Một buổi chiều đầu tháng 7, người dân ngõ phố thấy hai người một nam một nữ bộ dạng xộc xệch tìm đường hỏi thăm về địa chỉ nhà bà H.
Họ dừng lại quán nước trà đá đầu ngõ chợ, và cũng chỉ biết hỏi thăm ngần ấy thông tin: rằng nhà bà H. có cô con gái bị mất tích hơn hai chục năm trước…
Bà chủ quán trà đá sững sờ, không tin vào những gì mình chứng kiến: người phụ nữ nhàu nhĩ, mệt mỏi đang hỏi thăm đường kia chính là đứa cháu ruột gọi bà bằng dì, nếu như đúng là con bé Linh bị “mất tích” mấy chục năm về trước.
Đứa cháu ấy, cuộc đời xô đẩy đã già đi tới mức bà không còn nhận ra được con bé Linh xinh xắn, bướng bỉnh ngày nào. Khi đã lấy lại được bình tĩnh, bà vội vàng loan tin cho người em trai (Linh gọi bằng cậu ruột) về báo tin cho bà H.
Câu chuyện của bà H. bị dừng ngang chừng, có lẽ, đến tận thời điểm bà kể chuyện với chúng tôi, bà vẫn không tin đó là sự thật: “Ông em cậu gõ cửa nhà tôi, giọng ngắt quãng: "Chị ơi chị, con Linh nó về, chị ra đón nó!". Tôi còn nghĩ ông em mê sảng, vì chẳng có lẽ nào tôi còn được gặp được con mình, sau ngần ấy thời gian… Thế mà, con Linh thật, nó mở cửa vào nhà, đứng trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt…”.
Nụ cười của kiều nữ sau 21 năm "đầy ải", Tin tức trong ngày, thieu nu mat tich, kieu nu mat tich, ban sang trung quoc, buon ban nguoi, thieu nu ha noi, lam vo nguoi trung quoc, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Người mẹ hạnh phúc không tin rằng đó là sự thật
Cách đây vài tháng, bà H. lên khai báo ở công an phường nơi gia đình bà sinh sống, rằng các anh “xóa tên con Linh ra khỏi sổ hộ khẩu nhà tôi, vì ngần ấy thời gian, chắc nó đã xanh cỏ rồi”. Chưa hết, người mẹ đau khổ tìm con cũng đã đôn đáo khắp mười phương tám hướng.
Bà kể: “Đầu năm vừa rồi, tôi lên chùa rút quẻ thẻ. Thầy xem số bảo tôi, nhà tôi sắp có người đi nước ngoài về. Tôi ngẩn ra không hiểu: nhà tôi làm gì có ai đi nước ngoài nước trong đâu mà về? Tháng trước, tôi còn mang cái ảnh cháu nó hồi thiếu nữ ra hiệu ảnh, nhờ các bác ấy tách nó ra, để tôi làm cái ảnh thờ cho cháu nó… Có ai mà nghĩ được nó còn sống trở về đâu kia chứ!”.
Bà đã đưa Linh ra công an phường khai báo. Anh công an phường hỏi nó nhiều câu hỏi, ghi vào biên bản, để chứng minh cho câu chuyện là thật.
"Cháu nó cũng trả lời anh ấy y như những điều cháu nói với tôi. Mừng nhất, anh công an hộ khẩu bảo gia đình tôi: “Chị ấy vì hoàn cảnh bị người ta lừa bán nên mới như thế, chứ không phải người xấu, người phạm tội pháp luật. Chúng cháu sẽ đưa tên chị ấy trở lại nhập khẩu gia đình mình để quản lý nhân khẩu tại địa bàn. Mừng lắm anh ạ…” - bà run run kể lại.
Người cứu Linh trong cuộc trốn chạy cả ngàn cây số, anh Sơn, cũng là người cùng Linh lên Hà Nội hỏi thăm để vào nhà.
Bà H. kể: "Lúc đầu, chúng tôi cũng còn dè dặt nhiều lắm, vì chẳng hiểu mục đích của người ta là gì. Tôi có chục triệu các cháu nó cho để dưỡng già, tôi để một chỗ, cộng với mấy chỉ vàng tôi dành dụm từ trước đến nay.
Vàng ấy, là tôi tính hồi môn cho con Linh khi nó lập gia đình. Nhưng rồi chẳng may như thế, nên tôi đưa chục triệu cho anh Sơn, nói là gia đình tôi trả ơn cứu cháu."
“Anh ấy nhất định không nhận, nhưng cũng chỉ ấp úng không nói rõ ràng câu chuyện để gia đình tôi hiểu. Chỉ sau cái đêm con gái tâm sự, tôi mới hiểu nhẽ: là anh chị ta đã có “hẹn ước” từ bên Trung Quốc, nếu bị bắt lại thì cả hai chấp nhận cùng chết, còn nếu thoát về được Việt Nam, thì cũng cảnh ngộ ấy, cùng rổ rá cạp lại…” – bà H. cười đầy độ lượng và hạnh phúc.
Ngày hôm sau tôi họp gia đình, nói chuyện với các anh cháu. Các con tôi cũng đồng ý, thôi thì em nó như thế, người ta có lòng thương thực, thì mình cũng chấp thuận, coi như cái duyên trời định.
"Tôi cũng nói với anh Sơn, rằng nếu lấy nhau, thì anh phải rõ ràng chuyện gia đình, chuyện anh ấy đã có vợ con, con tôi không thể là người thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình nhà anh ấy được. Anh ấy quả quyết, rằng đúng như những gì anh ấy nói".
Nụ cười của kiều nữ sau 21 năm đầy ải, Tin tức trong ngày, thieu nu mat tich, kieu nu mat tich, ban sang trung quoc, buon ban nguoi, thieu nu ha noi, lam vo nguoi trung quoc, bao, tin tuc, tin hot, tin hay
Thiếu nữ Hà thành 21 năm về trước bị mất tích đã tìm đường về quê hương...
Ở nhà được một tuần thì anh Sơn lên đón Linh về quê Hải Dương. Nhà anh cũng nghèo, cũng làm nông nghiệp. Linh về hôm trước hôm sau ra đồng luôn, cấy nhanh thoăn thoắt nên bố mẹ anh Sơn rất quý.
"Mấy ngày trước, gia đình ông bà dưới Hải Dương lên nhà tôi nói chuyện người lớn, xin phép được cho gia đình làm thông gia, đón cháu về làm dâu. Nhân tính không bằng trời tính, nhà tôi cũng thuận cả".
Rồi bà H. xót xa: “Con tôi nó hẩm hiu bạc mệnh, nhưng không phải đã bị đoạn tuyệt đường sống. Ông trời còn thương cháu, còn cho nó cơ hội làm lại, thế là mừng lắm rồi!”.
Rồi, một cách rất thành thật, và dường như cũng muốn làm không khí thay đổi, bà H. cười mủm mỉm: “Anh bảo, ai đời đi lấy vợ mà anh Sơn lại đi mua một buồng cau hoa làm lễ vật. May mà anh ấy gọi điện cho chị dâu con Linh, chị ấy mới mách cho: em phải mua cau buồng, mua một tút thuốc lá, chai rượu, lạng chè, với buồng cau làm lễ ăn hỏi…
Hôm sau, anh ấy mang đến một buồng cau quả, loại quả dé, nhỏ bằng ngón tay cái, khoe là sang tận làng bên cạnh mua cả buồng, được 120 quả, mỗi quả một ngàn đồng. Bốn mươi tuổi đầu lần đầu đi hỏi vợ, vụng như thế đấy anh ạ. Nói thế, chứ thương nó lắm. Người hiền lành, chân chất nhường ấy, giờ là rể út của nhà tôi. Người ta nói cái nết bằng cả núi tiền, thế là tôi cũng mừng cho con tôi lắm lắm…”.
Theo Linh Di (Vietnamnet)