Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Nước mắt tủi phận của người con sau 31 năm gặp lại mẹ
Bionet Việt Nam - 31 năm con mới tìm được mẹ. Cũng chừng ấy năm người mẹ sống phiêu bạt, khốn khổ đủ đường. Gặp lại được nhau cuộc đời mẹ con cụ Thụ anh Sơn như sống lại, nhưng con đường đoàn tụ của họ nhiều lắm những chông gai.

“Mẹ ơi, chúng con cũng tủi khổ đủ đường!”
Hai ngày qua dưới cây phượng quen thuộc của người phụ nữ già nua, khốn khổ ở khối phố 8, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh đã thay đổi. Không có ánh nắng nhẹ mùa đông như trước đó, cũng không còn sự lặng lẽ, buồn thương từ bà cụ bạc trắng mái đầu thui thủi bát cơm, chiếc bánh. Ở nơi ấy có đủ nước mắt chen lẫn nụ cười. Nước mắt của niềm vui được gặp lại người mẹ sau bao năm dài tưởng như không ngày kết của người đàn ông ở tận Cà Mau. Nụ cười của những người dân hy vọng bà cụ khốn khổ chấm dứt chuỗi ngày thiếu hơi ấm tình người.

Đã hai ngày trôi qua ông Sơn vẫn chưa một lần nghe mẹ cất lời gọi tên con
 
Đã hai ngày trôi qua niềm vui của ông Sơn vẫn chưa trọn vẹn. Dẫu đã làm tất cả, thầm thì bên đôi tai không còn nghe rõ của người mẹ ký ức năm xưa về những đứa con, về những mảnh đất, về con người mà mẹ mình đã từng biết đến với hy vọng mẹ sẽ nhớ, sẽ cất giọng gọi tên con. Nhưng, tất cả đều vô nghĩa với ông Sơn. Cụ Thụ vẫn quay đầu, vẫn mắng chửi một khi ông tiến lại gần, một khi ông bưng cho mẹ bát cơm, chén nước.
 
Gần mẹ chỉ một bước chân mà ông không thể nắm lấy bàn tay của mẹ, không thể thay cho mẹ chiếc áo đã úa màu, hôi bẩn.

Cuộc đời cụ Thụ khốn khổ đủ đường. Gốc phượng là ngôi nhà suốt nhiều năm phiêu bạt, lang thang...
 
Giây phút hạnh phúc nhất của ông Sơn có lẽ là những lúc có sự có mặt của bà Hương, bà Vân và những người dân tốt bụng khác ở khối phố đầm ấm tình người. Những lúc ấy, dẫu vẫn chưa nhận ra con, nhưng con người với tính khí thất thường của cụ Thụ như tỉnh lại. Những lúc như thế ông Sơn đã gắng nói lời xin lỗi mẹ. “Mẹ ơi, con mong mẹ tha thứ cho con. Bao nhiêu năm ngóng tìm tin mẹ không có thông tin, chúng con tin là mẹ đã mất, đã không còn sống trên cõi đời này nữa”, ông Sơn khóc, mong mẹ tỉnh lại không dỗi hờn.
 
Trong nỗi buồn về mẹ, về kiếp lang thang của người đã sinh ra mình, ông Sơn cũng đã khóc: “Mẹ ơi, chúng con cũng tủi khổ đủ đường”. Không có nước mắt buồn thương từ người mẹ, mà nước mắt đã chảy trên khuôn mặt ở những người dân ở khối phố Trần Phú tốt bụng khi nghe ông Sơn kể về hoàn cảnh của mấy anh em sau ngày cha mẹ ly xa.
 
“Mẹ ơi, 5 người con mẹ sinh ra, đứa nào cũng khổ, cùng cực đủ đường từ ngày đó đến tận hôm nay. Cả 5 anh em vẫn chưa hết cảnh làm mướn, làm thuê. Cái Văn (Nguyễn Thị Long Văn, em kế ông Sơn - PV) lập gia đình, sinh được 4 cháu, 2 trai, 2 gái.  Đông con, cảnh nghèo nên cả nhà phải đi làm mướn. Cuộc sống đã nghèo, lại không yên ả khi chồng đánh đập đến thương tật, đã ly hôn. Người chồng giờ đã có vợ mới, còn cái Văn đã rời Cà Mau lên TPHCM trông trẻ, giặt đồ thuê. 

Chú Phong (Nguyễn Đại Phong- em thứ 3 của ông Sơn) ngụ tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cũng chẳng khá hơn. Phong bị bệnh từ hồi còn đi bộ đội tận Cămpuchia. Sinh được 3 cháu, đứa nào cũng bỏ học, nhà thuộc diện hộ nghèo của xã.

Em kế của Phong, Nguyễn Thành Đồng, cũng long đong lắm mẹ ạ. Đi làm mướn cho người ta mãi, hơn 30 tuổi đầu mới tìm được việc, hiện làm công nhân ở Cà Mau lương không đủ trang trải cho cả gia đình nghèo.
Em út Nguyễn Đức Thắng thì khỏi phải nói. Nó thuộc diện nghèo nhất xã Thành Thới, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Thắng giờ đang không biết sống chết ra sao khi mang trong mình căn bệnh Viêm gan B. Hôm con đi ra với mẹ, Thắng cũng muốn đi lắm, nhưng ngặt nỗi không vay lấy đâu ra tiền.
 
Nhưng, 5 anh em thì con là người khổ nhất mẹ ạ. Cái khổ cứ đeo bám lấy con từ ngày theo cha vào Nam chăm sóc mấy đứa em. Đời con chỉ biết đi ở và làm mướn. Đất nào ở miền Tây con cũng đã phiêu dạt đến rồi. Con có vợ và 4 đứa con. Vợ con bị bệnh nặng, hiện đang phải chạy thận. Trước khi ra đây con vừa đưa vợ lên TPHCM chạy chữa về, nợ nần chồng chất. Cũng vì nghèo, cách trở, bởi vậy dù biết tin mẹ còn sống ở Hà Tĩnh cả tháng nay, giờ con mới vay mượn sắp xếp ra được với mẹ. Mẹ tha thứ cho chúng con. Mẹ hãy tỉnh lại để về với chúng con đi mẹ”.   

Những nghĩa tình cao đẹp

Hôm nghe tin những người con ra Hà Tĩnh nhận và đón cụ Thụ về đoàn tụ gia đình, bà con khối phố 8, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh mang một niềm tin rằng, chuỗi ngày khốn khổ, tha phương, chuỗi ngày sống không bóng dáng người thân của cụ Thụ sẽ chấm dứt. Vậy mà, ngay những giây phút đầu tiên khi chứng kiến người đàn ông hốc hác nhưng rất đỗi chất phác ra đón mẹ, tất cả đã cảm nhận cuộc đoàn tụ của mẹ con cụ Thụ sẽ gặp nhiều khó khăn. Họ càng xót thương khi nghe ông kể, hôm ra đón mẹ, gắng lắm vợ chồng ông chỉ chạy vạy được 5 triệu đồng, số tiền may lắm mới đủ xe tàu chứ nói gì đến chút ít quà cho người dân đã đùm bọc chở che mẹ.
Thấu hiểu hoàn cảnh của ông Sơn, thương bà cụ già khốn khó, đầy bất hạnh những người dân ở khối phố 8, phường Trần Phú thêm lần nữa mở rộng lòng nhân ái. Khi ông Sơn đang gắng gượng làm mọi cách để người mẹ bất hạnh nhận ra con thì cũng là lúc những người dân tốt bụng ở khu phố này mở cuộc vận động quyên góp với hy vọng sẽ gom được ít tiền giúp ông Sơn đưa mẹ vào Cần Thơ.

Những người dân khối phố 8, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh đi quyên góp tiền cho anh Sơn đưa cụ Thụ vào Nam
 
Bà Đặng Thị Vân, một trong những người che chở cụ Thụ suốt mấy năm qua chia sẻ, gần như ai trong khối phố từng chứng kiến cảnh bà cụ Thụ sống khốn khổ, lặng lẽ dưới gốc cây quen thuộc đều sẵn lòng đóng góp. Người ít dăm bảy ngàn, người khá hơn thì dăm bảy chục. Có người buôn bán tạp hoá lợi nhuận không đáng là bao nhưng khi nghe tin cụ Thụ sắp gặp người thân đã mang đến gói bánh, ký cam để cụ làm quà khi vào Nam sum họp cùng con.
 
Bà Vân còn cho biết, suốt hai ngày qua, những người dân đùm bọc cụ ở khối phố đã chia thành hai nhóm đi quyên góp. Nhóm đi các quán cà phê, quán ăn trên địa bàn. Nhóm còn lại xuống chợ Hà Tĩnh - nơi cụ Thụ có thời gian lưu lạc, phiêu bạt ở đấy quyên góp tiền. “Đến đâu, nghe nhắc đến hoàn cảnh cụ Thụ họ đều sẵn lòng. Có người đã chảy nước mắt khi nghe tui trình bày nên đến tận thẳng gốc phượng để trao quà cho cụ. Đúng là chưa bao giờ tình cảm dành cho cụ Thụ lại cảm động như ở lúc này”, bà Vân nở nụ cười thật tươi kể lại.
20h tối ngày 1/2 bên gốc phượng quen thuộc những người dân ở khối 8, phường Trấn Phú đã trao số tiền hơn 4 triệu đồng mà họ quyên góp được cho mẹ con cụ Thụ. Ông Sơn lại chảy nước mắt. “Con đã đi, làm mướn nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào người dân lại giàu tình thương như ở nơi này. Giờ thì con đã hiểu vì sao mẹ con còn sống đến bây giờ. Tận đáy lòng con xin ngàn lần cảm tạ. Mai này mẹ vào Nam, sống ổn định, có nghèo khó đến mấy cũng sẽ quay lại để cảm ơn bà con ở đây lần nữa”, ông Sơn khóc khi nhận món quà tình cảm của những người dân tốt bụng.
 
Nước mắt ông Sơn rơi, mừng tủi. Tiếng nấc vẫn không át được lời của những người dân tốt bụng, không biết rồi những người con khốn khó sẽ nuôi mẹ ra sao?

Văn Dũng - Cao Cường

Theo dantri.com.vn

Các tin khác