Trong mấy trăm người vừa bước xuống sân bay, từ bên trong cửa khẩu an ninh, D. nhận ra ngay Vinh do "rất giống với Cường" - một trong những con trai về sau của bà Huỳnh Thị Cúc - người mà Vinh tin rằng là mẹ ruột của mình. Nghe lại tin nóng, bà tỷ phú Dawn C.Degenhardt, mẹ nuôi của Vinh, thốt lên: "Good!". Niềm vui ánh lên trong mắt bà. Và rồi Vinh xuất hiện cạnh người vợ trẻ gốc Philippines. Bà Dawn, Joy Mỹ Liên và Heather Kim Degenhardt - hai chị em gốc Việt cùng là con nuôi của bà Dawn - lần lượt ôm David Vinh - do tuy cùng ở Mỹ nhưng đã lâu rồi cả ba chưa có dịp bên nhau.
Đến ngay Bệnh viện Trưng Vương, nơi bà Huỳnh Thị Cúc đang điều trị và rất nóng lòng được gặp Vinh. "Xin được biết cảm nghĩ của bà?". Tôi hơi choáng trước câu hỏi theo tư duy Mỹ của David Vinh khi anh ngồi xuống cạnh bà Cúc. Tuy suy kiệt, bà vẫn nói: "Con! Con rất giống mấy đứa con của mẹ...". Vinh cầm tay bà và hỏi rất nhiều về bệnh tình. Còn cảm nghĩ của Vinh? "Thật khó khăn khi diễn đạt tình cảm của tôi lúc này". Vinh đáp và lắng nghe toàn bộ câu chuyện mà trong đó anh là nhân vật chính do Joy Mỹ Liên Degenhardt thuật lại.
Những trường đoạn 35 năm dài như một cuộn phim chiếu chậm. Chị đã gắng công tìm kiếm, tổng hợp chúng từ sau bản tin "Một bác sĩ Việt kiều tìm mẹ ở Việt Nam" đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 12/9/2004.
... Năm 1964 lụt lớn, bà Mười Cúc bỏ nhà theo bạn bè từ Duy Phước (Duy Xuyên, Quảng Nam) tản cư vào ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình, Sài Gòn). Do khá xinh, cô Mười lọt mắt xanh một nhà thầu khoán tên Nguyễn Trọng Giao. Ông đưa cô về nhà làm người giúp việc cùng vài người khác. Thế rồi, ông chủ tằng tịu, cô gái trẻ có bầu ngoài mong đợi. Khoảng tháng 10/1969, một mình cô vào sinh con tại một bệnh viện trên đường Hùng Vương, Sài Gòn. Lúc ấy đã 25-26 tuổi nhưng cô Cúc khai 17 tuổi, vị thành niên, để được miễn tiền sinh đẻ. Vợ ông Giao biết được, điên tiết. Bà bí mật cho người đưa con trai 3 ngày tuổi của "tình địch" vào một cô nhi viện. Một ngày sau, cô Cúc trốn viện, trơ trọi giữa Sài Gòn do đã mất con. Cô đi tìm mãi, tìm mãi nhưng không biết con mình ở đâu. Tại một số cô nhi viện, không hiểu vì sao các sơ lại không cho cô vào bên trong. Ông Giao thương tình, mua cho căn nhà nhỏ. Để đứt đoạn, vợ ông Giao ép một người làm công cưới cô Mười, là người tận tình chăm sóc cô trong cơn hoảng loạn. Từ đó, cô thôn nữ Quảng Nam trở thành người đàn bà Tiền Giang. Cuốn theo dòng đời, bà tiếp tục sinh thêm 5 người con và câu chuyện về đứa con trai kháu khỉnh, chưa kịp đặt tên, hai vợ chồng cùng phận làm công phải giấu kín trong lòng. Sau năm 1975, bà lại đi tìm con nhưng bất thành, theo chồng về quê Tiền Giang làm ruộng. Vốn khổ cực, những năm gần đây lại phải làm lụng vất vả nuôi người chồng bị liệt, bà suy kiệt hẳn. Bà chỉ khá lên chút ít khi được chuyển lên Bệnh viện Trưng Vương cho người cháu ruột là bác sĩ tại đây chăm sóc. Anh nói với tôi: "Tâm bệnh đã làm cô tôi suy sụp. Chỉ cách đây một hôm, cô mới tiết lộ chuyện xưa với những người con đời chồng sau".
Chân dung mới nhất của Heather Kim.
Nhưng câu chuyện cũ được gợi lại từ đâu?
Joy Mỹ Liên, người tôi từng gặp năm 2000 tại TP HCM cho biết, trong vai trò một bác sĩ thiện nguyện của Tổ chức MAPS do chị làm giám đốc điều hành tại Việt Nam, David Vinh từng đến Đà Nẵng trợ giúp Bệnh viện Hải Châu. Tại đây, khi được biết Mỹ Liên bắt đầu tìm ra manh mối cha và mẹ ruột của mình, Vinh cũng bày tỏ nguyện vọng của mình. Mỹ Liên nhờ liên lạc với Báo Thanh Niên. Bản tin kèm ảnh David Vinh Degenhardt đến tay anh Huỳnh Văn Minh, cháu ruột của bà Mười Cúc, hiện sinh sống tại TP HCM. Nhìn tấm ảnh David Vinh rất giống các con trai về sau của bà và các chi tiết liên quan khá trùng hợp với chuyện kể của một số người làm công cùng thời năm 1969, anh Minh liền nối kết các nguồn thông tin. Bà Huỳnh Thị Cúc thú nhận với anh về câu chuyện cũ mà chỉ có duy nhất người em ruột Huỳnh Thị Hoa của bà đang sinh sống ở TP Đà Nẵng được biết và giấu kín trong lòng suốt 35 năm qua. Sau rất nhiều e-mail và điện thoại giữa các bên, D. - trong vai trò thám tử tư - bí mật tìm về nơi bà Cúc ở. Đó là một vùng sâu phía tây của tỉnh Tiền Giang. Sâu đến nỗi, nhà của bác sĩ trị bệnh cho bà cũng không có điện thoại để cho David Vinh từ New York gọi về thăm hỏi bệnh tình. Đúng ra Vinh đã về Việt Nam đầu năm 2005 nhưng do vợ sinh con đầu lòng, anh khất lại. Nay nghe tin bà Cúc bệnh nặng, anh xin phép về thăm trong 5 ngày. Sau gần 24 giờ bay, David Vinh đã đến Việt Nam, ngồi xuống cạnh người mà anh tin là mẹ ruột. Ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt nhưng khi anh cầm tay bà, cả phòng bệnh lặng đi, xúc động. Khi Vinh nhìn Võ Văn Cường - được coi là em cùng mẹ khác cha - ai cũng reo lên: "Giống quá! Hai anh em giống quá!". Vinh cười, Cường cũng cười ngượng nghịu.
... Năm 1972, David Vinh được gia đình ông bà Edwin & Dawn C.Degenhardt (Mỹ) nhận làm con nuôi cùng Joy Mỹ Liên và Heather Kim, hai trẻ em Việt Nam có hoàn cảnh tương tự. Năm nay 36 tuổi, David Vinh Degenhardt đang làm việc tại Trung tâm cấp cứu Bệnh viện đa khoa New York. Thật may mắn, do bố mẹ nuôi của cả ba là tỷ phú, chủ nhân một hệ thống nhà hàng bán thức ăn nhanh tại Mỹ nên họ được học hành đến nơi đến chốn. Joy Mỹ Liên tốt nghiệp Đại học Hawaii, thông thạo tiếng Nhật, từng làm việc cho một công ty Nhật. Năm 1992, khi cùng mẹ nuôi sang Việt Nam làm việc thiện, Mỹ Liên quyết định bỏ việc ở Hawaii, trở thành giám đốc chương trình MAPS tại Việt Nam.
Còn Heather Kim?
"Tôi rất mừng khi David Vinh tìm được người đã sinh ra mình (dù chỉ còn 1% là xét nghiệm ADN, nếu David thấy thật sự cần thiết). Riêng tôi sẽ đến Đà Nẵng tìm lại cô nhi viện Thánh Tâm, nơi tôi đã lớn lên và rời đi vào năm 1972. Không nhiều thông tin lắm nhưng tôi hy vọng...". Kim nói và theo tôi biết, Kim từng thoát chết trong sự kiện khủng bố tòa tháp đôi ngày 11/9 và sau đó đã được Tổng thống Bush hỏi thăm, chụp hình. Chị đang là giám đốc nhân sự một khách sạn 5 sao của Tập đoàn Hyatt tại New York. Kim từng mơ một ngày nào đó sẽ được làm việc trên một nhà hàng nổi của Tập đoàn Hyatt trên sông Hàn, tại đó chị sẽ huấn luyện nghề cho những đứa trẻ "homeless" như chị từng...
Trở lại câu chuyện tìm mẹ của David Vinh, sau lần đầu gặp bà Huỳnh Thị Cúc tại TP HCM, Vinh rất vui khi các con đời sau của bà đồng ý nhận anh làm anh trai. Hiện anh theo đoàn ra Đà Nẵng để Kim Heather tìm kiếm thông tin thời thơ ấu. Anh hẹn khi quay lại TP HCM "sẽ đến thăm mẹ" một lần nữa. Còn bà Cúc, theo những người bệnh cùng phòng, mấy đêm nay cứ mớ: "Con ơi! Con về với mẹ. Mẹ sắp chết, con ơi!"...
Bà Dawn C.Degenhardt (thứ 2, trái qua) và 3 người con gốc Việt: Joy Mỹ Liên, David Vinh, Heather Kim.
Bà Dawn C.Degenhardt là sáng lập viên kiêm giám đốc điều hành của MAPS, đã tài trợ hàng triệu USD cho các hoạt động trên lĩnh vực giúp đỡ phụ nữ lỡ lầm và trẻ em không gia đình do Joy Mỹ Liên thực hiện tại Việt Nam hơn 13 năm qua. Bà từng được cựu Tổng thống Bill Clinton chúc mừng khi nhận danh hiệu "Anh hùng bình dị" nước Mỹ do các hoạt động từ thiện không mệt mỏi của MAPS tại Mỹ và một số quốc gia trên thế giới. Bà rất vui trước sự thành đạt, tình thương người và không quên cội nguồn của 3 đứa con Việt Nam trong 9 người con nuôi. "Thật khó khăn khi các con tôi đi tìm lại cha mẹ ruột nhưng với quyết tâm và sự kiên trì, tôi tin chúng sẽ tìm ra, dù có khi họ đã qua đời". Mới đây nhất, trước sự kiện David Vinh tìm được mẹ và Heather Kim cũng đang tìm mẹ, bà công bố thành lập Quỹ Degenhardt Foundation - dành riêng cho trẻ em nghèo Việt Nam - do chính 3 người con gốc Việt điều hành.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thanh Niên tại sân bay Tân Sơn Nhất, bà cho biết, MAPS đã sắp xếp cho khoảng 4.000 trẻ mồ côi, không gia đình trên thế giới có được gia đình mới tại Mỹ, trong số đó đã có rất nhiều em tìm lại được cha mẹ ruột khi đã trưởng thành. "Trước đây, việc làm ấy tại Mỹ là không thể xảy ra do cha mẹ nuôi rất bí mật, tương tự ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau này luật pháp Mỹ phải thay đổi để tránh những vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm thần của trẻ. Có thể nói, MAPS là người đi tiên phong trong cuộc tìm về nguồn cội của chúng, những đứa con mà tôi và các bậc cha mẹ nuôi thương như, thậm chí có khi hơn con ruột". Bà tế nhị nhắc tôi đừng gọi "con nuôi", vì như thế là phân biệt và "sợ các con buồn".
Heather Kim và Tổng thống Bush sau sự kiện 11/9.
Tại Đà Nẵng, Heather Kim Degenhardt đã tìm đến thăm cô nhi viện, nơi ngày xưa chị từng được nuôi dưỡng trước khi sang Mỹ năm 1972. Những thông tin liên quan như sau: Họ và tên Phan Thị Kim Thúy, sinh ngày 24/11/1971 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Không rõ tên cha mẹ. Có 3 nhân chứng: 1/ Sơ Marie Gerarrd, 52 tuổi. 2/ Sơ Nguyễn Thị Bảy, 55 tuổi. 3/ Sơ Nguyễn Thị Hồng, 50 tuổi. Cả ba từng làm việc tại Cô nhi viện số 25 đường Yên Bái, Đà Nẵng.
(Theo Thanh Niên)