Nữ thanh niên xung phong đang lấp hố bom (ảnh tư liệu)
Mừng về chuyện của ông Phan Hữu Được, song chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở về sự đền ơn đáp nghĩa hiện nay. Mặc dù nhà nước có nhiều chính sách kịp thời và phù hợp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có những người vẫn chưa được thụ hưởng trọn vẹn.
Sự trở về của “liệt sĩ” Phan Hữu Được được báo Dân trí phát hiện đầu tiên và đăng tải trên mạng, đã trở thành câu chuyện vô cùng xúc động, cuốn hút sự quan tâm của cả xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trích tiền lương của mình để gửi tặng ông Được cùng với lời hỏi thăm ân cần. Ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng được ủy quyền đến trao quà và chuyển lời của Thủ tướng. Sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ với ông Được khiến mọi người xúc động. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng là một người lính, cho nên ông Được cũng là đồng đội. Trong món quà của Thủ tướng, ngoài sự quan tâm động viên của người lãnh đạo cao cấp với người “liệt sĩ” trở về, còn có sự đồng cảm, chia sẻ với tấm lòng chân thành của một người lính. Các cơ quan, đoàn thể, những đồng đội cùng chung chiến hào với ông năm xưa và nhân dân cả nước cũng đều quan tâm săn sóc và động viên ông.
Mừng về chuyện của ông Phan Hữu Được, song chúng ta vẫn còn nhiều trăn trở về sự đền ơn đáp nghĩa hiện nay. Mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách kịp thời và phù hợp, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, có những người vẫn chưa được thụ hưởng trọn vẹn.
Có những người lính đi ra khỏi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, trở về đời thường với thương tật, đang sống khó khăn vất vả nhưng chưa nhận được gì nhiều sự quan tâm săn sóc từ cộng đồng, từ Nhà nước. Theo nghị định số 28/CP năm 1995 của Chính phủ: “Thương binh với tỉ lệ thương tật 61% mà chết tại các bệnh viện tuyến huyện trở lên do vết thương chiến tranh tái phát, được chính quyền địa phương xác nhận là xứng đáng thì được suy tôn là liệt sĩ, hưởng chế độ như liệt sĩ” nhưng một người lính ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị cụt chân trái, thương tật 61% và năm 2004 mất vì do vết thương chiến tranh tái phát, tuy nhiên vợ ông mang đơn đến các cơ quan chức năng xin được giải quyết chế độ chính sách cho chồng mà 8 năm chưa xong.
Không chỉ người lính, có những nữ thanh niên xung phong hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cuộc chiến, hiện đang sống trong cô đơn, tuổi già và bệnh tật. Tính đến tháng 3/2012 còn 17 vạn trong tổng số 35 vạn gia đình cựu TNXP kháng chiến, những vết thương chiến tranh chưa hề rời khỏi bản thân họ. Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng vẫn còn trên 50% cựu TNXP kháng chiến, trong đó có hàng vạn người già yếu, ốm đau, bệnh tật, tái phát vết thương và di hại của chiến tranh mà vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều người không có lương hưu, không có bảo hiểm y tế . . . Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Liên tại nghị trường đã phát biểu: “Việc các cựu TNXP chưa được hưởng đãi ngộ đó là một thiếu sót của chúng ta . . . Những con người ấy, họ không đòi hỏi đâu, nhưng đã bao giờ chúng ta thử nghĩ, chúng ta đang hưởng thành quả ngày hôm nay, sống một cuộc sống hòa bình, yên ấm là nhờ đâu? Chúng ta có ngày hôm nay thì cái giá mà cha anh chúng ta phải trả là những gì? . . . tại sao chúng ta lại lãng quên công lao của họ, chẳng lẽ chúng ta lại nói: họ có đòi hỏi gì đâu. Không, không bao giờ họ đòi hỏi chúng ta trả công ơn họ như thế nào, nhưng dù họ có đòi hỏi đi chăng nữa thì chúng ta sẽ trả họ như thế nào, bao nhiêu là đủ, bởi điều đó là vô giá! Vậy sao chúng ta không làm ngay một điều gì đó dù chỉ là nhỏ thôi, để góp phần làm cho những con người anh dũng một thời ấy cảm thấy ấm lòng hơn và cũng là để bày tỏ lòng biết ơn đối với họ”.
Hãy tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến những thương binh, nữ thanh niên xung phong đã vì nước quên thân. Đối với họ, đa phần đều đã cao tuổi, quỹ thời gian cuộc đời họ không còn nhiều, cho nên cần hỗ trợ cho họ nhanh nhất, nhiều nhất có thể để cuộc sống họ tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe và hơn hết là ấm áp tâm hồn trong vòng tay Tổ quốc và nhân dân.
Lê Chân Nhân
Theo dantri.com.vn
Bài liên quan:
Liệt sĩ trở về sau 40 năm: Mong một cái kết có hậu!
“Liệt sĩ” lưu lạc ly kỳ 40 năm: Ngày về tay trắng
Liệt sĩ trở về và hành trình lưu lạc ly kỳ suốt 40 năm