Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Những liệt sĩ Trường Sa: Kỳ 2: Những anh hùng thời đại mới
Bionet Việt Nam - Trong 9 liệt sĩ Nhà giàn DK1 đã hi sinh trên vùng biển thềm lục địa Tổ quốc, ba liệt sĩ được nhắc nhiều nhất và được coi là biểu tượng đẹp đẽ nhất về tinh thần dũng cảm, đức hi sinh quên mình, đó là liệt sĩ đại úy Vũ Quang Chương, liệt sĩ chuẩn úy chuyên nghiệp Lê Đức Hồng, liệt sĩ thiếu úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn An. Sau gần 14 năm kể từ ngày 3 liệt sĩ hi sinh trong cơn bão lịch sử số 8 tháng 12/1998, câu chuyện 6 cán bộ chiến sĩ trên chiếc phao bè vật lộn với bão tố giữa đêm đen vẫn in đậm trong ký ức anh Nguyễn Văn Thủy, nguyên là chiến sĩ báo vụ 1 - người sống sót trở về trong cơn cuồng phong ngày ấy.

Anh Nguyễn Văn Thủy - người sống sót trở về trong cơn bão tháng 12/1998.

Chống chọi cùng bão biển

Anh Nguyễn Văn Thủy, nguyên là chiến sĩ báo vụ 1- người sống sót trở về trong cơn bão số 8 có tên quốc tế Fathes rạng sáng ngày 13/12/1998 bây giờ đã chuyển ngành dân sự, nhưng ký ức về trận bão thì không thể nào quên được. Tại nhà riêng của anh ở phường 11, Vũng Tàu, câu chuyện kể về vụ sập Nhà giàn Phúc Nguyên 2A được anh Thủy tường thuật cặn kẽ trong xúc động khôn cùng. “Trong cuộc đời lính biển, tôi không thể nào quên được. 14 năm về trước, cơn bão số 8 tháng 12/1998 đã cướp mất 3 đồng đội tôi vĩnh viễn nằm lại biển xanh. 14 năm rồi mà cứ ngỡ hôm qua, cái giờ phút kiên cường ấy đọng mãi trong ký ức tôi về tình đồng chí đồng đội, thương yêu đùm bọc trong hoạn nạn giữa bão tố cuồng phong”, anh Thủy nói.

Rạng sáng ngày 13/12/1998, cơn bão số 8 bất ngờ đổ bộ vào vùng biển thềm lục địa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sức gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 12, Nhà giàn Phúc Nguyên 2A đúng “vệt” cơn bão đi qua. Mệnh lệnh từ sở chỉ huy Lữ đoàn 17: Tất cả các nhà giàn sẵn sàng đối phó bão, làm công tác chuẩn bị, sẵn sàng rời nhà. Các tàu trực trên biển về Côn Đảo trú bão. Chấp hành mệnh lệnh, đại úy Vũ Quang Chương nhanh chóng hội ý chi bộ, giao nhiệm vụ cho từng người, làm công tác chuẩn bị, sẵn sàng đối phó với sóng gió. Lúc 16 giờ ngày 12/12/1998, trên vùng biển thềm lục địa không còn hình bóng một con tàu, tất cả đã đi tránh bão. Sóng mỗi lúc một dữ dội. Những con sóng lừng lững như quả núi liên tiếp ập đến làm cho nhà giàn lắc mạnh, mặt biển mịt mù trắng xóa. Trước tình hình phức tạp của sóng bão, Trạm trưởng Vũ Quang Chương đã bình tĩnh động viên anh em giữ vững tư tưởng, chỉ huy các tổ mặc áo phao cá nhân, phao bè, lương thực thực phẩm, thuốc quân y, dây ròng rọc sẵn sàng rời nhà.

18 giờ 30 phút, một con sóng cực lớn đánh trùm lên sàn dầu làm nhà giàn nghiêng hẳn một bên, lắc lư như ngọn cây. Chuẩn úy Lê Đức Hồng đang nằm trên giường, liền bị chiếc bàn bóng bàn chạy trượt đến chận lên người. Lúc này, chiến sĩ Hoàng Văn Thủy đang ở phòng chỉ huy cùng đại úy Chương xem trên bản đồ hướng đi của bão, nghe tiếng Hồng kêu lớn “Tao bị bàn bóng chận đau quá” liền chạy ra phòng câu lạc bộ thì bị chiếc tủ sắt đổ vào người toạc máu ở bụng. Những tấm gỗ lát mặt sàn bật tung, chiếc ti vi trên bàn đổ xuống sàn nhà, toàn bộ giá gạo trong kho đổ sập, giường, tủ, bàn, ghế chạy đi chạy lại, máy phát điện bị chập tắt ngấm, chiến sĩ Thủy nhanh chóng vào phòng thông tin lên máy gọi đài canh Sở chỉ huy Hải Phòng báo cao khả năng khó trụ vững của nhà giàn, đề nghị cho tàu đến cứu. Tất cả 9 anh em mặc sẵn áo phao, lấy dây buộc vào tay nhau để khi nhà đổ xuống biển, thì vẫn tìm thấy nhau, chết thì vẫn còn xác.

Thủy kể tiếp: “Sóng mỗi lúc một lớn, trời mịt mùng đen kịt. Tất cả anh em đứng ngoài lan can không dám ở trong nhà vì sợ nhà đổ bất ngờ, mọi người sẽ bị nước biển hút vào trong không ra kịp. Mỗi khi có con sóng kinh hoàng như quả núi trước mặt, chúng tôi lại nhắm mắt nín thở cầu mong nhà không đổ và sóng qua mau. Nhưng tất cả đều vô vọng. Nhà giàn lắc lư chao đảo theo sóng. Không thể trụ được nữa, anh Chương chỉ huy tốp 2 gồm anh Hoan (Chỉ huy phó quân sự) cùng Dụng, Thuật nhảy xuống trước. Còn lại trên nhà giàn lúc đó có em và anh Chương. Trước khi rời nhà, anh Chương còn cẩn thận đóng tất cả cửa lại, anh bảo nếu nhà đổ thì anh em không bị nước hút vào trong. Sau đó, anh Chương ôm lá cờ Tổ quốc vào ngực mình rồi gấp gọn cùng với cuốn sổ vàng truyền thống cho vào bao bảo quản gói chặt. Em đem theo một súng tín hiệu và 6 viên đạn, các tài liệu mật của ngành thông tin rồi lên máy lần cuối vĩnh biệt đất liền và đài canh Sông Lam Hải Phòng”.


Đoàn công tác viếng 9 liệt sĩ hi sinh trên thềm lục địa.

Trung úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Chiến, hiện công tác ở đại đội thông tin phòng tham mưu - người trực ca thông tin trong đất liền lúc đó kể lại: “Chúng tôi nghe rõ giọng Thủy nghẹn ngào nói với chị Vân ở đài canh Hải Phòng: Chị Vân ơi. Em là Hoàng Văn Thủy. Quê em ở Mỹ sơn, Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Bố em là Hoàng Văn Sơn, mẹ em là Lê Thị Thịnh. Em chết thì nhờ chị viết thư về báo tin cho nhà em biết. Nói xong, Thủy ôm bao gạo cùng Chương nhảy xuống biển trong tiếng gào thét của anh Nguyễn Xuân Mạnh, Chỉ huy trưởng Nhà giàn Phúc Nguyên 2B, “Thủy ơi nhảy đi, nhảy đi, nhà đổ rồi, nhảy đi”.

14 giờ bập bềnh trong sóng dữ

Giữa sóng gió và trời tối đen như mực không nhìn thấy gì dù trong gang tấc, Chương hô lớn: “Tất cả anh em bám chặt vào phao bè và ra khỏi vòng xoáy”. Đúng lúc đó một con sóng kinh hoàng dựng lên như vách núi đập mạnh làm cho trạm đổ hoàn toàn. Chương, An và Hồng bị hất tung không bám được vào dây nữa. Thủy chỉ nghe tiếng Chương kêu: “Thủy ơi, cứu anh. Bám vào dây em ơi” rồi cuốn vào sóng dữ.

Giữa sóng cuồng bão giựt, Thủy nhìn thấy 4 người trên phao cứu sinh là Hoan, Dụng, Thuật, Tôn đang gào thét cố bám chặt lấy mảnh phao bè. Thủy gọi: Thằng Thơ đâu? (Lúc này Thơ bám được bao gạo đã bị sóng đánh ra xa). Cả đêm hôm đó, 5 con người trên chiếc phao cứu sinh nhỏ bé quần lộn với sóng bão, ai cũng nghĩ nếu hy sinh, vẫn phải kiên cường, phải chống chọi đến hơi thở cuối cùng. Bỗng Thủy phát hiện có 1 thanh gỗ trôi gần đó. Anh lao ra vớt thanh gỗ bẻ đôi làm mái chèo. Mọi người thay nhau chèo ra khỏi vòng xoáy nhưng thực ra chẳng biết chèo đi đâu. Đúng lúc ấy thì phát hiện thấy Thơ đang bám vào bao gạo, mặt nhợt nhạt. Thủy lao ra dìu Thơ và giúp trèo lên phao cứu sinh, cởi áo cho Thơ mặc. Thủy bình tĩnh lấy súng tín hiệu bắn 3 phát báo hiệu cấp cứu. Viên đạn cuối cùng Thủy đưa cho Trạm phó quân sự Dương Văn Hoan bắn, nhưng cơn sóng mạnh đã cuốn trôi khỏi tay Hoan. Cứ thế 6 anh em trên chiếc phao cứu sinh chống chọi với sóng gió. Mọi người lấy lương khô và tỏi ra ăn và uống nước biển.

17 giờ ngày 13/12/1998, anh em phát hiện thấy ánh đèn của nhà giàn bên cạnh. Mọi người chưa đoán  được nhà giàn nào. Hoan động viên “Sống rồi. Anh em cố gắng chèo đến gần lô đi” (cán bộ chiến sĩ nhà giàn quen gọi là lô). Bỗng Tôn ngoảnh lại thì nhìn thấy tàu lừng lững sau lưng mình. Ai cũng nghĩ đó là tàu nước ngoài đến cứu chứ không nghĩ là tàu HQ-606.

Ngay khi nhận tin Trạm Phúc Nguyên 2A đổ, Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân trực tiếp chỉ đạo thành lập biên đội tàu gồm: HQ 624, HQ608, HQ606, HQ957 đang ở vị trí tránh bão nhanh chóng về tọa độ X và bằng mọi cách tìm kiếm cứu nạn. Biên đội tàu chia làm hai mũi thẳng hướng đã xác định. Tàu HQ -606 có lượng giãn nước 450 tấn mà cứ chồm lên ngụp xuống trong những cơn sóng xoáy và ngược gió. Đêm đó, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-606 không ai ngủ được, tất cả ra lan can quan sát tìm kiếm đồng đội. Thuyền trưởng Lê Văn Muộn nhận định: Có thể họ đã trôi rất xa so với tọa độ đầu tiên, phải nhanh chóng tìm bằng được kẻo không còn kịp nữa. Theo kinh nghiệm và phán đoán, thuyền trưởng cho tàu quay ngang cắt mũi về hướng Tây Bắc. Bỗng một chiến sĩ quan sát báo cáo phát hiện từ xa có một vật nổi trên biển hướng tàu đang đi tới. Khi cách vật nổi ấy 1 hải lý chiến sĩ quan sát hô to: “Kia rồi, họ kia rồi các đồng chí ơi”.

Lúc này, 6 anh em trên chiếc phao bè mệt lả, quần áo rách tả tơi, da nhợt nhạt do sóng quần và ngâm lâu trong nước mặn. Thuyền trưởng Muộn chỉ huy thủy thủ trên tàu quăng phao tròn, tiếp sức từng người một, tất cả an toàn. Sau khi cứu vớt, các anh được chăm sóc sức khỏe, tắm rửa, tàu nấu cháo cho các anh ăn lấy lại sức. Lúc đó là 18 giờ 30 phút ngày 13/12/1998.

Tốp 1 đã được cứu vớt, lệnh SCH biên đội tiếp tục tìm kiếm tốp 2. Nhưng hết ngày thứ 2, ngày thứ 3 và những ngày tiếp theo vẫn không tìm thấy những người còn lại. Việc tìm kiếm tiếp tục bằng con đường ngoại giao, thông báo với các nước bạn vùng lân cận về những người bị mất tích thông qua đại sứ quán. 6 tháng sau, không có sự trả lời của nước bạn về tin tức của các anh, vậy là đã rõ: Các anh đã hy sinh vĩnh viễn nằm lại biển xanh.

Bao tiếc thương để lại


Trạm trưởng Vũ Quang Chương quê ở Thái Bình, hy sinh tuổi chớm 30, anh chưa kịp yêu người con gái nào. Ở quê hương, anh còn bố mẹ già và người em gái mong anh lấy vợ để ông bà có cháu nội bế bồng. Anh đã làm tròn sứ mệnh của mình với Tổ quốc, tròn bổn phận của một người con với bố mẹ, chỉ tiếc rằng anh chưa cho bố mẹ anh một nàng dâu hiền thảo và sinh con để nối dõi tông đường.  Nguyễn Văn An, tạm biệt quê hương Ninh Bình khi đi làm nhiệm vụ, vợ anh đang mang thai đứa con đầu lòng, chị nói với anh: “Em chờ anh về để anh đặt tên cho con”. Không ngờ đó là lời chia tay với người vợ thân yêu lần cuối, cái ngày đoàn tụ vui mừng ấy chưa đến thì anh đã hy sinh. Trước một tuần hy sinh, nhận được thư vợ sinh con trai anh mừng lắm. Tuy chưa được nhìn mặt con nhưng anh tin nó sẽ rất giống anh về lòng dũng cảm. Lê Đức Hồng, chàng thanh niên trẻ ra đi từ quê hương Hà Tĩnh chưa được cầm tay người con gái, ngã vào lòng biển mới 21 tuổi đầu. Ngày anh xung phong ra thềm lục địa làm nhiệm vụ, hành trang mang theo là kỷ niệm vui tươi lãng mạn của cậu học sinh vừa rời ghế nhà trường, và những ký ức những ngày đầu tiên sống trên thềm lục địa. Giữa cận kề cái sống và sự hy sinh, anh vẫn lạc quan khoe với đồng đội những lá thư viết rồi chưa kịp gửi, còn cất giữ tận đáy ba lô. Đó là những lá thư kết bạn từ báo Tiền phong chờ tàu thay trực để gửi về đất liền.

Mới đó mà đã 14 năm. 14 năm là một khoảng không dài so với dòng chảy của thời gian, nhưng cũng đủ khắc sâu trong tim chúng tôi về sự hy sinh quên mình của các liệt sĩ. Nơi trước đây các anh ngã xuống, giờ đây đã xây nhà giàn mới. Vòng hoa trước biển viếng các anh hôm nay là lòng ghi ơn và tri ân của thế hệ người lính đi sau đối với các liệt sĩ. Lớp lớp cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vẫn ra vùng biển này canh biển, và quyết tâm giữ vững chủ quyền thềm lục địa bằng mọi giá.

Bài và ảnh: Mai Thắng

Theo baotintuc.vn

Các tin khác