Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Ông Hai quản trang
Bionet Việt Nam - Hơn 15 năm làm quản trang Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng (Long An) với trên 3.000 mộ liệt sĩ, trong đó có hơn 2.000 liệt sĩ vô danh, ông Hai Thương đã xem những ngôi mộ liệt sĩ như người ruột thịt.

Ông Hai Thương nhắn: “Ngày 26-7 nghĩa trang làm lễ truy điệu, an táng 74 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam vừa tìm được ở Campuchia, trong đó có đến 70 liệt sĩ vô danh, chú em thu xếp thời gian về dự”. Tôi ngần ngừ không dám hứa chắc nhưng trong đầu hiển hiện hình ảnh người quản trang già hơn 15 năm lo nhang khói, chăm sóc mộ phần cho hơn 3.000 liệt sĩ ở nghĩa trang vùng biên giới.

Hơn 2.000 ngôi mộ liệt sĩ vô danh luôn được vợ chồng ông Hai Thương chăm sóc. Ảnh: HÙNG ANH

Chí tình với người đã khuất

Tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng (Long An) lần gần đây nhất vào một buổi tối trời mưa lất phất. Vùng biên giới vốn dĩ đã heo hút, không gian nghĩa trang u tịch, cộng với trời mưa dầm, gió lạnh khiến bóng đêm cứ rờn rợn khó tả. Do có điện thoại hẹn trước, ông Hai Thương và một anh bạn công tác ở huyện ngồi chờ. Một tiệc rượu đơn sơ được bày ra trước sân nhà quản trang lúc đồng hồ đã chỉ hơn 9 giờ đêm. Trên một chiếc bàn khác, ông Hai Thương sắp chén đũa, mồi nhắm thành một mâm riêng, đốt một điếu thuốc lá, một nén hương cắm bên cạnh, rồi kính cẩn rót ly rượu, miệng lầm rầm khấn vái mời hương hồn các liệt sĩ. “Lần nào có anh em, khách đến thăm bày tiệc, tui đều sắp một mâm riêng để mời các liệt sĩ về chung vui” - ông Hai Thương chậm rãi nói.

Ông đưa mắt nhìn ra phía những hàng mộ trắng xóa, kể: “Tôi tên thật là Hồ Văn Thương, năm nay đã 63 tuổi, hai vợ chồng quê gốc ở xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Vợ tôi là bà Phùng Thị Mỹ, trước đây là lính trinh sát của Công an vũ trang tỉnh Bến Tre. Hồi trước, hai vợ chồng tôi làm ruộng ở Thạnh Phú, một năm canh tác một vụ lúa mùa thất lên thất xuống, khổ quá nên năm 1989 bàn nhau bán hết ruộng, lên xứ Vĩnh Hưng này lập nghiệp vì lúc đó đất rộng, người thưa”.

Nhà nghèo, con đông, trồng lúa mùa nào cũng thất bát, lần hồi ông Hai Thương chẳng còn cục đất chọi chim vì phải bán ruộng nuôi con, nợ nần ngập đầu. Năm 1996, ông Hai Thương xin về làm quản trang của Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng. Bà Mỹ vợ ông cũng được nhận vào làm quản trang năm 1997. “Lúc đó tui nghe nhiều người nói các liệt sĩ ở nghĩa trang này linh thiêng lắm. Có rất nhiều chuyện đồn đại về nghĩa trang nhưng chung quy lại người dân xung quanh nói nơi này… ma nhiều lắm, vì có nhiều người chết vô danh”. Nhưng ông Hai Thương nghĩ liệt sĩ là người hy sinh vì nghĩa lớn, vì quốc gia dân tộc, hà cớ gì hương hồn lại đi hù nhát nhân dân của mình. Bản thân ông về đây chăm sóc, nhang khói cho những ngôi mộ và hương hồn liệt sĩ, không có gì phải sợ. Hết năm này qua năm khác, sống giữa hàng ngàn người đã khuất, đến nay ông Hai Thương đã xem những nấm mộ liệt sĩ như người thân.

Công việc chính của ông Hai Thương và vợ là ngày ngày quét dọn, nhổ cỏ, nhang khói cho hàng ngàn ngôi mộ. Những ngày lễ, tết hai vợ chồng lại hì hụi treo cờ, phướn, lo trà nước tiếp những đoàn khách và thân nhân liệt sĩ từ khắp nơi về thăm viếng. Ngoài thời gian chăm sóc nghĩa trang, hễ nghe tin các địa phương trong vùng Vĩnh Hưng, Tân Hưng tìm được hài cốt liệt sĩ, ông Hai Thương lại cụ bị đồ đạc theo đoàn công tác đến tận nơi cất bốc, đưa liệt sĩ về an nghỉ.

Ông Hai Thương kể mỗi ngày chỉ riêng việc quét tước, nhang khói cho mộ liệt sĩ đã mất gần 3 tiếng. Nhưng chuyện khó xử nhất là trong số 1.000 mộ liệt sĩ có danh tính, quê quán thì hết ba phần tư quê ở các tỉnh miền Bắc. Lâu lâu lại có thân nhân liệt sĩ từ xa đến thăm và cương quyết đòi đưa hài cốt về quê nhà, nếu không cho thì họ sẽ tổ chức trộm mộ mang hài cốt về. Những lúc như vậy ông Hai phải đưa họ ra nhà khách của huyện nghỉ ngơi, sau đó thuyết phục họ để thân nhân yên nghỉ, bởi ngày lên đường nhập ngũ xóm làng, chính quyền làm lễ đưa tiễn rất trang trọng, nay âm thầm đưa liệt sĩ về quê chẳng phải tủi vong linh người đã khuất hay sao? “Vận động thuyết phục, cộng với việc thân nhân liệt sĩ thấy tận mắt hai vợ chồng tui hằng ngày chăm sóc kỹ lưỡng các phần mộ nên cuối cùng hầu như ai cũng đồng ý không cải táng. Có nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ nghe tin người thân đang yên nghỉ ở nghĩa trang này, từ xa khăn gói lặn lội vào tận nơi tìm kiếm nhưng không gặp được mộ, có thái độ căng thẳng với quản trang. Những lúc như vậy vợ chồng tui dẫn họ ra những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, giải thích rằng hằng ngày hai vợ chồng tui chăm sóc, nhang khói mà còn không biết người nằm dưới mộ là ai, quê quán ở đâu thì làm sao có thể hướng dẫn họ tìm được mộ người thân” - ông Thương ngậm ngùi nói.

Nao lòng với hơn 2.000 liệt sĩ vô danh

Giữa đêm lạnh vùng biên giới, ông Hai Thương đốt một bó hương lớn, dẫn chúng tôi ra thăm những hàng mộ chỉ có số thứ tự và hai chữ liệt sĩ, phần họ tên, quê quán, cấp bậc, ngày hy sinh đều để trống. Chậm rãi thắp nhang cho từng ngôi mộ, ông nói: “Trong số hơn 2.000 mộ liệt sĩ vô danh có hai nấm mộ chung, một ngôi gồm 120 liệt sĩ, một ngôi 23 liệt sĩ, đều được cất bốc về từ chiến trường Campuchia. Tui nghĩ con người ta ai sinh ra mà không có tên tuổi, quê quán, gia đình nhưng bây giờ nằm đây mà thân nhân không hay biết để thăm viếng, nhang khói, vong linh họ chắc tủi thân lắm.. Mỗi lần gia đình có đám tiệc, tui đều soạn một mâm cơm tươm tất đem qua nghĩa trang thắp nhang mời anh em về dự”.

Hơn 15 năm qua, đã nhiều lần ông Hai Thương liên hệ với các đội quy tập hài cốt liệt sĩ mong tìm ra chút manh mối về thân thế, danh tính, quê quán của các liệt sĩ vô danh để gắn bia và thông báo cho gia đình các liệt sĩ nhưng vô vọng..

Nhìn cảnh quan khá đẹp của nghĩa trang, tôi hỏi những năm gần đây các địa phương khác thường mở cửa nghĩa trang liệt sĩ cho mọi người vào chụp ảnh cưới, sao nghĩa trang Vĩnh Hưng không cho. Ông Hai Thương cười buồn, nói: “Nếu trước ngày cưới cô dâu chú rể và hai họ xin vào thắp hương để tưởng nhớ công ơn liệt sĩ, tôi ủng hộ và sẵn sàng mở cửa đón vào. Nhưng nếu dịch vụ đám cưới xin vào dựng cảnh cô dâu, chú rể ôm ấp, hun hít nhau để quay phim, chụp ảnh thì tui dứt khoát không cho, bởi trong hàng ngàn liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây chắc chắn có rất nhiều người hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí chưa có người yêu, làm như vậy tủi vong linh họ lắm”.

Hai năm, quy tập về quê hương 112 liệt sĩ vô danh


Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An cho biết từ năm 2009 đến nay, các đơn vị làm công tác quy tập hài cốt của tỉnh Long An đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập về quê hương được 121 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia, trong đó có 112 liệt sĩ vô danh.


Quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng. Ảnh: KỲ QUAN

Hầu hết các hài cốt liệt sĩ đều được quy tập, an táng tại hai nghĩa trang liệt sĩ vùng biên giới của tỉnh Long An là Đức Huệ và Vĩnh Hưng. Theo ngành LĐ-TB&XH tỉnh, hiện nay tại hai nghĩa trang biên giới này đang có hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh, chủ yếu là liệt sĩ quân tình nguyện hy sinh trên chiến trường Campuchia, trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giải phóng người dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Hằng năm công tác tìm kiếm, quy tập chỉ có thể thực hiện được vào những tháng mùa khô (từ tháng 12 năm trước đến tháng 6 năm sau), sau đó việc tìm kiếm buộc phải ngừng lại vì nhiều vùng đất của Campuchia bị ngập lụt do mùa nước nổi.

HÙNG ANH

Theo phapluattp.vn

Các tin khác