Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Tìm mộ bằng gọi hồn: Trò lừa bịp ở Bắc Giang?
Bionet Việt Nam - Cái chết của chị Nguyễn Thị Bính ở Bắc Giang như một hồi chuông cảnh báo về việc tìm mộ liệt sĩ bằng cách gọi hồn, áp vong. Những tình tiết ly kỳ, đầy phép màu đã được thêu dệt như thế nào đủ khiến cho nhiều người dân “phục tùng” tuyệt đối mà không mảy may hoài nghi?

“Nhà ngoại cảm” Thạo giỏi tới đâu?

Như Báo GTVT đã đưa tin, Nguyễn Văn Thạo - đối tượng gọi hồn, áp vong khiến người nhà chị Bính ở Bắc Giang mê muội đánh chị đến chết là  người được dân trong vùng mến mộ gọi là “thủ trưởng”. Có mặt tại vùng quê Hiệp Hòa, PV GTVT đã xâm nhập tìm hiểu chân dung cũng như sự tài ba của vị “thủ trưởng” nổi tiếng này.

Khoảng tháng 10/2011, người dân ở xóm Giữa, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang rỉ tai nhau về việc Thạo mới học hết lớp 5 trường làng bỗng dưng trở thành “nhà ngoại cảm” sau một lần đi tìm mộ liệt sỹ. Trao đổi với ông  Trần Quang Hán – Chủ tịch UBND xã Lương Phong (đồng thời là hàng xóm của Thạo), chúng tôi được biết Nguyễn Văn Thạo sinh năm 1980, con của 1 gia đình thuần nông.

Học hết lớp 5, Thạo bỏ học ở nhà làm ruộng rồi lấy vợ sinh con. Vào lúc rảnh rỗi, khi cô vợ đi bán lẻ giấy vệ sinh thì Thạo lại rong ruổi xe ngựa khắp vùng để chở hàng thuê. “Nhà Thạo có một người chú ruột là liệt sỹ hy sinh trong KC chống Mỹ. Khoảng giữa năm 2011, Thạo và người nhà tìm đến một người chuyên gọi hồn tên là Dũng ở Bắc Ninh nhờ tìm mộ giúp. Trong lần ấy, Thạo kể lại được ông chú “ứng” vào, nói là “thủ trưởng” cho gia đình hưởng lộc một vài năm. Về nhà, Thạo tự xưng có khả năng ngoại cảm, tìm được mộ liệt sỹ. Một vài người trong vùng có đến nhờ tìm rồi cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm. Cái tên “thủ trưởng” Thạo được mọi người gọi với vẻ nể trọng”, ông Hán cho biết.

Để xâm nhập vào bên trong nhà “thủ trưởng” Thạo, chúng tôi nhập vai là người đi gọi hồn liệt sỹ. Một hàng xóm của Thạo cho biết: Nhờ có thủ trưởng mà người dân ở đây được “thơm lây”, nhà thì mở cửa hàng kinh doanh vàng mã, nhà thì nấu cơm phục vụ khách đến gọi hồn ở lại. Hôm nào ít cũng phải trên dưới trăm người đến ngồi chật ních ngoài sân.

 Nhìn hơn chục người ngồi trò chuyện với nhau, tay cầm lá đơn đề nghị với cơ quan chức năng được bảo lãnh cho Thạo trở về, chúng tôi biết họ là những người đã từng được Thạo tìm mộ giúp.

“Có những nhà phải ngồi đợi hàng tháng trời vong mới nhập, thế mà chỉ mất khoảng hơn 1 triệu tiền đặt lễ thôi. Thủ trưởng Thạo tốt lắm! Mọi người đến đây đều phải thắp hương từ nhà, mang theo 1 mũ bảo hiểm để cho vong đội, khi lên, xuống xe phải mời vong lễ phép”, một người phụ nữ độ gần 50 tuổi nói về những hướng dẫn của Nguyễn Văn Thạo. Khi chúng tôi hỏi làm thế nào để biết “thủ trưởng” về để tìm đến, vợ Thạo cho hay, “Cứ yên tâm về đi, khi nào thủ trưởng về thì liệt sỹ của gia đình sẽ mách bảo và dẫn đường tới tận nơi”.

Không công nhận tìm mộ bằng ngoại cảm


Trong những ngày có mặt ở Hiệp Hòa, chúng tôi đã gặp một số gia đình liệt sỹ từng nhờ Thạo áp vong, tìm mộ giúp. Gia đình ông N.V.C. (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa) mới tìm thấy mộ của người em trai là liệt sỹ hy sinh năm 1971 tại mặt trận Quảng Nam. “Khi đến, nhà tôi cũng đặt lễ tùy tâm rồi thủ trưởng Thạo khấn một vài câu và vong liệt sỹ cứ thế nhập vào con gái tôi. Lúc thì nó (con gái ông C – PV) nói giọng của em trai tôi, lúc thì nói giọng nó khiến ai cũng bất ngờ. Sau mấy lần vong gặp người thân, em trai tôi đã cho biết địa chỉ và mô tả địa hình, quang cảnh nơi chôn cất giống như lời của đồng đội còn sống trở về kể lại.

Thậm chí, vong em tôi còn cho biết ông chủ tịch xã nơi đang yên nghỉ có tên là Phúc, đọc cả số điện thoại của ông ấy. Nhà tôi gọi điện vào số máy đó thì đúng người ấy tên là Phúc đang làm chủ tịch xã”, ông C. cho biết. Không chỉ có vậy, gia đình ông C. còn cho biết bức ảnh người liệt sỹ đặt trên ban thờ là được chụp lại trên tường theo hướng dẫn của “thủ trưởng” Thạo. Khi chúng tôi hỏi về số điện thoại của ông Phúc, người thân ông C. cho biết đã bị vong...xóa ngay, không cho lưu khi liên lạc xong (?!).

Về việc tìm hài cốt, ông C. cho biết xương đã mục nát hết nên chỉ còn đất không. Qua tìm hiểu một số gia đình ở xã Mai Trung, Xuân Cẩm...của huyện Hiệp Hòa được biết, các trường hợp đi lấy hài cốt bằng cách gọi hồn ở nhà “thủ trưởng” Thạo đều chỉ mang về...nắm đất.

 Không những tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự, hoạt động gọi hồn áp vong đã gây ra nhiều hệ lụy phức tạp, ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của xã hội. Được biết, các cơ quan chức năng đã thống nhất không công nhận danh tính liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm mà coi phương pháp xác định ADN là phương pháp chủ đạo trong việc tìm kiếm.

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần xử lý những người lợi dụng niềm tin của người khác để trục lợi, đồng thời có những biện pháp tuyên truyền hiệu quả tới người dân để mọi người không bị “tiền mất, tật mang”, thậm chí gánh lấy cái chết như chị Bính.

Vũ Phong

Theo vietbao.vn

Các tin khác