Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
QUY TẬP HÀI CỐT LIỆT SĨ TỪ CHIẾN TRƯỜNG K - BÀI 2 Những kỷ vật biết nói
Chưa đủ thông tin để có thể tìm về với gia đình, nhiều kỷ vật chôn kèm hài cốt vẫn còn nằm yên đó khiến những người quy tập nghe lòng mình còn nợ.

Trong ngôi nhà số 30 Bác Ái, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức của nhà giáo Dương Quốc Đạt có một đoạn gỗ cổ thụ (dài 1,8 m, đường kính khoảng 0,6 m), được chủ nhân lưu giữ như một kỷ vật. Ông Đạt cho biết chính nhờ thân cây này, gia đình ông đã tìm thấy hài cốt của người em gái: liệt sĩ, nhà giáo trẻ Dương Lệ Chi.

Nhà giáo Dương Quốc Đạt và đoạn cây cổ thụ khắc tên Chi. Nhờ dấu hiệu này mà gia đình ông đã tìm được hài cốt cô em liệt sĩ sau 34 năm. Ảnh: T.PHÚC

Khắc tên em trên vỏ cây

Cô Chi hy sinh giữa tháng 5-1970 trong một trận càn ác liệt. Lúc ấy cô vừa tròn 24 tuổi, đang là giáo viên của Trường Nguyễn Văn Trỗi thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, đóng quân trên đất Campuchia. Đêm đó, các em học sinh đang yên giấc, bỗng pháo địch thổi dồn vào khuôn viên trường. Cây rừng, lán trại đổ rạp…

Mặc dù đã xuống hầm trú ẩn an toàn nhưng nghe tiếng học trò kêu khóc, cô Chi vụt lao lên tiếp cứu. Một quả pháo khác bồi dập, mảnh pháo ghim trúng tim khiến cô chết ngay tại chỗ. Mọi người khiêng xác hai cô trò giấu tạm dưới hầm rồi di tản ra khỏi khu vực bị địch tập kích. Trận càn ấy có tới 11 thầy trò của Trường Nguyễn Văn Trỗi hy sinh.

Hai tháng sau, ông Đạt (anh thứ năm của cô Chi và cũng là thầy giáo dạy chung trường) mới có thể quay trở lại ngôi trường. Ông cùng một đồng đội lấp căn hầm, chôn xác cô Chi và nữ sinh tên Thu (13 tuổi). Họ dùng lưỡi lê súng CKC khắc thật sâu chữ Chi lên thân cây, ghi lại dấu vết để sau này có điều kiện tìm kiếm.

34 năm sau, vào năm 2004, gia đình ông Đạt cùng đồng đội, các cựu học sinh của Trường Nguyễn Văn Trỗi mới tìm được hài cốt của cô Chi và người học trò tại một khu rừng thuộc tỉnh Pray Veng. Kèm theo hài cốt còn có hai chiếc dép cao su (một của cô, một của trò) và chiếc áo ngực kết bằng vải dù.

Điều ngạc nhiên là rừng cây dầu ngày xưa, chủ nhân của nó đã phát quang để sản xuất từ hơn chục năm trước. Bên trong khu rừng chỉ còn sót lại hai cây cổ thụ cao gần 30 m. Ông chủ rừng nói với bà con: “Hai cây này linh thiêng lắm! Tui đã cho thằng con từ lâu để nó cưa hạ xẻ gỗ cất nhà nhưng chẳng hiểu sao nó cứ lần lữa mãi không chịu đốn…”.

Nhóm của ông Đạt tìm đến vạt rừng đó lần thứ năm. Họ đốt nhang khấn vái, quan sát bằng mắt thường, dùng cả camera ghi hình để xác nhận... Bỗng ông cùng em trai của cô học trò tên Thu phát hiện ra chữ Chi khắc trên thân cây (lúc khắc tên, cây chỉ ở tầm ngang thắt lưng, giờ đã vọt lên độ cao gần 12 m). Không cầm được nước mắt, họ ôm nhau khóc vì mừng.

Được sự trợ giúp của Đội K73, hài cốt của liệt sĩ Chi cùng học trò đã trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương sau mấy mươi năm xa cách. Nhóm của ông Đạt và các cựu học sinh đã hỏi mua cây cổ thụ với giá tiền khá cao, cốt để cắt lấy một phần thân cây có khắc chữ Chi mang về cất giữ làm kỷ niệm. Ông chủ rừng đồng ý nhưng chỉ nhận một khoản tượng trưng 800.000 đồng Việt Nam để trả công thuê anh em đốn hạ và giúp vận chuyển kỷ vật lên xe…

Nhận diện hài cốt qua kỷ vật

Năm 2003, khi tìm mộ liệt sĩ Lê Thị Quyên (quê Mỏ Cày, Bến Tre), thuộc đơn vị K78 - Trung ương cục miền Nam, có hai phụ nữ vừa là đồng đội vừa là người nhà đến tỉnh Kratie cung cấp thông tin với Đội K72: “Lúc hy sinh, chị Quyên đang mang thai. Chôn theo chị Quyên có một số bộ đồ may bằng vải dù dành cho trẻ sơ sinh, chiếc lược bị gãy khoảng 3-4 cái răng và một cái gương tròn…”.


Bình đựng nước khắc tên Xuân Thoảng nhặt được chung với hài cốt liệt sĩ. Ảnh: TRUNG DŨNG (Tỉnh đội Long An)

Hành trình tìm mộ liệt sĩ Quyên khá gian nan. Sau năm ngày đào tìm ròng rã, nhóm các anh bộ đội Thắng, Tươi mới phát hiện ra hài cốt, bên trong có bộ đồ trẻ con may chưa hoàn tất cùng với chiếc lược màu vàng gãy ba cái răng và cái gương tròn. Từ khu mộ chị Quyên, họ xác định thêm 10 mộ nữa của các liệt sĩ: Ba Nhỏ (Bến Tre), Thông (Hưng Yên), Nghì (Thanh Hóa), Lài (Bến Tre)…

Trường hợp liệt sĩ Lê Văn Nào (Trảng Bàng, Tây Ninh), hy sinh tại huyện Sontuc, tỉnh Kong Pong Thom, để không bị nhầm lẫn, gia đình tìm kiếm người trực tiếp chôn cất, mời họ tham gia nhóm quy tập. Quả đúng như lời nhân chứng xác nhận, khi bốc mộ lên, mọi người tìm thấy một cây đèn pin cổ có khắc chữ N…

Hay như liệt sĩ Trần Văn Phát (Sóc Trăng), cán bộ tài chính của trung ương tăng cường cho bộ phận miền, hy sinh năm 1971 tại tỉnh Kratie, nhân chứng cho biết lúc chôn ông Phát có kèm theo cây viết kim tinh màu xanh lam. Khi tìm thấy hài cốt và cây viết, cháu gái ông Phát khẳng định ngay đây chính là cậu của mình vì trước khi đi B, ông Phát được thủ trưởng đơn vị tặng cây viết.

Quyển nhật ký của nguyên đội trưởng Đội K72 Bình Phước còn ghi đầy đủ những lời tự sự đong đầy niềm hạnh phúc lúc gia đình nhận ra hài cốt người thân của mình. Năm 2002, khi đi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Cơ (Hưng Yên), anh ruột của liệt sĩ mang trọng trách của người mẹ 84 tuổi giao: “Phải tìm cho được thằng Cơ, mẹ mới yên lòng nhắm mắt”.

Liệt sĩ Cơ lái xe tải vận chuyển vũ khí, bị xe tăng địch bắn, chết cháy tại suối Opo, xã Pithanu, huyện Sanua, tỉnh Kratie vào tháng 5-1970. Nhân chứng trực tiếp chôn cất nhớ lại, khi bốc xác ông Cơ mang đi chôn, trên xác có dính theo mấy cây đinh và ốc vít từ các khung sắt trên mui xe rũ xuống. Nhóm tìm mộ phát hiện ra bộ hài cốt có lẫn ốc vít đúng như lời của nhân chứng. Người anh ruột cất tiếng gọi mẹ, rồi khóc nấc: “Mẹ ơi, con đã thấy thằng Cơ rồi! Con đang khóc em con đây, nước mắt đau buồn trộn lẫn niềm vui đoàn tụ!”.


Chân dung nhà giáo liệt sĩ Dương Lệ Chi tìm thấy chung với hài cốt. Ảnh: T.PHÚC

Ngậm ngùi những kỷ vật

Một số trường hợp hài cốt đang quy tập tại Nghĩa trang huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, mặc dù có kỷ vật chôn kèm nhưng vẫn không thể tìm ra gia đình để bàn giao. Đó là bức ảnh chân dung trong chứng minh thư của một nữ liệt sĩ, toàn bộ chữ viết đã bị nhòa. Một chiếc bình toong đựng nước khắc tên “Xuân Thoảng 10-7-1967” và cái ví đựng giấy tờ bên trong có mẩu giấy khen mang tên Nguyễn Bá Quý (vốn là một chiến sĩ đặc công), Đội K73 tìm thấy vào mùa khô năm 2008.

Nếu được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng những trường hợp trên sẽ có người thân tiếp nhận. Hiện tại bộ hài cốt của nữ liệt sĩ với tấm ảnh chân dung trong chứng minh thư kể trên đang thuộc nhóm mộ khuyết danh. “Chúng tôi nghĩ nếu gia đình được cơ hội ngắm kỹ bức ảnh này thì chắc chắn họ sẽ nhận ra người thân của mình” - một thành viên Đội K73 khẳng định.

Chiến tranh đi qua, để lại những nỗi đau thương, mất mát cho hàng triệu gia đình. Nhiều mẹ liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng… trước lúc mất vẫn cứ đau đáu về những đứa con hy sinh chưa tìm được hài cốt. Trong hoàn cảnh quá bức bách, lúc chôn cất đồng đội của mình, các chiến sĩ chỉ lưu lại tên, quên ghi chi tiết đơn vị, quê quán... Giờ đây, những ngôi mộ liệt sĩ quy tập về nghĩa trang các tỉnh biên giới đơn độc chỉ mỗi cái tên: Thanh, Tấn, Hoài, Thành… không người thân nào dám đón nhận!

TÂM PHÚC

Theo phapluattp.vn

Các tin khác