Những lá thư tung hỏa mù của người đàn ông tên Phùng.
Bà Nguyễn Thị Nga, trú tại phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), vợ liệt sỹ Nguyễn Minh Cầu là một trong những nạn nhân của trò lừa đảo này. Bà Nga cho biết, liệt sỹ Nguyễn Minh Cầu nhập ngũ ngày 16/4/1965, hy sinh ngày 16/4/1968 tại mặt trận phía Nam, hiện nay vẫn chưa rõ nơi an táng.
Để tìm tung tích và phần mộ của chồng, bà Nga đã đăng thông tin lên mục “Nhắn tìm đồng đội” của Truyền hình Quân đội nhân dân. Sau một thời gian đăng tin, gia đình bà nhận được hồi âm của một người mang tên Hà Đức Phùng, trú tại xóm 5 Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Người này tự xưng là thương binh hạng 2/4, là cán bộ về hưu và biết rất rõ về nơi an táng của liệt sỹ Cầu.
Người mang tên Phùng này đã gửi cho gia đình bà Nga 3 lá thư kể đại khái về trường hợp của liệt sỹ Cầu na ná thông tin gia đình đã đăng trên chương trình “Nhắn tìm đồng đội”. Để thuyết phục hơn, ông Phùng còn tả mộ của liệt sỹ Cầu nằm cùng 9 ngôi mộ khác của bộ đội miền Bắc tại một nghĩa trang gần Quảng Ngãi. 10 ngôi mộ này được tập kết về đây từ năm 1987, đến nay chưa có thân nhân hương khói.
Ông Phùng đưa ra thông tin trên nhưng tuyệt nhiên không tiết lộ địa chỉ nơi an táng mộ liệt sỹ mà cố thuyết phục gia đình bà Nga vào tận nơi để ông ta dẫn đi. Trong thư ông ta khoe đã giúp tìm được 14.000 ngôi mộ liệt sỹ cho nhiều gia đình miền Bắc có con em hy sinh tại chiến trường miền Nam(?). Ông Phùng cũng gợi ý gia đình liệt sỹ Cầu về khoản “thư từ” chỉ dẫn.
Nhận được những thông tin trên, gia đình bà Nga vừa mừng vừa lo lắng. Bà Nga đã gửi vào cho “người chỉ đường” 300.000 đồng bồi dưỡng và tức tốc cử người em chồng là ông Nguyễn Mình Toàn lên đường vào Nam tìm mộ anh trai.
Ông Toàn kể lại, chuyến đi ấy ông gặp mưa bão hết sức cực khổ nhưng vẫn không nản lòng vì ông đinh ninh có thể gặp lại người anh trai đang nằm lại nơi núi rừng Quảng Ngãi. Tuy nhiên, khi đến nhà người tự xưng đã tìm được 14.000 ngôi mộ liệt sỹ thì niềm tin của ông sụp đổ.
Người tự nhận là thương binh mang tên Phùng khi gặp ông Toàn đột nhiên trở mặt. Ông ta không phủ nhận việc viết thư cho gia đình bà Nga về thông tin phần mộ liệt sỹ Cầu. Theo ông Toàn, thực chất kẻ viết thư không biết gì về nơi an táng anh trai ông nhưng đã cố tình tung ra thông tin hỏa mù để lừa gạt gia đình thân nhân liệt sỹ.
Chuyến đi tìm mộ liệt sỹ của ông Toàn mất gần 1 tuần với bao tâm huyết, hy vọng đã kết thúc trong sự đổ vỡ. Một nỗi đau âm ỉ từ bấy lâu nay lại nhói lên. Ông Toàn rơm rớm nước mắt tâm sự: “Gia đình chúng tôi luôn canh cánh nỗi niềm về người thân đang nằm lại nơi đất khách quê người. Vậy mà có kẻ đã lợi dụng vào nỗi đau của chúng tôi để lừa đảo. Việc mất công sức và tiền bạc chúng tôi không tính đến nhưng những mất mát tinh thần thì khó mà bù đắp được”.
Qua bài báo này, chúng tôi mong Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Ban chỉ huy quân sự huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi xác minh làm rõ trường hợp người mang tên Hà Đức Phùng tại xóm 5 Thọ Tây, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi về việc tự nhận là thương binh 2/4, “có công” tìm được 14.000 ngôi mộ liệt sỹ. Nếu những thông tin trên là giả, đề nghị cơ quan chức năng huyện Sơn Tịnh có biện pháp xử lý nghiêm minh kẻ lừa đảo.
Chúng tôi xin đăng đầy đủ thông tin về liệt sỹ Nguyễn Minh Cầu với hy vọng sẽ có người biết được thông tin về phần mộ và nơi an táng: Liệt sỹ Nguyễn Minh Cầu (ảnh), sinh năm 1936, Nguyên quán: xã Yên Hòa, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Ngày nhập ngũ: 16/4/1965, hy sinh ngày 16/4/1968 tại mặt trận phía Nam, hòm thư C8 - D5 - E88 - F308-7356. Ai biết thông tin về phần mộ liệt sỹ Cầu xin báo tin cho bà Nguyễn Thị Nga, địa chỉ: số nhà 27, tổ 3, phường Quan Hoa, Cầu Giấy - Hà Nội hoặc Phòng LĐTB&XH và Sở Chỉ huy quân sự quận Cầu Giấy.
Trần Đức
Theo Việt Báo