Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nước mắt Kratie rơi trên phố Hàng Đậu
Bionet Việt Nam - Cô nhân viên lễ tân khách sạn Lý Nam Đế (Hà Nội) ghi tên tôi vào sổ đăng ký rồi nở nụ cười thân thiện: “Anh ở miền Nam ra, em xếp anh nghỉ chung với một anh thượng tá ở phòng 11, tầng 2. Anh ấy cũng vừa từ miền Nam ra đấy”.

 


Đội K72 tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở huyện Chất-bờ-rây, tỉnh Karatie. Ảnh: Nguyễn Huy

Tôi xách va-li leo vội lên cầu thang về phòng. Cửa phòng 11 mở toang, trên giường, một người đàn ông mặc quần áo lót, vóc người nhỏ nhắn nhưng chắc khỏe đang nhoài người trên chồng tài liệu, chăm chú ghi chép. Tôi chưa kịp chào thì anh đã ngẩng lên, xỏ dép đi vội đến bắt tay tôi: “Mình là Chung. Lê Huy Chung, Chính trị viên Đội quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS) K72, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước”. Ồ! May mắn quá, anh chính là vị khách đặc biệt của chương trình giao lưu nghệ thuật “65 năm khúc tráng ca người chiến sĩ” do Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Cộng Sản và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC phối hợp tổ chức, nhằm tôn vinh những gương mặt xuất sắc của quân đội trên các lĩnh vực công tác, mà tôi là người dẫn chương trình. Tôi biết anh qua những dòng giới thiệu ngắn gọn trong kịch bản chương trình và dự định sau khi ổn định chỗ nghỉ, sẽ tìm gặp anh để tìm hiểu thêm một số nội dung. Được ở chung phòng với anh quả là một cái duyên.

Thực ra, anh Chung là một người nổi tiếng nhưng ít người có cơ hội gặp mặt. Ngay cả tôi, dù biết anh từ lâu nhưng “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”. Bởi công việc của anh và những cán bộ, chiến sĩ trong các đội quy tập HCLS diễn ra rất thầm lặng. Sự thầm lặng linh thiêng. Chỉ lấy dẫn chứng con số 2.013 HCLS trên đất bạn Cam-pu-chia được cán bộ, chiến sĩ Đội K72 đưa về nước trong 11 năm qua (2001–2012), cũng đủ thấy công việc của các anh có ý nghĩa lớn lao như thế nào! Và để có được con số đầy tính nhân văn, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" cao cả ấy, cán bộ, chiến sĩ Đội K72 đã khai quật hơn 640 khu vực, hơn 1.260 vị trí, trong đó có 474 vị trí có mộ, còn lại là đào, dò, khảo sát nhưng chưa thấy. Các anh đã đào hơn 120.000 hố, với khối lượng đất đá hơn 240.000m3 (trong đó nhiều khu vực đào xong phải lấp lại do nằm trong vườn, rẫy của nhân dân địa phương); phát quang mở đường, dọn bãi hơn 85.000m2 để đi tìm hài cốt đồng đội. Tất cả những con số đó đều là “khoảng”, “gần” hoặc “hơn”, nhưng có một con số anh Chung nhớ rất chi tiết, được ghi chép cẩn thận thành một tài liệu dày cộp, đó là số lượng hài cốt đã được quy tập và 233 hài cốt đã xác định được danh tính liệt sĩ. “Mỗi lần tìm được một bộ hài cốt, chúng tôi xúc động lắm. Đặc biệt, khi xác định được danh tính liệt sĩ chúng tôi lại ôm nhau khóc..." – Anh Chung nhắc đi nhắc lại câu nói ấy khi kể với tôi về công việc thầm lặng của mình và anh em trong đội.

Anh Chung là cộng tác viên thân tín của nhiều tờ báo, trong đó có Báo Quân đội nhân dân. Mỗi khi phát hiện dấu vết, hiện vật hoặc bất kỳ dấu hiệu nào có ích cho việc tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ từ những bộ hài cốt tìm thấy, anh đều chụp ảnh, ghi chép cẩn thận và kịp thời thông tin cho báo chí. Hàng trăm bài báo, mẩu tin của anh đăng tải trên các báo đã giúp rất nhiều gia đình tìm được HCLS.

Lần này, biết anh ra Hà Nội nên nhiều gia đình ở một số tỉnh phía Bắc đã liên hệ nhờ giúp đỡ tìm phần mộ liệt sĩ. Thỉnh thoảng điện thoại của anh lại đổ chuông. Những thông tin về mộ liệt sĩ được anh giải đáp, cung cấp cặn kẽ cho người cần tìm. Ánh mắt anh sáng lên khi thông báo với tôi: Thân nhân liệt sĩ Lê Thái Ngọc Ánh, sinh năm 1952, quê ở Châu Đốc, An Giang, hy sinh năm 1970 tại tỉnh Kratie (Cam-pu-chia) vừa báo tin: Kết quả xét nghiệm ADN đã xác định hài cốt do Đội K72 quy tập vừa qua chính là của liệt sĩ Ánh. Vậy là từ những di vật hiếm hoi tìm được trong phần mộ liệt sĩ, các anh đã kết nối thông tin tỉ mỉ, chính xác góp phần xác định danh tính liệt sĩ.

Sau chương trình giao lưu, đêm thu Hà Nội tiết trời như chùng lại. Tôi cùng anh Chung bách bộ dọc phố Hàng Đậu. Lại những câu chuyện về hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội. Anh kể, hơn 10 năm qua, bước chân của cán bộ, chiến sĩ Đội K72 đã in dấu ở nhiều vùng rừng núi nơi chiến trường xưa thuộc các tỉnh Kratie, Mun-đun-ki-ri Công-pông-thơm, Công-pông-chàm trên đất bạn Cam-pu-chia; trong đó Kratie là địa bàn có nhiều hài cốt liệt sĩ nhất. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ trong đội cũng gắn bó lâu nhất với vùng đất này. Đi đến đâu, các anh cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của chính quyền, quân đội và nhân dân nước bạn. Sự thân thiết đến mức nhiều gia đình ở Kratie đã coi cán bộ, chiến sĩ Đội K72 như ruột thịt. Trong niềm xúc động, tôi nhận ra hai khóe mắt anh Chung đỏ hoe. Nước mắt Kratie đã rơi trên phố Hàng Đậu trong một khoảng lặng cảm xúc. Sáng hôm sau, anh tạm biệt tôi, tạm biệt Hà Nội trở vào Nam.


 *

 

  *                  *

Tôi trở lại Bình Phước theo lời hẹn với anh Chung. Không khí ở Đội K72 đang rất khẩn trương chuẩn bị cho chuyến hành quân sang đất bạn tiếp tục nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập HCLS. Chuyến đi này, các anh trở về với đồng đội đang nằm lại ở tỉnh Kratie và kéo dài đến cận Tết Nguyên đán Quý Tỵ "Chuyến đi này chúng tôi mang theo nhiều hy vọng, bởi những thông tin nhận được từ chính quyền, quân đội và nhân dân nước bạn cung cấp rất có cơ sở" – Đại tá Nguyễn Văn Bình, Đội trưởng K72 thổ lộ với tôi như vậy.

Từng là chiến sĩ quân tình nguyện với vai trò là chuyên gia trinh sát của Đoàn 7707 thuộc Mặt trận 779 (Quân khu 7), anh Bình đã có hơn 7 năm (1979-1986) gắn bó với chiến trường Cam-pu-chia. Trở lại chiến trường trên đất bạn để tìm hài cốt đồng đội, với anh là cuộc trở về với ký ức thiêng liêng, với những hình ảnh, tình cảm thân thuộc của nhân dân nước bạn. Không có sự hỗ trợ, giúp đỡ ấy, các anh không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Dòng hồi ức của người đội trưởng và chính trị viên như những thước phim quay ngược hành trình gian nan đi tìm hài cốt đồng đội của các anh ập vào tôi. Vậy là Đội K72 đã có tổng cộng 23 đợt hành quân trong hơn 11 năm qua thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội. Trong mỗi câu chuyện, mỗi chặng đường lội suối băng đèo, Đội K72 đều nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của nhân dân các địa phương nước bạn. Trong một lần hành quân đến vùng Sơ-tôn, tỉnh Kông-pông-thơm, anh em trong đội được người dân cung cấp thông tin: Vào khoảng cuối năm 1984 đầu năm 1985, trong một trận đánh với quân Pôn Pốt, 8 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã bị địch bắt. Chúng bắn chết rồi chôn bốn người vào một hố. Khi gặp cán bộ, chiến sĩ Đội K72, những người dân trong phum đã tận tình hướng dẫn, cùng anh em tìm kiếm, quy tập được hài cốt của 8 liệt sĩ.

Một trong những người dân nước bạn có ân nghĩa với anh em trong đội là ông Tha-via ở phum Ba-viêng, huyện Sơ-tôn. Mặc dù đã tuổi cao, sức không còn khỏe, nhưng ông Tha-via vẫn nhớ rất rõ câu chuyện hy sinh anh dũng của 4 anh chiến sĩ tình nguyện Việt Nam xảy ra gần 40 năm trước. Ngày đó, ông là một chiến sĩ, tham gia chiến đấu chống quân Pôn Pốt cùng bộ đội Việt Nam. Trong một lần phối hợp với quân tình nguyện Việt Nam bảo vệ điểm tập kết vũ khí, lương thực, 4 chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam bị lực lượng Khơ-me đỏ giết hại. Khi Đội K72 đến khu vực này khảo sát, ông Tha-via đã phối hợp tìm kiếm, quy tập được hài cốt của 4 liệt sĩ nói trên.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh em trong đội là chuyến hành quân tìm kiếm, cất bốc hàng trăm HCLS ở phum Cô, huyện Chất-bờ-rây, tỉnh Kratie. Đây là khu vực đóng quân dã chiến của Bệnh viện K25 quân tình nguyện Việt Nam. Sau 4 đợt quy tập, đội đã đưa về nước an táng 233 HCLS.

Dòng hồi ức của anh Bình chùng lại. Anh nói, vẫn biết niềm mong đợi lớn lao nhất của những người làm nhiệm vụ như anh là tìm được nơi chôn cất đồng đội. Chuyện đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh là một trong hàng trăm dẫn chứng cho lòng kiên định, ý chí quyết tâm mà anh em trong đội đã làm. Mùa mưa năm ngoái, nhận được thông tin từ nhân chứng, có một số mộ liệt sĩ được chôn cất tại khu vực rừng Ô-chom, thuộc phum Cô, xã Ben-cha, huyện Sầm-pô, tỉnh Kratie từ năm 1971, anh em Đội K72 lên đường ngay. Hơn 40 năm trôi qua, địa hình thay đổi quá nhiều, nhân chứng không thể xác định chính xác địa điểm chôn cất liệt sĩ, nên anh em phải tìm kiếm dựa vào kinh nghiệm. Được sự giúp đỡ tận tình của người dân địa phương, sau nhiều ngày đào bới, đội đã tìm thấy 3 bộ HCLS được gói cẩn thận trong bạt ni lông. Kết hợp di vật và xét nghiệm ADN, một trong 3 hài cốt xác định là của liệt sĩ Nguyễn Hữu Thưởng.

Kể cũng lạ! mỗi lần trò chuyện các anh rất ít nói về sự khó khăn, gian khổ mà họ đã nếm trải. Cứ tưởng hôm nay ngày rộng tháng dài, các anh sẽ nói nhiều hơn về chuyện đó. Nhưng một lần nữa, tôi lại chỉ được nghe về những câu chuyện cảm động trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội. Tại sao vậy? Ấy là vì với các anh, vất vả, gian khổ là lẽ thường tình, đã trở nên quen thuộc...

Lại vừa có cuộc điện thoại gọi về đội. Anh Chung nghe máy một lúc rồi nói, giọng đầy xúc động: “Có một người từ miền Trung gọi điện vào xác định những thông tin trong chuyên mục "Thông tin về mộ liệt sĩ" của Báo Quân đội nhân dân, trùng khớp với thông tin mà gia đình đã có. Thế là, lại sắp có thêm một liệt sĩ được trở về với gia đình”.

Chỉ mới nghe như vậy, tôi đã thấy bổi hổi trong lòng...

Ký của PHAN TÙNG SƠN

Theo qdnd.vn
 

Các tin khác