Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ TỪ CHIẾN TRƯỜNG K - BÀI CUỐI Lính quy tập giữa thời bình
Họ vẫn mải mê lên đường để làm vơi đi nỗi đau của thân nhân liệt sĩ.

Họ đã băng qua cả ngàn phum sóc trên đất bạn Campuchia để tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt đồng đội, để những người mẹ, người cha liệt sĩ được yên lòng. Bước vào tuổi nghỉ hưu, nhiều sĩ quan QĐND Việt Nam vẫn còn nặng nợ với nghề…

Đi nắng về mưa

Nước lũ trên các cánh đồng không còn mênh mông, gió chướng se lạnh báo hiệu mùa khô đã đến, cũng là lúc những người quy tập hài cốt bắt đầu công việc thầm lặng của mình. Một năm có hai đợt quy tập, các đội phải làm việc khoảng 220-240 ngày đêm trên đất nước chùa tháp. Đợt một, thường khởi đầu từ tháng 10 dương lịch của năm trước đến cuối tháng 1 năm sau. Nghỉ tết xong, đầu tháng 3 họ tiếp tục khăn gói trở lại và làm việc cật lực cho đến khi mùa mưa nặng hạt.

Đội trưởng và đội phó đội K73 viếng ngôi mộ 120 hài cốt tìm được ở chiến trường Campuchia, an táng tại nghĩa trang Vĩnh Hưng. Ảnh: CTV

Đại tá Hồ Văn Nguyên, Đội trưởng Đội K71 (Tỉnh đội Tây Ninh), có thâm niên gần 10 năm tham gia công việc quy tập hài cốt với cương vị lãnh đạo đội. Anh từng là bộ đội tình nguyện chiến đấu trên chiến trường Campuchia nên khá thông thạo địa hình, thích nghi với thời tiết khắc nghiệt. Đội của anh được giao làm nhiệm vụ ở năm tỉnh và hiện đang hoạt động tại Kong Pong Cham. Từ đầu mùa khô 2010-2011, tính đến thời điểm này đã tìm được 48 bộ hài cốt.

Nguyên kể về những khó khăn, theo anh không chỉ có Đội K71 nếm trải, hầu hết các đội K70, K72, K73 thuộc Quân khu 7, đội nào cũng vấp phải tình trạng bất đồng ngôn ngữ; người dân còn ngán ngại, không dám tiếp xúc, cung cấp thông tin, mặc dù được quân đội hoàng gia và chính phủ Campuchia tận tình giúp đỡ. Đa số các ngôi mộ tập thể và cá nhân tìm được, đều nhờ vào trợ giúp của nhân dân và chính quyền nước bạn. Để đạt kết quả, những người lính phải làm tốt công tác dân vận (chăm lo đời sống, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí... cho nhân dân), đồng thời giải thích cho dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của công việc tìm kiếm hài cốt.

“Đi tìm mộ ở những khu rừng nguyên sinh, đồi núi cao là công việc rất gian nan. Có khu mộ theo điểm chỉ của nhân chứng đang nằm dưới một rừng tre dày đặc cũng phải phát hoang đào bới. Đang bốc mộ, trời bỗng đổ mưa hàng giờ, cả nhóm thay phiên nhau vừa tát vừa vét lớp đất đá nhão nhẹt, chân tay run bần bật vì lạnh, cũng phải cố gắng làm cho xong” - Đại tá Lê Hoàng Yến, nguyên Đội trưởng Đội K72 (Bình Phước), thuật lại. Vốn là một người lính tình nguyện chiến đấu ở chiến trường Camphuchia, sau đó anh lại gắn bó với công việc tìm mộ suốt bảy mùa khô từ 2002 đến 2009.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng ngôi nhà của anh Yến ở xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) luôn được những người quen giới thiệu, tìm đến nhờ anh dẫn đi tìm mộ. Anh Yến tâm sự: “Xong nghiệp quân ngũ, dự định trở về quê làm nông nhưng trong lòng cảm thấy chưa yên, vì vẫn còn những đồng đội nằm xuống bên kia chiến trường chưa thể đoàn tụ với gia đình!”. Anh mân mê một gốc cây rừng, lõi của nó nổi vồng lên từng cuộn, săn chắc như những bắp cơ, giới thiệu: “Đây là vật lưu niệm duy nhất của tôi mang từ Campuchia về. Nhìn gốc cây hóa đá này, cứ nhớ mãi công việc thật ý nghĩa những năm tháng đã qua”.


Đại tá Lê Hoàng Yến, nguyên Đội trưởng Đội K72, với kỷ vật gốc cây cổ thụ hóa đá mang về từ Campuchia. Ảnh: T.PHÚC

Kham khổ và gian truân

Quân số mỗi đội K Việt Nam luôn thường trực 35-45 người và một đội hỗ trợ khoảng 15 người thuộc quân đội hoàng gia - chính phủ Campuchia cùng đồng hành, làm nhiệm vụ bảo vệ, dẫn đường, giúp các đội K quan hệ với nhân dân và chính quyền địa phương.

Làm nhiệm vụ ở đâu thì nấu ăn ở đó. Hết giờ các đội về tá túc ở chùa, hoặc các đơn vị quân đội của bạn. Nước uống, nấu ăn, sinh hoạt… được xem là thứ quan trọng nhất. “Bây giờ thì có nước uống đóng chai chở từ Việt Nam sang, chứ trước đây uống nước khe suối, nước vũng… là chuyện thường ngày”. Những nơi heo hút, phải đến hai hoặc ba ngày các thành viên trong đội mới được tắm giặt một lần. Anh em phải san sẻ nhau từng ngụm nước giữa vùng đồi núi khô cằn, nứt nẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Thượng tá Đỗ Văn Tánh - Đội trưởng và Đội phó Đội K73 đã tham gia suốt cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam. Họ gắn bó với đội từ đầu chương trình, đến nay đã bước vào cao điểm mùa khô thứ 10. Các anh nói: “Chúng tôi luôn cẩn trọng, nhắc nhở chiến sĩ của mình tự bảo vệ sức khỏe tránh nhiễm bệnh, nhất là sốt rét rừng, bệnh đường ruột… trong sinh hoạt ăn uống, ngủ, nghỉ trưa…”.

Về giá cả, bên Campuchia khá đắt đỏ nên những bữa ăn trong khi làm nhiệm vụ thường rất thiếu thốn. Được ăn cùng với Đội K73 một bữa trưa tại ban chỉ huy đội, phóng viên ghi nhận, rau xanh là món không thể thiếu trong khẩu phần ăn của mỗi người (gồm: khổ qua, đậu bắp, cải luộc và canh rau tập tàng). Còn thức ăn chính, chỉ một món cá chiên dầm nước mắm. Nhưng trông mọi người ăn thật ngon miệng. “Ăn nhanh, đánh gọn” đúng như tác phong quân đội.


Những ngôi mộ khuyết danh ở nghĩa trang biên giới. Ảnh: T.PHÚC

Làm vơi nỗi đau thời chiến

Với thành tích xuất sắc, quy tập hơn 6.350 bộ hài cốt trong vòng 10 năm, các đội K của Quân khu 7 đều được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng Nhì. Riêng Đội K73 (Long An) vừa vinh dự nhận huân chương Lao động hạng Ba, trong đợt tổng kết “Bốn năm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đội trưởng Nguyễn Văn Hoàng nhớ lại, năm 2003, qua điểm chỉ của ông Tám Tiến, một cựu chiến binh ở Bến Lức, Long An, đoàn cựu chiến binh Hà Nội và gia đình nhờ đội K73 tìm giúp ngôi mộ tại một bụi được chôn cất từ năm 1970, thuộc xã Tua S’Ray (tỉnh S’Vay Rieng). Đào mãi đến 3 giờ chiều thì phát hiện hài cốt. Ngước nhìn lên thấy những người thân trong gia đình và đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Đình Huỳnh rơi nước mắt.

Riêng Đại tá Lê Hoàng Yến nhớ những lần tìm ra hài cốt người thân, nhất là những kỷ vật chôn kèm theo như cây viết, bộ đồ trẻ sơ sinh, cây đèn pin, mấy cái răng vàng, cây lược, thân nhân liệt sĩ ai cũng khóc nức nở. Khi đó, những người lính quy tập như vơi đi những nhọc nhằn sau liên tiếp mấy ngày đào bới cực nhọc.     

Những mùa khô sẽ lại tiếp nối, sẽ lại có thêm hàng trăm… bộ hài cốt nữa được các đội K của Quân khu 7, Quân khu 9 tìm kiếm, cất bốc và hồi hương… để các liệt sĩ mãi an nghỉ bình yên trong lòng đất quê nhà. Một chương trình mang tính nhân văn, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn… được chính phủ hai nước Việt Nam-Campuchia hợp tác, triển khai ròng rã suốt gần 10 năm qua, đã làm vơi bớt nỗi đau của đất nước, dân tộc và những người thân.

TÂM PHÚC

Theo phapluattp.vn

Các tin khác