Nhiều thân nhân ở Yên Dũng mong tìm được thông tin về mộ liệt sĩ.
Theo chân những tình nguyện viên đi tư vấn tìm mộ liệt sĩ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chúng tôi ghi được bao câu chuyện cảm động về những chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc và người thân của họ.
Những câu chuyện không thể quên
Ông Hoàng Hữu Đại, 57 tuổi, trú tại xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tới buổi tư vấn tìm hài cốt liệt sĩ của Trung tâm Tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Marin) với mong muốn tìm được thông tin về mộ của người anh trai đã hy sinh. Sau hơn 40 năm, ông vẫn đau đáu hy vọng tìm hài cốt của liệt sĩ Hoàng Hữu Hinh, mất năm 1972, để mang về quê hương, hoặc chí ít cũng thắp một nén hương ở nơi liệt sĩ hy sinh. Đó cũng là niềm mong muốn nhất của mẹ ông Đại, giờ đã 82 tuổi.
Còn bà Nguyễn Thị Mai, thôn Minh Phượng, xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng đến buổi gặp gỡ để tìm thông tin về anh chồng, liệt sĩ Hoàng Văn Lưu, hy sinh năm 1975. Gia đình có hai người con là liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước. Một người hy sinh ở Lạng Sơn đã tìm được hài cốt, còn liệt sĩ Lưu vẫn chưa có thông tin sau hàng chục năm ròng.
Cụ Phùng Văn Viễn, 81 tuổi, nhiều năm mong tin về em ruột, liệt sĩ Phùng Văn Bốn.
Cầm trong tay tấm giấy báo tử ố màu đến gặp các tình nguyện viên, cụ Phùng Văn Viễn (81 tuổi, xã Xuân Phú) cũng nhiều năm nay đau đáu mong tin về em ruột, liệt sĩ Phùng Văn Bốn. Liệt sĩ Bốn hy sinh năm 1971. Gia đình có bốn em trai, bản thân cụ cũng là chiến sĩ bị địch bắt tù đày. Hai người em trai đi bộ đội, một người nằm lại chiến trường. Suốt hàng chục năm, gia đình ông chưa có thông tin về phần mộ của người đã mất, ngay cả khi người mẹ qua đời vào năm 1993.
Mong muốn của ông Đại, bà Mai, cụ Viễn cũng giống như 300 thân nhân đến với chương trình tư vấn tìm mộ liệt sĩ tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang vừa diễn ra. Nhiều gia đình có mặt trong cuộc gặp mặt này có tới hai, ba người thân là liệt sĩ. Nhiều người mẹ, người vợ vẫn nước mắt lưng tròng khi nói về những phần mộ bao năm không tìm thấy.
Trưởng phòng Lao động, thương binh - xã hội huyện Yên Dũng Nguyễn Tiến Duẩn cho biết, trên địa bàn huyện có hơn 2.600 đối tượng là liệt sĩ, 1.800 thương binh, hơn 800 đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học. Đây là những đối tượng được nhận trợ cấp thường xuyên hằng tháng, với ngân sách hơn 70 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương cũng cố gắng huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng hỗ trợ các đối tượng chính sách gặp khó khăn về xây dựng nhà ở, con giống.
Anh Duẩn hy vọng, chương trình là dịp để cơ quan thực hiện chính sách kết nối làm tốt công tác quy tập mộ liệt sĩ. Các thân nhân của liệt sĩ có thể tìm hiểu thêm thông tin nơi hy sinh của người thân. Quan trọng hơn, với những phần mộ không có khả năng tìm kiếm, người nhà liệt sĩ sẽ nắm được để không phải mất công tìm kiếm bằng ngoại cảm.
Không ít người mắt đỏ hoe khi tới buổi gặp gỡ đầy xúc động này.
Chung sức những tấm lòng
Tham gia chương trình thông tin về mộ liệt sĩ tại Yên Dũng có nhiều tình nguyện viên với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh. Đa số tình nguyện viên cũng có người thân là liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến cứu nước nên rất thấu hiểu sự mất mát này. Đó là chị Trần Thị Bình Giang, là nữ sinh viên năm thứ ba Lê Minh Hạnh của trường ĐH Ngoại ngữ. Hai nữ bác sĩ quân đội Phan Thị Hòa và Nguyễn Thị Tâm, đến từ bệnh viện 175, TP Hồ Chí Minh, cũng bay ra góp sức trong hoạt động có ý nghĩa này.
Theo chị Ngô Thị Thúy Hằng, đại diện Marin, với kinh nghiệm và nguồn dữ liệu chính xác, đầy đủ về hơn 800 nghìn liệt sĩ, trung tâm đang nỗ lực trong công tác tư vấn và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ trong tìm kiếm các thông tin, chính sách có liên quan đến liệt sĩ và thân nhân, gia đình liệt sĩ. Các thành viên luôn lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn có liên quan đến các chính sách pháp luật của Nhà nước dành cho gia đình liệt sĩ và người có công.
Thời gian qua, Marin đã báo tin thí điểm phần mộ tới hơn 1.000 gia đình liệt sĩ nguyên quán Nghệ An, tư vấn cho 10 nghìn lượt thân nhân liệt sĩ trên cả nước; cung cấp thông tin về hơn 800 nghìn liệt sĩ có nơi hy sinh và trường hợp hy sinh tại hai website www.nhantimdongdoi.org và www.lietsivietnam.org; tổ chức 13 chuyến đi cung cấp thông tin tại địa bàn cấp huyện.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Giám đốc Marin, cho biết, trong những hoạt động sắp tới, trung tâm hướng tới phổ biến, nâng cao nhận thức cho thân nhân liệt sĩ trong tìm kiếm thông tin về liệt sĩ dựa trên phân tích dữ liệu, thông tin trên giấy báo tử, tạo cơ hội tiếp cận với những chính sách của Nhà nước dành cho thân nhân liệt sĩ.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có 1.146.250 liệt sĩ đã hy sinh. Trong số đó có 780.522 mộ được quy tập tại các nghĩa trang liệt sĩ, 156.904 mộ được quy tập do gia đình quản lý. Số mộ có đầy đủ thông tin là 477.294 mộ. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 500 nghìn gia đình liệt sĩ chưa biết chính xác thông tin về phần mộ của con em mình.
NGÂN ANH
Theo nhandan.com.vn