đêm ngày 4/12/1990 trên Nhà giàn Phúc Tần 3. Câu chuyện bi tráng này được thiếu tá Bùi Xuân Bổng, nguyên chỉ huy Nhà giàn Phúc Tần ngày ấy kể lại trong xúc động dâng tràn.
Chiều ngày 4 tháng 12 năm 1990, cơn bão số 6 tràn vào khu vực biển DK1. Chừng 3 giờ chiều, anh em phát hiện thời tiết khác thường. Mây từ đâu vần vũ kéo về đan che kín bầu trời, chẳng mấy chốc đen kịt như đêm đen. Sóng gió bắt đầu nổi lên dữ dội. Lúc đó phương tiện nghe dự báo bão duy nhất là chiếc đài bán dẫn cũ, chập chờn vì mất sóng. Trên Nhà giàn Phúc Tần 3 lúc đó có 8 cán bộ chiến sĩ là thượng úy Bùi Xuân Bổng (chỉ huy trưởng), trung úy Nguyễn Hữu Quảng (Phó chính trị), quân y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền, chiến sĩ báo vụ 2 Hồ Thế Công, chiến sĩ báo vụ 1 Nguyễn Văn Báu, chiến sĩ cơ yếu Nguyễn Văn Quỳnh, chiến sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Trung. “Biết Nhà giàn khó lòng trụ vững trước những đợt sóng hung dữ, tôi đã bàn với chú Quảng động viên anh em và sẵn sàng đối phó, chuẩn bị đầy đủ áo phao, thuốc quân y, lương khô rời nhà nếu nhà đổ”, Thượng úy Bổng cho biết.
Sóng mỗi lúc một to. Lúc 20 giờ ngày 4/12/1990, một con sóng mạnh đã đánh bật tung sàn nhà ở. Những tấm gỗ mặt sàn tung tóe trôi trong nước. Nhà giàn bắt đầu ngả nghiêng theo từng đợt sóng. Những cơn sóng lừng lững như vách núi liên tiếp đổ ập vào nhà, lên tận sân thượng. Thượng úy Bổng bình tĩnh vào kho tìm áo phao thì chỉ thấy 5 chiếc lành lặn, 3 chiếc khác đã bục rách, trong khi đó có 8 người. Chiếc phao cứu sinh bằng cao su đời cũ thủng nhiều chỗ do tự hủy vì thời tiết khắc nghiệt không thể sử dụng. Làm cách nào để sống đây nếu nhà giàn đổ? Giữa tình huống nguy kịch ấy, tám anh em đã lấy dây thừng kết những tấm gỗ lại với nhau thành một chiếc bè, để nếu Nhà giàn đổ thì bám vào đó chống chọi rồi chờ tàu đến cứu.
Chị Lê Thị Tính (đứng giữa), vợ của liệt sĩ Trần Văn Là và con gái Lê Thị Duyên tiếp nhận quà của tiểu đoàn DK1 trao tặng. Ảnh: Thế Dĩnh
Không trụ được những đợt sóng hung dữ, lúc 2 giờ sáng ngày 5/12/1990, Nhà giàn Phúc Tần A bị nhấn chìm trong bão tố. 8 cán bộ chiến sĩ bám vào mảng phao bè tự chế, vừa chống chọi với sóng dữ, vừa động viên nhau cố gắng giữ sức bám chặt phao. Sóng điên cuồng xé chiếc phao bè tự chế tan tác từng mảnh. Giữa đêm tối mịt mùng và ngâm trong nước biển giá lạnh, trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường lại chiếc can nhựa và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi bị sóng cuốn đi. Ngay sau đó, Y sĩ Trần Văn Là, nhân viên cơ điện Hồ Văn Hiền cũng bị sóng nhấn chìm. 5 cán bộ chiến sĩ còn lại là thượng úy Bùi Xuân Bổng, chiến sĩ báo vụ 2 Hồ Thế Công, chiến sĩ báo vụ 1 Nguyễn Văn Báu, chiến sĩ cơ yếu Nguyễn Văn Quỳnh, chiến sĩ pháo thủ Nguyễn Văn Trung bám vào mảnh gỗ, can nhựa và thùng phuy, được tàu HQ-711 cứu vớt sau 15 giờ chống chọi với sóng gió. Ba cán bộ chiến sĩ hi sinh tại vùng biển Nhà giàn Phúc Tần 3 là trung úy Nguyễn Hữu Quảng, y sĩ Trần Văn Là, chiến sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền. Đây là ba liệt sĩ đầu tiên của DK1.
Nghĩa trang xanh
Gọi là “nghĩa trang xanh”, bởi 9 liệt sĩ DK1 hi sinh trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc trong nhiệm vụ bảo vệ Nhà giàn DK1 đều tuổi 19 thanh xuân. Có người ra đi chưa kịp yêu người con gái, có người mãi mãi nằm lại ngàn khơi khi tuổi đời vừa chớm 30. Tất cả 9 liệt sĩ hi sinh ở DK1 đều không có phần mộ như ở đất liền, mà mộ các anh là những ngọn sóng bạc đầu, là nhành san hô nằm tận lòng biển sâu.
Sự kiện Nhà giàn Phúc Tần 3 bị đổ tháng 12/1990 chưa nguôi ngoai đối với cán bộ chiến sĩ các Nhà giàn khác, thì đúng một tháng sau - ngày 4/1/1991, tức ngày 23 tháng chạp, tàu HQ-666 do đại úy Hoàng Văn Tuyên làm thuyền trưởng trực ở bãi cạn Tư Chính Nhà giàn 1B, đã bị nhấn chìm sau những đợt sóng dữ. Trong cơn bão này, hai chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại biển sâu, đó là thượng úy, thuyền phó Phạm Tảo và máy trưởng trung úy Lê Tiến Cường.
Trong khi liệt sĩ Nguyễn Hữu Quảng để lại sự thảng thốt ngỡ ngàng cho người vợ mới đính hôn với lời hẹn ước sau chuyến đi biển ấy về sẽ làm lễ cưới, thì chiến sĩ Hồ Văn Hiền ngã vào lòng biển khi tuổi đời chớm 22, liệt sĩ Phạm Tảo ra đi để lại bố mẹ già ở Quảng Trạch, Quảng Bình không nơi nương tựa, duy nhất liệt sĩ Trần Văn Là để lại đứa con gái chưa đầy 2 năm tuổi và người vợ hiền ở quê nhà - thị trấn Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh (Quảng trị). Thời gian rồi sẽ xoa dịu đi những mất mát thương đau, nhưng thiên tai làm sao lường trước được. Đây đó ở quê nhà, người vợ, người mẹ, người em của những người lính nhà giàn vẫn luôn dõi mắt ra biển khơi với bao nỗi lo toan. Thời gian có thể làm cho họ thêm già nua, thay đổi, nhưng nỗi đau, tình thương về người thân thì vẫn nguyên vẹn như mới hôm qua.
Nhân dịp ngày 27/7 năm nay, tiểu đoàn DK1 phối hợp với báo Thanh Niên cùng Công ty Thực phẩm Á Châu đã về Quảng Trị tặng quà cho vợ, con liệt sĩ Trần Văn Là. Khi được báo có đơn vị đến thăm, mẹ con chị Tính cả tuần không ngủ, phần nhớ thương chồng khi ký ức tràn về, phần mong chờ tin phần mộ của chồng. Câu đầu tiên chị hỏi khi gặp chúng tôi “các anh có tìm thấy xương cốt của anh Là không?” rồi chị bật khóc. Chị Tính kể, lúc anh Là nằm lại biển sâu, chị mới hơn 30 tuổi còn bé Duyên vừa chào đời được 2 năm. “Anh Là nhập ngũ năm 1977 thì đến năm 1990 xảy ra chuyện. Trước khi mất 1 năm, anh Là có về phép mấy ngày, sửa lại cho mẹ con nhà rồi lại đi. Tôi có ngờ đâu đó là lần gặp cuối” - chị nói. Thương con, chị ở vậy thờ chồng và người dân làng biển này đã quá quen với hình ảnh hai mẹ con chị sống nương tựa vào nhau qua bao ngày bão gió. Con gái bé bỏng của Liệt sĩ Trần Văn Là nay đã là sinh viên năm cuối của đại học Nha Trang.
Mai Thắng
Theo baotintuc.vn