Liệt sỹ Nguyễn Văn Lưng, sinh năm 1950, quê quán: Ấp Gò Sao, xã Tân Phú, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, do Đội K73/Bộ CHQS tỉnh Long An/QK7 tổ chức quy tập được ngày 11/4/2011 tại ấp Ko Rứ Sây, xã Tul S’Đây, huyện Chanh T’Ria, tỉnh Svan Riêng.
Bài 1: Chưa tìm thấy các anh, chưa nghỉ
Ăn ngủ kham khổ, đối mặt với hiểm nguy, tai nạn rình rập… Không thể kể hết những gian khổ mà những người lính làm công tác tìm kiếm, quy tập, cất bốc hài cốt liệt sĩ đã và đang trải qua.
Ngủ cùng... hài cốt
Đã 10 năm, anh Trần Văn Hợp, Đội trưởng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ K70 (Cục Chính trị Quân khu VII) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên tìm kiếm, cất bốc được 7 hài cốt liệt sĩ.
Đó là ngày 7/1/2002, hơn 1 tuần sau khi đội K70 được thành lập nhằm tăng cường cho 3 đội của Quân khu VII tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Campuchia. “Mất hơn 1 tuần dò la thông tin, được bà con chỉ dẫn đến phum Tức Tum (xã Rum Chêk, huyện Mimốt, tỉnh Công Pông Chàm), chúng tôi mới đến đúng nơi, lại phải mất hơn 1 tiếng nữa phát quang một khoảng rừng mới tìm bốc được 7 hài cốt. “Cảm giác khi đó rất khó tả. Mừng, xúc động nhưng đau xót khi 7 hài cốt không xác định được tên tuổi, quê quán. Trong mộ chỉ có xương, cúc áo, dép cao su, không hề có di vật gì khác. Nhiều người đã khóc”, anh Hợp nhớ lại.
Dù đã biết nhiệm vụ của mình là tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, nhưng những ngày đầu, anh Hợp và 66 anh em trong đội không lường hết tính chất công việc, bởi vậy, nhiều chuyện các anh gặp nằm ngoài sức tưởng tượng trước đó. “Có lần, khi tìm được một điểm tập trung 69 ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang bệnh viện khu vực Thay Xa Rết (huyện Mimốt, tỉnh Công Pông Chàm), có 4 ngôi mộ nằm ở chỗ trũng, khi đào lên, hài cốt mới phân hủy chưa hết. Mỗi bộ hài cốt đó, chúng tôi phải dùng 20 lít rượu để rửa từng mẩu xương, rồi mua bồ kết, hoa hồi về ngâm nước, cuối cùng là mua trà ướp lên hài cốt, khi đó mới hết mùi tử khí”. Cả đội, ai nấy đều xót xa khi chứng kiến cảnh anh em chiến sĩ đã hy sinh nay lại phải chịu “đau đớn” thêm một lần nữa.
10 năm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ với mỗi năm hơn 6 tháng liên tục ở Campuchia, chuyện ngủ cùng với hài cốt là thường ngày với các anh. Sau khi tìm kiếm, cất bốc xong, đội thu xếp một góc trong lều, bạt nơi ăn nghỉ của mình để tập trung hài cốt lại, hương khói chờ ngày đưa về nước. “Khi ăn, chúng tôi cũng mời các liệt sĩ. Khi ngủ, chúng tôi ngủ cạnh”, anh Hợp nói.
Sống cùng kham khổ, hiểm nguy
Địa hình hiểm trở là một trong ba khó khăn lớn mà các đội quy tập gặp phải. Một ngày mưa tháng 5/2006, trên đường đi tỉnh Pai Lin (Campuchia) giáp với biên giới Thái Lan để bốc hài cốt liệt sĩ về nước, chiếc xe cứu thương chở 12 người đội K70 bị lao đầu xuống một hồ nước, mấy anh em bị thương phải vào cấp cứu trong bệnh viện của nước bạn.
Cũng vì địa hình hiểm trở, mỗi chuyến đi, đội thường xuyên ở trong rừng nửa tháng trời, phải dè sẻn từng đến giọt nước. Có chuyến đi, để có nước tắm, anh em phải đào một cái hố bên cạnh một cái đầm bùn, để nước lắng xuống mới dùng. Để có nước ăn, phải đi xe ra bìa rừng cách khoảng 20 cây số lấy nước. Mỗi lần mua lương thực, phải đi mất 3 ngày. Nhiều đợt trời mưa, đường lầy xe không vào được, anh em chỉ ăn cơm nước mắm. “Anh em bị sốt rét rừng hành hạ, bị cảm cúm, tiêu chảy… là chuyện thường”, anh Hợp chia sẻ.
Những khó khăn của anh Hợp và đồng đội K70 gặp cũng là những vất vả mà các đội quy tập khác đã và đang trải qua. Theo anh Nguyễn Đình Dương, Trưởng phòng Chính sách của Quân khu IV - nơi có 6 đội quy tập, làm nhiệm vụ tại 9 tỉnh của nước bạn Lào, khó khăn thì nhiều vô kể. Địa bàn những nơi liệt sĩ được mai táng đều hiểm trở. Chiến tranh đã lùi xa hàng mấy chục năm, địa hình địa vật thay đổi, mưa lũ xói mòn nên rất khó xác định vị trí. Bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại. Rồi thông tin về nơi mai táng các liệt sĩ cũng ít ỏi, vì những đồng đội từng chiến đấu ngày xưa với liệt sĩ hoặc người địa phương có thể dẫn đường thì đã quá già.
Nghĩa tình nơi nước bạn
Từ khi thành lập đến nay, đội K70 đã quy tập được khoảng 1.400 hài cốt liệt sĩ ở 7 tỉnh ở Campuchia. Còn đội K192, từ 1992 đến nay đã quy tập được trên 700 hài cốt liệt sĩ ở Lào.
“Nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của quân dân nước bạn, chúng tôi không thể làm việc”, anh Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội K192 (Bộ Chỉ huy Quân sự Thừa Thiên - Huế) nói.
Thành lập từ năm 1992, đơn vị K192 đã đặt chân đến khắp 712 bản ở 8 huyện của tỉnh Salavan, 147 bản ở 3 huyện của tỉnh Xê Kông. Theo anh Hải, dù công tác chính là tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, nhưng trong quá trình đóng quân ở nước bạn Lào, đơn vị đã giúp bà con nước bạn sản xuất: đào ao, đào giếng, làm đường, khám chữa bệnh…
Anh Hải rất nhớ một kỷ niệm về nghĩa tình của bà con nước bạn Lào và anh em trong đội. “Mùa khô năm 2008 - 2009, khi đội tiến vào huyện Ta Oi (tỉnh Salavan), trong vùng dịch tả đang hoành hành, phía bạn không muốn cho bộ đội Việt Nam vào vì sợ anh em bị lây. Nhưng đội vẫn quyết định vào và hỗ trợ địa phương tẩy trùng bằng hóa chất, phát thuốc men. Chỉ 3 ngày sau, dịch không lan nữa. Bà con biết ơn bộ đội Việt Nam vô cùng và sau đó đã giúp đỡ đội tìm được 6 hài cốt liệt sĩ tại đây”.
Còn đối với đội K70, sự giúp đỡ của chính quyền, quân đội và người dân Campuchia cũng lớn lao không kém. “Phía bạn luôn bố trí 15 người để bảo vệ đội mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, hễ gặp khó khăn, chúng tôi đều được bà con tận tâm giúp. Có lần, điểm tìm kiếm của đội rơi vào vườn hoa màu của người dân. Ban đầu họ khăng khăng đòi giá đền bù rất cao, nhưng sau khi chính quyền vận động, bà con đã không hề lấy một đồng tiền đền bù”, anh Hợp kể.
Vất vả vậy nhưng chưa một lần các anh nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi. “Cái đích cuối cùng của chúng tôi là tìm kiếm bằng hết hài cốt các liệt sĩ. Chừng nào còn đồng đội chưa được quy tập, chúng tôi còn bứt rứt không yên”, anh Trần Văn Hợp nói.
Mạnh Minh
Theo baotintuc.vn