Chiếc máy bay số hiệu UH-1D từ đại đội không quân 336 của Mỹ đang rải chất diệt cỏ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày 26/7/1969.
Hậu họa của cuộc rải chất độc đó đã hủy diệt sự sống của hàng triệu người, hàng vạn người bị nhiễm độc, bệnh tật, hàng trăm nghìn gia đình phải sống trong đau khổ, nghèo đói, cùng cực. Thảm họa da cam do Mỹ gây ra cho Việt Nam là thảm họa đau đớn nhất trong lịch sử, là đỉnh cao tội ác của đế quốc Mỹ.
Da cam/điôxin, độc nhất trong các loại chất độc
Nói đến chất độc da cam/điôxin, người ta nghĩ ngay đến chết chóc, bệnh tật, đến những người nghèo, đau khổ, cùng cực nhất của xã hội. Nhưng nó là gì, độc tố của nó ra sao thì ít ai tường tận đầy đủ.
Chất độc da cam/điôxin (thường gọi là da cam) là một hợp chất độc nhất trong các loại chất độc trong lịch sử nhân loại mà loài người biết đến. Với một liều lượng cỡ 1 picogram (pp-phần ngàn tỷ gram) điôxin có thể gây ung thư và tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (ng-phần tỷ gram) điôxin có thể lập tức gây chết người. Chỉ cần 85 gram điôxin là có thể giết chết một thành phố với số dân 8 triệu người.
Trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, ngày 22/4/1915, quân Đức đã sử dụng chất độc clo làm nhiễm độc và chết hàng nghìn quân Anh, Pháp. Tháng 7/1917, quân Đức sử dụng chất độc Yperit trong chiến trường. Trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, quân Nhật đã sử dụng chất độc Yperit tại Trung Quốc, quân Đức sử dụng chất độc Ziclon-B đầu độc các tù nhân ở trại tập trung. Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaixia.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả chất độc hóa học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của dân thường, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng, đồng thời biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các chất độc phục vụ mục đích quân sự của Mỹ. Thực tế đã chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam có qui mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người. Chỉ trong vòng 10 năm từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg điôxin xuống 26.000 thôn bản, làng mạc, rừng, núi, sông ngòi của Việt Nam với diện tích hơn 3,06 triệu ha; trong đó 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học theo quốc lộ 14 ở Bắc thị xã Kon Tum do máy bay trực thăng H-34 của Mỹ thực hiện ngày 10/8/1961.
25% diện tích miền Nam Việt Nam bị phun rải chất độc da cam. Hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao ở 5 vùng sinh thái là Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, trong đó miền Đông Nam bộ là vùng ảnh hưởng nặng nề nhất chiếm 56% diện tích tự nhiên bị phun chất độc. Những nơi bị rải chất độc da cam nhiều nhất là dọc biên giới Việt - Lào có đường mòn Hồ Chí Minh, từ Quảng Trị đến Kon Tum (các huyện Hướng Hóa, A Lưới - tỉnh Thừa Thiên Huế, Sa Thầy, Đăk Lây tỉnh Kon Tum), khu vực miền Đông Nam bộ có Chiến khu C, Chiến khu D, Lời Bời, Tam Giác Sắt, Năm Căn, Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài chất da cam (Agent Orange) Mỹ còn sử dụng chất trắng (Agent White), chất xanh (Agent Blue), chất tím (Agent Purble), chất hồng (Agent Pink), chất xanh mạ (Agent Green) và nhiều chất độc khác.
Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây biết bao thảm cảnh không kể xiết. Rất nhiều gia đình có 3 nạn nhân trở lên. Chất độc da cam tàn ác đã di truyền qua nhiều thế hệ, có gia đình 15 người con nhiễm chất độc da cam như gia đình ông bà Đỗ Đức Địu và Phạm Thị Nức ở thôn Hà Thiệp, Võ Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình (có 15 người con đều nhiễm chất độc da cam, hiện chỉ còn sống 3). Chất độc da cam đã làm hàng nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, sống trong đau khổ, bệnh tật, đói nghèo, vô vọng. Họ là những người nghèo nhất, đau khổ nhất trong những người đau khổ.
Vòng tay cộng đồng
Nỗi đau nhất của dân tộc ta phía sau cuộc chiến là hậu quả chất độc da cam. Dù chiến tranh đã lùi xa 37 năm nhưng vết tích chiến tranh vẫn còn nguyên vẹn. Những hố bom sâu hoắm chứa chất độc da cam năm xưa đã được san phẳng, những cánh rừng, vùng đất bị chất độc điôxin tưới đẫm, nhiều nơi đã có mầm xanh do bàn tay khối óc của con người tạo dựng. Nhưng chính những màu xanh ấy, ở những vùng đất ấy luôn âm ỉ ẩn chứa nhiều chất độc khác nhau mà gọi chung là điôxin, đang tiềm ẩn hàng ngày hàng giờ, hủy hoại sự sống của con người ở khắp đó đây, trên mảnh đất này.
Trước những hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại, hàng chục triệu người bị nhiễm chất độc da cam, để góp phần làm giảm nỗi đau sẻ chia với những gia đình, nạn nhân bị nhiễm, ngay từ những năm 1980 của thế kỷ 20, Đảng và Nhà nước ta đã thành lập Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đồng thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm khắc phục hậu quả loại chất độc nguy hiểm này, trong đó có những chính sách tẩy độc môi trường, trợ cấp, ưu đãi hộ gia đình có người nhiễm chất độc điôxin.
Ngoài việc ban hành các chủ trương, chính sách, Nhà nước ta hằng năm đã chi những khoản kinh phí lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe nạn nhân, triển khai các dự án tẩy độc, phục hồi môi trường sinh thái. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ cấp hằng tháng cho các nạn nhân chất độc da cam. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải tiếp tục hoàn thiện vì vẫn còn một vài bất cập: mức trợ cấp còn thấp, mới chỉ gần 30%, trong tổng số những người được xét thủ tục xét trợ cấp.
Với tinh thần “dang rộng vòng tay nhân ái, thương người như thể thương thân”, và chăm lo cho những nạn nhân da cam, trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương các tỉnh, thành cùng với các doanh nghiệp, hội chữ thập đỏ, mạnh thường quân và nhân dân trên mọi miền đất nước, từ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, đến dân thường; từ bộ đội, giáo viên, học sinh sinh viên, đến ca sĩ, nghệ sĩ, không kể thành phần, dân tộc, tôn giáo đã đoàn kết chung tay xoa dịu nỗi đau da cam điôxin. Hàng trăm chương trình hoạt động từ thiện, hàng triệu mạnh thường quân, hàng nhìn tấm lòng nhân ái, hàng trăm doanh nghiệp đã tự nguyện quyên góp ủng hộ nạn nhân da cam, với mong muốn sẻ chia bớt khó khăn gian khổ mà họ đang gánh chịu.
Trong những ngày này, tất cả các tỉnh, thành toàn quốc đang có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống cho các nạn nhân chất độc da cam. Một trong những thành phố dẫn đầu về hoạt động nhân đạo từ thiện, chăm lo cho nạn nhân da cam và những người khuyết tật, phải kể đến Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 4/8 vừa qua, gần 10.000 người dân ở 19 quận đã đi bộ hưởng ứng chương trình “Vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo”.
Với thông điệp “xin đừng quên họ, dù bạn là ai, bạn có chỗ đứng thế nào trong xã hội, sự đóng góp của bạn với nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo cũng đem lại cho họ niềm tin lớn hơn cuộc sống”. Từ thông điệp này, nhiều chương trình ủng hộ nạn nhân da cam lan tỏa khắp thành phố như “Khát vọng sống”, “Thẻ tình thương”.
Cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam ra sao? Họ sẽ sống thế nào nếu không có sự sẻ chia bằng tất cả tình thương yêu trách nhiệm cộng đồng và lòng nhân ái của toàn xã hội. Điều ấy không chỉ đúng với đạo lý của thế hệ hôm nay “uống nước nhớ nguồn”, đối với những người đã một thời hy sinh xương máu cầm súng chiến đấu trên chiến trường, mà còn đúng với nghĩa cử cao đẹp “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta.
Mai Thắng
Theo baotintuc.vn