Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Sau 41 năm, "liệt sĩ" nhận ra chính mình
Bionet Việt Nam - Bà Chiêm giật mình khi thấy chồng mình ngồi dán mắt vào màn hình rồi gật gù, lẩm bẩm những câu khó hiểu. Trên truyền hình đang phát sóng chương trình “Người đương thời” về Đặc công Hải quân được ghi hình ngay trên cảng Cửa Việt – Quảng Trị trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của lực lượng…

Chuyện như phim nhưng có thật

Hôm sau, bà con thôn Kinh Lương xôn xao khi hay tin ông Vĩnh “đen” bỗng nhớ ra mình là bộ đội Đoàn Đặc công Hải quân M26. Ban đầu, mọi người còn nghi ngờ và chính ông Vĩnh cũng không tin tưởng vào mình nhưng càng về sau ký ức càng rõ rệt trong ông. Chính cái địa danh Cửa Việt và những gương mặt “quen quen” trên màn hình đã gọi về trong ông nhiều tiềm thức. Đến thời điểm chúng tôi gặp, đối thoại cùng ông thì ông đã hoàn toàn tự tin kể lại ký ức một thời oanh liệt:

“Chúng tôi cho nổ mìn đánh tàu, sức mạnh của khối thuốc đã hất tôi lên bờ và làm tôi ngất. Đến khi tôi mở mắt được thì thấy đầu óc hoàn toàn trống rỗng và đã thấy mình nằm trong cũi sắt của bọn thám báo Mỹ. Bọn chúng tra tấn tôi nhiều lắm nhưng không khai thác được gì nên đã đưa tôi về trại giam…

Có thằng giám thị ác ôn lắm, anh em cực quá nên bàn nhau “xử lý”. 6 anh em tôi vờ ngồi đánh bài tận góc nhà. Thằng này xách dùi cui đến. Đợi nó vào đến tầm, 6 chúng tôi bật dậy ra đòn. Đánh chết nó rồi mới thấy khó giấu xác. Đành bảo nhau dùng cà mèn đựng thức ăn múc cát dưới nền nhà thành hố hất xác nó xuống rồi lấp lại. Được 3 hôm, cái xác trương lên, bốc mùi. Sợ chúng đánh tất cả mọi người nên 6 chúng tôi đứng ra nhận trách nhiệm. Chúng tập trung vào đánh anh em tôi nhừ tử rồi đeo vào cổ mỗi người một tấm biển đề “Cọp dữ”. Chúng đưa 6 người ra nhà tù Phú Quốc. Vừa xuống máy bay, bọn trại giam Phú Quốc nhận bàn giao tù lại tiếp tục đánh chúng tôi ngay…

Tháng 3-1972, chúng tôi được trao trả tại Thạch Hãn. Tận ngày đó, tôi vẫn bị chúng nhốt trong cũi sắt, anh em lại phải đấu tranh khi được tin địch sẽ tiêm thuốc gây tê liệt cho tù binh trước khi trao trả, trong đó có tôi. Mọi người phải dìu tôi ra máy bay…

Về Đoàn An dưỡng Nam Hà, tôi được phong quân hàm chuẩn úy, rồi thiếu úy. Đến năm 1974, tôi xin ra công tác tại Công ty Nông sản Hải Phòng, sau thấy người quá yếu nên tôi xin về nghỉ mất sức…”.

Một cuộc đời bi tráng

Nhiều chi tiết ông kể được Đại tá Nguyễn Kiều Kinh, Trưởng phòng Chính sách Quân chủng Hải quân xác nhận vì trước đó Phòng Chính sách đã cùng Đoàn M26 về thẩm định.

Cách đây 45 năm, chàng trai tên Nguyễn Viết Vĩnh, thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng lên đường nhập ngũ. Năm 1967, Vĩnh được điều về Đoàn M26 và tham gia đánh tàu địch tại Đông Hà – Cửa Việt, được kết nạp vào Đảng trước khi ra trận. Ngày 2-5-1968, sau trận đánh tàu Mỹ trong đội hình của Phân đội 4, Đoàn M26, Thượng sĩ Vĩnh và chính trị viên Sủng không thấy quay trở lại. Sau nhiều lần tổ chức tìm kiếm không thấy, Đoàn M26 đã gửi giấy báo tử về quê.

Viễn, người em trai duy nhất của Vĩnh chưa tròn 17 tuổi nằng nặc xin cha nhập ngũ để trả thù cho anh. Sau đó, Viễn đã hy sinh anh dũng khi làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào năm 1970. Sau này, mẹ anh cũng mất do bệnh tật. Người cha đã luống tuổi ngày ngày phải đối mặt với 3 di ảnh của những người đã khuất. Vì nghĩa vụ với dòng họ, cha ông đành lấy vợ mới với hy vọng sau này sẽ sinh con trai để có người nối dõi tông đường…

Bà Chiêm kể chuyện: Khi ông Vĩnh ở Đoàn An dưỡng và nhớ mang máng được quê mình thì đã dò hỏi nhiều người về tin tức gia đình. Biết em trai hy sinh, bố đi lấy vợ, ông đã lánh mặt mọi người vì ông nghĩ chẳng còn ai thân thích để mình về nữa. Thấy ông hiền lành, thật thà đến côi cút, bà Chiêm đem lòng thương và chấp nhận lấy ông. Đến nay, ông bà có 3 người con trai. Người con trai đầu được ông đặt tên là Nguyễn Quảng Trị để nhớ về sự kiện bị bắt ở Quảng Trị. Anh Trị hiện đang là đại úy, sĩ quan quân đội. Con thứ hai của ông là Nguyễn Viết Giới, đã từng là chiến sĩ trong đội tuyển bóng chuyền của Lữ đoàn M70 Hải quân.

Cầm trên tay lá thư của Chính ủy Quân chủng Hải quân cùng số tiền 5 triệu đồng trích từ quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” do Đại tá Nguyễn Kiều Kinh trao, ông Vĩnh xúc động trào nước mắt: “Tôi hạnh phúc lắm vì đã nhớ ra và được ghi nhận mình là bộ đội Hải quân…”.

Ông bị mất 54% sức khỏe sau khi ra tù, cả hàm răng dưới không còn một chiếc nào, hàm răng trên cũng rụng mất 2 răng cửa, giờ chỉ ăn được cháo. Tai ông bị ù thường xuyên nên mỗi khi nghe chuyện lại phải nghiêng tai, há miệng nom tội lắm. Ông bảo, hồi đó thường xuyên bị giặc kẹp dây điện vào tai, vào răng để quay máy phát điện tra tấn nên bây giờ mỗi lúc trở trời rất đau. Thu nhập của ông bà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng khoán và chế độ mất sức của ông 700.000đ/tháng. Nhưng ông vẫn chưa quên những bài tập của đặc công Hải quân: Nào là bơi kiểu cá chép ra sao, cách làm ống thở thế nào, trận đánh thí điểm bom phóng ở Cửa Việt.

Theo lời ông Vĩnh kể, chúng tôi đã tìm lại hồ sơ liệt sĩ và thấy trong danh sách liệt sĩ Hải quân năm 1968, số 89 có ghi: Đồng chí Lê Ngọc Sủng, thôn Quang Chiêm, xã Liên Hiệp, huyện Hưng Nhân, tỉnh Thái Bình/Nhập ngũ tháng 3-1959/Đơn vị: Phân đội 4/Chức vụ: Chuẩn úy. Chính trị viên Phân đội.

Đồng chí Sủng mất tích ngày 25-5-1968 trong chiến đấu ở Xóm Sỏi, xã Gio Hà, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị…

Đồng chí Sủng sau được địch trao trả về Đoàn 596 Hữu Ngạn. Vợ đồng chí là Vũ Thị Kim Anh, Công ty thực phẩm Quảng Ninh.

Ông Sủng (nếu còn sống) hoặc gia đình nếu cần thêm thông tin có thể liên lạc với ông Nguyễn Viết Vĩnh theo địa chỉ: Đội 5, thôn Kinh Lương, xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. Điện thoại: 0313.912166-0973.896868.

24H.COM.VN (Theo QĐND)

Các tin khác