Cất bốc hài cốt liệt sĩ tại khu vực Bản Thẳm (Thà Khẹt, Khăm Muộn). Ảnh: Hồ Trọng
Kỳ 3: Giọt nước mắt của bà mẹ Lào
Đó là ngôi mộ một liệt sĩ Việt Nam mà bà Chăn Thịt đã tự tay chăm sóc gần 60 năm qua.
Một ngày đầu mùa khô năm 2004. Thông tin về chuyện một bà cụ đã vào tuổi 90 ở bản Cút Nậm Xảy nhận chăm sóc một phần mộ liệt sĩ Việt Nam đến với Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Quảng Bình đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Xiêng Khoảng. Đội trưởng Phan Đức Quý cùng anh em trong đội lập tức tìm đến bản làng xa xôi, heo hút ấy.
Bà Chăn Thịt mắt đã bị mù, tai nghễnh ngãng, nghe con cháu báo tin có bộ đội Việt Nam tìm đến nhà, liền òa khóc nức nở. “Anh ấy là anh trai của tôi. Năm 1953, cả đơn vị Quân tình nguyện của anh ấy đến bản tôi. Anh được phân công vào ở nhà tôi. Bố tôi quý anh ấy lắm, bảo chúng tôi hãy coi anh ấy như anh cả trong nhà. Tôi là con gái, quý anh lắm nhưng cũng chưa nói chuyện với anh nhiều, thậm chí cũng chưa kịp hỏi tên anh thì giặc Pháp càn vào bản. Đúng lúc dân bản đang tụ họp đông vui ở đầu bản. Anh cùng đồng đội xông ra chặn địch cho dân bản chạy giặc. Lúc tôi trở về thì anh đã hy sinh. Dân bản đem anh lên núi chôn cất. Trồng quanh mộ ba cây, một cây gọ, một cây pướn, một cây mai đen. Những năm đầu, ngày nào tôi cũng lên mộ khóc anh. Về sau tuổi già, mắt tôi mờ dần và mù hẳn, đã vài chục năm nay, tôi không thể lên đó hương khói cho anh được nữa”.
Nghe anh Quý trình bày chủ trương của Đảng, Nhà nước hai nước là đưa hài cốt liệt sĩ Việt Nam về nước. Bà Chăn Thịt hài lòng, nói bà già quá rồi, nhưng chưa nhắm mắt được vì còn mấy việc phân vân, nhất là lo không có ai quan tâm đến ngôi mộ của người anh liệt sĩ.
Hôm sau, bà dậy thật sớm, mặc cho con cháu ái ngại chuyện bà đã quá già, liệu có đi rừng được nữa không. Anh em trong Đội quy tập cũng chuẩn bị sẵn võng, gậy, định để khiêng bà đi nhưng bà bảo người Lào kiêng chuyện khiêng võng người khỏe. Vậy là, anh em cầm chiếc gậy nhỏ, dẫn bà đi vào rừng, cách bản chừng 1km. Đến khi leo lên đầu núi, anh em trong Đội còn phải người đỡ, người cầm chân bà đặt từng bước để leo. Kia rồi, đúng theo mô tả của bà, ba cây gọ, pướn, mai đen hợp thành một tam giác đứng sừng sững trên đầu trái núi. Bà Chăn Thịt bảo anh em chỉ cho mình hướng mặt trời, rồi nghiêng vai, chỉ tay xuống ngay trước mặt: “Phần mộ của anh ấy nằm đây, các chú đào đi”.
Mắt bà không nhìn thấy nhưng trái tim bà đã “phát” ra thứ ánh sáng lấp lánh, chỉ đường cho anh em đội quy tập. Anh Quý bảo rằng, chưa có lần quy tập nào mà người chỉ mộ lại chính xác đến thế. Các anh chỉ đào 3 lớp xẻng thì hài cốt liệt sĩ đã lộ ra. Lúc chia tay liệt sĩ rời bản sau gần 60 năm yên nghỉ với bản Cút Nậm Xảy, bà Chăn Thịt là người khóc nhiều nhất. Anh em trong đội quy tập, ai cũng rưng rưng xúc động, không chỉ vì thương người đồng đội thuộc thế hệ cha anh, mà còn vì tình cảm thiêng của bà mẹ người Lào.
Với lớp người già ở Lào, tình cảm với Quân tình nguyện Việt Nam luôn nồng thắm, nghĩa tình, trước sau như một. Điều ấy, dường như đã trở thành một sợi chỉ đỏ được trao truyền cho lớp con cháu hôm nay.
Lại một ngày nọ, mùa khô năm 2008, Đội trưởng Phan Đình Quý và anh em vừa chạm chân vào đầu bản Noọng Sen, huyện Bua-la-tha thì đã thấy một cháu nhỏ chừng 13 tuổi chạy ra đón, vẫy tay rối rít. Ở bản này, mùa khô 2007, đội quy tập đã đến ở, phát động phong trào tìm mộ liệt sĩ Việt Nam trong dân bản, tổ chức tìm kiếm suốt mùa nhưng không thấy. Hồ sơ lưu trữ vẫn ghi, ở khu vực này có hài cốt liệt sĩ của một đơn vị pháo binh nhưng chưa phát hiện ra tung tích. Trước hôm rút đi, anh Quý đã đến trường nói chuyện với các cháu học sinh trong bản, rằng cháu nào phát hiện ra manh mối mộ liệt sĩ, nhớ đánh dấu để báo cho các chú bộ đội Việt Nam biết.
Và hôm nay trở lại, các anh được cháu Khăm vui mừng báo tin: Năm ngoái, các chú rút đi được mấy ngày thì Khăm vào rừng nhặt phế liệu. Bất ngờ thấy một chiếc mũ sắt, có ngôi sao vàng năm cánh vít quay vào trong, lật mũ lên thì thấy có chiếc răng người. Chắc chắn khu đó có mộ liệt sĩ. Mừng quá, anh Quý hẹn Khăm đến sáng hôm sau dẫn đội quy tập vào rừng, tìm đến địa điểm mà Khăm đã thấy cái mũ.
Nhưng hôm sau, trời đã gần trưa mà các anh trong đội vẫn chẳng thấy bóng dáng cậu bé Khăm đâu. “Không lẽ chú bé láu lỉnh này nói dối, hôm nay không dám đến nữa” – anh Quý nghĩ thầm, liền đi thẳng đến nhà Khăm để tìm. Thì ra, cậu bé đang mướt mồ hôi, trèo lên nóc nhà tìm kiếm cái gì đó. Nó ra hiệu cho anh Quý giữ bí mật, mãi sau khi cùng đội quy tập vào rừng, Khăm mới cho biết: “Năm ngoái, cháu đã lấy ngôi sao và chiếc răng của liệt sĩ về làm tin với các chú. Còn cái mũ sắt, cháu úp trở lại để đánh dấu vị trí. Sợ cha mẹ không cho đem hài cốt liệt sĩ về nhà, cháu phải bí mật giấu trên nóc nhà, nay tìm mãi mới thấy”.
Vị trí mà Khăm tìm thấy, sau một năm cỏ dại mọc um tùm cao quá đầu người. Anh em trong đội phát cỏ mãi mới tìm ra chiếc mũ sắt mà Khăm đánh dấu. Hôm đó, 4 hài cốt liệt sĩ đã được tìm thấy. Các anh nằm quanh miệng một hố bom. Cả Đội quy tập ngậm ngùi: Có thể các anh ở trận địa pháo, trúng bom nên hy sinh cùng lúc, sau đó địch tiếp tục giội pháo vào nên xung quanh cũng chi chít hố bom, hố đạn, đơn vị chắc cũng không lên mai táng kịp.
Một lần khác, năm 2010, ở bản Xiềng Ven cũng có hai cháu nhỏ lập công, giúp Đội quy tập Quảng Bình tìm ra hài cốt liệt sĩ. Theo hồ sơ, khu vực này có hang Bản Thẳm. Năm 1966, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với quân đội Pa-thét Lào tiến vào giải phóng huyện Thà-khẹt. Toàn bộ thương binh, tử sĩ trong trận đánh đó được tập trung về hang Bản Thẳm. Ta chưa kịp chăm sóc và chôn cất tử sĩ thì địch mở cuộc phản kích, đánh cả vào hang Bản Thẳm. 62 thương binh và tử sĩ của ta rơi vào tay địch. Năm 1991, Đội quy tập của tỉnh Quảng Bình đã vào hang tìm kiếm nhưng chỉ thấy 39 hài cốt. Vậy 23 liệt sĩ còn lại nằm ở đâu? Qua dò hỏi các cựu chiến binh và người dân địa phương, anh em đội quy tập nhận định: “Khi địch tiến vào hang, một số đồng chí là thương binh có thể đã bò đi trốn ở nơi khác. Sau đó, vì giặc vây ráo riết dài ngày, có thể các anh đã hy sinh vì đói khát, bệnh tật. Như vậy, tìm kiếm mở rộng ra xung quanh có thể sẽ thấy hài cốt”.
Quả đúng như vậy. Người dân trong bản Xiềng Ven cùng bộ đội tìm rộng ra một số hốc núi lân cận đã phát hiện thêm 5 hài cốt liệt sĩ. Hai cháu nhỏ có tên Đon và Mon, trong quá trình vào rừng tìm kiếm cũng bất ngờ phát hiện một khe núi rất nhỏ. Bởi khe núi nhỏ, bình thường người lớn không thể chui lọt nên không ai nghĩ đến việc vào đó tìm kiếm. Đon và Mon đã lách vào, phát hiện hai hài cốt nằm trong hang. Khi anh Quý được dẫn vào, rất bất ngờ vì cửa hang tuy hẹp nhưng chui xuống sâu lại khá rộng, hồi chiến tranh, có ai đó đã đưa hai liệt sĩ vào tận trong hang nhỏ này khâm liệm và cất giấu cẩn thận.
Phong trào toàn dân tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào đến nay đã được cấp ủy, chính quyền nước bạn phát động, trở thành một phong trào lớn và thật đặc biệt khi lôi cuốn được cả những người trước đây tham gia quân đội ngụy Lào hoặc đi lính cho Vàng Pao.
Đại tá Hồ Trọng Bình, Đội trưởng Đội quy tập Nghệ An vẫn nhớ mãi về những ngày đi nghe ngóng thông tin mộ liệt sĩ ở Long Chẹng. Nhiều người ghé tai anh nói rằng: “Ông Giằng ở bản Hắt trước đây là lái xe cho Vàng Pao biết nhiều thông tin mộ liệt sĩ của bộ đội Việt Nam lắm. Ngày trước, sau mỗi trận đánh, ông ấy thường chở Vàng Pao đi đếm mộ bộ đội Việt Nam hy sinh mà. Bộ đội mà thuyết phục được ông ấy chỉ đường thì mọi việc sẽ nhanh”.
Kể từ sau năm 1975, cách mạng Lào thành công trọn vẹn, Vàng Pao cuốn gói chạy ra nước ngoài nhưng ông Giằng vẫn lén lút tham gia hoạt động phá hoại an ninh đất nước. Anh Bình đến gặp, ông ta chỉ lên chiếc mũi sứt, nói: “Cộng sản Việt Nam bắn tao sứt mũi, tao thù, không chỉ đâu”.
Nói vậy nhưng "mưa dầm thấm lâu", được sự vận động của đoàn thể, lại thêm việc 5 chiến sĩ trong Đội quy tập về ở hẳn bản Hắt làm dân vận, rất được lòng dân bản nên ông Giằng dần dần… chấp nhận giúp đội. Không những chỉ cho đội quy tập biết được vị trí 3 nghĩa trang mà trước đây bọn lính Vàng Pao đã chôn cất bộ đội Việt Nam hy sinh, Giằng còn mách nước cho cán bộ, chiến sĩ trong đội một số thông tin về hoạt động chống phá an ninh của bọn xấu trong khu vực, để anh em biết cách phòng tránh cũng như phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác an ninh-trật tự. Đội quy tập Nghệ An còn đến tận nhà giúp Giằng sửa nhà cửa, xây dựng cuộc sống mới, từng bước đoạn tuyệt hẳn với bọn người xấu, trở về hưởng cuộc sống yên bình bên dân bản.
Hồng Hải – Duy Thành
Theo qdnd.vn