"Hiệu câm" tại ghế đá từng là nhà của mình
Suốt 7 năm "Hiệu câm" không một đồng dính túi, lang thang nơi đầu đường xó chợ, số tiền làm thuê kiếm sống cũng bị “ma cô” và đám tệ nạn trấn mất, muốn cầu cứu cũng không nói được...
Cố sống đợi ngày về
Chuyện chàng thanh niên câm điếc Đồng Thế Hiệu về đoàn tụ với gia đình, nhiều người trong xóm hoan hỉ đến chia vui, nhưng cũng không ít người buông lời: “Thằng Hiệu, hình như nó bị điên nên bỏ nhà ra đi, chứ lạc lõng gì mà không biết đường về”.
Trước những lời ác ý, mẹ Hiệu, bà Nguyễn Thị Dung chia sẻ: “Hiệu ngoài không nói không nghe được thì hoàn toàn bình thường. Khi lạc đường, có lẽ cháu không nói được, không nghe được, lại không biết chữ, không có tiền nên dù có muốn về nhà cũng không biết đường về bằng cách nào. Chúng tôi không trách người ta ác khẩu, vì con mình sinh ra đã thiệt thòi vậy, họ suy diễn thế nào thì mặc họ. Lỗi cũng là do phận làm cha mẹ chúng tôi để con đi lạc, phải chịu nhiều vất vả, khổ sở rồi”.
Nói về cuộc sống của Hiệu trước khi trở về nhà, bà Dung không kìm được nước mắt: “Cháu khổ lắm chú ạ. Đến vườn hoa nơi cháu lang thang vạ vật suốt 7 năm, nghe người ta kể lại mà xót thương cho con mình, lại tự dằn vặt bản thân”.
“Khi chúng tôi đến đó, biết chúng tôi là cha mẹ Hiệu, người dân ở đây đã kể rất nhiều câu chuyện. Họ bảo, Hiệu có mặt ở đây từ nhiều năm trước, không ai biết tên họ gì ở đâu nên gọi là thằng câm. Lúc đầu người dân giúp đỡ cho cháu miếng ăn và áo quần. Nhưng sau Hiệu cũng làm lụng vài việc linh tinh để sống được qua ngày”.
“Sống giữa đất xa lạ, lại ở nơi vườn hoa đầy "ma cô", nghiện ngập, không ít lần con trai tôi bị chúng đánh bầm tím mặt mày để trấn tiền làm công. Hiệu câm điếc, có bị đánh cũng không kêu ai cứu được. Cũng may có ông lão tốt bụng, giúp đỡ không thì chúng tôi hối hận cả đời”.
Để có được ngày đoàn tụ hạnh phúc, Hiệu đã trải qua bao nước mắt đắng cay.
“Cả hai vợ chồng tôi đã khóc nấc khi thấy chỗ con nằm, một cái bạt rách quấn trên cây để che mưa che nắng, chiếc chăn rách tươm, cũ bẩn... Hôm nhìn thấy bố mẹ, cháu khóc không thành tiếng. Trong bảy năm mình chăn ấm đệm êm thì ở ngoài con sống khổ sở, đau đáu hướng về gia đình. Cũng may là anh họ nhận ra em nó, không thì không biết cháu sẽ khổ thêm bao nhiêu nữa”.
"Hiệu câm” đòi lấy vợ làm nhà
Nhìn thấy bố mẹ nước mắt lăn dài khi trò chuyện cùng chúng tôi, "Hiệu câm” cũng không thể giấu nỗi buồn trên khuôn mặt. Cậu chạy vào nhà lấy khăn cho mẹ lau nước mắt, rồi rót nước mời chúng tôi. Đôi mắt Hiệu hướng về phía tôi muốn nói điều gì đó.
Dù tuổi đời mới ngoài đôi mươi nhưng trải qua những năm tháng phiêu bạt, sống cuộc đời lang thang, vạ vật đã khiến Hiệu già trước tuổi. Nhìn con, bà Dung kể: "Về đến nhà là Hiệu đi làm ngay, trong làng ngoài xã ai thuê gì thì làm nấy, hôm qua về đưa mẹ 50.000 đồng rồi chạy ra cầm mấy viên gạch xếp hình nhà. Hóa ra, Hiệu muốn làm lụng, tiết kiệm tiền để xây nhà riêng.
Không chỉ có vậy, Hiệu còn dắt tay mẹ ra đầu ngõ, chỉ sang nhà cô bé bên cạnh, mắt nhìn mẹ như năn nỉ. Hiệu muốn lấy vợ rồi. Hiểu được nguyện vọng của con, tôi đã nhờ người mai mối để tìm vợ cho con. Với mong muốn cuộc sống của con sau này sẽ hạnh phúc sau khi trải qua nhiều nghiệt ngã của số phận”.
Khi chúng tôi chia tay ra về, Hiệu ra bắt tay chúng tôi và nở nụ cười thật tươi. Cuộc sống luôn có những nghiệt ngã, nhưng bên cạnh đó luôn có điều kỳ diệu. Hi vọng trải qua bao sóng gió, hạnh phúc sẽ đến với gia đình họ, tiếng cười nói trong căn nhà nhỏ vẫn văng vẳng đầu làng ngõ xóm như chưa hề có cuộc chia ly.
Hải Ninh
Theo kienthuc.net.vn