Bà Trang nhớ lại giây phút gặp lại anh trai mình sau nhiều năm loạn lạc.
Đó là câu chuyện hi hữu và cảm động của bà Nguyễn Thị Trang với người anh trai của mình là Nguyễn Đình Kế hiện đang định cư ở Mỹ.
Nạn đói năm 1945 đã khiến hàng vạn gia đình ly tán, trong số đó có trường hợp của gia đình của bà Nguyễn Thị Trang ở xóm 8 (xã Hà Linh, Hương Khê, Hà Tĩnh). Đói kém khiến bà và người anh trai thất lạc nhau từ thủa còn ở tuổi cởi truồng đuổi chuồn chuồn. Thế nhưng, sau gần 70 năm họ đã may mắn tình cờ gặp lại nhau trong một lần người anh trai đi cứu trợ nhân đạo cho bà con bị bão lũ.
Cuộc gặp kỳ lạ
Trong căn nhà cũ nằm khuất sau những ngọn núi của xã Hà Linh, bà Nguyễn Thị Trang (Sinh năm 1938) đang lúi húi lau bàn thờ tổ tiên để chuẩn bị cho năm mới. Trên bức tường của căn nhà nhỏ, những bức ảnh lưu niệm của gia đình và anh em họ hàng được bà treo giữ cẩn thận. Khi chúng tôi hỏi chuyện gặp lại người anh trai một cách kỳ lạ, dù đến nay đã trôi qua được gần 2 năm nhưng người phụ nữ này vẫn không cầm được lòng mình, để cho những giọt nước mắt rơi lã chã trên hai gò má sạm đen.
Bà Trang vẫn nhớ như in cái ngày 2/11/2010 đầy hạnh phúc đó. Thời gian này, Hà Tĩnh phải chịu một trận lụt tồi tệ nhất trong suốt hàng chục năm. Nhà cửa, hoa màu của người dân bập bềnh trong một màu bàng bạc của nước. Sau khi lũ rút đi để lại bao nhiêu bùn đất rác rưởi, những ngôi nhà tan nát và cái đói cái rét cho những người dân nghèo ở đây.
Đang dọn nhà thì bà Trang thấy một đoàn người đi vào ngõ. Nhác trông, bà chỉ kịp nhận ra ông trưởng họ Nguyễn Đình của mình và ông Chủ tịch xã còn một vài người lạ quá chưa nhận ra. Nghĩ có đoàn cán bộ nào đó đi khảo sát tình hình hoặc cứu trợ sau lụt bão nên bà cũng vội phủi áo quần, sửa lại tóc tai theo thói quen để chuẩn bị tiếp đón.
"Cuộc sống xô đẩy, bon chen với cơm áo gạo tiền đã khiến tôi đã thực sự quên mất mình còn có người anh trai. Thậm chí, lúc mất mẹ tôi cũng không đả động gì đến việc nhắc nhở tôi tìm anh mình" - Bà Trang ngậm ngùi nhớ lại.
Bất ngờ, bà Trang thấy một người đàn ông đã có tuổi lẩy bẩy đi về phía mình. Đôi mắt của ông nhìn bà trân trân rồi dần như mờ đi, loang loáng nước mắt. Bàn tay nhăn nheo của người đàn ông này bất chợt nắm chặt lấy bàn tay khẳng khiu của bà, miệng run run nói: "Đúng là em gái tôi đây rồi! Bao nhiều năm tìm kiếm không ngờ lại được gặp em ở đây. Em gầy và già đi nhiều quá".
Nghe vậy bà Trang như chết sững người, nghe như có luồng điện chạy qua sống lưng. Rồi bà cũng chợt òa lên nấc nở khi nhận ra người đàn ông lạ đó không ai khác chính là người anh trai Nguyễn Đình Kế đã thất lạc gần 70 năm qua của mình.
Sau khi gặp nhau, có dịp hàn huyên, ông Kế mới kể lại quãng đời lưu lạc và cơ duyên tìm lại được em gái và quê hương của mình. Sinh thời, hai cụ thân sinh ra ông Kế và bà Trang sinh được 4 người con, trong đó có 3 anh em trai, 1 gái. Bà Trang là con gái út còn ông Kế chính là con áp út.
Gia cảnh vốn bần hàn nên cuộc sống của mấy anh chị em chẳng lấy gì làm sung sướng. Vốn tuổi sàn sàn nên ông Kế và bà Trang thường chơi với nhau. Khoảng năm 1945, nạn đói hoành hoành, bát gạo, bó rau trong nhà thưa dần khiến người cha và hai hai anh trai lần lượt không chịu nổi, đành chung số phận giống hàng triệu người chết đói khi đó.
Để mở con đường sống, người mẹ đành nuốt nước mắt mang đứa con trai thứ ba là Nguyễn Đình Kế, lúc ấy mới 7 tuổi cho người ta làm con nuôi. Lúc đó, bà Nguyễn Thị Trang cũng mới 5 tuổi, không hiểu được mọi chuyện của gia đình mình.
Như chưa hề có cuộc chia ly
Ông Kế, bà Trang (thứ nhất và hai từ trái sang) trong ngày trùng phùng. (Ảnh chụp lại tư liệu gia đình).
Theo ông Kế kể lại thì mình được một người gốc tỉnh Thừa Thiên - Huế, tên Năm nên thường gọi là Năm Huế nhận nuôi. Sau đó người đàn ông này đã đưa ông Kế đi theo mình đi làm cai thầu cho người Pháp ở khắp nơi. Khoảng ba năm sau, ông Năm Huế trở về cố đô, mang theo cả ông Kế.
Được sống trong một gia đình khá giả nên Ba (tức Kế) khỏe mạnh, lớn nhanh và phổng phao hơn hẳn. Vì không có con nên ông Năm Huế quyết định chính thức nhận ông Kế làm con nên đã đổi tên ông Kế thành Nguyễn Văn Ba với mục đích nhằm xóa giấu gốc gác. Ông cũng không bao giờ nhắc đến chuyện đã "nhặt" được Kế ở đâu, con cái nhà ai.
Rồi ông Năm đột ngột đi khi Kế mới đến tuổi thanh niên, chưa có gia đình. Một thân một mình, ông Kế xin vào bộ đội, sau khi xuất ngũ thì lấy vợ, lập nghiệp ở Đà Nẵng. Duyên số khiến những người con của ông phiêu bạt rồi định cư ở Mỹ, riêng vợ chồng ông vẫn nhất quyết ở lại Đà Nẵng với người con út.
Mặc dù không nói với ai nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng khiến ông Kế nhất quyết không đi theo con đầu sang Mỹ sinh sống là vẫn canh cánh về gốc gác của mình. Dù không thể nhớ chính xác nhưng trong trí và thâm tâm ông vẫn biết chắc rằng quê hương gốc gác của mình không phải ở Huế mà là một mảnh đất khác, đâu đó ở miền Trung.
Không biết bao lần ông ngồi trầm tư một mình, cố bắt trí nhớ làm việc để tìm một vài mảnh ký ức còn sót lại. Thậm chí, ông Kế đã cùng vợ đi nhiều miền quê ở miền Trung với hi vọng sẽ tìm thấy một khung cảnh quen thuộc nào đó giúp ông nhớ lại bản quán của mình. Vì có điều kiện kinh tế nên hai ông bà thường kết hợp những chuyến đi tìm quê với những chuyến đi làm từ thiện.
Có lẽ ông Trời đã cảm động cho tình cảnh và những điều thiện ông đã làm nên đã sắp đặt duyên số cho em tìm được em gái mình. Vào một ngày cuối tháng 10/2010, khi xem chương trình thời sự trên Đài Truyền hình Việt Nam, nói về tình hình lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung, ông bất ngờ nghe quen quen khi biên tập viên nhà đài nhắc đến địa danh Hà Linh.
Từ manh mối mơ hồ về địa danh đó, ông tìm cách liên hệ, xin số điện thoại để hỏi về địa danh Hà Linh. Sau khi đã chắp ghép những mảnh vỡ của quá khứ lại, linh cảm như thôi thúc ông nhanh chóng ra Hà Tĩnh vừa làm từ thiện để tìm lại gốc gác của mình.
Khoảng đầu tháng 11/2010, lấy cớ về làm công tác cứu trợ nhân đạo, ông Nguyễn Đình Kế đã cùng vợ và mấy người cháu xa đánh xe về Hà Linh. Sau khi đặt chân đến đây, gia đình ông đã tìm đến UBND xã Hà Linh, gặp ông Chủ tịch Đặng Minh Đức. Sau khi trao đổi về công tác nhân đạo, ông tranh thủ hỏi thêm về dòng họ Nguyễn Đình.
Khi nghe ông Chủ tịch xã cho biết tại Hà Linh có dòng họ Nguyễn Đình ông Kế mừng lắm. Khi nghe nguyện vọng muốn tìm lại người thân của ông Kế, ông Chủ tịch xã sẵn sàng dẫn ông Kế đến nhà ông Nguyễn Đình Dưỡng, cán bộ tiền khởi nghĩa trong phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh những năm 1930 - 1931 đang là trưởng dòng họ này.
Không muốn phải đợi lâu, gia đình ông Kế rồng rắn kéo nhau đến nhà ông Dưỡng. Từ đây những thông tin, manh mối đã được gép lại dần dần. Khi biết được rất có thể người em gái của mình hiện vẫn còn sống ở đây thì ông Kế không kìm nổi xúc động xin mọi người dẫn ngay đến nhà bà Trang. Và một cuộc hội ngộ kỳ lạ sau gần 70 năm giữa hai anh em thất lạc đã diễn ra đầy cảm động.
"Gặp nhau rồi lại chia ly là thường"
Từ sau lần gặp lại ấy, ông Kế đã nhiều lần về Hà Tĩnh để thăm và đỡ đần em gái trong cuộc sống thường nhật. Ông Kế cũng đã ba lần cho xe về đón vợ chồng bà Trang vào chơi Đà Nẵng.
Giữa năm 2011, sau khi đứa con út quyết định sang Mỹ định cư lâu dài, vợ chồng ông Nguyễn Đình Kế cũng ngậm ngùi chia tay người em gái để theo con cái sang sống phần đời còn lại ở trời Tây.
Bà Trang đã vui vẻ tán thành dự định của người anh trai: "Ông ấy vui vầy bên con cháu là tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Nếu giờ đưa tôi sang đó cùng ông, tôi cũng không đi được vì quê hương, con cháu đã ở đây rồi". Nói rồi bà vui vẻ lẩy Kiều "Thôi thì ở đời gặp nhau rồi lại chia ly là thường".
Sau khi sang Mỹ cùng con cháu cứ vài ngày một lần, ông Kế lại gọi điện về động viên em thường xuyên nên bà cũng thấy ấm lòng. Hiện 5 người con của bà Trang đã yên bề gia thất, ngoài người con thứ 4 đang ở bên Thái Lan, những người con còn lại đều là công chức Nhà nước.
Thanh Hằng
Theo giadinh.net.vn