Lực lượng vũ trang Quân khu 7 Thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Long An.
Sau hơn 1 năm thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc” (gọi tắt là Quyết định 62) trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc Quân khu 7 đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện, các địa phương còn tồn đọng rất nhiều hồ sơ, phát sinh nhiều vướng mắc cần tháo gỡ.
Cần điều chỉnh phạm vi đối tượng được xét
Quyết định 62 quy định chế độ trợ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, mai táng phí đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào (sau đây gọi chung là đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế) sau ngày 30-4-1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Nhóm đối tượng này được áp dụng theo các điểm a, b, c, d, đ… thuộc khoản 1, Điều 2 của Quyết định 62.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 62, UBND các tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo 24 (Ban chỉ đạo nghiên cứu, triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30-4-1975). Với vai trò là cơ quan thường trực, các Bộ CHQS tỉnh, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu, đề xuất và trực tiếp ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, bảo đảm việc thực hiện được thống nhất và tổ chức tốt việc xét duyệt hồ sơ, chi trả cho đối tượng.
Qua hơn một năm thực hiện, thực tế cho thấy có nhiều đối tượng trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế nhưng không có trong danh mục địa bàn, thời gian do Bộ Tổng tham mưu ban hành nên khó khăn cho các địa phương trong việc đối chiếu, xét duyệt hồ sơ. Đại tá Trần Minh Phương, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Long An, thành viên Ban chỉ đạo 24 của tỉnh cho biết: “Thực tế trên địa bàn của tỉnh, nhiều đơn vị có tham gia vào chiến tranh bảo vệ biên giới, có mức độ gian khổ nguy hiểm cao như các đơn vị du kích huyện được tăng cường lên bảo vệ biên giới, hay các cán bộ, chiến sĩ trong quá trình huấn luyện chiến sĩ mới được điều động làm nhiệm vụ vận tải lên biên giới hoặc sang hẳn nước bạn theo các đợt đi ngắn hạn. Những đối tượng này cũng cần được giải quyết chế độ”.
Ghi nhận tại các tỉnh khác như Tây Ninh, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương…, Ban chỉ đạo 24 các tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét, bổ sung một số đối tượng được hưởng chế độ theo Quyết định 62. Cụ thể, đối tượng đơn vị đóng quân trong nước nhưng được giao nhiệm vụ công tác ở Cam-pu-chia, Lào (ngắn ngày theo chuyến, theo đợt) trong khoảng thời gian từ tháng 5-1975 đến ngày 31-8-1989 như các đội làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, các đơn vị vận tải, học viên các trường đi thực tập, cán bộ khung các đơn vị huấn luyện làm nhiệm vụ giao, nhận quân ở Cam-pu-chia. Nhiều tỉnh cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là dân công hỏa tuyến.
Đến nay, các địa phương thuộc Quân khu 7 đã khảo sát hơn 113.650 đối tượng; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ hơn 79.830 đối tượng. Sau khi thẩm định, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã ra quyết định chi trả trợ cấp 1 lần cho 25.630 đối tượng với tổng số tiền hơn 104,4 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn quân khu còn hơn 80.000 đối tượng thuộc diện được hưởng chế độ theo Quyết định 62 nhưng không có giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan, vì sau khi xuất ngũ không lưu giữ hoặc thất lạc dẫn đến khó khăn trong quy trình xét duyệt hồ sơ.
Tập trung giải quyết bất cập, vướng mắc ở cấp xã, phường
Đại tá Dương Công Hiệp, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, thành viên Ban chỉ đạo 24 của tỉnh cho biết: Hiện nay, tiến độ giải quyết hồ sơ ở cấp xã còn chậm, tồn đọng nhiều hồ sơ. Do đối tượng được hưởng chế độ ở nhiều địa phương khác nhau về sinh sống tại các tỉnh, thành phố hoặc di cư đi nơi khác nên việc xác minh mất nhiều thời gian. Mặt khác, đối với lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên xung phong, lực lượng truy quét FULRO tham gia làm nhiệm vụ từng đợt, luân phiên thời gian ngắn sau đó đơn vị giải thể nên không thể xác nhận quá trình công tác”.
Thực tế, việc chậm trễ trong xác lập hồ sơ cho các đối tượng còn do một số cấp ủy xã, phường chưa thực sự quan tâm tới việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ cho các đối tượng, còn hiện tượng khoán trắng cho Ban CHQS xã, phường. Vì vậy, vai trò Hội đồng chính sách cấp xã chưa được phát huy tối đa. Đội ngũ cán bộ nằm trong Hội đồng chính sách cấp xã chưa nắm chắc về quy trình nên việc khảo sát, xác lập hồ sơ còn thiếu sót, bị trả đi trả lại nhiều lần. Các thành viên Hội đồng chính sách cấp xã tuổi đời còn trẻ, thiếu kinh nghiệm nên việc xử lý hồ sơ một số nơi chưa tốt. Bên cạnh đó, một số đối tượng được hưởng chế độ chưa nhận thức đầy đủ về quy trình, thủ tục làm hồ sơ, việc phối hợp chưa tích cực, nội dung kê khai chưa chính xác về địa bàn tham gia chiến đấu, khai không đầy đủ nguyên quán, thời gian chiến đấu không trùng khớp…
Theo Ban chỉ đạo 24 Quân khu 7, thời gian tới, Quân khu sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương hoàn thành việc lập hồ sơ xét duyệt cho các đối tượng còn lại. Các đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp hằng tháng sẽ chuyển ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành chi trả và làm thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định. Việc tổ chức chi trả chế độ cho đối tượng khi có quyết định hưởng chế độ sẽ luôn kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, chu đáo, trang trọng, thể hiện sự tôn vinh đối với người có công với Cách mạng. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ theo Quyết định 62, cần phát huy tối đa vai trò của Hội đồng chính sách xã, phường, nêu cao tính công khai, dân chủ, minh bạch. Trước khi xét duyệt, cũng như khi chi trả chế độ đều công khai cho dân biết để nhân dân kịp thời góp ý, xác nhận các đối tượng.
Thiếu tướng Trần Văn Hùng, Phó chính ủy Quân khu 7 cho biết: “Trong năm 2013, Quân khu 7 sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm đúng quy trình, chặt chẽ, chính xác, công khai, tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra và xử lý kịp thời những vướng mắc phát sinh. Ở các cấp không được từ chối bất cứ hồ sơ nào nhưng phải xét duyệt nghiêm túc, tránh để sót, lọt đối tượng. Quân khu phấn đấu trong năm 2013, tổ chức xét duyệt, thẩm định, ra quyết định chi trả cho khoảng 70% đối tượng nhóm 1 và nhóm 2. Riêng năm 2014 sẽ tập trung giải quyết nhóm 3 thuộc diện không còn giấy tờ để cơ bản hoàn thành việc chi trả chế độ cho tất cả các đối tượng”.
Bài và ảnh: LÊ HÙNG KHOA
Theo qdnd.vn