Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Tên các anh khắc vào biển khơi
Bionet Việt Nam - Hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng đã hy sinh tại đảo Đá Lớn A khi vừa tròn 20 tuổi sau 2 năm nhập ngũ. Anh đã trở về quê mẹ vào rạng sáng 30/7, sau 8 năm yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) đảo Nam Yết.

Gia tài của người lính Trường Sa trở về chỉ vỏn vẹn 3 bộ quân phục sờn phai và dăm ba vật dụng cá nhân.

Từ sau ngày đất nước thống nhất, những người lính Trường Sa vẫn ngày đêm kiên cường vượt qua mọi gian khổ thử thách, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Đất của mình thì phải giữ”

Theo dự kiến, hài cốt của LS Hoàng Đặng Hùng (Hải Phòng) và Phạm Văn Thế (Vũ Thư - Thái Bình) đáp chuyến bay từ Cam Ranh về đến Nội Bài vào lúc 10 giờ ngày 29/7. “Chúng ta có mặt tại Nội Bài trước 9 giờ 30 nhé” - tôi nhận được tin nhắn của nhà báo Mai Thanh Hải - đồng hương của LS Hùng, người đã cùng các nhà báo bền bỉ “thuyết phục” chính quyền quận Ngô Quyền (Hải Phòng) để LS Hùng được yên nghỉ tại NTLS quê nhà, vì một lý do rất “đơn giản” của ông Bùi Công Đoàn - Trưởng phòng LĐTBXH quận: “Mong gia đình thông cảm vì quy hoạch NTLS quận phục vụ cho LS của quận hy sinh tính đến  tháng 10/1998...”.

LS Hùng lại hy sinh vào năm 2004 nên dù gia đình của LS cả chục lần đi lại để trình bày mà vẫn không lay chuyển được Trưởng phòng Bùi Công Đoàn mủi lòng, chỉ đến khi UBND quận vào cuộc...

Chuẩn bị lên xe ra sân bay, lại nhận được điện thoại của Mai Thanh Hải: Biển động, tàu HQ 633 chở 5 bộ hài cốt gồm 3 LS và 2 người dân vẫn chưa cập được cảng Cam Ranh. Bố của LS Hùng và LS Thế lại phải dời vé máy bay vào đầu giờ chiều, nhưng biển vẫn động. Thân nhân của 3 LS cùng đồng đội của các anh dõi mắt ra biển khơi, lòng nóng như lửa đốt. Thuyền trưởng tàu HQ 633 không thể tăng tốc, ông không muốn những con sóng dữ thêm một lần “xô đẩy” hài cốt của đồng đội trong hành trình về đất liền.

15 giờ chiều, khi nhận được thông báo của thuyền trưởng qua bộ đàm là tàu chuẩn bị cập cảng, cha của LS Hùng và thân nhân của LS Thế lại thêm nỗi lo mới, không biết có còn vé cho chuyến bay lúc 19 giờ hay không. Nhà báo Mai Thanh Hải  ở “đầu cầu” Hà Nội lập tức đưa thông tin lên mạng, nhờ sự trợ giúp của cộng đồng, mong ai đó sẵn sàng nhường lại vé chuyến bay 19 giờ cho gia đình LS. Cuối cùng, hài cốt của hai anh đã về đến sân bay Nội Bài vào lúc 22 giờ 15. Hãng Hàng không VN đã trân trọng đặt thi hài của 2 LS vào hộp “đặc biệt”. Hài cốt của LS Đỗ Khánh Hưng (Gia Lộc, Hải Dương) nằm lại với mảnh đất Khánh Hòa.

Những người có mặt tại sảnh B sân bay Nội Bài ngỡ ngàng, xúc động khi nhìn thấy 2 quân nhân trong quân phục hải quân trang nghiêm nâng 2 bộ hài cốt LS trên tay, được phủ lá cờ tổ quốc. Mọi người im lặng cúi đầu, hướng theo 2 chiếc xe vút đi trong màn đêm mưa nặng hạt. Quá giờ tý, 2 LS đã về lại ngôi nhà mà các anh đã sinh ra và lớn lên.

Lễ truy điệu LS Hoàng Đặng Hùng được chính quyền địa phương tổ chức trang trọng tại hội trường UBND phường Đồng Quốc Bình. Người dân cho chúng tôi hay rằng, phường mang tên LS hải quân, nay phường lại có LS hải quân hy sinh vì đất nước. Cụ bà bước vào tuổi 90, trân trân nhìn vào di ảnh của LS Hùng và nói: Mới hai mươi tuổi, còn trẻ quá. Rồi cụ thắc mắc hoài, đất nước hòa bình rồi sao vẫn có LS, mà hy sinh ở đâu? Một cán bộ phường nói với cụ, hy sinh ở Trường Sa -  quần đảo ở tít ngoài biển, là đất của mình nên chiến sĩ phải canh giữ.

Cụ gật đầu: “Ờ, đất của mình thì phải giữ chứ”. Cụ thở dài khi nghe kể về những khó khăn gian khổ của các chiến sĩ Trường Sa, cụ ngoảnh sang, chỉ vào thằng cháu đích tôn: “Mày sướng lắm vào, chỉ lo ăn chơi. Chú ấy đã hy sinh vì giữ đất cho nước mình. Có những đứa con như chú ấy, dù phải mất con, cha mẹ cũng cam lòng”.

Bia ghi tên các liệt sĩ đã hy sinh trong khi bảo vệ quần đảo Trường Sa.
Gia tài của liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng chỉ vỏn vẹn 3 bộ quân phục và vật dụng cá nhân. Ảnh: Mai Thanh Hải

Nghĩa trang liệt sĩ trong lòng biển

Thế là Hoàng Đặng Hùng đã vượt trùng khơi về yên nghỉ tại nơi anh đã sinh ra và lớn lên. Hùng đã nối gót “nghề lính” của bố, mẹ “đầu quân” vào binh chủng hải quân. Trước đó, bác ruột của Hùng cũng là LS và đã hy sinh vào cùng độ tuổi như Hùng.

Không thể không trào nước mắt khi đọc dòng chữ trên tấm bia: Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì hòa bình và ổn định khu vực. Họ tên các anh đã khắc vào biển khơi. Vùng biển Trường Sa được các chiến sĩ hải quân trân trọng bởi nơi đây còn là NTLS trong lòng biển. Ở Quảng Trị cũng có một NTLS trong lòng sông - sông Thạch Hãn. Tôi còn nhớ mấy câu thơ bi hùng, cảm khái: “Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Những tuổi hai mươi cùng sóng nước/Giữ yên bờ bãi mãi nghìn năm...”.

Có bao nhiêu LS đang nằm sâu dưới đáy biển Trường Sa? Những cái tên: AHLS - trung tá Trần Văn Thông quê Thái Bình, AHLS Trần Văn Phương (Quảng Bình), AHLS Vũ Phi Trừ (Thanh Hóa), Phạm Quang Lan (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Khoa (Hà Nội), Đỗ Đức Bản (Nam Định), Thái Đình Trung (Phú Yên), Hán Văn Khoa (Phú Thọ), Nguyễn Đình Châu (Sông Bé), Hoàng Văn Túc (Cao Bằng), Quách Hoàng Lâm (TPHCM)...; dường như địa phương nào trên đất nước này cũng có những người con đã nằm lại nơi đầu sóng ngọn gió này.

Kể từ ngày đất nước thống nhất -  máu vẫn đổ ở quần đảo Trường Sa. Là người dân Việt, không ai có thể quên được ngày 14.3.1988, khi 3 tàu hải quân 505, 604 và 605 đang làm nhiệm vụ vận tải lương thực tiếp tế cho các chiến sĩ đang chốt trên các đảo Sinh Tồn, Len Đao và Gạc Ma đã bị tàu chiến Trung Quốc tấn công. 74 LS đã hy sinh và mất tích, 11 chiến sĩ bị thương. Tàu 604 chỉ sống sót có 5 thủy thủ.

Hai thủy thủ tình nguyện ở lại đảo Sinh Tồn, còn ba thủy thủ Nguyễn Hữu Dòng, Đoàn Hữu Tuấn và Nguyễn Xuân Quý do tình trạng sức khỏe đã được đưa về căn cứ Cam Ranh. Bức ảnh ba anh đến nay tôi vẫn còn giữ và không biết bây giờ, 24 năm sau, các anh có còn phục vụ trong quân chủng hải quân? Tôi vẫn nhớ mãi buổi chiều hạ tuần tháng 3.1988, các chiến sĩ đảo Sinh Tồn đã làm lễ truy điệu các LS hy sinh ngày 14.3. Hòa lẫn tiếng gió biển rì rào là tiếng nhạc “Hồn tử sĩ” trầm buồn. Những nén nhang tỏa hương khói thành kính bên vòng lá phong ba kết vội... Cát trắng và sóng biển Trường Sa đã thấm máu các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo xa.

“Sao thời bình mà vẫn có LS?” - câu hỏi của bà cụ đã bước vào tuổi “gần đất xa trời” cất lên giữa lễ truy điệu LS Hoàng Đặng Hùng đã dấy lên những câu chuyện về Trường Sa. Mọi người muốn hiểu thêm, biết rõ hơn về quần đảo xa, mệnh danh là cửa ngõ tổ quốc nhìn ra biển Đông, nơi có những công dân Trường Sa đang cùng các chiến sĩ Trường Sa sát cánh canh giữ vì “Trường Sa là đất của mình”, vì Trường Sa là một phần máu thịt đau đáu của đồng bào ta, của đất nước Việt ta.

Theo Lê Huân
 Lao động

Các tin khác