Chị Phê và bé Mi trước ngày bị mất tích
Theo lời kể của chị Phê, chị có người chồng tên Nguyễn Đức Thắng. Ngày 29/4/1975, ngay trước ngày quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, anh Thắng cùng nhiều người khác lên tàu vượt biên sang Mỹ. Thời điểm đó, chị Phê vừa mới sinh đứa con trai tên Nguyễn Đức Thành nên cả hai thống nhất chỉ để mình anh đi.
Chị Phê ở lại, đinh ninh vào lời hứa của anh Thắng sẽ có ngày quay trở về. Xứ lạ quê người, anh Thắng làm đủ nghề để sống. Thời gian đầu, chị Phê vò võ nuôi con trong đau khổ vì bặt tin anh. Nhiều năm sau, khi cuộc sống đã ổn định, anh Thắng tìm cách liên lạc với vợ con ở quê nhà.
Những năm 90, anh Thắng nhiều lần quay lại Việt Nam. Anh thú nhận với vợ, khi sang Mỹ một thời gian, anh có qua lại với một người phụ nữ khác. Người phụ nữ này không biết anh đã có vợ con ở quê nhà. Rất buồn vì nghe những lời nói thật của chồng, chị Phê chỉ lặng lẽ khóc chứ không trách hờn gì anh. Theo lời anh Thắng kể lại, anh cũng đã thú nhận sự thật với người vợ sau ở Mỹ. Người này cũng sốc trước thông tin anh đã có vợ…
Để bù đắp lại cho vợ cũ, anh Thắng bàn tính với chị là sẽ bảo lãnh cho con trai của hai người được sang Mỹ để có công việc tốt hơn, gửi tiền vể nuôi mẹ. Đồng ý với dự định của chồng, trước khi để con trai đi, chị Phê xin một bé gái làm con nuôi để đỡ trống trải. Người con nuôi được đặt tên Phan Nguyễn Diễm Mi - theo họ chị Phê.
Chị Phê với kiểu tóc giữ nguyên suốt 15 năm qua với hy vọng con sẽ nhận ra mình
Các thủ tục bảo lãnh cho anh Nguyễn Đức Thành (lúc này đã 20 tuổi) sang Mỹ sắp hoàn tất, người vợ sau của anh Thắng hay tin, từ Mỹ bay về Việt Nam. Ngày phỏng vấn lần cuối của anh Thành được ấn định vào giữa tháng 1/1996.
Bất ngờ, ngày 9/1/1996 xảy ra vụ bắt cóc bí ẩn hai bé gái (bé An con anh Châu và bé Mi con chị Phê) . Phần vì đau buồn chuyện hai đứa em mất tích, phần lo sợ những bất trắc có thể xảy ra nơi xứ lạ quê người, anh Thành quyết định không dự phỏng vấn, từ bỏ ý định đi Mỹ đoàn tụ với cha.
Sau khi 2 bé mất tích, một thiếu niên từng bị cơ quan công an triệu tập lấy lời khai. Theo lời kể của những bị hại, trong buổi chiều phát hiện hai cháu bé mất tích, họ đã tìm những đứa trẻ khác trong xóm để hỏi thăm. Lúc này, bé Diễm (lớn hơn bé Trường An một tuổi) là bạn cùng chơi với An và Mi cho biết, lúc chiều bé có nhìn thấy An, Mi đi lên đầu xóm. Diễm hỏi đi đâu, An và Mi còn khoe “Anh Nghĩa rủ lại nhà uống nước dừa”.
Nghĩa năm đó 15 tuổi, là anh em cùng ông cố nội với với bé Trường An.
Đêm hôm đó, Nghĩa được công an triệu tập lên xã lấy lời khai. Tuy nhiên, không có chút đầu mối nào được tìm thấy. Bản thân bé Diễm cũng chỉ nghe An và Mi nói như thế, chứ không tận mắt thấy hai bé này tiếp xúc với ai…
Những dòng chữ tìm con của người mẹ
Sau vụ mất tích, con trai không chịu đi Mỹ, anh Thắng cũng ít về Việt Nam. Tìm con khắp nơi không được, chị Phê có lúc còn đem ảnh con đến nhờ thầy bùa, vẽ bùa rằn ri lên ảnh với hy vọng mong manh tìm ra cháu. Giờ đã bình tâm hơn, chị cười buồn bã: “Từ trước tới nay tui đâu có mê tín. Nhưng lúc quẫn trí quá, ai kêu gì cũng phải nghe theo…”.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Phê nhắc rất nhiều đến con mình. Chị nói, ngày trước hai mẹ con chị hay đi chơi với nhau. Gương mặt trẻ con trong ảnh mà chị con lưu giữ được chắc chắn có nhiều thay đổi. Chị nói, giúp đăng ảnh của chị lên báo: “Gương mặt tui cũng không thay đổi gì nhiều. Suốt 15 năm, tui vẫn để một kiểu tóc này. Hãy đăng hình của tui lên báo. Con tui mà nhìn thấy, nhứt định nó sẽ nhận ra. Nó không quên tui đâu!”
Vĩnh Hòa
Theo dantri.com.vn