Cùng thả hoa đăng xuống biển tưởng niệm liệt sĩ
Chuyến hải trình đến với Trường Sa lần này do Ủy ban Nhà nước Người Việt Nam ở nước ngoài và Ban Tôn giáo Chính Phủ tổ chức, một lần nữa khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta, luôn tạo điều kiện để các tổ chức tôn giáo hoạt động.
Bữa cơm đoàn kết
Trước khi đến với đảo Song Tử Tây đại diện Ban Tôn giáo Chính Phủ đã tổ chức một buổi tiệc giao lưu, trong buổi tiệc đó lần đầu tiên đại diện của 7 tổ chức tôn giáo lớn ở Việt Nam cùng tham dự, cùng nhau chia sẻ những tâm tư tình cảm, sự háo hức chuẩn bị đặt chân đến các điểm đảo trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bước chân xuống các điểm đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tiên Nữ, Tóc Tan B, Trường Sa Lớn nhiều cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo hết sức ngạc nhiên khi thấy đoàn công tác lần này có nhiều mầu sắc tôn giáo khác nhau, họ cùng nhau tay bắt mặt mừng như đi xa trở về với gia đình vậy, tiếng chào hỏi, động viên, cùng nhau chụp ảnh lưu giữ lại những khoảnh khắc đặc biệt khi đặt chân đến các điểm đảo.
Tại Trường Sa Lớn, các thành viên trong đoàn được đến thăm nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại tượng đài liệt sĩ, thăm hỏi, động viên người dân sinh sống tại đảo. Sau khi thăm thú các điểm trên đảo và làm lễ cầu siêu các anh linh liệt sĩ, đoàn chúng tôi được chùa Trường Sa chiêu đãi một bữa tiệc chay. Đây cũng là nhân duyên để các thành viên trong đoàn cùng ngồi lại với nhau, anh Minh đồng nghiệp cùng đi trong chuyến công tác với tôi trò chuyện, bữa cơm này thật sự có ý nghĩa đấy, chưa bao giờ mình thấy một mâm cơm mà có đầy đủ đại diện của 7 tôn giáo như thế này, chuyến đi này là dịp để gắn kết mọi người lại với nhau...
Ông Bùi Thanh Hà, Phó Ban Tôn giáo Chính phủ chia sẻ về ý nghĩa của chuyến công tác về với Trường Sa lần này: Chuyến đi lần này chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Đây là cơ hội để bà con kiều bào hiểu biết hơn về những hoạt động tôn giáo ở Việt Nam, cơ hội để kiều bào giao lưu với các tôn giáo, và thực tế qua những cuộc trao đổi, giao lưu, chia sẻ, mọi người đã xích lại gần nhau hơn, chỉ có chuyến đi như thế này mới có cơ hội gắn kết giữa các tôn giáo với nhau, giữa các tôn giáo với bà con kiều bào ở nước ngoài, trong đất liền chưa có hoạt động nào mà 7 tổ chức tôn giáo cùng ngồi lại với nhau, cùng tổ chức một nghi lễ, mặc dù cách thể hiện có khác nhau, nhưng mục đích cuối cùng là hướng tới Trường Sa... Ban Tôn giáo Chính Phủ tổ chức cuộc giao lưu này thể hiện sự gắn kết tri ân không chỉ với những người đã mất mà còn cho những người đã, đang và sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Cùng hướng tới Trường Sa
Chuyến đi Trường Sa lần này, Thầy Thích Giác Nghĩa, Trụ trì chùa Vạn Đức (tỉnh Khánh Hòa) đã cùng với đoàn phật giáo tình nguyện ra đảo Trường Sa Lớn làm trụ trì tại chùa Trường Sa. Khi đặt chân xuống đảo Trường Sa Lớn tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy thầy Giác Nghĩa đọc tên từng cán bộ chiến sĩ không thiếu một ai, các chiến sĩ ai ai cũng mừng rỡ, còn người dân tại đây thì reo vui, "thầy Giác Nghĩa ra với Trường Sa rồi!”. Sau khi được Thượng tá Phạm Quang Trung, Chính trị viên tại Trường Sa Lớn tâm sự, tôi mới vỡ lẽ trước đó thầy Giác Nghĩa đã có rất nhiều chuyến đến với Trường Sa. Thầy Giác Nghĩa tâm sự: Lần này tôi tình nguyện ra với đảo Trường Sa Lớn, tôi đã tìm hiểu tâm tư các chiến sĩ và bà con nơi đây và biết được họ đang cần gì, tôi muốn được cùng sống, cùng ở với các cán bộ chiến sĩ và người dân nơi đây. Ngày ngày cầu nguyện cho linh hồn các anh hùng liệt sĩ, cầu nguyện sự bình an cho các cán bộ chiến sĩ và người dân đang sinh sống tại đảo…”. Cũng tại đây, tôi được các sư và phật tử giới thiệu một bức tượng Phật bà Quan Âm rất đặc biệt, theo như các phật tử cho biết thì trên thế giới duy nhất chỉ có ở đảo Trường Sa Lớn có Phật bà Quan Âm tay không cầm bình cam lộ mà cầm một con chim bồ câu, vì đó là biểu tượng cho hòa bình, đây cũng là mong muốn của Đảng, Nhà nước, cán bộ chiến sĩ và người dân đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Trường Sa Lớn nói riêng…
Trong buổi trò chuyện với các thành viên trong đoàn, thầy Thích Minh Tâm ở Đồng Nai tâm sự: Chuyến đi lần này, Phật giáo đã tổ chức thành công nhiều lễ lớn như lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, lễ cầu siêu cho vong linh 64 anh hùng liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma, lễ Dâng hiến hoa hương xuống biển, lễ iểm tâm an vi Thánh tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, lễ Bố Tát Tùng Giới (đây là lễ bố tát đầu tiên từ khi khai thiên lập địa tại đảo Trường Sa Lớn đến nay), lễ Giải oan bạc độ…
Khác với năm 2010, lần này Hòa thượng Thích Thiện Chiếu Trụ trì Chùa Kỳ Quang II tại TP. Hồ Chí Minh ra thăm các đảo, thầy mang rất nhiều món quà nhưng ý nghĩa nhất là những hạt giống như rau xanh và cây cối, mong muốn của Hòa thượng là những hạt giống này sẽ mang sự sống, mầm xanh phủ khắp các điểm đảo trong quần đảo Trường Sa, Hòa thượng Thích Thiện Chiếu tâm sự: Ngoài tặng đảo các hạt giống tôi còn mang những món quà nhỏ tặng các chiến sĩ, các cháu nhỏ trên đảo, những món quà đó luôn mang sự an lành giúp mọi người vững tin nơi mảnh đất thiêng liêng đầu sóng ngọn gió…
Mục sư Huỳnh Huyền Vũ, Phó Tổng Trưởng Nhiệm Hội Thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam chia sẻ: Chuyến đi lần này thật sự có ý nghĩa, Nhà nước nên tổ chức nhiều chuyến đi như thế này để chúng tôi được đến thăm cán bộ chiến sĩ và bà con sinh sống trên đảo, đây cũng là dịp để các tổ chức tôn giáo giao lưu, chia sẻ những tình cảm với cán bộ chiến sĩ quần đảo Trường Sa… Mục sư còn cho biết thêm: Điều quan trọng là chúng ta cần tổ chức thêm nhiều chuyến đi cho các bạn trẻ, sinh viên, để các bạn được chứng kiến những khó khăn, vất vả mà các chiến sĩ đã và đang phải đối mặt để bảo vệ từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, từ đó góp phần làm thay đổi nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước.
Chuyến thăm Trường Sa lần này tôi đặc biệt ấn tượng với một anh bạn đồng nghiệp Vũ Hoàng Lân ở Phố Bolsa TV tại Hoa Kỳ, được biết đây là lần thứ 2 anh đến với Trường Sa, qua cuộc trò chuyện, anh Lân chia sẻ: Bà con kiều bào trên chuyến hải trình đặc biệt này cho rằng, lâu nay bà con có nghe và biết được nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động, nhưng cũng chỉ thông qua các kênh thông tin, không có điều kiện để tận mắt chứng kiến, nhưng chuyến đi đoàn kết cùng nhau hướng về biển đảo quê hương, về với Trường Sa lần này mọi người đã có một cái nhìn tổng quan, cụ thể, qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào và các tổ chức tôn giáo.
Các tổ chức tôn giáo cùng nhau tổ chức lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trên quần đảo Trường Sa
Sau hơn 10 ngày vượt sóng, đội nắng, băng mưa trên chiếc tàu HQ 271, Trường Sa không còn xa như trong tiềm thức của tôi giờ đây đứng trên mảnh đất thiêng liêng bốn bên là biển, tiếp xúc với những người lính, những người con của đất mẹ đang phải vật lộn với sóng gió, mới cảm nhận hết được sự gần gũi thân quen như trong câu hát theo tôi suốt hải trình "Không xa đâu Trường Sa ơi…”.
Quốc Trung
Theo daidoanket.vn