Rất nhiều đối tượng có công với cách mạng bị thất lạc hồ sơ gốc vì nhiều nguyên nhân nên không được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tháng 8 tới, một thông tư hướng dẫn tiếp tục giải quyết các hồ sơ tồn đọng sẽ được ban hành để họ sớm được hưởng những chế độ Nhà nước dành cho người có công, BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ, TB VÀ XH PHẠM THỊ HẢI CHUYỀN cho biết.
- Thực tế, rất nhiều người có công đã bị thất lạc, mất mát hồ sơ gốc vì nhiều nguyên nhân khác nhau nên họ không được hưởng những chính sách ưu đãi. Bộ LĐ, TB và XH có hướng giải quyết như thế nào đối với những trường hợp này, thưa Bộ trưởng?
- Việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công nhưng bị mất hồ sơ gốc là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, cũng là đạo lý, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là cơ quan ban hành chính sách đối với người có công. Chiến tranh đã xảy ra khá lâu, có những trường hợp từ chống Pháp, chống Mỹ đến nay chưa được giải quyết chế độ vì không còn hồ sơ gốc. Để giải quyết vấn đề đó, năm 2009, Bộ LĐ, TB và XH phối hợp với Bộ Quốc phòng có Kế hoạch số 611 để giải quyết những trường hợp không còn hồ sơ gốc. Thông qua đó đã giải quyết được trên 3.000 trường hợp.
Tuy nhiên số đã được giải quyết so với số cần giải quyết còn nhiều bất cập. Để thực hiện tốt vấn đề này, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng một Thông tư hướng dẫn tiếp tục giải quyết các hồ sơ tồn đọng. Cũng phải nói rằng, đây là vấn đề khó bởi các đối tượng còn lại là trường hợp đặc thù. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng, Bộ LĐ, TB và XH cùng các bộ, ngành liên quan sớm ban hành quy định, quy trình giải quyết các vấn đề về hồ sơ tồn đọng. Chúng tôi đang tích cực làm. Chậm nhất là tháng 8 tới sẽ thông qua thông tư đó để tiến hành giải quyết các hồ sơ tồn đọng này.
- Với hướng giải quyết như vậy thì khả năng những người được hưởng chính sách sẽ tăng lên. Nhà nước sẽ có những chính sách gì để đảm bảo cuộc sống ngày càng tốt hơn cho những người có công, thưa Bộ trưởng?
- Mặc dù năm 2013 có rất nhiều khó khăn về kinh tế nhưng Đảng, Nhà nước vẫn quyết tâm cao dành một nguồn lực nhất định để chăm sóc người có công, thể hiện rõ ở Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tháng 6.2012, có hiệu lực thi hành từ 1.9.2012. Thực hiện Pháp lệnh, một số đối tượng được bổ sung, đồng thời, mức hỗ trợ cho một số đối tượng cũng tăng. Mức hỗ trợ cho đối tượng người có công trước Pháp lệnh khoảng 28 nghìn tỷ đồng thì nay khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Như vậy, nguồn lực của Nhà nước vẫn tiếp tục ưu tiên để cho đối tượng người có công, gia đình người có công có cuộc sống tốt hơn, đây là nguồn lực quyết định nhất. Ngoài ra còn huy động từ cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia cùng Nhà nước chăm sóc các đối tượng người có công... Quỹ chăm sóc người có công cũng tiếp tục được phát động, trong năm 2012 cũng thu được một khốëi lượng lớn để thực hiện chăm sóc đối tượng này. Thêm vào đó là một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ để bản thân người có công tự phấn đấu để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo tốt hơn cuộc sống của mình.
- Thưa Bộ trưởng, hiện nhiều gia đình thân nhân liệt sỹ đang mong được xác định danh tính những hài cốt đã được quy tập để tìm đúng thân nhân của mình. Bộ LĐ, TB và XH đã triển khai những giải pháp gì để có thể đáp ứng nguyện vọng này của các gia đình liệt sỹ?
- Trong chiến đấu ác liệt, nhiều hài cốt liệt sỹ đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Đây là nỗi buồn không chỉ của gia đình liệt sỹ mà của cả đất nước. Mọi người Việt Nam đều chia sẻ những mất mát, nỗi đau của các gia đình liệt sỹ đến nay chưa xác định được danh tính. Bộ LĐ, TB và XH là cơ quan chính sách phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Trách nhiệm của Bộ là làm sao sớm giúp được thân nhân của các liệt sỹ sớm xác định được danh tính của liệt sỹ.
Để làm được việc đó, Bộ đã có Đề án xác định ADN cho các liệt sỹ chưa xác định được danh tính trên cơ sở lấy mẫu của hài cốt và lấy mẫu của thân nhân. Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ đang phối hợp với Bộ Quốc phòng triển khai việc này. Trước mắt, Bộ cũng đã tìm kiếm thông qua ADN của 1.729 hài cốt liệt sỹ được đưa từ Lào về nghĩa trang Anh Sơn (Nghệ An). Bộ cũng đã lấy phẩm mẫu thân nhân của các liệt sỹ này. Với tinh thần tích cực nhất, 3 Viện khoa học của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam đang tích cực thực hiện để xác định danh tính hài cốt liệt sỹ để thông báo cho gia đình biết. Với tinh thần tích cực nhất, trong tháng 7 này, một số đối tượng khi được xác định danh tính, trường hợp nào thành công thì Bộ sẽ sớm công bố để gia đình, thân nhân liệt sỹ phấn khởi, yên tâm.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm 2013 Bộ đã tham mưu cho Chủ tịch Nước tặng quà cho khoảng 1,8 triệu đối tượng người có công với tổng số tiền 370 tỷ; phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân tổ chức Hội nghị biểu dương những người có công tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ biên giới, hải đảo; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc tiếp tục phát động phong trào ủng hộ Quỹ Chăm sóc người có công, năm 2012, Quỹ đã huy động đóng góp được 1.900 tỷ đồng, xây dựng 200 nhà tình nghĩa, sửa chữa 200 nhà tình nghĩa. Ngoài ra, Bộ cũng phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các địa phương có kế hoạch tri ân, thắp nến tại tất cả các nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước.
Hà Dũng thực hiện
Theo daibieunhandan.vn