Bà Trương Thị Hảo xem lại hồ sơ liệt sĩ Lương Văn Cồ.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu- Cựu chiến binh Sư đoàn 363 (Quân chủng Phòng không không quân- PKKQ) phản ánh, cơ quan chức năng huyện Lục Nam chậm giải quyết chế độ thân nhân liệt sĩ Lương Văn Cồ.
Ông Tạ Văn Sâm, Phó trưởng Ban liên lạc nhớ lại: Năm 1971 Lương Văn Cồ (SN 1952), quê xã Tam Dị (Lục Nam), nhập ngũ tại đơn vị C173, E240, F363 (Quân chủng PKKQ) với nhiệm vụ pháo thủ. Trong trận chiến đấu ác liệt chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, chiến sĩ Lương Văn Cồ đã hy sinh anh dũng và được cấp Bằng Tổ quốc ghi công theo Quyết định số 223/TTg ngày 7-5-1974 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Lương Văn Phú, cha của liệt sĩ đã được hưởng chế độ chính sách theo quy định. Năm 1991, ông Phú mất, theo quy định, bà Trương Thị Hảo, mẹ kế - người nuôi Lương Văn Cồ từ năm ba tuổi đến khi nhập ngũ được hưởng chế độ thân nhân liệt sĩ. Tuy nhiên, bà Hảo không được hưởng chính sách trên. Khi về thăm gia đình liệt sĩ vào dịp 27-7-2012, Ban liên lạc Hội bạn chiến đấu phát hiện sự việc trên và hướng dẫn gia đình gửi hồ sơ đề nghị UBND xã Tam Dị, Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Lục Nam giải quyết nhưng đến nay chưa có kết quả.
Ông Hoàng Đình Giang, cán bộ phụ trách chính sách người có công, Phòng LĐ-TB&XH huyện Lục Nam cho biết: "Cuối tháng 8-2012, chúng tôi nhận được hồ sơ của gia đình liệt sĩ Lương Văn Cồ do bà Nguyễn Thị Yến, cán bộ phụ trách công tác lao động, thương binh và xã hội xã Tam Dị gửi lên nhưng chỉ nhờ nghiên cứu, UBND xã chưa có văn bản đề nghị chính thức". Ông Giang cho biết thêm, vì bà Nguyễn Thị Yến mới tiếp nhận công việc, chưa thông thạo giải quyết thủ tục liên quan đến chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ nên hồ sơ có nhiều thiếu sót. Vì thế, phòng chưa chuyển hồ sơ lên Sở LĐ-TB&XH. Mới đây, ông Lương Văn Độ, em cùng cha khác mẹ với liệt sĩ Lương Văn Cồ đến hỏi, chúng tôi đã hướng dẫn gia đình hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Phía bà Nguyễn Thị Yến lại khẳng địnhđã nộp ba bộ hồ sơ lên phòng LĐ-TB&XH huyện từ cuối tháng 8-2012, nhưng không thấy cán bộ chuyên môn của phòng có ý kiến gì. Mới đây, Sở LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND xã Tam Dị, trong đó nêu "Hồ sơ liệt sĩ Lương Văn Cồ đang quản lý lưu trữ tại Sở không có tên mẹ kế là bà Trương Thị Hảo nên không có cơ sở để xem xét giải quyết".
Theo ông Khổng Tường Mão, Trưởng phòng Người có công (Sở LĐ-TB& XH), sau khi nhận được đơn kiến nghị của Ban liên lạc, các cán bộ có trách nhiệm đã tra cứu hồ sơ liệt sĩ Lương Văn Cồ và không thấy có tên bà Trương Thị Hảo, mẹ kế của liệt sĩ nên bước đầu trả lời đơn công dân như vậy. Đến nay, Sở chưa nhận được hồ sơ của gia đình liệt sĩ Lương Văn Cồ từ Phòng LĐ-TB&XH huyện Lục Nam, do đó chưa có căn cứ để xem xét giải quyết chế độ cho bà Hảo. Cũng theo ông Mão, tại Điều 5, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26-5-2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định: "Người có công nuôi dưỡng liệt sĩ là người đã thực sự nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn dưới 16 tuổi, đối xử như con đẻ, thời gian nuôi từ 10 năm trở lên". Quy định của pháp luật rất cụ thể, rõ ràng song có một lý do khác khiến việc giải quyết chế độ thân nhân liệt sĩ cho bà Trương Thị Hảo gặp khó khăn. Đó là hồ sơ gốc của liệt sĩ Lương Văn Cồ (lập năm 1973) không có tên mẹ kế Trương Thị Hảo, chỉ có tên mẹ đẻ là bà Hoàng Thị Thống nhưng lại ghi "chết năm 1963". Nếu chiểu theo hồ sơ, khi Lương Văn Cồ 10 tuổi mẹ mới mất thì thời gian bà Hảo nuôi liệt sĩ không đủ 10 năm để được hưởng chế độ như quy định.
Tuy nhiên, tìm hiểu thực tế tại gia đình liệt sĩ, được biết ông Lương Văn Phú (bố liệt sĩ Lương Văn Cồ) kết hôn với bà Hoàng Thị San (còn gọi là Thống) sinh được ba người con: Lương Thị Tường (SN 1945), Lương Văn Hẩy (SN 1947) và liệt sĩ Lương Văn Cồ. Bà Trương Thị Hảo, mẹ kế liệt sĩ nói: "Bà San mất năm 1953, ông Phú lập gia đình với tôi khi anh Cồ mới gần ba tuổi. Tôi nuôi anh Cồ từ đó đến năm 19 tuổi thì nhập ngũ".
Đại diện Đảng uỷ, UBND xã và các đoàn thể xã Tam Dị đã xác nhận sự việc trên trong biên bản xét hồ sơ đề nghị của gia đình liệt sĩ Lương Văn Cồ. Bà Lương Thị Tường, chị gái của liệt sĩ Lương Văn Cồ khẳng định, bà Hoàng Thị San - mẹ đẻ bà mất năm 1953 chứ không phải năm 1963 như trong hồ sơ gốc. Giấy chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của các con bà Trương Thị Hảo với ông Lương Văn Phú cũng ghi rõ: ông Lương Văn Độ (SN 1958), bà Lương Thị Chồ (SN 1960), bà Lương Thị Thêm (SN 1963)... Như vậy, có sự khác biệt giữa thông tin trong hồ sơ gốc và thực tế từ thân nhân gia đình liệt sĩ Lương Văn Cồ. Đề nghị ngành LĐ-TB& XH và UBND xã Tam Dị sớm xác minh làm rõ, kịp thời giải quyết chế độ chính sách cho thân nhân liệt sĩ theo quy định của chính sách pháp luật.
Nhóm PV Bạn đọc
Theo baobacgiang.com.vn