Nhờ bài thơ của Cảnh Giang mà liệt sĩ Đặng Thị Chốc gặp lại quê hương gia đình sau gần bốn mươi năm xa cách. Đó là cái cơ duyên hiếm có, là niềm hạnh phúc lớn lao của người làm thơ.
Bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” của tác giả Cảnh Giang bắt nguồn từ những sự việc hết sức bất ngờ.
Cảnh Giang nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Lưu Trọng Lư (Hạ Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), là người luôn đam mê chụp ảnh và làm thơ. Anh là hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Bình. Cảnh Giang đã kể về xuất xứ bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” như sau: Trước khi anh về hưu, Đảng uỷ xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) mời anh tham gia viết lịch sử Đảng bộ xã nhà. Tìm hiểu giai đoạn chống Mỹ, anh ghi lại một cách chi tiết sự kiện ngày 13.1.1973 - ngày máy bay Mỹ thả bom xuống khu vực xóm Dừa thuộc địa phận xã Thanh Trạch, làm chết 156 người, trong đó có 11 người dân địa phương và 145 người là TNXP, công nhân, bộ đội. Sự kiện này cũng đã được nhắc đến trong các tập: Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975; Lịch sử Đảng bộ huyện Bố Trạch, tập II, 1954 - 1975.
Ở Nghĩa trang liệt sĩ Nam Gianh hiện có 120 ngôi mộ vô danh, phần lớn là những người hy sinh vào cái ngày thảm khốc ấy. Đó là những xác chết mà khi chôn hầu hết đã biến dạng, không thể nhận ra danh tính.
Vốn cẩn thận, sau khi viết xong chương nói về vụ thảm sát ấy, anh sao thành nhiều bản để lấy ý kiến tham khảo của đảng viên và nhân dân địa phương. Không ngờ, trong một đám cưới, tình cờ anh ngồi cạnh ông Nguyễn Chương. Qua cuộc trò chuyện ngắn ngủi với ông Chương, anh mới biết trong số TNXP hy sinh hôm ấy, duy nhất có chị Đặng Thị Chốc - quê ở Hải Hưng là có danh tính khắc trên bia mộ, bởi chị Chốc ở trọ nhà ông. Bố ông khi đi thu các xác chết đã nhận dạng ra chị, mặc dù đầu chị mất một mảng tóc và cụt mất một chân. Chôn cất chị, bố ông có làm dấu. Vì thế khi cải táng vào nghĩa trang, chị là người duy nhất trong số TNXP hy sinh hôm đó được khắc tên. Ô
ng Chương kể rằng trước khi lên đường, chị Chốc có nói với mẹ: “Con ra đi lần này không hẹn ngày trở lại. Nếu con không về thì mẹ cứ lấy ngày hôm nay làm ngày giỗ của con”. Chị nói với gia đình ông Chương là nhà chị chỉ có hai mẹ con. Chính điều này làm cho ông nảy sinh ý định nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái kết nghĩa, vì ông nghĩ đã 36 năm trôi qua, chắc mẹ chị cũng đã mất và không còn một ai thân thích. Ngay sau khi nghe ông Chương kể về chị Chốc, anh Giang đã đến nghĩa trang Nam Gianh, mua đầy đủ lễ vật, thắp hương khấn vái, nhận liệt sĩ Đặng Thị Chốc làm em gái.
Đêm hôm ấy, anh không sao chợp mắt. Ngồi vào bàn, anh viết gần như một mạch bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ”. Anh Giang vừa viết, vừa khóc. Bài thơ được anh mang vào tận Đồng Hới gửi cho Toà soạn báo Quảng Bình. Chưa đến một tuần, anh đã thấy bài thơ được in trên báo. Anh đã từng được in khá nhiều thơ, cũng đã xuất bản 3-4 tập thơ, nhưng chưa bao giờ anh xúc động như khi cầm trên tay tờ báo in bài thơ này.
Bia mộ liệt sĩ Đặng Thị Chốc chỉ ghi quê Hải Hưng, nên anh không thể gửi tờ báo Quảng Bình có in bài thơ của mình về quê hương chị. Hải Hưng là hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên sáp nhập lại. Đâu là quê hương của Đặng Thị Chốc - Hải Dương hay Hưng Yên? Có người gợi ý, anh tìm đọc cuốn “Huyền thoại TNXP”, do NXB Thông tấn xã Việt Nam ấn hành tháng 7.2009. Ở mục “Danh sách TNXP cứu nước của tỉnh Hải Dương”, anh không ngờ có tên liệt sĩ Đặng Thị Chốc - TNXP, Đại đội 283, quê xã Cổ Dũng, huyện Kim Thành. Anh vô cùng mừng rỡ. Ngay lập tức, anh gửi tờ báo có in bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ” cho Đảng uỷ, chính quyền xã Cổ Dũng, nhờ đó mà có cuộc hội ngộ hết sức cảm động giữa anh và gia đình liệt sĩ Đặng Thị Chốc trong hôm đưa hài cốt của chị về quê nhà.
Thì ra chị Chốc còn có anh trai và hai chị gái. Câu chị nói nhà chỉ có hai mẹ con là với nghĩa anh trai đi bộ đội, hai chị đi lấy chồng. Nhưng bố ông Chương lại hiểu là gia đình chỉ có hai mẹ con. Chính chi tiết nhầm lẫn đó đã làm ông nhận người dưới mộ làm em kết nghĩa. Nếu không có chi tiết hiểu nhầm đó thì chưa chắc đã có bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ”. Bài thơ đã được bà con xã Cổ Dũng chép thành nhiều bản, chuyền nhau đọc.
Kết nghĩa với người dưới mộ
Em bây giờ là em gái của anh
Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại
Một chút sẻ chia những gì mãi mãi
Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung
Mới biết em cô gái nhỏ Hải Hưng
Tạm biệt quê hương em lên đường cứu nước
Em nằm lại với quê anh hơn ba mươi năm trước
Cùng hàng trăm ngôi mộ vô danh
Ôi! Bạo tàn ngọn lửa chiến tranh
Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái
Em hẹn mẹ: Con không ngày trở lại
Ngày giỗ của con là ngày con ra đi
Em hoá thân vào đất nước khắc ghi
Em hoá thân cho mùa xuân mãi mãi
Cho trai gái quê anh ngọt ngào hoa trái
Rì rào sông Gianh ru em ngủ ngon lành
Em không còn người thân, em sẽ có anh
Có tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ
Anh thay mẹ lo cho em ngày giỗ
Có hương hoa, tư trang đủ em dùng
Và từ nay giữa nghĩa trang chung
Có tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ
Em ấm lòng hơn: Anh trai mình đến đó
Một chút tình cùng sông núi ghi ơn!
Mai Văn Hoan
Theo laodong.com.vn