Chiến tranh - chỉ có hai chữ thôi khi đọc thành tiếng nhưng nó đã cướp đi sinh mạng của mấy triệu người Việt Nam, đã làm thay đổi bấy nhiêu gia đình. Biết bao bà mẹ già goá chồng, mất con. Cái xóm nhỏ và nghèo nơi nó sinh ra hầu như nhà nào cũng treo ảnh liệt sĩ.
Những cụ già trong làng kể lại, năm 1968 là năm mất mát đau thương nhất của ngôi làng nhỏ, hơn 30 chiến sĩ đi B không người nào quay trở về. Tin báo tử dồn dập theo bước chân giao liên gửi đến, nước mắt những người ở lại chảy thành sông, thành suối. Tuy nhiên, sự hy sinh đó không làm nhụt ý chí những người đang chuẩn bị tòng quân mà còn cho họ thêm lòng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù - kẻ đã tước đi những người bạn nối khố của họ, cướp đi những người lẽ ra sẽ trở thành chồng, thành cha của con họ. Phụ nữ cũng hơn bao giờ hết gia nhập thanh niên xung phong với lòng quyết tâm mạnh mẽ nhất.
Chàng trai ấy - trước tiên là người con của gia đình (nay được gọi một cách hoa mỹ là người con của tổ quốc) một gia đình rất neo người, cha đã mất chỉ còn bà mẹ tóc đã đến hồi bạc và một đứa em thơ mới lên 10 tuổi.
Nhà nghèo truyền kiếp (không nghèo sao được khi chồng đã mất, người mẹ chỉ dựa vào vài thước đất nuôi hai đứa con nhỏ, thời bấy giờ làm ra sản phẩm còn để quyên góp cho đất nước, nơi những người đang oằn mình chiến đấu để giành lại tự do cho hôm nay). Căn nhà lá nắng thì nhìn thấy sao trên trời, mưa to lại lấy mấy mảnh nilông buộc theo những ống nứa trên gác mái để lấy chỗ khô ráo, ngồi dựa vào nhau mà ngủ. Vốn là trụ cột của cái gia đình nhỏ bé ấy, tất cả những việc lớn nhỏ từ lợp nhà, đảo mái tranh để không bị nắng mưa, đến gánh nước tưới rau, cày bừa cấy hái đều trông chờ vào sự nhanh nhẹn tháo vát của chàng trai ấy, lúc đó mới gần đôi mươi. Thiếu nữ trong làng bao người thầm yêu trộm nhớ và cuối cùng chàng cũng đính ước với một người cùng hoàn cảnh nhưng rất đỗi xinh đẹp và đảm đang. Gia đình đôi bên đã có cơi trầu chén nước. Thế rồi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, từ biệt mẹ, gác lại hạnh phúc riêng tư để lên đường nhập ngũ.
- Mẹ, con đi, khi nào đất nước hoà bình con sẽ trở về, con sẽ thành người thợ mộc giỏi, kiếm nhiều tiền để xây nhà mới cho mẹ.
Đứa em trai ngày đó chỉ kịp nhìn theo dáng anh lần cuối sau khoá huấn luyện lái xe tăng. Ngày tiểu đoàn đi B, có đi qua cây cầu mà nay đã trở thành lịch sử, người em chỉ kịp hét to vẫy chào, đứa trẻ 10 tuổi chưa thấu hiểu được những mất mát đang chờ đợi phía trước. 5 năm trôi qua, không biết con ở đơn vị nào, chiến đấu gian khổ ra sao, chỉ một lần nhận tin nhưng không phải là những tờ giấy đầy chữ, mà chỉ là những lời nhắn nhủ vội vàng: "Mẹ hãy chờ con, con sẽ về" qua những đồng đội cùng chiến trường. Chiến tranh nên phải bí mật. Người ta đã nói thế khi được hỏi: Con tôi ở đâu?
Thời gian cứ âm thầm lặng lẽ trôi, một già một trẻ ở nhà rau cháo nuôi nhau chờ mong đứa con trụ cột của gia đình trở về. Người mẹ động viên con út của mình phải rùi mài kinh sử: "Anh trai đã ra chiến trường, có thể sẽ đổ máu, con ở nhà cố gắng học thật chăm, trở thành kĩ sư, bác sĩ cũng là yêu Tổ Quốc".
Và rồi tin dữ đã không buông tha căn nhà lá cô quạnh nghèo nàn đó. Người mẹ đã ngất đi nhiều lần, sự khắc khổ già nua cộng với mất mát càng làm cho bà thêm kiệt sức, nhưng bà không tin, đứa con ngoan và tài giỏi đó nhất định sẽ trở về, nó còn cưới vợ, sinh cháu cho bà bế chứ? Nó còn làm anh mộc giỏi để xây lại nhà mới cho bà chứ? Rồi với niềm tin mãnh liệt về đứa con trai mà bà nghĩ chắc đang lưu lạc nơi nào đó thôi đã là tia hi vọng cuối cùng để bà sống lay lắt thêm 7 năm mòn mỏi chờ đợi. Tháng 9/1977 giấy báo tử gửi về, bà chết lặng rồi đổ bệnh. Nằm trên giường bệnh nhưng lúc nào bà cũng trăn trở, phải nhìn thấy xác, bà mới tin người đã ra đi...
Cái căn nhà lụp xụp trong xóm nghèo đó, giờ chỉ còn một chàng trai, chính là đứa em thơ ngày trước. Nay đã mất tất cả, anh và người mẹ 7 năm qua đã sống lay lắt để chờ đợi. Cậu ta lúc này đã trở thành người cô đơn trong chính ngôi nhà của mình và thường xuyên bị người đời bắt nạt bởi thân cô thế cô. Cậu ta thi đỗ đại học phòng cháy chữa cháy nhưng lại bị cái người làm "quan xóm" lúc bấy giờ giấu nhẹm giấy báo đi. Vậy là tương lai cũng đã bị tước đoạt để rồi cuộc đời rẽ sang hướng khác, khi hùng hục dùi mài kinh sử để sau này trở thành một anh kĩ sư địa chất - cũng lại nghèo. (thời bao cấp mà, sau đó đoàn địa chất 306 giải thể, vậy là về nghỉ chế độ 1 lần).
Năm 1992 lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ có về thăm cái xã nghèo của cậu bởi hai tỉnh có quan hệ kết nghĩa. Người ta đến đó vì theo họ có hai liệt sĩ trong xã đã hy sinh tại mặt trận Quảng Nam và hiện có mộ (không biết là mộ tượng trưng hay mộ thật) trong nghĩa trang nào đó của Quảng Nam, một trong hai người đó chính là người anh trong căn nhà neo người và nghèo khổ năm xưa. Họ muốn được gặp mặt thân nhân của hai liệt sĩ đó để thăm hỏi và trao tặng hai cuốn sổ tiết kiệm (trị giá 200 nghìn đồng lúc bấy giờ). Thế nhưng mấy ông "quan to" của xã thì lại cho rằng bà mẹ đã mất rồi, người em chỉ là người thờ cúng chứ không phải nuôi dưỡng liệt sĩ vì vậy không được nhận. Và thế là họ ỉm đi luôn cái sự kiện đó.
Điều quan trọng là người em không hề biết có cuộc viếng thăm của tỉnh nọ, do vậy cái manh mối cuối cùng về nơi an nghỉ của người anh mãi mãi không được biết đến. Trường hợp liệt sĩ kia, bà mẹ lúc đó mắt đã mờ, tai đã ngãng, răng đã không còn và chân không bước đi được nữa, ít lâu sau đó cũng đã qua đời. Và kẻ ỉm đi cái sự việc mà mãi sau này người em mới biết được thì cũng đã yên vị dưới một nấm mồ to như cái bếp của một nhà nào đấy (vì ông ta giàu). Vậy là bí mật về vị trí mộ của hai liệt sĩ đó đã bị mang theo xuống mồ!
Đã hơn 30 năm trôi qua, nay đứa cháu cũng đã 27 tuổi, vẫn tiếp tục lần mò từng thông tin ít ỏi của những cụ già từng biết về chàng trai đẹp người đẹp nét năm xưa rồi liên hệ các ban ngành để mong đưa được người ở xa về với đất mẹ. Nhưng những gì có được cũng chỉ là một bức hình duy nhất và tấm bằng tổ quốc ghi công. Mỗi lần tổ chức gặp mặt thân nhân liệt sĩ để cung cấp thông tin có được với hi vọng giúp những người ở lại tìm người ra đi, thì đập vào mắt người ta là bóng dáng những con người lam lũ, chân đất đầu trần bắt xe khách đi hàng trăm cây số mong biết chút tin tức ít ỏi về con em họ. Chừng nào chưa tìm được họ vẫn đau đáu ngày đêm, mấy ai trong số những gia đình họ giàu có, thành đạt?
Lại một ngày 27/7 nữa, đất nước đang cố gắng bù đắp cho những người đã vì nền độc lập hôm nay mà đã mất đi tuổi thanh xuân và cuộc sống của mình. Nhiều gia đình liệt sĩ vẫn đang ngày đêm tìm mộ cha, anh, con của họ mặc dù đời sống vô cùng khó khăn, trong khi có những ông quan to trên xã, trên huyện, trên tỉnh lại ăn chơi vô độ, trác táng, có ông quan tỉnh còn vì gái mại dâm mà mất ghế?
"Mẹ, con sẽ trở về..." - Lời hứa khi xưa nay vẫn còn dang dở, người mẹ già giờ đã trở về với cát bụi từ lâu, còn đứa em thơ nay tóc cũng đã bạc. Chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, đất nước nay đã đổi thay vậy mà chàng trai đó vẫn mãi chưa về.
Liệt sĩ: Trần Xuân Đồng
Sinh năm: 1945
Nhập ngũ: Ngày 16/2/1965
Quê quán: Xóm Bình, thôn Vệ Yên, xã Quảng Thắng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. (nay là thôn Vệ Yên, xã Quảng Thắng, thành phố Thanh Hoá)
Tên cha: Trần Xuân Gầy
Tên mẹ: Lê Thị Bùi
Hy sinh ngày 18/9/1970 tại mặt trận Quân khu Năm (theo giấy báo tử)
Chức vụ: Trung đội trưởng
Huân chương kháng chiến Hạng nhì: cấp ngày 11/7/1986 do Tổng bí thư Trường Chinh cấp, vào sổ vàng số 180.
Bằng Tổ quốc ghi công, quyết định 354 cấp ngày 25/4/1977. Bằng số VL 787b do Thủ tướng Phạm Văn Đồng cấp.
Ai biết mộ liệt sĩ Đồng ở đâu hoặc ai là đồng đội cũ của liệt sĩ xin báo cho tôi theo địa chỉ: tranthynga@gmail.com
Tôi xin chân thành cảm ơn và hậu tạ
Trần Thy Nga (Viết cho người ra đi)
Theo ngoisao.net