Ông Lê Săn Sắn ở Yên Viên, Hà Nội khấp khởi ôm chiếc quách vào lòng.
Kỷ niệm
Trước ngày kỷ niệm 37 năm giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2.4.1975-2.4.2012), toán công nhân làm đường dưới chân đèo Rù Rì tình cờ phát hiện dấu tích một ngôi mộ lớn. Nhận định đây là mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh trong cuộc tổng tấn công đêm 30 Tết Mậu Thân - 1968, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa quyết định tổ chức khai quật và quy tập về NTLS Hòn Dung. Đại tá Nguyễn Đình Hoàn - nguyên Trưởng tiểu ban tuyên huấn thuộc Ban chính trị của Trung đoàn Sao Thủy - đơn vị chủ chốt tham gia chiến đấu tại mặt trận Nha Trang đêm 30 Tết Mậu Thân - ngậm ngùi kể: “Tôi vẫn nhớ như in cuộc họp phổ biến kế hoạch tác chiến và phân công nhiệm vụ trước hôm xuất kích. Tình hình có nhiều khó khăn, do lần đầu tiên thọc sâu vào thành phố, bộ đội không biết đường đi, lối lại mà lương thực, vũ khí đều thiếu. Sau bữa cơm chiều, mỗi người giắt lưng một gói bột bắp rang. Khẩu B40 chỉ còn 4-5 quả đạn, súng AK chỉ còn khoảng 40-50 viên đạn, súng trường thì 10-15 viên, hỏa lực không còn đầy 1 cơ số... Nhưng, quyết tâm đánh thắng địch, lấy vũ khí địch để đánh tiếp; tất cả xung phong ra trận, không ai chịu ở lại hậu cứ! Chúng tôi nhận lệnh phối hợp với bộ đội đặc công địa phương, chia thành nhiều mũi, tấn công thẳng sào huyệt Mỹ-ngụy ở Nha Trang và các căn cứ đầu não của địch trên địa bàn. Tôi hành quân cùng C2, tập kết bên đồi Trại Thủy, chuẩn bị phối hợp hỗ trợ C3-D7, C-K90, C-K91 đặc công Khánh Hòa, tấn công tiêu diệt địch ở tỉnh đường, tiểu khu, trại Quang Trung, sau đó đánh chiếm Sở chỉ huy hỗn hợp Việt - Mỹ - Hàn”.
Câu chuyện của ông Hoàn như thước phim kể lại trận đánh đêm 30 Tết Mậu Thân. Hơn 120 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn Sao Thủy được tự vệ mật dẫn đường đến gần mục tiêu; ém quân chờ xe lam của cơ sở nội thành chở vào vị trí cách tỉnh đường Khánh Hòa chỉ 50 - 60m. Đúng giờ C, toàn đơn vị bất ngờ nổ súng, tấn công trực diện tỉnh đường, tiểu khu, sở tiếp vận 5. Bị đánh bất ngờ lúc nửa đêm, địch trở tay không kịp. Chỉ 10 phút chiến đấu, quân ta hoàn toàn làm chủ các mục tiêu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bước 1, bộ đội chuyển hướng đánh chiếm chợ Đầm; nhưng lúc ấy trời đã sáng, lực lượng phía sau không tiếp viện kịp, địch tập trung xe bọc thép, xe tăng cùng nhiều tiểu đoàn bao vây, khép chặt... Khoảng 100 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên chiến trường, một số bị thương ẩn náu trong nhà dân, sau đó cũng bị phát hiện; địch bắt giam tổng cộng 13 người, đến ngày giải phóng chỉ còn 3-4 người được trao trả!
Kỷ vật
Trực tiếp chỉ đạo khai quật, tìm kiếm hài cốt LS dưới chân đèo Rù Rì, thượng tá Bùi Xuân Gia - Phó CN chính trị Bộ CHQS tỉnh Khánh Hòa - mô tả: “Có người không còn giày, dép..., có người vẫn đội mũ và nai nịt như lúc chuẩn bị ra trận. Thương lắm! Chạm đến đâu, áo quần, quân hàm, dây thắt lưng... của các anh nát tan đến đó, riêng đôi dép caosu vẫn nguyên vẹn! Nhìn vật dụng, quân trang có thể phân biệt chiến sĩ hay sĩ quan, nhưng không thể xác định được danh tính, địa chỉ... Chúng tôi đã tìm thấy hàng chục bộ hài cốt, nhưng xương cốt lẫn lộn, không ai dám chắc con số chính xác là bao nhiêu. Chúng tôi xin phép các anh cải táng 23 bộ xương ống trong 23 chiếc quách, phần còn lại, đành xếp chung theo quách và tự an ủi... đồng đội luôn sát cánh bên nhau!”.
Mọi người xúc động đến nghẹt thở khi ông Lê Săn Sắn (quê Yên Viên, Hà Nội) khấp khởi ôm vào lòng một chiếc quách vì tin rằng trong đó có một phần xương cốt người anh họ - LS Lê Văn Phao, chiến sĩ đặc công C90. Ông Sắn kể: “Anh Phao là con trai duy nhất của bác ruột tôi. Anh ấy nhập ngũ năm 1965, đi B từ năm 1967 cho đến tận bây giờ. Thông tin trên giấy báo tử quá mơ hồ, gia đình tôi đã tìm kiếm khắp nơi nhưng vô vọng. May quá, nhận được tin báo của 2 CCB ở Nha Trang là bác Đắc và bác Liệu, chúng tôi vào ngay, tận mắt nhìn thấy bằng chứng, kỷ vật chiến trường, tôi tin là anh họ của tôi đang ở đây!”.
Thì ra, bao lâu nay, ông Vũ Văn Đắc và Nguyễn Văn Liệu - 2 CCB từng gắn bó với Trung đoàn Sao Thủy và Đại đội 91 đặc công Khánh Hòa, hiện nghỉ hưu ở phường Vĩnh Hải, TP.Nha Trang vẫn trân trọng cất giữ những kỷ vật chiến trường. Và, bởi vì các cơ quan làm chính sách không quan tâm đến những gì họ đã báo cáo, nên 2 CCB này tự “giải mã” rồi tìm cách liên lạc với những địa chỉ trong danh sách.
CCB Nguyễn Văn Liệu kể: “Tôi và anh Đắc đều là bộ đội miền Bắc, năm 1967 đi B vào Khánh Hòa cho đến ngày về hưu. Cuối năm 2007, một số chiến sĩ công binh ở đơn vị cũ của tôi trong lúc làm nhiệm vụ quốc phòng tại chiến khu Đồng Bò, tình cờ nhặt được một vỏ thùng đạn cất sâu trong hang đá. Trong ấy chỉ có mấy xấp giấy chi chít chữ, viết bằng mực Cửu Long và 1 quyển sổ nhỏ đã ố vàng. Bằng kinh nghiệm chiến trường, chúng tôi hiểu rằng những văn bản viết tay này là bộ hồ sơ quan trọng, giúp lần ra tung tích những LS đã hy sinh tại Nha Trang hồi Tết Mậu Thân”.
Hiện ông Liệu cùng ông Đắc đang lưu giữ danh sách 27 cán bộ, chiến sĩ thuộc C90 đặc công Khánh Hòa hy sinh ngày 29.1.1968 và 14 LS hy sinh ở những trận đánh khác tại Nha Trang, cùng một số tài liệu bàn giao kho quỹ và 4 giấy khen từ những năm 1963-1964 của Phòng Hoá học thuộc Bộ Tổng tham mưu, Công đoàn Hậu cần Việt Nam và Tổng đội công trình 11 thuộc Tổng cục Hậu cần, khen tặng ông Nguyễn Công Bằng (quê Tân Binh, Vĩnh Cửu, Thủ Biên).
Thư đi, tin lại..., 2 CCB ở phường Vĩnh Hải (Nha Trang) trở thành đầu mối thông tin của nhiều thân nhân LS. Anh Nguyễn Văn Khanh - sinh1965, con trai LS Nguyễn Văn Thuấn (quê Thái Thụy - Thái Bình) kể: “Cha tôi đi bộ đội năm 1965, thời gian huấn luyện tại quân trường Xuân Mai, ông được về thăm nhà 1 đêm, số phận cho hoài thai tôi trong bụng mẹ. Tôi lớn lên trong sự chờ đợi của mẹ và chưa bao giờ được gặp cha. Sau ngày giải phóng miền Nam khoảng 1 năm, chúng tôi nhận giấy báo tử: “LS Nguyễn Văn Thuấn đã anh dũng hy sinh tại chiến trường miền Nam, an táng tại nghĩa trang riêng của đơn vị”. Trước khi mẹ mất, bà dặn tôi câu duy nhất: “Cố gắng tìm mộ cha!”. Nhưng biết tìm phương nao? Nhận điện thoại của bác Đắc, vợ chồng tôi bay vào Nha Trang ngay. Linh tính mách bảo rằng cha tôi ở đây cùng đồng đội! Căn cứ hồ sơ mà bác Đắc đang lưu giữ, lúc ra trận, cha tôi là hạ sĩ, A trưởng của Đại đội 90 đặc công Khánh Hòa”.
Ký ức
Lặng người theo ký ức... Chạnh nhớ, 40 năm trước, tin buồn bẻ gập sống lưng bà ngoại, tôi lúc ấy tròn 10 tuổi, bỗng trở thành “chỗ dựa” tinh thần của ngoại! Vâng, dẫu nghe phong thanh, cậu út của tôi đã hy sinh trong cuộc tổng tiến công đêm 30 Tết Mậu Thân và sau đó một người bạn của cậu từ chiến trường trở về cũng xác nhận: “LS Trương Cung ngã xuống trong đợt tấn công đầu tiên, đúng lúc quanh chiến trận rộn lên tiếng pháo đón giao thừa”; vậy mà phải đợi đến ngày nhận báo tử, ngoại tôi mới tin con trai út của bà vĩnh viễn không trở về.
Ngoại tôi có 3 người con, thời kỳ chiến tranh ác liệt, cậu hai công tác nước ngoài, vợ cậu út ở Hà Bắc vừa sinh hạ con trai đầu lòng, mẹ tôi xuất giá theo chồng, thương ngoại đơn chiếc nên “cử” tôi về Nghệ An sống cùng, cho có hơi người... an ủi! Ngày ấy, cái nhìn non nớt của tôi luôn thấm đẫm hình ảnh đôi kính trắng của ngoại đục mờ nước mắt. Và, lời ngoại nói đã theo tôi suốt cuộc đời: “Nước mắt mẹ chảy từ tim, nó tự khô khi nỗi đau hóa thành nghị lực!”.
Bao năm qua, gia đình tôi đau đáu kiếm tìm, nhưng không ai biết địa chỉ chiến trường nơi cậu út hy sinh. Mỗi lần viếng nghĩa trang liệt sĩ, chúng tôi cứ luẩn quẩn quanh những khu mộ vô danh. Năm ngoái, em họ tôi nhờ người tìm được hồ sơ gốc, mới hay thông tin trên giấy báo tử hoàn toàn sai. Nhưng, thời gian và chiến tranh đã làm mọi thứ biến đổi, không ai biết nơi chôn 6 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bót Cây Dầu ở thị xã Thủ Dầu Một vào thời khắc giao thừa năm Mậu Thân.
Tết vừa rồi, chuẩn bị xong mâm cỗ, em họ tôi sắm lễ vật từ Sài Gòn xuống NTLS Bình Dương, khấn xin các bậc anh linh dẫn lối cho vong hồn người cha (chưa biết mặt)... theo khói hương, về đón giao thừa cùng tổ tiên, con cháu!
Ghi chép của Bảo Chân
Theo laodong.com.vn