Quy tập hài cốt liệt sĩ trong rừng Lệch Phu Cút (Xiêng Khoảng).
Kỳ 1: Đồng đội ơi, nằm đâu muôn ngả!
Xiêng Khoảng (Lào) - cái tên gợi cho chúng ta nhớ đến Cánh Đồng Chum nổi tiếng, đến Long Chẹng - thủ phủ của Vàng Pao, một chiến trường khốc liệt, nơi diễn ra nhiều chiến dịch giành giật nhau từng hốc núi, bờ khe của liên minh chiến đấu Việt - Lào trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Và tại chiến trường ấy, hàng vạn người con ưu tú của dân tộc ta và quân dân các bộ tộc Lào anh em đã anh dũng ngã xuống.
Đại tá Hồ Trọng Bình, Đội trưởng Đội quy tập tỉnh Nghệ An phóng mắt nhìn về phía cuối chân trời, những rặng núi nối đuôi nhau bất tận, những cánh rừng nguyên sinh ngàn đời nay luôn vi vút một giai điệu “u... u” quen thuộc và bảo rằng: Người ta bảo phải đi ra biển lớn mới thấy mình nhỏ bé. Còn anh em đi làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ, đã trải qua những chuyến hành quân cả tháng trời trong rừng sâu mới nhìn thấy mặt người, đêm đêm ôm hài cốt đồng đội ngủ trên chạc cây rừng, lòng nơm nớp lo sợ thú dữ có thể ăn thịt mình bất cứ lúc nào thì mới thấy, phận người giữa rừng sâu, núi thẳm cũng mong manh và nhỏ bé vô cùng.
Những đêm như thế, anh Bình và đồng đội thường ngước mắt nhìn trời sao, miệng khẽ lẩm nhẩm: “Đồng đội, anh nằm ở đâu, hãy phù hộ, độ trì để chúng tôi được nhìn thấy để đưa anh về với đất mẹ thương yêu”. Sau chiến tranh, việc lưu giữ sơ đồ mộ chí của các đơn vị không được đầy đủ, cuộc chiến khốc liệt với muôn nghìn kiểu hy sinh khác nhau khiến hài cốt các liệt sĩ nằm phân tán trên đỉnh núi, lòng hang, bìa rừng, gốc cây... theo những cách thức mà với nhận thức hiện nay không thể nào lý giải được. Các nhân chứng, cả của bạn và của ta đều đã tuổi cao, sức yếu và ngày càng ít đi. Địa hình, địa vật nhiều nơi cũng thay đổi đến không ngờ... Tất cả những điều đó là cản trở lớn trong hành trình quy tập hài cốt liệt sĩ.
Khó, nhưng không phải vì thế mà các anh em trong đội nản lòng. Từng cán bộ trong đội được phân công, người lật lại từng trang hồ sơ của các đơn vị cũ, người đi đến gặp các cựu chiến binh, người đi về các bản làng của Lào, thu thập thông tin từ nhân dân… tất cả như chạy đua với thời gian, tranh thủ từng giờ, từng phút để có được thông tin chính xác về vị trí an táng các liệt sĩ. Để rồi mỗi một hài cốt tìm được là một câu chuyện cảm động về nghĩa tình và sự tận tụy của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đội.
Đó là câu chuyện về nơi an táng 36 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 312. Mùa khô năm 1999, Đội quy tập tỉnh Nghệ An được các cựu chiến binh cung cấp sơ đồ khu vực an táng mộ ở huyện Mường Pẹt, tỉnh Xiêng Khoảng. Ai trong đội cũng thấy mừng, bởi sơ đồ vẽ khá chi tiết, có tọa độ hẳn hoi, đây là loại “hồ sơ vàng” đối với những người quy tập. Thế nhưng, lần theo tọa độ đó, cái mà các anh gặp lại là một khu rừng nguyên sinh với trập trùng những đỉnh núi cao lởm chởm. Đào bới suốt một tháng mà không mảy may nhận thấy tín hiệu của một nghĩa trang. Lương thực cạn sạch, cả đội nản chí định về. “Chẳng lẽ, đã có trong tay tấm sơ đồ do một cựu chiến binh nặng lòng với đồng đội vẽ lại mà lại về tay không” - trong đầu anh Bình bất chợt lóe lên một ý tưởng khi nghe người đồng đội nghêu ngao đọc câu thơ: “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Phải dựa vào dân. Toàn đội đã làm cuộc hành quân dã ngoại đi tìm dân quanh vùng và chính những nguồn tin của dân bản đã giúp các anh tìm thấy khu vực chôn cất 36 liệt sĩ thuộc Sư đoàn 312 nằm cách điểm ban đầu... 30km.
“Dựa vào dân” trở thành kinh nghiệm thành công, kinh nghiệm chiến thắng địa hình hiểm hóc của cả đội. Năm 2011, các cựu chiến binh Sư đoàn 316 cũng gửi cho Đội quy tập tỉnh Nghệ An một sơ đồ khu mộ 45 liệt sĩ thuộc địa bàn Pu Và Say, huyện Và Say, tỉnh Xiêng Khoảng. Thông tin ban đầu còn nói rõ, vị trí an táng tại một điểm có độ cao khoảng 1.500m. Thế nhưng, theo địa chỉ đó, anh em tìm kiếm mấy tuần mà không thấy dấu tích gì. Cả đội lại đi tìm các bản quanh khu vực, kỳ công làm công tác dân vận. Thật may, một cựu chiến binh của bạn có tên là Lọng biết được thông tin về khu mộ. ông đã đứng ra giúp đội tổ chức một cuộc gặp với các cựu chiến binh sống trong khu vực Pu Và Say để cùng nhớ lại vị trí an táng những người bạn Việt Nam năm xưa.
Hôm sau, ông Lọng dẫn anh em trong đội đến một ngọn đồi cao và chỉ: Chắc chắn khu mộ nằm ở đây. Toàn đội ngạc nhiên: Khu đồi đất đá rắn thế này, làm sao có thể là nghĩa trang được nhỉ. Người cựu chiến binh Lào bất chợt nghĩ ra điều gì, reo lên: “Chắc chắn rồi, các anh cứ nhằm những gốc lim to mà đào, thế nào cũng thấy”.
Thì ra, theo quy luật tự nhiên, thân xác các liệt sĩ đã biến ngọn đồi cằn khô sỏi đá thành lớp đất màu mỡ. Đại tá Hồ Trọng Bình khoét dưới gốc những cây lim đã có đường kính tới 50cm, gom nhặt từng mẩu hài cốt mà nước mắt tuôn rơi, nhìn lên những ngọn lim cao vút, tỏa bóng mát che kín đỉnh đồi, tưởng như có ánh mắt người đồng đội lớp trước đang nhìn anh...
Nhắc đến những ngôi mộ liệt sĩ dưới gốc cây, anh Bình nhớ nhất về ngôi mộ liệt sĩ ở bản Son, huyện Mường Bẹt, tỉnh Xiêng Khoảng. Theo thông tin người dân cung cấp, các anh đến bản Son gặp mẹ Mết đã 80 tuổi. Hôm ấy vào khoảng cuối năm 1988. Sau gần 5 ngày trời đi bộ vượt rừng vào đến bản, mẹ Mết nghe tin đoàn quy tập đến nên ngồi đợi sẵn. Mẹ bảo: “Mẹ đợi các con đến đưa đồng đội về lâu lắm rồi!”. Rồi mẹ dẫn anh Bình cùng đội đến một bụi tre to ở ngay đầu bản và chỉ: “Ngày trước, dân bản an táng một chú bộ đội Việt Nam ở chỗ này”.
Nhìn thấy bụi tre to, rậm rạp, rộng mấy chục mét vuông, không biết phải bắt đầu đào từ chỗ nào, anh Bình thắc mắc. Mẹ Mết giải thích: Hôm chú bộ đội Việt Nam hy sinh, đơn vị liên hệ với dân bản để chôn cất. Sau khi mai táng xong, chiếc đòn tre khiêng thi hài được chặt làm đôi cắm xuống hai đầu để đánh dấu. Rồi vì chiến tranh, bản dời đi nơi khác, ít năm sau quay lại thì tôi đã thấy hai khúc tre mọc thành hai cây. Giờ phát triển thành bụi tre to thế đấy. Các con cứ đào ở giữa sẽ thấy.
Đôi khi, cả đội tích cực tìm kiếm suốt mấy tháng trời cũng không có được một nguồn tin nào đáng kể về mộ liệt sĩ. Nhưng có khi, thông tin lại đến bất ngờ khiến cả đội xúc động. Đầu năm 1998, khi Đội quy tập tỉnh Nghệ An đang tiến hành tìm kiếm tại khu vực bản Lạt Buột, huyện Mường Bẹt, tỉnh Xiêng Khoảng thì nhận được thông tin ở khu vực phía Tây Lạt Buột có ông già Khăm Bua, nhiều năm qua sống một mình, làm nhà, làm rẫy trên rừng và chăm sóc 20 ngôi mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam hy sinh tại Lào thời kỳ chống Pháp.
Tưởng ở phía tây của bản là gần, anh em trong đội lên đường ngay. Đi 5km mới tới được khu đồi. Đến nơi, nhìn 20 ngôi mộ được đắp to như những đụn rơm, hương khói chăm sóc cẩn thận, toàn đội rất xúc động. Có lẽ, trong suốt hành trình tìm mộ đồng đội, chưa khi nào các anh lại gặp một người dân Lào dành cả đời mình đi chăm mộ liệt sĩ Việt Nam như vậy.
ông Khăm Bua vui mừng, hỉ hả khi thấy đội quy tập tìm đến. ông bảo, hồi các chú bộ đội Việt Nam đến đây bảo vệ bản, đánh thằng giặc Pháp tàn ác rồi hy sinh, tôi cũng tham gia chiến đấu cùng. Sau khi an táng xong, đơn vị bộ đội tiếp tục hành quân chiến đấu và hẹn ngày trở lại đưa đồng đội về quê. Tôi ở lại, lấy vợ, sinh con, nhưng vẫn để tâm chăm sóc phần mộ các liệt sĩ. Năm nào tôi cũng đắp thêm ít đất nên các ngôi mộ giờ to như thế. Mấy năm nay, con cái Khăm Bua trưởng thành cả, Khăm Bua tình nguyện lên đây phát rẫy, làm ăn để có thời gian chăm sóc các phần mộ.
Hôm chia tay Đội quy tập, ông Khăm Bua đến lần sờ từng bộ hài cốt, nói lời chia tay rồi nói với anh Hồ Trọng Bình: “Giờ thì tôi có thể chết được rồi. Mấy năm nay tuổi già, tôi nói với các con: Nếu các đồng đội Việt Nam chưa trở về Tổ quốc, cha chết cũng khó nhắm mắt”.
Hồng Hải - Duy Thành
Theo qdnd.vn