Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Giữa vòng cung những dãy núi Chư Tan Kra, Chư Tan An, Chư Chok của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, nơi ngày xưa hàng trăm người con Hà Nội từng kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, Đảng, Chính quyền và nhân dân thủ đô đã xây dựng lên một khu tưởng niệm uy nghi để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Khu tưởng niệm đã được tổ chức khánh thành vào ngày 18.3.2012. Vậy là từ nay, hương hồn, thân nhân và đồng đội các liệt sĩ Hà Nội ngã xuống nơi đây đã được ấm lòng.
Sẽ thật trọn vẹn nếu như các đài, báo truyền tải được những thông tin chính xác về các trận chiến mà hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh, nếu như việc tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm không gây bức xúc cho các gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh Trung đoàn 209.
Tết Mậu Thân 1968, Trung đoàn 209 được lệnh tách khỏi Sư đoàn 312, vào miền Đông chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 7. Trên đường hành quân lại được lệnh tiến đánh sân bay Kleng (Sa Thầy). Do bị không quân biệt kích Mỹ đánh chặn, đội hình trung đoàn kéo dài, khi tiểu đoàn 7 đến gần Kleng thì tiểu đoàn 8 đi cuối vẫn còn trên đất Lào - Campuchia. Phát hiện được hướng đánh của trung đoàn, Mỹ điều động Trung đoàn 8 (Sư đoàn 4 bộ binh) và Lữ 173 về khu vực Sa Thầy, ngày 21.3 đổ một tiểu đoàn tăng cường xuống mỏm nam Chư Tan Kra, ngay khu vực chỉ huy sở Trung đoàn 209 và sát nơi ém quân của tiểu đoàn 7.
Trận đánh kéo dài từ 21.3 – 30.3, đỉnh điểm là 3h20 ngày 26.3, quân ta tấn công thẳng vào căn cứ Mỹ. Trong tình thế quân Mỹ hơn hẳn về số lượng (tại cao điểm có 5 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo và lực lượng trinh sát, công binh, thông tin tương đương 1 đại đội, bên ngoài căn cứ còn có 4 đại đội pháo trực tiếp yểm trợ cùng không quân), lực lượng ta chỉ có 4 đại đội bộ binh (đại đội 13 sa vào trận địa mìn Claymo mất sức chiến đấu ngay trước khi nổ súng) và được tăng cường hai trung đội đặc công và súng phun lửa.
Quân ta xung phong nhiều đợt, chiếm được nửa phía tây, đạn gần hết, thương vong nhiều, địch hạ nòng pháo 105mm bắn trực xạ vào quân ta, máy bay oanh tạc thẳng xuống trận địa, tảng sáng chúng đổ thêm quân phản kích chiếm lại trận địa. Tiểu đoàn 7 và C11 tiểu đoàn 9, quân đặc công hy sinh hơn 200 người, trong đó phải để lại 135 đồng đội nằm lại trên căn cứ Mỹ. Những tình tiết bi hùng này ít được báo chí nhắc tới, thậm chí có báo nói quân Mỹ chỉ có 1 hoặc 2 đại đội.
Xót thương đồng đội, 7 cựu chiến binh - là thương binh của tiểu đoàn 7, đã cùng góp tiền, cùng nhau thực hiện hơn 15 chuyến tìm kiếm suốt 4 năm, đến nay đã quy tập được 136 đồng đội - chủ yếu là các liệt sĩ Hà Nội, cùng đề nghị và được Thành ủy, UBND TP. Hà Nội chấp thuận xây dựng khu tưởng niệm các liệt sĩ tại chiến trường xưa.
Ngày khánh thành buồn vui lẫn lộn, gần 100 cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ vượt hơn ngàn cây số vào dự, để rồi nỗi buồn nhớ người thân, nhớ bạn lại thêm xót xa, tủi phận khi không ai có tên trong lời giới thiệu thành phần tham dự lễ khánh thành khu tưởng niệm của ban tổ chức.
Biên thùy biển đảo vẫn còn giặc đó, khu tưởng niệm này đâu chỉ riêng cho người đã khuất.
Hồ Đại Đồng - Báo Lao Động
Theo laodong.com.vn