Một góc đảo chìm Tiên Nữ.
Cùng với các địa phương khác, Hà Tĩnh luôn dành cho quân dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) sự quan tâm đặc biệt, nhất là về tinh thần. Rất nhiều CBCS quê Hà Tĩnh đã tình nguyện nhận nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió khắc nghiệt này để giữ vững biên cương Tổ quốc. Cách đây 5 năm (2008), tôi vinh dự được Ban Biên tập cử cùng đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh ra thăm hỏi động viên, tặng quà cho CBCS và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đoàn đã thăm 7 trên tổng số 21 đảo chìm, nổi thuộc quần đảo Trường Sa. Cả 7 đảo đều có CBCS là con em của Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ.
Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam (thời kỳ đó) cũng là một người con của quê hương Hà Tĩnh rất tự hào khi tâm sự với chúng tôi: Tôi rất vinh dự và tự hào vì quê hương đã sinh ra những người con cừ khôi. Con em Hà Tĩnh ở các đảo có bản lĩnh và kiên trung đương đầu với bao khó khăn, khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió mà không hề phân tâm, nao núng, ngày đêm chắc tay súng giữ vững vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Khi đoàn đến thăm thị trấn Trường Sa Lớn và một số đảo chìm. Cuộc sống của quân và dân trên đảo nhiều thiếu thốn, cam go, nhưng điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận là sự lạc quan, quả cảm ở mỗi con người nơi đây. Giữa cái nắng, cái gió và mênh mông sóng nước đại dương, những nụ cười rạng rỡ luôn hiện hữu trên gương mặt đen xạm của từng CBCS, khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi sau một hải trình dài đằng đẵng. Rồi chúng tôi cùng tắm nước lợ, cùng nằm trên đường băng của đảo Trường Sa Lớn và lắng nghe tiếng đàn của những người lính trẻ, thấy cuộc đời thật phơi phới niềm tin. Tôi còn nhớ như in, cái đêm đầu tiên và cũng là đêm duy nhất trong hải trình hơn nửa tháng lênh đênh trên biển, cả đoàn công tác chúng tôi được ngủ lại trên đảo Trường Sa Lớn. Do số lượng khách quá đông (gần 400 người) mà giường chiếu và nhà trên đảo thì lại quá ít nên tất cả CBCS đã nhường chỗ cho khách ngủ trên giường và trong nhà, còn các anh thì ra đường băng và bãi cát ngủ, mặc cho sương lạnh và gió biển mặn mòi. Đêm đó, các anh hầu như không ngủ để hát hò, trò chuyện với khách, những câu chuyện đầy ắp nỗi nhớ nhà, nhớ người yêu của các chiến sỹ trẻ mới lần đầu ra đảo; những khó khăn, thiếu thốn mà các anh phải đương đầu và vượt qua. Ở quần đảo Trường Sa Lớn, khí hậu phân chia thành hai mùa rõ rệt, đó là mùa đông và mùa hè. Về mùa đông, khi gió Đông bắc thổi thì toàn bộ cây cối, rau xanh nằm ở phía Đông bắc trên đảo đều bị cháy khô, chỉ còn lại màu xanh của cây phong ba, bàng vuông. Về mùa hè, gió lại đổi chiều, phía đông bắc thì xanh tốt mà phía Tây nam thì khô cháy. Như vậy mới có chuyện bộ đội Trường Sa đóng quân trên các đảo chìm trồng rau theo mùa và theo hướng, thậm chí có những lúc phải mang cả rau vào giường ngủ.
Tuần tra ở Trường Sa.
Cuộc sống của CBCS trên quần đảo Trường Sa nói chung đang còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ở đảo nổi còn đỡ hơn rất nhiều. Đảo nổi, có nước lợ để tắm rửa thường xuyên, ngoài ra còn có không gian để luyện tập, thư giãn chứ ở đảo chìm thì thiếu thốn trăm bề, nhất là nước sinh hoạt. Nước ngọt ở đây phần lớn là để ăn uống còn tắm rửa là chuyện vô cùng xa xỉ, có chăng chỉ lau qua cho đỡ xót. Còn về không gian thì quá chật hẹp, vì đảo chìm được hình thành trên một bãi đá ngầm do san hô chết, khi thủy triều lên chỉ còn lại một lô cốt rộng chừng vài chục mét vuông nhưng chứa đựng trên đó hàng chục con người.
Chuyến đi đó, chúng tôi được đến thăm đảo Tiên Nữ, hòn đảo chìm có hình dáng giống một thiếu nữ nõn nà đang ngâm mình trong làn nước. Đảo Tiên Nữ là hòn đảo xa nhất của Tổ quốc, nằm cách đất liền hơn 1.000 hải lý (khoảng 2.000 km), được hình thành trên một dải đá ngầm san hô chết. Khi thủy triều xuống kiệt, đảo lộ ra một bãi đá ngầm san hô rộng hơn 1 km2, những vỉa đá sắc nhọn vươn lên tua tủa, trông thật đẹp mắt, nhất là vào lúc hoàng hôn. Ở hòn đảo này có rất nhiều loài cá sinh sống mà nhiều nhất là cá bò. Khi thủy triều lên, loài cá này len lỏi vào các rặng san hô để kiếm mồi, lúc thủy triều rút, do không theo kịp con nước nên cá bò và nhiều loài cá khác mắc lại trong các hốc đá san hô sắc nhọn nhưng để bắt được chúng là rất khó và vô cùng nguy hiểm. Vì thế, bộ đội ta đã có sáng kiến là nuôi chó và huấn luyện chúng săn bắt cá trên các rặng san hô khi thủy triều rút. Thời điểm mà chúng tôi có mặt trên đảo, bộ đội ta đã nuôi và huấn luyện được gần 30 con chó chuyên săn bắt cá hết sức điêu luyện. Chó đánh hơi rất giỏi và bắt cá cũng rất cừ. Bình quân một chú chó mỗi ngày săn bắt được hơn chục ký cá bò và các loại cá khác... Xin được nói thêm rằng, con cá bò có lớp da rất dày và dai, dao cắt không đứt, vì thế, nó sống được trong các rặng san hô và đá ngầm sắc nhọn, nếu biết cách chỉ cần dùng dao lích nhẹ một đường trên sống lưng là có thể lột được lớp da dày và dai ra, để lộ một khối thịt đỏ như thịt bò mà ăn thì thơm ngon và rất nhiều đạm.
Trồng rau xanh trên đảo.
Biết bao kỷ niệm thân thương trong chuyến đi đó mà tôi không thể viết ra hết được. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, hiện nay, các địa phương trong cả nước đã hỗ trợ thị trấn Trường Sa xây một nhà khách khang trang để đón khách từ đất liền. Dẫu chưa tiện nghi, nhưng món quà ý nghĩa ấy chứa đựng bao nhiêu tình cảm của Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước. Hiện nay, trên quần đảo Trường Sa đã có hệ thống điện bằng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sóng điện thoại di động Viettel và các thiết bị thu phát tín hiệu truyền hình đủ phục vụ cho quân và dân trên đảo sinh hoạt và chiến đấu… Đời sống vật chất của CBCS trên đảo đã được cải thiện nhiều so với thời điểm cách đây 5 năm. Hơn thế, nhiều điểm đảo đã và sẽ trở thành địa chỉ lý tưởng cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển. Không chỉ là điểm tựa tinh thần cho ngư dân đánh bắt xa bờ, từ lâu, quần đảo Trường Sa còn là nơi tạm lánh, cấp cứu, điều trị và cung cấp lương thực, nước ngọt, thực phẩm và rau xanh cho ngư dân… Quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang đổi thay từng ngày, khang trang, hiện đại hơn.
Trường Sa lớn nhìn từ xa.
Nhớ lại hành trình của chuyến tàu đưa chúng tôi từ Quân cảng TP Hồ Chí Minh ra quần đảo Trường Sa năm ấy, khổ nhất là mấy cô ca sĩ vì say sóng. Có người phải truyền nước đến mấy lần vì kiệt sức. Mệt mỏi là vậy, nhưng vừa đến các đảo, họ lập tức thành "chủ công" trong các buổi giao lưu văn nghệ. Cô ca sỹ xứ Nghệ - Minh Phượng khi bước lên bờ còn mang theo dây tiếp nước vẫn cố gắng gửi đến các chiến sĩ những câu hát ngọt ngào. Còn ca sĩ Khánh Hòa không cầm nổi nước mắt khi thấy những chiến sĩ trẻ đen nhẻm vì sóng gió, dạn dày khi làm nhiệm vụ nhưng lại bẽn lẽn khi giao lưu văn nghệ. Hôm tàu chúng tôi đến đảo chìm Phan Vinh đúng lúc thủy triều xuống, chiếc xuồng đưa đoàn văn công không thể vào gần hơn vì sợ va vào đá mồ côi (đá ngầm), trong khi những luồng nước ở dưới chảy xiết rất nguy hiểm. Nhìn cảnh các chiến sĩ dầm mình dưới nước, sóng táp qua đầu cả tiếng đồng hồ, chỉ chờ cơ hội thuận lợi là nhảy ra "tăng-bo" từng người lên đảo mà lòng rưng rưng cảm động, mến phục.
Thật khó để kể hết những cảm xúc, kỷ niệm về Trường Sa, một vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nhớ lắm Trường Sa. Nhớ lắm những người lính như cây Phong ba dầm trong gió cát vì tất cả những gì được gọi thiêng liêng là Tổ Quốc:
Các anh đứng như tượng đài quyết tử
Thêm một lần Tổ quốc được sinh ra
Dòng máu Việt chảy trong hồn người Việt
Đang bồn chồn thao thức với Trường Sa.
(Nguyễn Việt Chiến)
Xin được mượn lời nhà thơ Nguyễn Việt Chiến để thốt lên tiêng nói tự sâu thẳm trái tim mình: Tổ quốc ở Trường Sa!
Theo Đức Thiện
Theo bqp.vn