Câu chuyện còn “cổ tích” hơn khi hành trình tìm mẹ của chị Lệ chỉ có duy nhất một thông tin về người mẹ ở Bến Tre: “Mẹ tui tên Tích ở xóm Chòi, cạnh cái đồn lính cũ”. Bến Tre có tới mấy chục xóm tên xóm Chòi. Xóm Chòi có mẹ chị ở cạnh khúc sông nào, ở mé đồng nào chị Lệ không còn nhớ bởi chị đã rời xa mẹ từ năm lên 7 tuổi. Suốt 41 năm cứ tưởng đó sẽ là một câu hỏi mông lung, mỗi ngày mờ xa trong ký ức. Vậy mà một ngày, câu hỏi cửa miệng ấy của chị Lệ bỗng được anh thợ hồ Năm Đoàn, đang làm công trình gần Bệnh viện Chợ Rẫy, hồi đáp: “Tui ở xóm Chòi, cạnh nhà bà Tích...”. Bặt tin nhau vì nghèo Chọn Bệnh viện Chợ Rẫy để bán báo dạo, chị Lệ nghĩ vì chỗ đó bà con miền Tây Nam bộ ra vô nhiều, cùng cảnh khổ nhiều, dễ bề lân la hỏi thăm. Cái suy nghĩ ấy của một đứa con lạc mẹ, của một người phụ nữ nghèo khó, ít học trong chị chưa bao giờ suy suyển. Kể cả khi chồng chị không còn kề vai mưu sinh, đứa con trai duy nhất rời chị đi làm lơ xe đường dài, mình chị Lệ vẫn bám trụ với nỗi khắc khoải tìm mẹ chỉ với câu hỏi mơ hồ. Và giữa cuộc đời rộng lớn, sau khoảng thời gian biền biệt mấy chục năm, cuối cùng chị đã gặp được một người trả lời câu hỏi về người mẹ ở xóm Chòi. Theo tuoitreonline.
“Mẹ tui ở xóm Chòi”
Chuyện tìm mẹ của chị Lệ được bắt đầu bằng một cuộc chia ly có mẫu số quen thuộc: cha mẹ thôi nhau rồi chiến tranh khói lửa cắt lìa liên lạc. Mẹ chị Lệ - bà Hồ Thị Tích theo chồng về An Long (H.Tam Nông, Đồng Tháp) và sinh chị Lệ ở đó vào mùa nước nổi năm Thìn (1964). Nhưng khi bé Lệ chưa đầy năm thì tình vợ chồng cũng trồi sụt như con nước, bà Tích ẵm con về lại quê nhà ở xóm Chòi, thuộc xã Hưng Nhượng (H.Giồng Trôm, Bến Tre). Cuộc đời bé Lệ tưởng sẽ êm trôi cùng mẹ dưới những rặng dừa thì năm Lệ 7 tuổi, bà Tích gá nghĩa với một người lính bảo an ở đồn lính xóm Chòi và có thêm một con trai. Ba Lệ hay tin, về ẵm con ngược lại Tam Nông và từ đó Lệ không còn được về xóm Chòi.
Cuộc đời chị Lệ từ đó ngược xuôi theo con nước đầu nguồn, có lúc sang tận
Lời trăng trối mơ hồ lẫn cuộc mưu sinh cùng cực ấy không làm tắt nỗi đau đáu về tình mẫu tử. Sau mùa lũ năm 2000, khi căn chòi và chiếc xuồng ba lá - tài sản đáng giá nhất của gia đình - bị lũ cuốn trôi, cả nhà chị Lệ chỉ còn cách dắt díu nhau lên Sài Gòn làm mướn. Nhưng đó cũng là lúc chị Lệ tự gieo thêm niềm hi vọng cho mình: “Sài Gòn lớn cỡ đó, biết đâu gặp được người hay tin mẹ mình”. Chị mưu sinh bằng đủ thứ nghề: rửa chén, bán mũ bảo hiểm, bán báo, vé số dạo... Ở đâu chị Lệ cũng tranh thủ hỏi những người khách lạ hoắc cùng một câu hỏi, cùng một nỗi mong mỏi chưa bao giờ nguôi về người mẹ thất lạc ở Bến Tre: “Mẹ tui tên Tích ở xóm Chòi, cạnh cái đồn lính cũ”.
Vậy mà bất thình lình, một ngày giữa năm 2011, anh thợ hồ Năm Đoàn trong lần mua tờ vé số của chị Lệ đã cho hay mình ở xóm Chòi, cạnh nhà bà Tích... Tai chị Lệ như ù đi khi hay tin. Rồi anh thợ hồ Năm Đoàn còn cho hay: “Mấy bữa nay bả bịnh nặng, nằm ở trung tâm y tế huyện mà thuốc thang không có tiền mua”. Vậy là ngay ngày hôm sau, chị Lệ gom hết tiền vốn bán vé số, bán báo dạo, lên xe đò về Giồng Trôm. Mấy chị em đồng nghiệp bán báo dạo hay tin nửa mừng nửa lo, dặn chị Lệ cẩn thận, coi chừng bị lừa.
Nhưng bị lừa sao được, về tới Trung tâm y tế Giồng Trôm, gặp người đàn bà đang nằm trên giường bệnh, tóc trắng xóa nhưng cái miệng thì giống hệt mình, nước mắt chị Lệ đã ràn rụa. Tới nỗi quên mất mấy câu “chất vấn” soạn sẵn để làm tin. Mà đâu cần hỏi, bà Tích đã ôm đứa con gái lưu lạc vào lòng. Đây, cái giọng cà lăm vầy của bà thì làm sao lẫn khi bà Tích kể miết một hồi: “Ba con là Trương Hùng Dương, ông nội là Tư Cối, ông ngoại là Bảy Sen, con ở với cô Tư Đơn từ hồi ba có vợ...”. Rồi bà Tích kêu chị vạch khóe tai ra, đúng chóc có cái bớt hồng mà chỉ có bà rứt ruột đẻ ra mới nhớ nổi. Hai mẹ con cứ vậy ôm nhau khóc suốt hai giờ, làm rộn hết trung tâm y tế huyện.
Bữa đó bà Tích chưa hết bệnh nhưng bác sĩ vẫn cho về nhà sum vầy với con gái rồi vô chữa bệnh tiếp. Nhìn căn chòi dừa nước ọp ẹp của mẹ, chị Lệ chỉ biết khóc. Đời chị trôi nổi đã nghèo, đời mẹ chị thui thủi ở xóm Chòi còn nghèo hơn. Mười mấy năm ở Sài Gòn cặm cụi, sắm được đôi bông tai, chị Lệ tháo ra luôn làm quà cho mẹ. Bà Tích nghẹn ngào: “Có cô bác làm chứng, đời tui tới tuổi này nhờ tìm được con gái mới có đôi bông vàng...”. Bà con xóm Chòi lúc đó hay tin đội nón lá kéo tới, ngồi chật ních dưới rặng dừa đông như coi hát bội. Nhiều người vén tay áo quẹt nước mắt, y như lúc tới cảnh phân ly, trùng phùng trong tuồng hát hồi nào.
Cùng chị Lệ, chúng tôi đã về xóm Chòi thăm bà Tích. Cái đồn lính cũ ngày thơ bé không còn nữa nhưng gò đất có cây đa cao cạnh đồn lính và lối rẽ vào có mấy ngôi mộ đá ong trong trí nhớ của chị thì vẫn còn đây. Cái nghèo và nỗi ngóng con mấy mươi năm làm gương mặt bà Tích nhăn nheo hơn nhiều so với cái tuổi 69. 41 năm, cùng một nỗi đau đáu tìm nhau, Bến Tre - Đồng Tháp cách đâu mấy khúc sông, vậy mà sao mẹ con vẫn bặt tin nhau? Dường như đọc được nỗi băn khoăn ấy của những người khách lạ, bà Tích rơm rớm: “Thời may, tui tìm được con gái. Chớ mấy chục năm muốn đi tìm mà ngặt nỗi nghèo quá cậu à!”.
Bà Tích kể hồi đó gá nghĩa với người lính bảo an đặng yên thân mần ăn: “Nhưng tui lầm lỡ cậu à, tui có bầu em con Lệ thì bị người ta ruồng bỏ. Đêm tui sanh cũng là đêm ba con Lệ xuống bắt nó về...”. Đời bà Tích từ đó chìm trong nỗi nhớ đứa con gái, đường về Tam Nông lúc đó đò giang cách trở, ngặt thêm nỗi đứa em của chị Lệ đau bệnh liên miên. Bà Tích cứ chặc lưỡi, dù gì con Lệ cũng ở với cha nó, với bên nội, rồi mai mốt lớn nó tìm về. Nghĩ vậy, nhưng rồi tới hồi thong thả, bà cũng gửi con trai cho xóm giềng, theo ghe buôn về Tam Nông tìm con. Nhưng cảnh cũ còn đây mà gia đình bên chồng cũ thì ly tán mỗi người một nẻo. Người qua Nam Vang làm mướn, người chống sào vào tuốt lõi rừng tràm thả chà, giăng lưới, không ai biết đâu mà chỉ. Thân cò hèn yếu, bà Tích đành quá giang ghe buôn trở về lại xóm Chòi, cặm cụi mần mướn nuôi thằng út. Mấy mươi năm trôi đi, bà Tích nghĩ coi như đời mình lạc mất đứa con gái đầu lòng.
Phần chị Lệ theo cha về Tam Nông chịu cảnh dì ghẻ con chồng, rồi theo người cô ruột vào sâu trong ruộng. Dù không ai nhắc nhiều hơn về mẹ ngoài cái tên xóm Chòi, vẫn không làm chị tắt nỗi mong ngóng tìm mẹ. Nhưng cũng như họ hàng bên nội, từ nhỏ cho tới lúc lấy chồng chỉ là những chuỗi ngày lênh đênh theo mùa nước. Lấy chồng, trụ không nổi cảnh nghèo, vợ chồng dắt díu nhau sang Campuchia làm mướn, lang bạt từ Battambang tới tận Poi Pet, giáp Thái Lan cũng không làm chị dứt được hi vọng nối lại sợi dây máu mủ. Từ Campuchia tới Sài Gòn, ở đâu, gặp ai chị cũng hỏi về xóm Chòi, nhưng tất thảy đều nhận được cái lắc đầu trước câu hỏi quá mơ hồ...
Từ ngày tìm được mẹ, lúc nào chị Lệ cũng đem theo tấm hình thẻ của mẹ trong người, gặp ai cũng khoe. Cuộc mưu sinh sau mười năm ở phố vẫn chưa được an nhàn. Vẫn nắng gắt, mồ hôi, tiếng rao lạc giọng, nhưng ai cũng bảo chị Lệ từ ngày gặp lại được mẹ trông khỏe khoắn hẳn ra. “Giờ mỗi tháng mình đã có mẹ già ở quê chờ phụng dưỡng, tui lấy báo và vé số nhiều hơn nhưng chẳng thấy mỏi mệt chút nào”. Người phụ nữ sắp sang tuổi ngũ tuần cười tươi hạnh phúc, quên luôn cả bụi bặm, nắng gắt giữa trưa phố thị.
VIỄN SỰ - SƠN LÂM
----------------------------------------------
Không bao giờ bỏ cuộc
Có lẽ vì đời quá nghèo, cuộc tìm nhau của mẹ con chị Lệ không có nhiều chi tiết ly kỳ, không “lục tung cả thế giới” như những cuộc tìm người thân vẫn thấy. Nhưng quá nửa đời lạc mẹ, chị Lệ nói chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Không biết chữ, nhưng hồi lên Sài Gòn làm mướn, chị lần hồi tự học, nhờ người cùng xóm trọ bày, rồi trọ trẹ đọc được. Chị kể biết chữ lâu lâu tranh thủ giở báo ra coi, nghĩ biết đâu trong báo có nói về xóm Chòi nào đó.
----------------------------------------------
"Chị Lệ và bà Hồ Thị Tích gặp lại nhau khắp xã ai cũng mừng. Nhất là mấy người già cùng thời với bà Tích, họ vẫn còn nhận ra chị Lệ vì nét mặt không mấy thay đổi. Sắp tới chúng tôi sẽ làm thủ tục nhập khẩu cho chị Lệ để hai mẹ con chị về chung một nhà"
Ông BÙI VĂN MỘT
(chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng, H.Giồng Trôm, Bến Tre)