Bà Ngọc bật khóc khi nhìn tấm ảnh thờ và bằng tổ quốc ghi công mang tên mình suốt hơn 36 năm qua.
Niềm vui đong đầy nước mắt
Đến bây giờ, cả làng quê Tam Vinh, từ người thân đến không thân thích đều mừng rơi nước mắt khi “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc trở về sau 40 năm thoát ly lên rừng đi chiến đấu và biệt tích đến nay.
Sự kiện “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc trở về đoàn tụ gia đình là cả một câu chuyện của một đời người với bao may mắn của lẽ tử sinh sau cuộc chiến tranh tàn khốc. Tất cả người dân đều rưng rưng khi nắm tay bà Ngọc.
“Trời đất ạ, sống trở về đó hả em. Mấy chục năm ni anh cứ tưởng em không bao giờ về nữa, thân xác nằm đâu đó trên núi rừng. Ai ngờ... ông trời có mắt. Nó còn sống trở về..." - ông Đặng Phú (87) tuổi lọ mọ chống gậy nắm tay bà Ngọc và thốt lên.
Còn bà Nguyễn Thị Của, em ruột bà Ngọc thì nước mắt lưng tròng cứ nắm lấy tay chị và bảo: "Chị còn sống về rồi. Thế mà em cứ tưởng. Mấy chục năm ni mấy chị em ở nhà tưởng chị hy sinh rồi. Nhưng không biết mô mà tìm mộ. Chừ coi đói no chi, chị còn sống trở về là phúc lắm rồi. Mai em làm mâm cơm cũng ba mẹ báo tin chị về cho ba mẹ vui. Hồi còn sống đêm mô ba mẹ cũng không ngũ nhắc chị hoài...”.
Người em út Nguyễn Văn Vận thì ngồi nhìn chị như hoá đá. Anh Vận cứ thầm thì trong miệng: Chị về rồi, chị còn sống. Em nghe kể lại, ngày chị đi em còn ẳm ngửa, chị hay bồng em. Cứ tưởng chị nằm ở góc rừng nào đó. Ai ngờ chị còn sống rứa mà em thờ cúng, làm đám giỗ cho chị mấy chục năm nay...”.
Đặc biệt, người em thứ 2 của bà Ngọc là Nguyễn Văn Màng bị lưu lạc trong chiến tranh mất tích và cũng mới từ Bình Dương tìm về cách đây 2 năm.
Bà Ngọc kể: "Khi trở về nhìn thấy các em đều khoẻ mạnh là tui mừng rồi. Chỉ có thằng em thứ 2 Nguyễn Văn Màng bị thất lạc trong chiến tranh vô tận miền nam bây giờ bị mù hai mắt, cuộc sống rất khó khăn suốt mấy chục năm nay cũng mới tìm về quê...”.
Hôm bà Ngọc trở về, thôn trưởng thôn 5 xã Tam Vinh Trương Thảo tìm đến thăm. “Hồi cô Ngọc lên rừng tui chưa sinh, chỉ nghe bà con kể về cô tham gia du kích và lên rừng đánh Mỹ rồi mất tích đến nay. Chừ nghe cô về mừng quá đến thăm. Trước mắt thôn sẽ họp và có báo cáo gửi lên xã xoá tên liệt sĩ, đồng thời xác nhận để đề nghị làm hồ sơ thương binh cho cô.
Rất nhiều người sinh cùng thời với bà Ngọc hiện còn sống tại thôn 5 xã Tam Vinh nghe tin bà về đều chạy đến thăm hỏi. Gặp bà ai cũng ôm chầm và khóc.
“Cứ tưởng mi rục xương trên rừng rồi, ai ngờ vẫn còn sống trở về, có mơ cũng không tin được...” - bà Nguyễn Thị Lan, bạn bà Ngọc nói.
Đúng là cuộc đoàn tụ đong đầy nước mắt của hạnh phúc. Bà Ngọc đã trở về trong vòng tay yêu thương của bà con làng xóm sau hơn 40 năm biệt tích. Những vết thương trên thân thể bà rồi đây sẽ dụi lại những cơn đau. Bởi quanh bà còn đó tình yêu thương ruột thịt...
Sự tái sinh diệu kỳ
Ngay sau khi thông tin bà Ngọc trở về được phản ánh qua loạt bài viết trên VietNamNet, Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh Huỳnh Tấn Đức đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các ban ngành liên quan để tổ chức đón tiếp, thăm hỏi.
Đồng thời, huyện sẽ làm thủ tục cần thiết để xoá tên “liệt sĩ”, tái sinh cuộc đời mới cho bà Ngọc không còn phải mang thân phận của người đã hy sinh.
Bà Ngọc cùng những người thân tại nghĩa trang liệt sĩ xã
“Nghe tin bà Ngọc trở về, tui đã yêu cầu xã xác minh, đồng thời tổ chức thăm hỏi, nghe nguyện vọng của bà để đề xuất huyện làm các thủ tục cần thiết, bù đắp những hy sinh, cống hiến của bà trong kháng chiến. Huyện sẽ có văn bản đề xuất Sở LĐTB&XH xoá tên liệt sĩ cho bà và hoàn tất các thủ tục cần thiết để làm chế độ thương binh mà suốt hơn 36 năm qua bà chưa được hưởng...” - Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Tấn Đức nói.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phi Thạnh cùng các cơ quan chức năng đoàn thể của huyện đã đến thăm hỏi, động viên và chúc mừng bà Ngọc trở về.
“Chúng tôi sẽ sớm làm các thủ tục cần thiết để công nhận thương binh cho bà Ngọc khi bà có yêu cầu...” - ông Thạnh khẳng định.
Bữa cơm gia đình đoàn tụ vào trưa ngày 7/8
Hiện hồ sơ công nhận liệt sĩ cho bà Ngọc đã được Phòng LĐTBXH huyện rút về và đang có tờ trình xoá tên liệt sĩ, làm các thủ tục cần thiết để công nhận chế độ thương binh cho bà Ngọc.
Phó Phòng LĐTBXH Trần Hưng Hoàng cho biết: "Mọi thủ tục đã được tiến hành, chúng tôi đang chờ bà Ngọc sắp xếp thời gian để làm việc và sẽ đáp ứng nguyện vọng của bà theo đúng các qui định một cách nhanh và sớm nhất. Đó là trách nhiệm của chúng tôi với những người tham gia kháng chiến và có công với cách mạng".
Hy vọng với tình yêu thương sẻ chia, với nghĩa cử cao đẹp của đạo lý uống nước nhớ nguồn, với trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương huyện Phú Ninh và tỉnh Quảng Nam, “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ngọc sẽ được tái sinh sau hơn 36 năm mang thân phận của người đã hy sinh.
Vũ Trung
Theo vietnamnet.vn