Một số hình ảnh mà Trần Văn Ty thu thập được để đi tìm người thân cho những người con lai Hàn
Người thích nói về "con lai Hàn"
Ngày 5.10.2008, Ty, với vai trò hướng dẫn viên du lịch, rủ tôi cùng tham gia đưa một phái đoàn cựu chiến binh Hàn Quốc đi thăm lại nơi mà họ đóng quân trước năm 1975 tại miền Trung. Cũng giống mỗi lần dẫn đoàn Hàn Quốc đến tham quan đất nước, Ty lại đưa đề tài con lai Hàn và đề nghị những cựu chiến binh phải có một phần trách nhiệm.
Trên chuyến xe từ TP.HCM về thị xã Cam Ranh, Ty đã lấy những hình ảnh minh họa trong tập thơ của mình mang tên Những đứa con... lạc loài trong phố để tranh luận với nhóm cựu chiến binh. Ty diễn giải hình ảnh minh họa trong tập thơ "Sau chiến tranh người Pháp đưa con lai về nước bằng tàu thủy, người Mỹ đưa về bằng máy bay. Còn người Hàn quay lưng với những đứa trẻ không nơi nương tựa...".
Rồi Ty đọc thơ bằng tiếng Hàn:
"Tôi sinh ra đời không tìm thấy quê hương
Không có cha những ngày tôi còn nhỏ
Tôi hỏi cha đâu?Mẹ chỉ mây trời: Cha đó!
Ngắm mây trời, sao lòng mẹ lại buồn...; Tôi vẫn nhớ, có đêm mùa đông
Chúng nó đi lạc loài trong phố
Khuya, về chung trong căn nhà nhỏ
Mơ gọi thầm hai tiếng: Cha ơi...!".
Thế là diễn ra cuộc tranh cãi bằng tiếng Hàn giữa Ty và nhóm cựu chiến binh. Ty dịch lại tiếng Việt cho tôi nghe: "Mấy ổng nói rằng, con rơi phần lớn là do những người kỹ sư đến làm việc cho hãng tàu Vinnel gây ra, chứ rất ít của người lính trong chiến tranh. Hơn nữa, đó chỉ là những cuộc tình... trăng hoa, không phải tình yêu nên họ không phải chịu trách nhiệm trước hậu quả mà mình gây ra". Ty lấy bản thân mình ra để chứng minh: mình là con của người lính và gọi điện cho những con lai Hàn ở Cam Ranh đến; chỉ rõ từng người nói "họ là những đứa con của người lính"...
Nhiều bà mẹ, con lai Hàn nghe Ty dẫn đoàn Hàn Quốc về Cam Ranh, rủ nhau mang hồ sơ, hình ảnh ra để nhờ giúp đỡ tìm thân nhân. Chị Dương Thị Bích Đào (P.Cam Linh, thị xã Cam Ranh) cũng đã nhờ người tìm kiếm cha mình hàng chục năm nay. Chị Đào chỉ biết cha mình tên Lee In Ho, ngày trước bán hàng cho lính Mỹ. "Mong ước của tôi là gặp mặt lại ông Lee một lần để được gọi tiếng cha, cho mấy đứa con có điều kiện biết ông ngoại chúng là ai" - chị Đào nói. Cách đây 12 năm (1996), chị Đào tưởng chừng như tìm được manh mối của cha mình khi ông Kim Kyong Soo (anh em cột chèo với ông Lee) tìm được cô con gái của mình tên Dương Thị Kim Châu ở P.Ba Ngòi, thị xã Cam Ranh. "Vậy mà khi hỏi đến cha tôi, ông Kim nói không biết rõ ông Lee ở đâu" - chị Đào thất vọng ê chề. Vẫn còn nhiều những người con không cha!
Ngoài việc điều hành Công ty du lịch Đại Nhật (tại địa chỉ 72 Tân Sơn Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM), Trần Văn Ty còn viết truyện ngắn, làm thơ (dưới tên Trần Đại Nhật) về đề tài con lai Hàn - Việt. Ngoài ra, anh cũng vận động được nhiều nhà hảo tâm ở nước ngoài giúp đỡ 150 học bổng cho thế hệ thứ ba của con lai Hàn tại VN với số tiền 300.000 đồng/tháng.
Hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thường xuyên đưa khách đi tham quan đất nước, mỗi khi đến địa phương nào, nghe có vợ con lai Hàn, Ty đều tìm đến gặp gỡ, lấy thông tin mong có ngày giúp họ đoàn tụ gia đình. Hiện Ty đã tập hợp được khoảng 500 trường hợp vợ và con lai Hàn Quốc đang đi tìm thân nhân. "Danh sách này chắc chắn chưa dừng lại, vẫn còn rất nhiều người khác chưa tìm được thân nhân, nhưng họ đã bị mất giấy tờ hoặc không dám tiết lộ cho người khác biết về thân phận của mình" - Ty nói.
Trong phòng làm việc của Ty còn hàng chục bức thư nhờ tìm giúp người thân của mình. Trong bức thư nhờ tìm giúp chồng, bà Đặng Thị Thất (Bình Định) viết: "Chồng tôi, ông Choi Yong sang Việt Nam 1969 cấp bậc đại úy, thuộc Trung đoàn 1 kỵ binh Mãnh Hổ đóng tại xã Bình Nghị, quận Bình Khê (Bình Định). Năm 1970 thì về nước. Tôi có nhờ ông Kim In Jae tại Hội thánh Quy Nhơn tìm giúp ông Choi và 2 người gặp nhau trên mạng. Ông Kim có kể về hoàn cảnh mẹ con tôi ở Việt Nam thì ông Choi hứa sẽ giúp đỡ cho con gái tôi tên Choi Sue Jin (tên Việt Nam là Đặng Thị Hồng Ân), nhưng đến nay không còn tin tức gì".
Cuối thư bà Thất còn gửi gắm: "Tôi có một cháu lai tên Văn Hoàng muốn tìm cha trung sĩ Sin Sun Joo, trung đoàn 1 kỵ binh Mãnh Hổ đóng tại Bình Nghi, Bình Khê, Bình Định". Sau đó, Ty tiếp tục nhận được thư của Hoàng nhờ tìm cha với lời lẽ rất tha thiết: "Em nhờ anh tìm giúp để em có cha, chứ 30 năm ông bỏ về nước, bỏ rơi giọt máu tại Việt Nam, em không hề biết mặt cha. Lớn lên em không có cha, học hành không đến nơi đến chốn, phải sống với ông bà ngoại vì mẹ đã đi lấy chồng. Nếu được gặp cha thì vui biết mấy. Em nhờ anh giúp đỡ vì hoàn cảnh của em giống như anh".
***
"Họ là những người không có tội lỗi, mà chỉ là nạn nhân của chiến tranh. Tôi cũng là con lai Hàn chỉ mong giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh giống như mình. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đến nay đã giúp cho hơn 40 trường hợp gặp lại được gia đình. Vợ tôi thấy tôi tối ngày cứ thu thập danh sách, địa chỉ, hình ảnh con lai Hàn nên hay cằn nhằn: chỉ toàn nghĩ chuyện bao đồng, một mình anh thì có thể làm được gì. Ngẫm lại, nhiều lúc thấy vợ mình nói cũng chẳng sai..." - Ty nghĩ vu vơ.
Phóng sự của Hoàng Tuấn
Theo thanhnien.com.vn