Đền ơn đáp nghĩa là đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhưng hiện nay có nhiều việc đền ơn đáp nghĩa lại được khắc đá tạc bia để người ta “biết tên, biết mặt” người công đức. Chuyên đề này được thực hiện với mong muốn chúng ta hãy làm những hành động thiết thực nhất để thể hiện lòng biết ơn với các anh hùng liệt sĩ.
Vàng mã của một ngân hàng chất đống mong liệt sĩ phù hộ “ăn nên làm ra” tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn ngày 27.7. Ảnh: Mai Thanh Hải
Công bằng và thiết thực
Một bà mẹ liệt sĩ lặn lội từ miền Bắc vào nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) nằm ở một xã ven biển huyện Triệu Phong, Quảng Trị để thắp nén nhang cho con nhân Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.2012) ngậm ngùi kể: “Vừa tới Đông Hà, chú xe ôm nghe tôi bảo đi thăm con liệt sĩ, thế là phóng một mạch lên NTLS Trường Sơn. Tới nơi thấy rợp cả một trời người, xe, đồ cúng… Tôi bảo: “Chú nhầm rồi, con tôi nằm ở NTLS xã”. Thế là quay về. Ở đây heo hút, vắng vẻ ghê người. Con mình hy sinh nhưng không có số sướng, được nằm ở NTLS Trường Sơn tha hồ mà hưởng đồ cúng…”.
Ước mơ giản dị
Năm 2005, các phóng viên báo Lao Động may mắn được theo chân đoàn cựu binh, tướng lĩnh quân đội về thăm lại chiến trường xưa Quảng Trị. Lội bộ giữa ngút ngàn cỏ lau và mộ chí, đi qua nhiều khu mộ vỏ đã rệu rã, bia ghi danh cũ nát, rêu mốc, chúng tôi vô cùng xót xa, nhiều cựu binh đã rơi nước mắt. Ngay sáng hôm sau, ý tưởng về việc mở một cuộc vận động xã hội hoá hoạt động nâng cấp, tôn tạo mộ liệt sĩ ra đời.
Tại thành phố Đông Hà, chúng tôi “trao đổi nóng” ý tưởng này với ông Phan Quyết – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị và ông Lê Vũ Bằng – Giám đốc Sở LĐTBXH, cả hai ông đều nhất trí và ủng hộ cao. Chương trình “Chung tay chăm sóc NTLS” do báo Lao Động khởi xướng ngay lập tức nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của các vị tướng lĩnh, lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của lực lượng đoàn viên công đoàn trên cả nước.
Chúng tôi – những người đề xuất ý tưởng và thực hiện chương trình – ngay từ đầu chỉ có một ước nguyện nhỏ bé là làm mới lại phần vỏ mộ và bia ghi danh cho liệt sĩ. Những ngày đầu triển khai đã vấp phải quy định “phân biệt đối xử”: Vỏ mộ, bia ghi danh liệt sĩ ở các NTLS cấp xã, cấp huyện không được duyệt chi số tiền bằng số tiền chi cho vỏ mộ, bia ghi danh ở NTLS quốc gia Trường Sơn. Không làm thay đổi được quy định bất công đó, chúng tôi quay ngược lại vận động các nhà tài trợ đồng ý chi số tiền cho làm vỏ mộ bằng bêtông và bia ghi danh liệt sĩ bằng đá nguyên khối ở các NTLS cấp xã, huyện ngang hình thức, tiêu chuẩn ở NTLS Trường Sơn. Vậy là, ước mơ có được một ngôi nhà ấm cúng như nhau cho các liệt sĩ đã toại nguyện.
Theo báo cáo của Sở LĐTBXH Quảng Trị nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27.7.2012), từ 2005 – 2012, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm trên cả nước đã hưởng ứng cuộc vận động “Chung tay chăm sóc NTLS” với tổng số tiền 110 tỉ đồng, cùng với nguồn lực ngân sách trung ương, tại Quảng Trị đã thực hiện tôn tạo, nâng cấp được 50.000 “ngôi nhà” liệt sĩ tại 40 NTLS, chủ yếu là NTLS cấp xã theo tiêu chuẩn vỏ mộ, bia ghi danh như ở NTLS Trường Sơn.
Phong trào… tượng đài
Ông Hồ Tất Ái – Trưởng Ban quản lý NTLS Trường Sơn – cho biết: “Kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, có các tỉnh xây mới tượng đài là Hải Dương – Hưng Yên, Hải Phòng, Lào Cai, Yên Bái; cải tạo tượng đài và phần mộ có Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh; cải tạo riêng phần nền mộ: Hà Tĩnh; cải tạo và kèm bia ghi danh mới: Hà Nội, Hà Giang, Tuyên Quang. Kinh phí cho các công trình trên do các tỉnh thành đầu tư gần 50 tỉ đồng…”.
Trên thực tế, Hải Phòng đập tượng đài cũ, xây tượng đài mới cách nơi cũ chưa đầy chục mét, nhưng xoay hướng khác. Hà Giang, Tuyên Quang vẫn giữ nguyên hai nhà bia cũ và xây thêm hai nhà bia mới sát cạnh nhau. Hưng Yên vẫn giữ nguyên nhà bia cũ và xây thêm một nhà bia mới nữa… Một kiến trúc sư từ TPHCM ra thăm NTLS Trường Sơn đã phải thốt lên: “Với kiểu có chút đất trống nào ngoài phần mộ người ta đều đua nhau xây tượng đài, nhà tưởng niệm kiểu này thì sẽ phá vỡ hết quy hoạch tổng thể của quần thể kiến trúc rất đẹp này. Nhà tưởng niệm có tỉnh tới hai cái, san sát nhau thế này, không chỉ là về mặt không gian, mà vấn đề tiền bạc cũng tốn kém lớn”.
Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp rất nhiều khó khăn, những năm qua vẫn còn nhiều công trình, hạng mục đền ơn đáp nghĩa thiết thực nhưng chưa thực hiện được. Triển khai từ năm 2008 với số vốn 13 tỉ đồng, cho đến nay nhà đón tiếp thân nhân liệt sĩ thuộc giai đoạn 2 của dự án NTLS Trường Sơn vẫn chưa hoàn thành.
Quảng Trị cho đến nay là tỉnh duy nhất ở miền Trung chưa được đầu tư xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng cho người có công, mặc dù năm nào địa phương cũng kiến nghị nguyện vọng của đông đảo thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công tuổi già sức yếu. Vẫn còn hàng chục ngàn phần mộ liệt sĩ trên đất nước chưa được tôn tạo, nâng cấp “đạt chuẩn” như NTLS Trường Sơn…
Trong khi nguồn lực đầu tư cho những công trình, hạng mục tri ân thiết thực và giản dị với người có công chúng ta chưa đủ sức để làm, một số địa phương lại huy động nhiều tỉ đồng để đập nhà tưởng niệm, tượng đài cũ để xây lại, hoặc xây thêm công trình mới trong khi đã có công trình tương tự ngay tại NTLS Trường Sơn, NTLS Đường 9 là việc làm cần phải cân nhắc, xem xét cả ở phương diện nhân văn lẫn kinh tế.
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Quảng Trị Ngô Thanh Hùng tâm sự: “Tôi đã có lần phát biểu rằng tôn tạo, nâng cấp NTLS là việc làm từ tâm, là nghĩa cử tri ân, do vậy đừng để việc đó trở thành nơi cầu danh, cầu tài, cầu lộc… Thực tế đã xảy ra những việc làm chưa thiết thực, như công trình vừa làm được mấy năm đã làm lại, xây mới trong khi lẽ ra nguồn kinh phí ấy phải được dùng cho các hoạt động tri ân như giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ, người có công đang sống nghèo khó ở các làng quê”.
Mạnh ai nấy… cúng
Tại trụ sở Ban quản lý dự án của Sở LĐTBXH Quảng Trị, ông Đoàn Văn Lai – Trưởng ban – nói rằng ban ông chỉ quản lý dự án giai đoạn 2 của NTLS Trường Sơn và dự án nâng cấp NTLS Đường 9. Khi phóng viên đặt câu hỏi vậy ai quản lý quy hoạch tổng thể các NTLS này và ai quản lý các dự án xây tượng đài, nhà tưởng niệm ở NTLS Trường Sơn, ông Lai lắc đầu: “Tôi không biết”.
Cũng với câu hỏi này, ông Hồ Tất Ái – Trưởng ban quản lý NTLS Trường Sơn – nói: “Chúng tôi không biết, không liên quan gì cả. Tỉnh nào có tiền là đến xây thôi. Số tiền gần 50 tỉ của các công trình mà tôi biết được là do… tự tìm hiểu”. Còn ông Nguyễn Văn Anh – cấp phó của ông Ái - thì thở dài: “Ui dào, họ tới đây đập phá, xây dựng, có đơn vị sử dụng điện, nước của NTLS xong rồi xù luôn không trả tiền”.
Đến thời điểm này, về phương diện cấp tỉnh coi như đã phủ sóng công trình “cát cứ” tượng đài, nhà tưởng niệm tại NTLS Trường Sơn với phong cách kiến trúc, quy mô, chất liệu tuỳ túi tiền từng địa phương; đã có không ít địa phương xây được hai nhà tưởng niệm. Với đà này, nếu không có những chấn chỉnh, kiểm soát về mặt xây dựng, quy hoạch kiến trúc tổng thể, cộng với phong trào chạy đua mỗi tỉnh hai nhà tưởng niệm cho “ngang bằng người ta”, thì NTLS có còn là một chỉnh thể kiến trúc tri ân giản dị, kiệm lời nhưng vĩ đại như chính sự hy sinh cao cả mà vô cùng thầm lặng của những người lính vô danh dưới những nấm mồ không?
Đó là chưa kể nếu phong trào lan ra đến cấp huyện, huyện nào trên đất nước có con em yên nghỉ tại NTLS cũng “sáng kiến” ôm tiền đến xây một tượng đài, nhà tưởng niệm cho “con em huyện nhà” nữa thì dù giàu trí tưởng tượng đến mấy cũng sẽ rất khó hình dung ra diện mạo NTLS Trường Sơn lúc đó. Nó chắc cũng tựa như cảnh tượng ở các thành phố lăng các làng ven biển miền Trung – nơi có nhiều người đang định cư ở nước ngoài gửi tiền về xây lăng báo hiếu, lăng xây sau luôn to, cao, hoành tráng hơn lăng xây trước…
Một ngày trước dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ, chúng tôi đến NTLS Trường Sơn, ông Ái – Trưởng ban quản lý – phải làm việc bằng… bút đàm, vì nói không ra tiếng, người phát sốt do… nói quá nhiều. Ông thều thào: “Khách viếng quá đông, có ngày lên tới 148 đoàn, mà đoàn nào cũng quan trọng, nên tôi phải đích thân đứng làm nghi lễ. Quá sức nên phát ốm rồi”.
Tình trạng các doanh nghiệp, đơn vị nhà nước chở hàng xe tải hàng mã lên tổ chức cúng, đốt rầm rộ ở NTLS Trường Sơn vào mỗi dịp tri ân đang ngày càng phổ biến. Anh Quang Đăng – một người dân ở thành phố Đông Hà – nói: “Hàng núi hàng mã đem cúng đốt đó biết bao nhiêu là tiền. Sao không để tiền đó đem giúp những cảnh đời khó khăn, những người có công với nước nhưng đang còn vất vả kiếm sống, mưu sinh qua ngày?”.
Những con số hàng chục ngàn lượt người, hàng trăm đoàn quan khách đến viếng NTLS Trường Sơn mà ông Ái cho biết qua “bút đàm”, chắc sẽ làm chạnh lòng những bà mẹ đi viếng con đang yên nghỉ nơi các NTLS xã…
Theo laodong.com.vn