Vượt qua hàng ngàn phum sóc
Tháng 12, Campuchia bước vào mùa khô. Khắp nơi rộn rịp đón hàng chục ngàn lượt du khách đến tham quan các di tích văn hóa lịch sử. Đây cũng là thời điểm những người lính trong các đội K (chuyên tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ) của Quân khu 7 quảy ba lô băng rừng lội suối, lặng lẽ làm nhiệm vụ trên đất bạn.
Đội K73 tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại tỉnh Svay Rieng. Ảnh: TRUNG DŨNG (Tỉnh đội Long An)
Giữa trưa Siem Riep, Kông Pông Chàm, Svay Rieng… chúng tôi cảm nhận được cái nóng hầm hập, mồ hôi vã trên trán, loang ra ướt đẫm cả áo quần… Khách đi du lịch ai cũng ái ngại với tiết trời quá gay gắt. Vậy mà nhóm tìm mộ hơn 25 người, gồm bộ đội Việt Nam, lực lượng hợp tác của quân đội Hoàng gia Campuchia, nhân chứng là cư dân địa phương… quên mất những cực nhọc phải trải qua, chỉ đau đáu đưa đồng đội về đất mẹ.
Đại tá Nguyễn Văn Hoàng, Đội trưởng Đội K73 (trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An), tự nhận bản thân mình rất nông dân, anh tâm sự: “Độ rày đi tìm hài cốt khó hơn các năm trước dữ lắm! Những khu mộ chôn tập trung, mình đã cất bốc hết rồi. Phải đào qua, xáo lại cả chục lượt trên một khu đất nghi ngờ có mộ mới phát hiện được. Lính bọn tui cứ ăn rừng, ngủ chùa miết. Tuy cực nhưng trong lòng ai cũng vui vì bản thân đang làm một nghĩa vụ rất thiêng liêng”. Từ đầu mùa khô 2010-2011 đến nay, đội của anh chỉ tìm được chín bộ hài cốt và không liệt sĩ nào có tên!
Những năm đầu triển khai chương trình tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân Việt Nam tình nguyện do chính phủ hai nước phối hợp thực hiện, Đội K73 hoạt động ở địa bàn các tỉnh Svay Rieng, Kandal, Kong Pong Spư, Pray Veng và thủ đô Phnom Penh. Số hài cốt tìm được nhiều nhất là ở tỉnh Svay Rieng. 1.700 hài cốt trên tổng số 1.831 bộ. Nay các tỉnh gần như không còn địa chỉ nên Đội K73 đang tập trung tìm kiếm tại tỉnh biên giới Svay Rieng.
Theo lời của Đại tá Lê Hoàng Yến, cựu Đội trưởng Đội K72 (Tỉnh đội Bình Phước), địa bàn của đội khá hiểm trở gồm các tỉnh Kratie, Kong Pong Thom, Mondunkiri, có nơi đồi dốc thẳng đứng, rừng nguyên sinh dày đặc, sông suối cách trở. Để thực hiện được nhiệm vụ, nhóm phải cắt rừng, đốn cây đánh dấu, mở đường mà đi. Xe ôtô, xe hai bánh không đến được, cả nhóm lội bộ di chuyển ra vào địa chỉ tìm mộ xa cả chục cây số mỗi ngày, không ai tránh khỏi thương tích. Thậm chí bị lạc đường, đói khát và nơm nớp lo sợ thú rừng.
Nhưng với tấm lòng vì đồng đội, vì người thân của các liệt sĩ đang ngày đêm mong chờ tin tức, những người lính các đội K70 (Cục Chính trị Quân khu 7), K71 (Tỉnh đội Tây Ninh) cùng với hai đội K72, K73 từ năm 2001 đến nay đã vượt qua cả ngàn phum sóc để tìm kiếm được trên 6.350 bộ hài cốt.
Tất cả đều được quy tập tại nghĩa trang liệt sĩ của các tỉnh. Trong số này chỉ vỏn vẹn 370 hài cốt liệt sĩ xác định rõ danh tánh, được người thân ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước tiếp nhận đưa về quê an táng.
Theo Đại tá Nguyễn Thống - Trưởng phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 7: “Hiện bốn đội K của Quân khu vẫn đang tiếp tục công việc tìm kiếm cất bốc, hồi hương hài cốt, tập trung ở các địa phương của tỉnh Kông Pông Chàm, Kong Pong Thom, Kratie và Svay Rieng…”.
Nhân chứng và các khu mộ tập thể
Ông Út Mười Hai (một nhân chứng sống), hiện ngụ huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, nguyên là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 28, đã có công điểm chỉ giúp đội K73 tìm được một ngôi mộ tập thể chôn tới 120 liệt sĩ. Qua thông tin của ông Út, các thành viên trong Đội K73 tiếp xúc với người trực tiếp lái xe ủi, lấp hố chôn hàng loạt nạn nhân bị thảm sát để xác định đúng vị trí và tiến hành bốc mộ.
Hố chôn tập thể 120 cán bộ, chiến sĩ Việt Nam thuộc C30 và Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 9) hy sinh trong trận chiến đấu với quân Lonnon, tại xã Pô T’Rich, huyện S’Vây Ch’Rum. Trong tháng 8-2002, Đội K73 đã hoàn tất việc cất bốc, hồi hương và xây ngôi mộ tập thể để các liệt sĩ được yên nghỉ tại Nghĩa trang huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Một trường hợp mộ tập thể khác (12 người) cũng do Đội K73 quy tập từ xã Ch’Pọ M’Tê, huyện S’Vây Tiếp, tỉnh Svay Rieng trong tháng 12-2005.
Lễ truy điệu và an táng các hài cốt liệt sĩ quy tập từ chiến trường Campuchia tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: TRUNG DŨNG (Tỉnh đội Long An)
Ông Lý Văn Kẹo, một cựu chiến binh ngụ phường 6, TP Tân An, nhiều lần dẫn đoàn sang Campuchia (vùng căn cứ Ba Thu) tìm mộ đồng đội nhưng không tìm được. Ông vẫn không nản chí và tiếp tục khẳng định với Đội K73 về khu vực có mộ chôn các liệt sĩ. Cho đến lần thứ 10 tích cực đào xới, ông và đồng đội đã tìm được ba bộ hài cốt.
Riêng Đội K72, từ tháng 3 đến tháng 5-2004, liên tục bảy lần đào tìm tại khu nghĩa trang của BV K54, thuộc huyện Salong, tỉnh Kratie. Sau khi cất bốc được 51 bộ hài cốt, công việc xem như đã kết thúc, nhóm 24 người chuẩn bị rút quân, người đội trưởng vẫn cứ linh tính còn nhiều hài cốt dưới lòng đất. Linh tính ấy buộc nhóm 24 người quyết tâm trụ lại, đào mở rộng thêm một diện tích khác (cách nơi đã đào trước đó khoảng 70 m). Thật ngạc nhiên, họ tìm thêm được 11 bộ hài cốt.
Niềm vui khó tả nhưng nỗi buồn cũng rất khó nguôi ngoai. Mặc dù mỗi bộ hài cốt trong khu nghĩa trang BV K54 đều có chôn kèm một lọ Penicillin đựng giấy ghi tên tuổi, quê quán, song do thời gian đã hơn 30 năm, nước thấm qua nút chai, giấy bị mục nát. Tất cả đều trở thành mộ khuyết danh! Chỉ còn duy nhất bộ hài cốt ghi rõ họ tên liệt sĩ Cao Xuân Lộc.
Nhiều chuyện kể khác khá ly kỳ ở Đội K72 mà theo mọi người, có một chút gì đó mang yếu tố tâm linh, rất khó lý giải. Cụ thể như tại một vạt rừng ngang chừng 600 m, dài 1,5 km ở phum Codach, xã Coliep, huyện Kratie, tỉnh Kratie, người dân địa phương khẳng định trước đó có thấy mộ bộ đội nhưng dấu vết bị xóa mờ theo thời gian, tìm mãi không gặp.
Các chiến sĩ tìm mộ khi lọt vào cánh rừng này, cứ đi lạc lòng vòng. Họ bàn nhau thắp nhang khấn vái, rồi phán đoán theo cảm tính, hễ thấy nơi nào mặt đất có dấu hiệu lạ hoặc đất gò thì đào. Không ngờ sụp một hố chôn, phát hiện bạt, võng nylon… Sau khi đào mở rộng ra chung quanh, tìm được 37 bộ hài cốt.
Liệt sĩ thời chống Mỹ chiếm số đông
Lý giải vì sao hài cốt liệt sĩ quân Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia phần nhiều phát hiện trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, một cựu chiến binh cho biết: “Dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, thời đó bộ đội ta thường mượn đường đi trên đất bạn để di chuyển và vận tải vũ khí, tiếp tế lương thực. Bị địch phát hiện, liên tục tập kích tấn công từ phía biên giới Việt Nam, theo năm tháng, bộ đội ta cứ lùi sâu vào địa bàn rừng núi đầy hiểm trở của nước bạn…
Hài cốt tìm được trong chiến tranh chống Pháp ghi nhận rất ít vì dấu vết đã bị xóa theo thời gian, các nhân chứng sống tuổi khá cao, một số đã qua đời. Riêng bộ đội Việt Nam tình nguyện tham gia chiến tranh biên giới Tây Nam không tìm thấy nhiều do thời điểm đó, hầu hết liệt sĩ hy sinh đều được chuyển về nước an táng.
TÂM PHÚC
Theo phapluattp.vn