Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Trả lại tên cho các liệt sĩ - Khắc khoải nỗi niềm...
Chiến tranh đã qua từ lâu nhưng tâm nguyện tìm thấy hài cốt, phần mộ để thắp nén nhang nghĩa tình cho người thân, cho núm ruột của mình vẫn đè nặng tâm can hàng trăm ngàn gia đình liệt sĩ. Điều này khiến chúng ta day dứt khi chưa thể trả lại danh tính cho hàng ngàn ngôi mộ vô danh ở các nghĩa trang liệt sĩ…

Chăm sóc mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM. Ảnh: B.K.

    Câu chuyện buồn về tranh chấp ngôi mộ

Họ ở cùng quê (Xuân Sanh, Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định), nhà gần nhau và cùng vào chiến trường miền Nam rồi hy sinh vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhận giấy báo tử con em mình, cả hai gia đình đều có chung nỗi đau mất mát và chờ mong ngày đất nước thống nhất sẽ đi tìm mộ phần hai liệt sĩ là Trần Đức Cứu và Trần Xuân Sanh. Sau giải phóng, trong nỗi niềm canh cánh ấy, nghe tin mộ của liệt sĩ Trần Xuân Sanh được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM, cả hai gia đình cùng vào nhận mộ.

Cần nói thêm, căn cứ thời gian hy sinh, địa bàn hoạt động và thông tin trên giấy báo tử thì phần mộ này là của liệt sĩ Trần Đức Cứu. Cả hai gia đình đều có lý để cho đây là phần mộ của con em họ, vì thế, họ mời nhà ngoại cảm giúp. Được xác định đây là mộ của liệt sĩ Trần Xuân Sanh, gia đình đã đề nghị Quân đoàn 4 làm thủ tục công nhận danh tính của ngôi mộ này. Thế nhưng sự thật đây là mộ của liệt sĩ Trần Đức Cứu. Vì sao có sự nhầm lẫn - ngộ nhận đáng tiếc này?

Ông Trần Xuân Hòa, Trưởng ban quản trang, kể lại: “Khi quy tập mộ liệt sĩ về nghĩa trang, chúng tôi phát hiện cây bút khắc tên Trần Xuân Sanh nằm trong hài cốt này nên tạm thời cho khắc bia đề tên liệt sĩ Sanh…”. Thế nhưng, người thân của liệt sĩ Trần Đức Cứu kể lại, trước khi vào chiến trường miền Nam thì anh Cứu được anh Trần Xuân Sanh tặng cây viết đề tên mình. Anh Cứu luôn mang theo mình kỷ vật này và đó là lý do dẫn đến sự hiểu lầm. Thế nên gia đình anh Trần Đức Cứu đã lấy mẫu hài cốt đi xét nghiệm ADN tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và được kết quả đây chính là liệt sĩ Cứu. Gia đình liệt sĩ Sanh nghi ngờ việc lấy mẫu hài cốt có thể chưa đúng, đã lấy mẫu hài cốt đi thử lại ADN tại Viện Công nghệ sinh học. Cuối cùng kết quả được đưa ra trước sự chứng kiến của hai gia đình, hài cốt này của liệt sĩ Trần Đức Cứu, chuyện “tranh chấp” mộ phần khép lại.

Hai gia đình không có gì đáng trách khi đều khát khao tìm lại mộ phần, danh tánh cho người thân. Công nghệ giám định ADN đã giúp họ. Hiện nay, chi phí giám định ADN chủ yếu do người thân của các liệt sĩ chi trả. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện để thực hiện ý nguyện. Tiếp sức cho các gia đình liệt sĩ đi tìm mộ, thời gian qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ đã giúp nhiều thân nhân các liệt sĩ chi phí giám định ADN.

    Đề án giám  định ADN... đang chờ phê duyệt

Cả nước vẫn còn hàng trăm ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh và hàng trăm ngàn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt. Trải qua bao gian nan, thời gian, tiền bạc nhưng hàng triệu ông cha, bà mẹ, anh chị em các liệt sĩ chưa yên lòng, có người nhắm mắt vẫn chưa thỏa nguyện. Thậm chí, có những trường hợp ngẫu nhiên đã tìm đến đúng nghĩa trang có liệt sĩ yên nghỉ nhưng lại ra về trước hàng ngàn mộ liệt sĩ vô danh. Không ít trường hợp biết rõ hài cốt con em mình đã được quy tập tại nghĩa trang nào đó nhưng không có điều kiện tài chính để giám định ADN (khoảng 7-9 triệu đồng/lần).

Gần đây, đời sống khá hơn, nhu cầu tìm kiếm hài cốt, mộ liệt sĩ gia tăng, nhiều trường hợp đã nhờ các nhà ngoại cảm. Vì thế, có trường hợp một ngôi mộ liệt sĩ vô danh được hai đến ba gia đình đến nhận và xin được lấy mẫu giám định ADN, nhưng thành công không nhiều. “Đụng chạm đến mộ phần của các liệt sĩ, chúng tôi không muốn nhưng vì yêu cầu chính đáng, thiết tha của thân nhân liệt sĩ, chúng tôi không thể từ chối…” - ông Huỳnh Thanh Khiết, Trưởng phòng chính sách có công Sở LĐTB-XH TPHCM, bộc bạch như vậy. Cứ thế hành trình tìm kiếm hài cốt và danh tính mộ liệt sĩ vẫn nặng trĩu nỗi ưu tư, trăn trở của những người đang sống.

Thực hiện chủ trương “Đền ơn đáp nghĩa”, từ năm 2009, Chính phủ đã giao Bộ LĐTB-XH  và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án “Tìm lại tên cho các liệt sĩ” bằng các biện pháp khoa học hiện đại như giám định ADN và kể cả tâm linh. Đến nay, theo ông Hoàng Công Thái, Cục trưởng Cục Thương binh liệt sĩ (Bộ LĐTB-XH), đề án này đã được Bộ LĐTB-XH xây dựng xong, đã trình Chính  phủ và đang chờ phê duyệt để thực hiện theo tâm nguyện của các gia đình liệt sĩ.

Thời điểm kinh tế khó khăn, việc cân đối và dành ra khoản ngân sách khá lớn để thực hiện chủ trương nghĩa tình “trả lại tên cho các anh” không dễ, tuy nhiên những người làm chính sách với người có công, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án này. Để càng lâu thời gian sẽ xóa mất dấu vết chiến trường xưa cũng như nơi chôn cất liệt sĩ. Việc xây dựng các kho dữ liệu, thành lập các trung tâm thông tin để đối chiếu, áp dụng công nghệ giải mã ADN cũng sẽ gặp khó khăn, khó lấy mẫu của thân nhân (cha mẹ, anh chị em ruột) gần nhất của liệt sĩ để thử ADN vì hầu hết đều cao tuổi hoặc đã mất. Theo đề xuất của nhiều gia đình liệt sĩ, trước mắt, Chính phủ nên cho phép làm thí điểm xác định ADN ở một số nghĩa trang và những trường hợp được chọn lọc có xác suất chính xác cao để hỗ trợ các gia đình liệt sĩ khó khăn sớm tìm được tên tuổi con em của họ. Hoặc trong trường hợp có tranh chấp phần mộ thì nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí giám định ADN.

Khánh Bình

Theo sggp.org.vn

Các tin khác