Đài liệt sĩ tại xã Trung Kiên (Văn Lâm, Hưng Yên) ghi rõ tên, địa chỉ của "liệt sĩ" Lê Đức Luận
Mấy hôm nay, xóm nhỏ thôn Hùng Trì (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) xôn xao tin ông Lê Đức Luận trở về sau 29 năm là... liệt sĩ. Đằng đẵng mấy chục năm biền biệt, ông Luận không biết rằng bà Nhâm vợ ông vẫn âm thầm ở vậy thờ chồng nuôi con. Gia đình đã lấy ngày nhận giấy báo tử của ông (ngày 28/2) làm ngày giỗ.
Chuyện người lính quân tình nguyện
Ông Lê Đức Luận sinh năm 1954, nhập ngũ năm 1974 tại Trung đoàn 774, sư đoàn 317, số hiệu quân nhân: 145.957.74. Sau khi có mặt trong đoàn quân giải phóng Sài Gòn, người chiến sỹ trẻ Lê Đức Luận cùng đơn vị sang Campuchia trực tiếp chiến đấu giúp nước bạn. Đến năm 1981 đơn vị mất liên lạc với Luận. Năm 1992, sau khi nhận được giấy báo tử, xã Trung Kiên đã tổ chức truy điệu liệt sĩ Lê Đức Luận tại tại UBND xã.
Vào thời điểm mùa khô năm 1981, tiểu đội của ông Luận gồm 6 người bị tàn quân Polpot phục kích gần tỉnh Siêm Riệp. Bị sức ép bom đạn đánh ngất, khi tỉnh dậy, ông Luận thấy 5 đồng đội đều đã hy sinh. Không tìm ra đơn vị, trí nhớ mất dần do sức ép bom đạn, không có tiền và cũng không nhớ đường về Tổ quốc, ông Luận lết đi vào rừng sâu nhiều ngày, tá túc trong phum sóc, được những người dân Campuchia tốt bụng che chở, đùm bọc.
Ở đó, ông đã nên duyên với một cô gái Khmer. Sau ngót 20 năm cuộc sống vợ chồng, họ đã có với nhau 2 đứa con, đứa lớn giờ đã 18 tuổi, đứa nhỏ cũng đã 14 tuổi.
Trong thời điểm đó, ở quê nhà, nhiều đồng đội của ông đã trở về mang theo tin dữ của ông Luận. Bà Nhâm sống với niềm hy vọng mong manh người chồng từ nơi chiến chinh trở về, chờ đợi trải mấy mươi năm mà thời gian chỉ kịp ghi dấu bằng nước mắt. Niềm hy vọng lụi dần, năm 1992, đơn vị chính thức có giấy báo tử, cùng năm đó, gia đình ông Luận nhận được Bằng Tổ Quốc ghi công… Nỗi chờ đợi khép lại.
Trở về
Về ông Luận, cuộc sống sau khi bình phục cũng trôi dần cùng gánh bán nước mía ở Siêm Riệp. Đằng đẵng trong cõi mơ hơn hai chục năm trời, thi thoảng trong màn mây mờ đục che mờ kí ức bỗng loé lên như một tia chớp, ông hét lên: “nhà tôi ở thôn Hùng Trì”.
Cho đến thời gian gần đây, những mảnh vụn từ vùng kí ức ấy lại loé lên rồi định hình một cách rõ ràng: “thôn Hùng Trì, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Hưng”. Ngót 30 năm trời, ông đâu biết, Hải Hưng nay đã đổi thành Hưng Yên.
Lê Hữu Luân (bên tay phải) cùng người chú kể lại chặng đường đi tìm cha
Nhớ quê quán, nhưng đường về nhà của ông trở nên mịt mùng hơn bao giờ hết. Hoàn cảnh kinh tế gia đình của ông lúc này quá khó khăn, hai vợ chồng, hai đứa con chỉ trông vào hàng nước mía, ăn còn chả đủ huống hồ một số tiền lớn cho một chuyến tìm về tận quê nhà. Rồi chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện mà cái đầu chưa lành của ông không thể tưởng ra nổi.
Cho đến sáng ngày 20/8, nhóm phóng viên chúng tôi đã liên lạc với ông Trần Công Thịnh Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang – Campuchia ông Thịnh cho biết việc tìm thấy ông Luận là rất tình cờ. Một ngày đầu tháng 6, ông Thịnh đã gặp ông Luận khi ông Luận đưa vợ đi khám bệnh tại phòng khám của ông Trần Thanh Tùng - là hội trưởng hội Việt kiều ở Siêm Riệp (trước ông Tùng là bác sỹ quân đội, kết thúc chiến tranh ông ở lại Campuchia).
Ông Luận có kể rằng sau khi phục viên, đang trên đường về Việt Nam thì bị phục kích. Bằng sự giúp đỡ của ông Thịnh, thông tin về ông Luận đã được chuyển về quê nhà.
Cuộc trùng phùng sau 29 năm
Anh Lê Hữu Luân, con trai ông Luận bàng hoàng nhớ lại, khoảng 1 giờ trưa ngày 1/8/2009, gia đình bất ngờ nhận được cuộc điện thoại của người tên Hoàn ở Hà Nội. “Sau ít phút hỏi han, người này cho biết cha tôi hiện còn sống ở Siêm Riệp (Campuchia). Kèm theo đó là số điện thoại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang và của cha tôi. Cả nhà cuống lên. Rồi những cuộc đàm thoại qua lại.
Khi cha tôi đi bộ đội, tôi mới mấy tháng tuổi. Khi ông về thăm nhà lần cuối, tôi chưa đầy 4 tuổi. Cả gia đình đã rơi nước mắt khi người đàn ông kia nhắc lại hình bóng ngôi nhà xưa với mương nước, cây bàng rợp bóng trong sân qua điện thoại".
Gần như ngay lập tức anh Luân cùng người em trai út của ông Luận lên đường sang Capuchia. Chuyến xe ô tô khách cuối ngày đỗ bến Siêm Riệp. Mặc dù đã được hội trưởng hội Việt Kiều, ông Trần Thanh Tùng, giới thiệu trước nhưng hai chú cháu Luân vẫn ngồi chết lặng trên xe mà ngắm người đàn ông tóc bạc, đi đôi dép lếch thếch, quần áo nhầu nhĩ đang đẩy xe bán nước mía dưới đường.
“Bố ơi!” - anh la lớn rồi nhào xuống xe ôm chầm lấy người đàn ông. Ông chú út luống cuống chạy theo. Người đàn ông kia cười như mếu, ngơ ngác. Họ ôm nhau khóc như trẻ thơ, ông Luận lờ mờ nhận ra em trai, càng bất ngờ hơn khi gặp lại con mình. Tiếng khóc của ba người đàn ông oà lên nức nở.
Niềm vui đoàn tụ của bà Nhâm...
1h sáng ngày 15/8, bà Nhâm cùng hàng chục người bà con thân thích bồn chồn ngóng ra cổng. Theo lịch, ông Luận đã có mặt tại Hưng Yên từ chiều ngày 14/8, nhưng vì giao thông cách trở, cuộc trùng phùng đành lỗi hẹn vào rạng sáng ngày hôm sau.
Đến khi bà Nhâm đứng trước mặt hỏi ông Luận rằng: “Có còn nhớ tôi không?”, ông Luận vẫn ngu ngơ: “Tôi chưa nhớ ra”. Người thân khác vẫn chỉ hiện lên mờ mịt trong tâm trí của ông Luận. Những vòng ôm siết chặt đã thay cho bao lời nói.
Cả xóm đang thinh lặng bỗng náo nhiệt hẳn lên với tin vui quá hy hữu: “Người chết trở về”. Suốt đêm đó và những ngày sau, gian nhà của bà Nhâm luôn chật ních bà con xa gần đến thăm. Mấy hôm nay, ông Luận chưa đi báo cáo gì với chính quyền nên ông vẫn mang danh “liệt sỹ”. Thi thoảng lại nhớ ra một ai đó ở trong làng ông lại bật hỏi chuyện mọi người.
Giờ đây “liệt sĩ” Lê Đức Luận đã được gia đình và người thân xác nhận rõ nhân thân và rồi ông sẽ không còn là liệt sĩ. Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Sở Lao động Thương Binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước mắt xã phải báo lên huyện bằng công văn và huyện sẽ chuyển lên Sở để giải quyết.
11h30 ngày 19/8, chúng tôi tìm đến trụ sở UBND xã Lạc Đạo, sau một hồi chờ đợi thì có người báo rằng chủ tịch xã đang “trong mâm” tiếp khách. Sau khoảng 30 phút, chúng tôi nhận được câu trả lời từ một cán bộ xã: “Các nhà báo không đặt lịch hẹn nên chủ tịch không tiếp”.
Phúc Hưng
Theo dantri.com.vn