Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
Về quê “Hội mẹ chiến sĩ” vá áo năm xưa
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người bỏ nhà đi lạc, người mất tích, trẻ mồ côi, trẻ lang thang, người thất lạc cha mẹ từ lúc mới sinh, tìm người thất lạc ở Việt Nam, tìm người thân ở nước ngoài, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn (tìm bạn đời, người yêu cũ, bạn học cũ, ân nhân, người quên đồ…).

 

 

 

 

Các mẹ, các chị ra thăm trận địa cao xạ đang bảo vệ quê hương Đa Mai và thị xã Bắc Giang trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ. Ảnh:Tư liệu

Từ thuở học trò, tôi và bạn bè cùng trang lứa đã thuộc lòng bài hát: "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nay có dịp đến thăm xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang (Bắc Giang), quê hương giàu truyền thống cách mạng, nằm bên bờ sông Thương thơ mộng gắn với bao huyền thoại, tôi được chứng kiến miền quê Đa Mai hôm nay đang đổi mới đi lên từng ngày.

Nhớ một thời lửa đạn

Từ trung tâm huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên), vượt chặng đường gần 100km, tôi tìm đến xã Đa Mai, thành phố Bắc Giang. Được biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những năm 1967-1972, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Đa Mai từng là địa bàn hoạt động của Trung đoàn Pháo phòng không 216 (nay là Sư đoàn Phòng không 365), đã chiến đấu dũng cảm với máy bay địch để bảo vệ cầu Bắc Giang và đoạn đường sắt, Quốc lộ 1A Hà Nội-Lạng Sơn chạy qua địa bàn. Chính những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt ấy, các chị, các mẹ ở Hội mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đã giúp đỡ, động viên cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Pháo Phòng không 216, bám địa bàn, trận địa, chiến đấu kiên cường, dũng cảm tiêu diệt máy bay địch để bảo vệ bầu trời Bắc Giang.

 

Ông Giáp Văn Quynh (67 tuổi), ở thôn Tân Mai, xã Đa Mai, người từng được chứng kiến máy bay Mỹ ném bom tàn phá vùng đất này, kể rằng: Tháng 4-1966, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá vào xã Đa Mai. Đây là vị trí trọng yếu trong khu vực thị xã Bắc Giang, nên mức độ đánh phá của địch vô cùng ác liệt. Máy bay Mỹ đánh vào thị xã Bắc Giang 80 lần thì 51 lần đánh vào xã Đa Mai. Chúng đã sử dụng vũ khí tối tân và đã đánh sập cầu Bắc Giang nhiều lần. Bằng các loại máy siêu âm thế hệ mới nhất như F4, F105; các loại bom hiện đại như bom từ trường, bom bi, bom khoan…; chúng dùng đủ mọi thủ đoạn sảo quyệt như bay cao, bay thấp, đánh ồ ạt… Có thời gian, chúng đánh cả ngày lẫn đêm, có ngày chúng đánh 3 đến 4 trận. Người dân nơi đây không thể nào quên, toàn bộ xóm Chùa, xã Đa Mai đã bị san phẳng trong trận ngày 29-4-1966, bom đạn địch đã phá hủy 62 ngôi nhà, trong đó có 6 nhà không còn dấu vết gì...

Hội mẹ chiến sĩ ngày ấy

Tìm hiểu về “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, ông Quynh bồi hồi nhớ lại: Hội mẹ chiến sĩ xã Đa Mai được thành lập vào cuối năm 1965. Ban đầu chỉ có 12 mẹ tham gia, mẹ Giáp Thị Khôi là người dẫn đầu phong trào vá áo cho chiến sĩ. Trong đó, mẹ Khôi có con trai là Đoàn Thao đang học tại Liên Xô, mẹ Khôi thường viết thư cho con, nhắn gửi thật nhiều chỉ và kim khâu về để mẹ vá quần áo cho các chiến sĩ bảo vệ quê hương mình.

Ngày ấy, tất cả các tổ chức, đoàn thể và người dân Đa Mai ai cũng quan tâm chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và dân quân trong những ngày trực ban chiến đấu căng thẳng, gian khổ, dãi dầu mưa nắng trên trận địa. Hội phụ nữ xã thì phân công cho các chi hội, các tổ kết nghĩa với từng trận địa và kết hợp với tổ hội mẹ chiến sĩ các thôn thường xuyên chăm lo thăm hỏi động viên bộ đội. Các chị đã vận động nhân dân ủng hộ tre, nứa, rơm, rạ để dựng lán trại làm tranh chống rét cho bộ đội. Bên cạnh đó, nhằm tránh sát thương của mảnh bom, đạn, Đa Mai lúc đó có bao nhiêu rơm rạ đều thu gom lại để các chị, các mẹ đan mũ rơm, áo giáp rơm cho bộ đội.

Những ngày nắng nóng, các chị, các mẹ còn tổ chức làm bún, bắt cua đồng nấu canh để phục vụ cán bộ, chiến sĩ. Hội phụ nữ và các tổ hội mẹ chiến sĩ còn vận động ủng hộ các loại thực phẩm tươi để bộ đội ăn ngon miệng như: Lạc, đậu, đỗ, các loại rau tươi, thịt… Nhất là, để bộ đội tập trung cao độ cho việc canh trực sẵn sàng chiến đấu, Hội mẹ chiến sĩ ra tận trận địa pháo mang quần áo bộ đội về nhà giặt sạch, vá lành và đẹp để anh em chiến sĩ mặc thay đổi...

Theo con đường bê tông phẳng lỳ, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Trọng Trình, con trai của mẹ Nguyễn Thị Nãi, ở thôn Đọ, xã Đa Mai. Trước mặt tôi là một người dáng người cao, gầy, cười đôn hậu, ông mời tôi vào nhà. Bên ấm chè đặc sánh tỏa hương thơm ngát, ông Trình, hồ hởi kể: Mẹ Nãi cùng với mẹ Khôi và nhiều mẹ trong Hội đã tham gia vào công việc vá áo cho các chiến sĩ lúc bấy giờ. Ngoài công việc vá áo, mẹ Nãi còn là người giỏi vận động chị em phụ nữ tham gia vào công việc của Hội. Trong suốt thời gian giặc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt ở miền Bắc nói chung và Bắc Giang nói riêng, các mẹ luôn ở bên bộ đội, chăm lo cho chiến sĩ từng miếng cơm, manh áo... Đang kể chuyện, ông Trình bất ngờ hỏi vui: Nhà báo có biết hát bài “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý không?” tôi chưa kịp đáp lại, ông Trình đã cất tiếng hát, đôi mắt rưng rưng nhìn về phía tấm ảnh. Tôi vội nhìn lên di ảnh mẹ Nguyễn Thị Nãi, mường tượng những gì mẹ đã giúp cán bộ, chiến sĩ đơn vị phòng không năm xưa và thầm cảm phục trước tấm lòng thơm thảo của các mẹ, các chị ở quê hương Đa Mai .

Ông Nguyễn Trọng Trình cho biết thêm: Năm 1973, mẹ Nguyễn Thị Nãi đã vinh dự được thay mặt Hội mẹ chiến sĩ xã Đa Mai đi báo cáo điển hình tại Hội nghị tổng kết 3 năm của tỉnh Hội phụ nữ. Cảm động trước những việc của Hội mẹ chiến sĩ xã Đa Mai với cán bộ, chiến sĩ đơn vị Pháo phòng không 216, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã sáng tác bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” với những ca từ tha thiết, giai điệu mượt mà, đằm thắm nghĩa tình quân dân sâu nặng, làm rung động hàng triệu trái tim chiến sĩ và thế hệ thanh niên thời đó cũng như bây giờ.

Đa Mai hôm nay

Theo con đường nhựa về trung tâm xã, dọc hai bên đường là những ngôi nhà tầng, nhà xây mọc lên san sát, tôi cảm nhận được sự đi lên từng ngày của vùng đất nơi đây. Bí thư Đảng ủy xã Đa Mai, đồng chí Nguyễn Mạnh Thái, tự hào cho biết: Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, nơi có phong trào hoạt động sôi nổi Hội mẹ chiến sĩ trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh và nơi khởi nguồn bài hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa”, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Đa Mai đã nỗ lực phấn đấu vươn lên để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu. Hiện nay, địa phương đã và đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới. Trong đó, là địa phương đa ngành nghề như: Nông nghiệp, chăn nuôi, thương mại...

Cùng với đó, nhiều phong trào, hoạt động, đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái đã trở thành nét văn hóa tốt đẹp của nhân dân, Đảng ủy chỉ đạo mặt trận luôn quan tâm chăm sóc các đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điển hình như, Hội phụ nữ nhận đỡ đầu các mẹ liệt sĩ, động viên bà mẹ Việt Nam anh hùng; các cháu học sinh nhận chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ; các gia đình tích cực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo…

Sự đổi mới đi lên từng ngày của quê hương Đa Mai hôm nay là nhờ có một điểm tựa vững chắc, đó là phát huy truyền thống của xã anh hùng được các thế hệ nối tiếp nhau dựng xây. Trải qua các cuộc chiến tranh, cũng như trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, người dân Đa Mai cùng các địa phương trong cả nước đã và đang vươn lên làm nên kỳ tích trong thời kỳ đất nước mở cửa hội nhập hôm nay...

TRẦN HUYỀN

Theo qdnd.vn
 

Các tin khác