Việt Nam  | 
English
   Trang chủ    Tin tức    Tin trong nước
Tin trong nước
“Xếp hàng” chờ công nhận liệt sĩ
Timnguoithatlac.vn là dự án xã hội của Bionet Việt Nam, hỗ trợ tìm người thất lạc miễn phí ở các mảng: tìm người thân thất lạc (bao gồm: người đi lạc, người mất tích, babylift, người già đi lạc, người tâm thần đi lạc…), tìm thông tin liệt sỹ (tìm mộ liệt sỹ, tìm thân nhân liệt sỹ) và tìm bạn.

 

 

 

 

 

Cô Lê Hồng Quân.



“Người ta đã bỏ lại đằng sau cái tên cúng cơm, lấy biệt danh để xả thân vì cách mạng. Người ta chỉ cần một cái bằng ghi công để được ấm lòng...”. Đó là tâm nguyện của thương binh hạng 1/4 Lê Hồng Quân - cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn biệt động Sài Gòn.

1. Tuổi bảy mươi, cô Lê Hồng Quân vẫn tiếp tục theo đuổi nguyện ước của mình, cô nói, ai đã từng tham gia biệt động Sài Gòn mới hiểu được cái tình cảm đồng đội, lý tưởng hy sinh.

Lật chồng hồ sơ dày cộp cùng ghi chép từng người qua trí nhớ của riêng mình. Thời gian đã trôi qua, vết mờ nhòa mực viết, cùng tuổi tác, cùng vết thương, cùng với 26 lần mổ... Tôi rùng mình, thời gian trải dài và giờ này đây, đang đi về phía cuối, người cùng hồ sơ như đang buông trên một chuyến đi, đến một nơi xa thẳm để gặp đồng đội xưa, để khóc, để cười. Gợi lại chuyện, gợi lại hồi ức của cô với những tháng ngày lặn lội tìm sự công nhận cho đồng đội. Đến nay, hơn 200 bộ hồ sơ của Tiểu đoàn Lê Thị Riêng ngày ấy đã được công nhận, chỉ còn lại sáu người thôi. Sáu người này có năm người là biệt danh, một người thì có gia đình, có tổ ấm nhưng vẫn bị “giằng co” mặt thủ tục giấy tờ. Năm người biệt danh này từng hỗ trợ hoạt động ở quận Nhì (nay là quận 4), họ hoạt động với các bí danh: Chị Hai đòn gánh, chị Sáu gà, chú Tư cơm tấm, Lý dao duyên, bác Bo sà-lan. Năm người này, xác đang nằm dưới dòng kinh Tẻ, hoặc bị giặc kéo lết, phanh thây, tội nghiệp lắm.

Cô Quân nhớ như in bí danh từng người, họ như đang ở bên cạnh, bởi hoạt động của đồng đội ngày đó nằm trong tâm tưởng cùng ước nguyện bấy lâu nay của cô. Chị Hai đòn gánh xuất thân là dân buôn gánh bán bưng ở chợ xóm Chiếu, có lần chị bức xúc với lính hà hiếp dân, chị dùng đòn gánh đánh lại. Cái tên đòn gánh gắn bó với chị từ hồi đó, khi vào hoạt động, chị lên chức Tiểu đội phó. Lý dao duyên là bí danh của tiểu đội đặt cho em Lý. Trong những buổi sinh hoạt, cổ động đấu tranh chính trị, Lý thường hát các bài hát cổ động, hát cho đồng bào tôi nghe. Bác Bo sà-lan là người quét dọn bến tàu... tên người biệt động đều gắn với nghề nghiệp kiếm sống của họ. Cô Quân rơi nước mắt, năm người này không có họ hàng thân thích, chỉ cần được tấm bằng công nhận họ để cô gửi về nghĩa trang thành phố hay đưa lên đền thờ Bến Dược. Vậy mà...

Người thứ sáu, một người đặc biệt và nhiều tranh cãi, đó là anh Nguyễn Văn Lập quê Gò Me (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang). Anh Lập trốn lính lên Sài Gòn, từng bảo vệ cho cô Lê Thị Riêng. Sau đó anh đăng lính ngụy, được cài vào tổng diện Cộng hòa. Đối với cách mạng, anh là quyền A Trưởng A2B3 (tiểu đội 2, trung đội 3)... Nghi vấn Lập có những hoạt động ngầm với Việt cộng, địch điều chuyển anh về Tiền Giang. Tìm hiểu về anh, cô Quân cho biết, giặc chà sát giữ lắm. Từ manh mối hoạt động này, cô tìm hiểu về phần hoạt động sau năm 1968 của Lập. Bằng trực cảm của người từng hoạt động bí mật, cô tin, nếu Lập là người không tốt sẽ hành hạ những gia đình cách mạng dưới quê vì Lập là người của ta nên nắm rõ mà. Người dân quê thì kể, Lập hay nói vu vơ: “Chết, mệt thế mà mai vẫn đi hành quân chỗ nọ, chỗ kia”. Đây là cách nói than thở nhưng đồng thời thông tin cho những chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật biết trước để tránh đường càn.

Có đận, những người hoạt động bí mật dưới hầm ngầm bị vây ráp cả tuần liền, dân không có cách nào đưa cơm, nước xuống. Chính tay Lập đã đưa cơm cho anh em. Sau này, địch nghi ngờ Lập có dấu hiệu hoạt động với ta, nên đẩy anh về đồn Ngũ Hành (huyện Trúc Sơn, Bến Tre). Đồn này có nhiệm vụ lấn chiếm vùng giải phóng của mình. Trong thời khắc của cuộc chiến, gia đình nhận được hung tin, Lập bị ta bắn chết! Gia đình Lập từ Tiền Giang sang Bến Tre nhận xác. Sau này được tin, Lập bị bắn chết ngay trong đồn, Lập bị địch thủ tiêu nhưng vì lo sợ sự hoảng loạn của lính, nên địch vội vàng đóng thùng gửi xác về. Qua xác nhận từng lời kể của hai bên, qua xác nhận của hàng chục gia đình ở quê Lập là vậy. Vậy mà...

2. Trưa ngày thứ ba, ngày làm việc thứ hai của tuần đầu tháng Tám, hơn ba tiếng trò chuyện, gia đình giục cơm mấy lần, vậy mà cô Lê Hồng Quân vẫn không muốn bỏ chuyện. Với cô, mỗi bữa cơm ăn, mỗi giấc ngủ đến đều chập chờn hình ảnh đồng đội mà thân xác còn nằm đâu đó dưới dòng kinh, chém năm xẻ bảy trên đường phố Sài Gòn ngày ấy, đau lắm, thương lắm. Trong những lúc bị tra tấn, hay lúc đi làm hồ sơ cho đồng đội, cô Quân đã tựa vào những câu thơ do mình nghĩ ra để đứng, để đi. “Ngày thoát ngục thênh thang đường Tổ quốc/ Tôi lại hành quân dù một tay đã mất/... Tôi trở lại bằng tất cả sức mạnh của nhớ thương, đau xót...”. Và vì vậy, hơn 30 năm qua, cô đã lặn lội tìm thân nhân, xác định quê quán cho những người đồng đội xả thân cho Tổ quốc. Ngày đó, hồ sơ chuyển về rất sơ sài, toàn bộ giấy tờ của anh em trong tiểu đội được để ở Phước Vân (Bình Chánh). Sau bị đánh banh hết trơn. Các liệt sĩ hy sinh không ai đối chứng để có thể xác minh được. Sau giải phóng, nhiều người không trụ lại Sài Gòn mà đi kinh tế mới, về quê, lần từng manh mối khó đến trăm đường. Theo thời gian, nhiều người được xét và nhiều vẫn chưa được xét. Năm 2004, cô lập danh sách hồ sơ còn đọng lại, chưa được công nhận. Danh sách được Bộ Chỉ huy quân Thành cùng Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) thẩm định đồng ý. Hồ sơ gửi lên Bộ LĐ-TB&XH thì bị gửi trả về. Yêu cầu của Bộ phải có xác nhận của quê hương ba cấp, phải có thân nhân liệt sĩ (?!).

Có nhiều trường hợp mà chỉ biết hoàn cảnh chứ không xác định rõ quê. Ví như Lê Tú Thiên và em trai Lê Xuân Vạn ở Bình Định, gia đình bị bom, ba má cùng ba đứa em nhỏ chết banh xác. Buồn thảm, hai chị em Thiên, Vạn vào Sài Gòn, lần hồi bán bắp nuôi nhau. Hai người này nhanh nhẹn, rất giỏi võ, sau được cảm hóa và vào hoạt động cùng. Lâm Minh Điền, Nguyễn Thu Ba, Trần Thị Vui trốn nhà trẻ mồ côi rồi hoạt động. Nguyễn Thu Ba mẹ đẻ chết khi mới sinh. Ba học hành được vài lớp, sau đó đi làm thuê cho các xưởng dệt... Vì quy định trên, năm 2007, Bộ cũng trả về.

Chỉ có đồng đội mới hiểu đồng đội, ngày đó chúng tôi vượt lên trên cái bình thường, tình thương rất thương, thương hơn cả chị em ruột. Quy định là quy định nhưng cũng phải xét đến đặc thù. Hoạt động bí mật chỉ có người giao việc, người nhận việc biết nhau, cái tên người cũng chỉ là cái ký hiệu, hy sinh rồi biết hỏi ai, tìm đâu? Lau nước mắt, cô Quân nói: “Đặc thù của Sài Gòn là như vậy. Chúng ta có tình cảm, nhìn vấn đề bằng nội tâm đi, công nhận những người con dũng cảm của mình dù chỉ là một cái tên thôi để họ được ấm lòng!”.
* Cô Quân rơi nước mắt, năm người này không có họ hàng thân thích, chỉ cần được tấm bằng công nhận họ để cô gửi về nghĩa trang thành phố hay đưa lên đền thờ Bến Dược. Vậy mà...

* “Còn nhiều đơn vị biệt động khác vẫn tồn đọng hồ sơ chưa được công nhận người có công, nhiều gia đình tham gia cả vợ lẫn chồng đều có công như nhau nhưng mới một người được xét tặng, ngay như Tiểu đoàn biệt động Lê Thị Riêng đến nay vẫn chưa được tặng danh hiệu gì”.

NINH NGUYỄN

Theo nhandan.com.vn

Các tin khác