Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Thăm “mộ gió” của Liệt sĩ hải chiến Trường Sa trong lòng Hà Nội
timnguoithatlac.vn - 17/4/2013 Bạn đang nỗ lực tìm kiếm người thân bị thất lạc, thông tin liệt sĩ, hay chỉ đơn giản là người bạn mất liên lạc đã lâu???? Hãy đến với timnguoithatlac.vn của Bionet Việt Nam để được trợ giúp tốt nhất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bà Lê Thị Phượng, mẹ Liệt sĩ Kiều Văn Lập năm nay 82 tuổi, luôn đau đáu được nhìn thấy di cốt của con

64 liệt sĩ làm nên vòng tròn bất tử trận hải chiến Trường Sa 14/3/1988, nhiều liệt sĩ thân xác đã hòa lẫn với biển khơi, để lại đất mẹ những "ngôi mộ gió". Kiều Văn Lập - liệt sĩ duy nhất người Hà Nội cũng là một trong số đó.


Giấu cha mẹ xung phong đi bộ đội


Có trong tay bản danh sách 64 Liệt sĩ hy sinh, chúng tôi tìm đến nhà Liệt sĩ Kiều Văn Lập, thôn Phù Long xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Do địa chỉ in nhầm thành Phú Long nên chúng tôi phải hỏi nhiều chặng mới tìm thấy gia đình của anh.

Nơi liệt sĩ Lập sinh ra và lớn lên là một làng quê yên bình nằm về phía Tây Hà Nội. Sinh năm 1963, năm 1983, anh giấu cha mẹ xung phong nhập ngũ. Bà Lê Thị Phượng, 82 tuổi, mẹ liệt sĩ Lập nghẹn ngào kể: “Hôm đó (ngày Lập xung phong đi bộ đội), bạn bè đến chơi đông lắm. Tôi hỏi, hôm nay có việc gì mà anh chị em đến chơi đông thế. Một anh bạn của Lập nói lập xung phong đi bộ đội, tôi mới biết.” Sợ bố mẹ không cho đi, anh đã giấu cha mẹ chuyện nhập ngũ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, anh Lập là con thứ 5 trong gia đình 11 con thì có 6 con xung phong đi bộ đội.

Sau khi nhập ngũ, một thời gian anh được cử về Trung đoàn công tác. Anh nhường  cho đồng đội cơ hội đi Ba Lan học đóng tàu để được phục vụ trong quân ngũ lâu dài. Hai năm sau anh được cử đi học Trường Sĩ quan chỉ huy-Kỹ thuật Hải quân (Khánh Hòa).

Nhắc đến anh Lập, anh Kiều Văn Hùng, em trai liệt sĩ, lại không nén nổi xúc động. Anh Hùng kể: Anh Lập là người ham học, hiền lành, học giỏi, bạn bè, anh em đều yêu quý. Ngoài giờ đi học và giúp đỡ gia đình anh lại ôm quyển sách ngồi đọc. Buổi sáng, anh Lập thường “khua” các em dậy từ 4 - 5 giờ để cùng nhau học bài. Gần 10 năm nhập ngũ, anh Lập về phép lần nào ba lô cũng đầy sách mang về chia cho các em...

Năm 1988, cũng là năm anh chuẩn bị tốt nghiệp, anh được cử đi theo đoàn thực hiện nhiệm vụ CQ-88 (bảo vệ chủ quyền 1988). Và anh đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi ở tuổi 25. Bỏ lại tương lai phơi phới tuổi thanh xuân.


Liệt sĩ Kiều Văn Lập, một trong 64 liệt sĩ hi sinh trong trận Hải chiến Trường Sa

Anh hy sinh để làm nên vòng tròn bất tử trên đá Gạc Ma năm 1988. Và bây giờ tên tuổi anh, thân xác anh vẫn hòa vào sóng nước Biển Đông. Khi tìm thông tin về anh, chúng tôi chợt nhận ra nhiều tư liệu sai lệch không khớp nhau. Thông tin đăng tải trên báo Quân đội Nhân dân về Học viện Hải quân đều ghi tên anh là Kiều Hồng Lập, nơi làng anh sinh ra nhiều tài liệu khác đều ghi sai thành “Phú Long”.

Còn đó nỗi đau thân xác anh chưa trở về

Anh Kiều Văn Hùng kể: “Tôi nhớ như in buổi sáng hôm đó, Đài tiếng nói Việt Nam đọc danh sách những chiến sĩ hy sinh trận Hải chiến Trường Sa. Vừa đọc đến tên anh tôi, bố tôi lặng người, rồi đập tay xuống bàn ‘Thôi chết rồi, thằng Lập’. Mẹ tôi vừa nghe thấy bố tôi nói, sững người một lúc, rồi nước mắt trào ra. Bà khóc to dần. Cả nhà buông bữa sáng ôm nhau khóc”. Anh Hùng nói thêm: “Bản thân tôi luôn hy vọng họ nhầm vì danh sách đề sai tên làng là Phù Long thành Phú Long. Nhiều tháng cả nhà đau đớn không còn tâm trạng làm gì. Tôi lúc bấy giờ đang học cấp 3, cứ ngồi học là lại nghĩ đến anh. Bố tôi vì thương anh quá nhiều sinh ra ốm... ”.

Anh Hùng cũng cho biết thêm, ngay sau đó, đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội (khi đó Phúc Thọ thuộc Hà Nội, năm 1992 mới chuyển về Hà Tây) đã đích thân tới thăm hỏi động viên. Rồi rất nhiều đoàn thể và các vị lãnh đạo đến thăm hỏi động viên. Anh Kiều Văn Hùng cho biết: “Trong những lãnh đạo tới viếng thăm, động viên gia đình có bà Nguyễn Thị Định (lúc bấy giờ là Phó chủ tịch Hội đồng nhà nước-PV).” Gia đình anh Lập vẫn luôn được địa phương quan tâm, động viên chia sẻ. Tại nghĩa trang liệt sĩ xã, anh Lập được xây ngôi mộ tượng trưng (như ngôi mộ gió Hải đội Hoàng Sa) để tưởng nhớ.


Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ xã Long Xuyên, nơi các cháu anh Lập vẫn thường đến thăm anh

Trong khóe mắt người mẹ liệt sĩ, bà Lê Thị Phượng, vẫn đau đáu nỗi đau xương cốt anh không thể trở về bên gia đình. Bà Phượng nói: “Lúc nào mẹ cũng tưởng tượng ra nó, lúc thức cũng như lúc ngủ, mẹ đều như thấy nó đến gần, trò chuyện với mẹ, hỏi han mẹ...”


"Ngôi mộ gió" của Liệt sĩ Kiều Văn Lập

Nỗi đau của người mẹ, người cha, không được nhìn thấy di hài của con sẽ còn đó. Khi viết những dòng cuối này, một thông tin khiến nhiều người thấy vui và hy vọng. Các ngư dân trên tàu Thành Công 07 đã tiếp cận được tàu HQ-604, do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy, bị quân Trung Quốc bắn chìm, và đã vớt được một số di cốt của các anh. Có thể, chắc không lâu nữa, những liệt sĩ còn nằm lại với biển khơi như anh Kiều Văn Lập sẽ được trở về với đất mẹ, về với gia đình...

Hồng Chuyên

Theo infonet.vn
 

Các tin khác