Riêng tại Lào Cai, số liệu của cơ quan chức năng cho biết, từ năm 2009 đến nay có khoảng gần 3.000 phụ nữ “bỏ đi khỏi địa phương” không rõ lý do.
Những vụ mất tích bí ẩn
Những vụ mất tích xảy ra ngày càng nhiều khiến người dân vùng cao Tả Phìn lo lắng - Ảnh: Hằng Hà
Cách thị trấn Sa Pa gần 20 km là xã vùng cao Tả Phìn - nơi được coi là một trong những điểm nóng về tình trạng phụ nữ mất tích. Nếu không phải là khách du lịch, người lạ muốn vào Tả Phìn không dễ. Bị chặn lại bởi một gác chắn trên đoạn đường vào xã, người soát vé đưa ra một loạt câu hỏi nghi ngờ khi biết chúng tôi không phải khách du lịch: Đi đâu? Làm gì? Gặp ai? Tên gì? Có giấy tờ gì không? Phải “khai báo” đầy đủ thông tin, chúng tôi mới được đồng ý cho qua. Về sau một cán bộ xã cho biết, nhiều thiếu nữ mất tích nên ở đây ai cũng cảnh giác với người lạ.
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là bà Hàng Thị Xay, ở thôn Suối Thầu. Bà Xay là giáo viên đã nghỉ hưu vài năm, mới 57 tuổi nhưng vẻ ngoài như một bà lão 70 tuổi, khuôn mặt lúc nào cũng rầu rĩ. Cú sốc vì C.T.D con gái bà mất tích cách đây 3 năm vẫn chưa nguôi ngoai, mới đây cô con dâu M.T.S cũng biệt tăm khiến bà càng thêm đau đớn. Nhắc lại câu chuyện, mắt bà đỏ hoe: “Tôi vẫn nhớ như in đó là tối 13.2.2009, đúng vào 28 tết, sau một năm làm việc vất vả, cả nhà mổ lợn, uống rượu. Sáng hôm sau tỉnh dậy gọi không thấy con đâu. Nó đi chẳng mang theo thứ gì, ngoài bộ quần áo mặc trên người. Trước đó nó chẳng nói với ai, cũng chẳng có biểu hiện gì sắp đi xa. Con D. mới 15 tuổi, ngoài quanh quẩn ở nhà, nó chẳng bao giờ đi đâu quá 2 tiếng. Nơi xa nhất nó từng đến là Sa Pa”.
"Một trong những thủ đoạn gần đây bọn buôn người giăng bẫy các cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin chính là xin số điện thoại của các cô gái. Ban đầu chúng gọi điện đề nghị kết bạn hoặc ngỏ lời muốn tìm bạn tâm sự. Sau đó, qua điện thoại tiếp cận các cô gái ngỏ lời yêu thương, rủ đi chơi Sa Pa hoặc đi chơi biên giới. Chỉ cần một vài lần tiếp cận, những cô gái trẻ sập bẫy" - Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải - Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai
3 tháng sau đó bà Xay đi tìm con khắp nơi. Có người mách thấy con bà đi Sa Pa với một người đàn ông, có người lại bảo, con bà ở Hà Giang. Chỉ cần nghe thấy manh mối ở đâu là bà vội vã lên đường, từ Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (Lào Cai) đến cả nhà chứa bên Trung Quốc cũng không thấy bóng con đâu. Bà Xay nghẹn ngào: “Mới đây, ngày 9.5, đứa con dâu tôi cũng mất tích bí ẩn hệt như con gái. Tôi buồn chẳng thiết sống, nhiều khi uống rượu cho quên đời. Gia đình tôi đã báo lên chính quyền, công an xã, họ nói vẫn đang điều tra”.
Ở thôn Suối Thầu, không chỉ bà Xay, chúng tôi còn gặp những bà mẹ bất hạnh vẫn ngày đêm ngóng chờ tin con. Bà Vàng Thị Di có con gái là G.T.S (15 tuổi) nhớ lại: “Mùng 8 tết năm ngoái, xã tổ chức lễ hội hát giao duyên. Con S. đi xem hát hội, rồi nó cũng đi luôn không về. Đến nay chẳng ai biết nó ở đâu. Tôi cũng đau lòng lắm, cố sống chờ đợi con về”.
Tại xã Sa Pả (Sa Pa) số phụ nữ mất tích còn nhiều hơn. Trưởng công an xã Sa Pả, Giàng A Tỏa cho hay, từ năm 2010 đến nay có 38 phụ nữ đi khỏi địa phương không lý do. Trong đó năm 2011 là 22 trường hợp, 6 tháng năm 2012 là 7 người. Ngoài thôn nữ ít học, nhẹ dạ cả tin, bị dụ dỗ, có người tốt nghiệp trung cấp, thậm chí năm 2009, một Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã H.T.S cũng mất tích đến nay chưa ai biết ở đâu.
Dụ dỗ qua điện thoại
Trong vài ngày ở Lào Cai, chúng tôi khá bất ngờ trước độ phủ sóng của điện thoại di động. Chưa nơi đâu trẻ em dùng điện thoại di động phổ biến như ở đây, từ bản làng xa xôi tít tận trên núi cao, đến thị trấn du lịch Sa Pa sầm uất, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh những cô bé, cậu bé người Mông, người Dao... vừa đi vừa nhắn tin nhoay nhoáy. Thậm chí có trường hợp cả hai mẹ con đều dùng điện thoại, nhưng chẳng ai biết số của ai. Thế mới có chuyện, khi con mất tích, mẹ không biết tìm đâu, cho đến khi được các chiến sĩ biên phòng giải cứu, câu chuyện về chiếc điện thoại di động là “đồng phạm” dần sáng tỏ.
Theo chân ông Lý Lão Tả, Phó chủ tịch xã Bản Hồ, chúng tôi tìm đến bản người Dao nơi có hai nạn nhân 17 tuổi là Chảo Lở M. và Lý Tả M. vừa được giải cứu trong tháng 7. Khi chúng tôi đến nhà, cả hai cô gái đều được đưa xuống Hà Nội học nghề. Chỉ còn lại hai bà mẹ ngồi ngoài hiên tẽ ngô. May mắn hơn những bà mẹ ở Tà Phìn, bà Phàn Mùi Phầy và bà Tẩn Lở Mẩy, thôn Hoàng Liên, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa đã tìm được con về sau một tháng mất tích. Bà Phàn Mùi Phẩy, mẹ của Chảo Lở M. kể, con gái bà mất tích bắt nguồn từ một cú điện thoại. “Vào một buổi chiều, tôi nghe loáng thoáng con gái nói chuyện điện thoại với bạn. Nó bảo, đứa bạn hàng xóm gọi điện rủ sang nhà chơi, vì nó ở một mình buồn. Con gái tôi không đi, nó bảo, ra chơi một tí thôi mà. Nó rủ thêm con gái bà Tẩn Lở Mẩy đi cùng. 7 giờ tối không thấy con về. Gia đình tôi sang nhà con bé hàng xóm hỏi, nó nói không biết. Sáng hôm sau cũng không thấy nó về. Kiểm tra điện thoại, tôi hoảng hốt thấy số máy lạ của Trung Quốc. Biết con mình bị bán, nhưng chẳng có cách nào cứu. May mắn, 1 tháng sau công an báo về con gái tôi được giải cứu”.
Các cô gái VN bị lừa bán đang làm thủ tục về nước - Ảnh: ifeng
Những nạn nhân vừa được giải cứu trở về tại Trung tâm bảo trợ xã hội Lào Cai - Ảnh: Hà Hằng
Cô bé Chảo T.X, 15 tuổi ở xã Nậm Tràng, huyện Bát Xát cũng chia sẻ: “Buổi tối em đang học tại trường bán trú, đứa chị họ tên Di gọi điện rủ đi ra ngoài thị trấn chơi. Đến nơi em gặp một đứa con trai, nó rủ em đi làm vợ, em không đồng ý. Nó mua cho em chiếc nhẫn 5.000 đồng, bảo là nhẫn đính hôn. Rồi nó vuốt tóc em, khen tóc đẹp. Sau đó, em không còn biết gì nữa, cứ như là bị bỏ bùa. Em cứ thế đi theo. Khi biết mình bị lừa, em đòi về nhưng nó dọa nếu không muốn chết phải nghe lời. Nó bán em sang Trung Quốc cho một người đàn bà. Bà này lại bán em làm vợ cho một người đàn ông 25 tuổi giá 26.000 tệ. Chồng cũng thương em, nhưng em không thích nên bỏ trốn. May còn về được Việt Nam”.
Theo Bí thư Đoàn xã Tả Phìn, Giàng A Sàng, nhiều trường hợp tối đi ngủ sáng ra mất tích, có người đang đi làm nương, đi chợ mua rau rồi biến mất. Nhưng phổ biến nhất là rủ đi chơi Sa Pa, Lào Cai rồi không về. Thiếu tá Nguyễn Hữu Hải, Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho hay, một trong những thủ đoạn gần đây bọn buôn người giăng bẫy các cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin chính là xin số điện thoại của các cô gái. Ban đầu chúng gọi điện đề nghị kết bạn hoặc ngỏ lời muốn tìm bạn tâm sự. Sau đó, qua điện thoại tiếp cận các cô gái ngỏ lời yêu thương, rủ đi chơi Sa Pa hoặc đi chơi biên giới. Chỉ cần một vài lần tiếp cận, những cô gái trẻ sập bẫy.
Vấn đề rất phức tạp và khó kiểm soát
Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ LĐ-TB-XH, đến nay đã có hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em Việt Nam bị buôn bán qua biên giới, chủ yếu qua các đường mòn và cửa khẩu, trên tuyến biên giới phía bắc và phía tây nam.
Tại phía bắc, phụ nữ trẻ em bị buôn bán tập trung ở các địa bàn biên giới giáp Trung Quốc, bị bán làm mại dâm hoặc làm vợ một cách bất hợp pháp. Tại phía nam, phụ nữ trẻ em bị buôn bán chủ yếu làm mại dâm tại các thành phố lớn và các tỉnh giáp Campuchia.
Các quốc gia này còn là địa bàn trung chuyển để buôn bán phụ nữ trẻ em đi các nước xa hơn trong khu vực. Ngoài ra, tình hình phụ nữ Việt Nam bị dụ dỗ, lừa gạt, buôn bán sang Đài Loan qua hình thức môi giới hôn nhân, trẻ em Việt Nam bị bán ra nước ngoài qua hình thức cho nhận con nuôi trong những năm qua cũng là vấn đề rất phức tạp và khó kiểm soát.
Thu Hằng - Mai Hà
Theo thanhnien.com.vn